{name} - {time}
Trong những năm gần đây, Sầm Sơn đang từng bước vươn lên, trở thành điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên so với tiềm năng mà thành phố (TP) đang có, sự phát triển hiện tại vẫn chưa tương xứng. Để “tiếp sức” đường dài cho TP vươn mình trở thành TP du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn vào năm 2030 và thành đô thị du lịch, vui chơi, giải trí độc đáo hàng đầu của cả nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành riêng cho TP Sầm Sơn một Nghị quyết.
Còn nhớ cách đây khoảng chục năm, ông Hoàng Khắc Nhu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn đã nói rằng, Sầm Sơn hoàn toàn có thể trở thành đô thị du lịch bốn mùa. Theo ông, ngoài dịch vụ tắm biển, Sầm Sơn có thể thu hút du khách vào những dịch vụ khác như nghỉ dưỡng, tập huấn thể thao, trải nghiệm mùa đông, khám phá cảnh quan từ những di tích, danh thắng hay những làng chài… Chỉ có như thế mới thu hút nhiều hơn du khách đến với Sầm Sơn, không chỉ tắm biển, mà còn nghỉ dưỡng với mức chi tiêu cao hơn. Mong muốn của ông cũng là mong muốn của nhiều lãnh đạo thị xã trước đây mà tôi từng diện kiến.
Có lần đưa chúng tôi đến một số cơ sở văn hóa trên địa bàn, ngang qua những làng chài ở Quảng Tiến, Quảng Vinh, một lãnh đạo UBND thị xã đã nói rằng, tài nguyên du lịch Sầm Sơn còn lớn lắm. Vấn đề là phải biết khai thác nó như thế nào. Mà để làm điều đó thì phải có sự đồng bộ và quyết tâm đủ lớn. Nhất là phải có một nền cơ chế rõ ràng hơn, sự hợp lực từ nhiều phía.
Nhìn ra hướng phát triển, nhưng cái khó cứ mãi “bó” chặt lấy cái khôn, Sầm Sơn dù được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện nhưng vẫn chưa trở thành một đô thị du lịch bốn mùa như mong muốn. Việc phụ thuộc vào dịch vụ tắm biển cũng như thiếu sản phẩm du lịch chủ lực đã tạo ra một thị trường du lịch thiếu ổn định và thiếu sức cạnh tranh, khiến cho thị xã một thời phải chịu những tai tiếng. Mà thực ra, điều đó cũng dễ hiểu, bởi thông thường ở những khu, điểm du lịch chịu sự chi phối của yếu tố mùa, vụ, nhiều người kinh doanh du lịch thường cho thấy tầm nhìn ngắn hạn trong kinh doanh, có những việc làm đi ngược lại lợi ích chung.
Một trong những điểm nhấn thể hiện bước tiến nhằm thoát khỏi cái “khó” ở Sầm Sơn đó chính là sự xuất hiện của một nhà đầu tư mạnh như Tập đoàn FLC. Năm 2015, sau 9 tháng khẩn trương thi công, nhà đầu tư này đã cùng với tỉnh, với TP biến vùng đầm lầy, phi lao và cát ở phía bắc thị xã thành khu resort 5 sao tầm cỡ và quy mô đứng đầu Bắc Trung Bộ, mang đến cho du khách không gian nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp và đồng bộ rộng tới 200 ha với tổng mức đầu tư 5.500 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục như sân golf 18 hố dạng links tiêu chuẩn quốc tế, khu biệt thự nghỉ dưỡng 5 sao FLC ResortSamson gần 100 phòng, khách sạn 5 sao và khu bungalow FLC HotelSamson gần 600 phòng cùng hơn 150 bể bơi trong nhà và ngoài trời, trong đó có bể bơi nước mặn lớn nhất Việt Nam rộng 5.100 m2, trung tâm hội nghị quốc tế 1.300 chỗ ngồi. Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn đã trở thành dự án hạ tầng du lịch lớn nhất ở thời điểm năm 2015 được đầu tư tại Thanh Hóa, đồng thời cũng là dự án có thời gian chuẩn bị và tiến độ thi công thuộc diện nhanh nhất triển khai trên địa bàn tỉnh.
Với sự ra đời của Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, bước đầu góp phần làm thay đổi diện mạo du lịch xứ Thanh, tạo cú hích chuyển dịch cơ cấu và thu hút đầu tư vào Sầm Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung. Tuy nhiên để Sầm Sơn thu hút nhiều hơn du khách quanh năm với mức chi tiêu cao hơn, thì cần phải có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư tầm cỡ với những dự án lớn hơn cung cấp nhiều dịch vụ ở phân khúc cao phù hợp nhu cầu ngày càng tăng của du khách.
Sau rất nhiều trăn trở, đổi mới trong cách quản lý dịch vụ du lịch, tăng cường kết cấu hạ tầng, nhất là từ khi thị xã được nâng cấp lên TP vào năm 2017, thì một hình hài mới hơn đã xuất hiện, lượng khách đến với Sầm Sơn nhiều hơn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia du lịch, thì Sầm Sơn phải có một cơ chế mang tính “đòn bẩy" đủ mạnh mới kích thích được sự tăng trưởng, khai thác được các lợi thế từ tiềm năng. Mà điều đó thì TP không thể tự mình quyết định được. TP cần phải có một sự quan tâm rất đặc biệt, đủ lớn cả về chủ trương lẫn kinh phí từ tỉnh, các ban, ngành trong tỉnh.
Với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và người dân TP, đến năm 2021, hình hài, dáng vóc của TP đã có sự khác biệt nhiều so với thời điểm trước khi được nâng cấp lên TP. Kinh tế tăng trưởng cao, bình quân đạt 16,8%/năm, quy mô giá trị sản xuất năm 2020 gấp 4,73 lần năm 2010; huy động vốn cho đầu tư phát triển năm 2020 gấp 10,5 lần năm 2010.
Tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Thành ủy TP Sầm Sơn Lương Tất Thắng cho biết: Giai đoạn 2016-2020,TP đã đón 22,53 triệu lượt khách, chiếm trên 50% tổng lượt khách du lịch toàn tỉnh. Hoạt động du lịch của TP đã có những đổi mới, từ công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, tuyên truyền, quảng bá, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đến tổ chức thực hiện. TP cũng đã tổ chức có hiệu quả nhiều sự kiện văn hóa, thể thao trên địa bàn, những lễ hội mới, đặc sắc, riêng có của Sầm Sơn như Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái, Lễ hội Carnival đường phố, lễ hội hoa... Những sự kiện này đã tạo ra hình ảnh mới, tăng sức hấp dẫn cho đô thị du lịch biển.
Cùng với đó, TP cũng đã chủ động kết nối và đề xuất, tham mưu cho tỉnh thu hút một số dự án du lịch tầm cỡ đến với Sầm Sơn, quy mô nhất phải kể đến Dự án Quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 25.000 tỷ đồng, hứa hẹn đem đến diện mạo mới, những tiện ích cao hơn cho TP sau khi hoàn thành.
Tuy nhiên như thế vẫn là chưa đủ, chưa tương xứng với tiềm năng của TP, sự kỳ vọng của tỉnh, mong muốn của du khách. TP vẫn còn nhiều dư địa, không gian để phát triển du lịch bốn mùa, dịch vụ du lịch ở những phân khúc cao hơn, có tính cạnh tranh mạnh mẽ hơn, đem lại nguồn thu lớn. Những hoạt động giàu tính giải trí được TP tổ chức trong những năm gần đây cũng như dịch vụ do doanh nghiệp du lịch cung cấp về cơ bản mới chỉ diễn ra trong mùa du lịch biển, đáp ứng tour du lịch ngắn ngày. Những tháng còn lại trong năm chưa có nhiều hoạt động thực sự tạo được dấu ấn thu hút du khách; cơ hội, tiềm năng, dù đã nhìn ra nhưng vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Theo một số chuyên gia du lịch trong quá trình khảo sát tại đây năm 2020, vấn đề quan trọng đặt ra cho Sầm Sơn là phải nâng cao được nhận thức của toàn xã hội về phát triển du lịch. Phải xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên vùng, liên ngành, xã hội hóa cao, mang nội dung văn hóa và nhân văn sâu sắc, đem lại hiệu quả nhiều mặt, có vai trò động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển, thì mới tạo ra được những xung lực mạnh thúc đẩy TP chuyển mình một cách thật sự mạnh mẽ. Mà điều đó thì chưa thể thực hiện ngay được, nhất là với Sầm Sơn, một đô thị du lịch dù đã có nhiều năm đi vào khai thác, nhưng tính đồng nhất trong nhận thức của cư dân chưa cao. Nhất là sau khi nâng cấp lên TP nhiều xã chuyển thành phường, nhiều khu vực nông nghiệp trở thành khu vực đô thị, dẫn đến sự tiếp cận của người dân với phong cách sống, giao tiếp, ứng xử, lề lối sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều bỡ ngỡ; quá trình vận hành quản lý đô thị cũng chưa thể trơn tru ngay được. Xét về cơ học, TP Sầm Sơn bây giờ đã là đơn vị hành chính lớn, nhưng để lớn về tư duy, lớn về tiềm lực, thực sự trở thành một đô thị năng động, thông minh, thì vẫn là đích hướng tới, đòi hỏi sự nỗ lực và chung sức của cả tỉnh.
Trong năm 2020, thời cơ đã đến với Sầm Sơn một cách rõ ràng hơn khi mà Nghị quyết số 58/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa XII, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển du lịch là mũi nhọn, trong đó du lịch Sầm Sơn là trọng điểm trong bức tranh du lịch của tỉnh. Tỉnh sẽ tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, trong đó có trung tâm động lực TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn.
Để giải bài toán với nhiều “điểm nghẽn” này TP cần có một Nghị quyết riêng, từ đó thể chế hóa thành chương trình hành động cụ thể để làm cơ sở huy động các nguồn lực cho sự phát triển mạnh mẽ của TP. Trước những vấn đề đặt ra, ngày 26-11-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại Nghị quyết này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá quy mô kinh tế của TP Sầm Sơn còn nhỏ, phát triển chưa bền vững, tăng trưởng chủ yếu phụ thuộc vào đầu tư và khai thác quỹ đất; năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế và các sản phẩm không cao, dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai, dịch bệnh... Dịch vụ và du lịch phát triển chưa mạnh, chưa xứng tầm của đô thị du lịch trọng điểm; du lịch vẫn mang tính mùa vụ, chất lượng dịch vụ và năng lực đón khách quốc tế, khách cao cấp còn hạn chế; sản phẩm du lịch chưa phong phú. Hạ tầng đô thị, nhất là các khu dân cư cũ còn nhiều bất cập, yếu kém. Công tác quản lý quy hoạch, đô thị, đất đai còn nhiều tồn tại, chưa được giải quyết dứt điểm. Việc xây dựng hình ảnh Sầm Sơn và nét đẹp văn hóa người Sầm Sơn chưa thấm sâu vào đời sống xã hội. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp uỷ, chính quyền các cấp trên một số mặt còn hạn chế.
Nghị quyết cũng chỉ rõ nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của TP chính ở nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của Sầm Sơn cũng như các giá trị của văn hóa du lịch còn hạn chế. TP chưa quan tâm đúng mức gắn phát triển kinh tế với xây dựng và phát triển văn hóa. Công tác lãnh, chỉ đạo của Thành ủy, quản lý, điều hành của UBND TP có mặt còn thiếu quyết liệt. Năng lực dự báo và khả năng khắc phục, giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn hạn chế. Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Trong bối cảnh xu hướng phát triển du lịch nhiều đổi mới sáng tạo như hiện nay, nếu TP không hành động quyết liệt, kịp thời, thì du lịch Sầm Sơn sẽ tụt hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của TP và cả tỉnh.
Quan điểm mà Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu ra đó là đến năm 2030 xây dựng và phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế; đẩy mạnh phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp - thủy sản phục vụ du lịch; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và văn minh đô thị; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; quốc phòng - an ninh được giữ vững; các tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện.
Để hiện thực mục tiêu đề ra, trước mắt TP phải xác định rõ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong phát triển du lịch thời gian qua, đối chiếu với quan điểm và 10 nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đề ra, để cụ thể thành những đề án, chương trình, việc làm. Đặc biệt, phải hóa giải được những thách thức từ dịch bệnh COVID-19, coi khó khăn hiện tại là khoảng thời gian cho TP nhìn nhận lại quá trình phát triển, khắc phục những bất cập, điểm yếu, để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới cao hơn.Về lâu dài, cần đẩy mạnh quảng bá thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế, triển khai mạnh các giải pháp thu hút nhà đầu tư; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các hoạt động và sản phẩm du lịch. Doanh nghiệp du lịch trên địa bàn ngoài việc tiếp tục thực hiện các chương trình quảng bá, khuyến mãi, cần xây dựng các sản phẩm du lịch mới để du khách có nhiều lựa chọn. Việc tạo ra sản phẩm du lịch mới không chỉ dựa trên điều kiện, tiềm năng sẵn có của thành phố, mà cần tìm ra xu hướng du lịch mới phù hợp tâm lý, sở thích của du khách.
Với việc ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, cho thấy Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các sở, ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm đến TP, nhìn ra dư địa phát triển cũng như trăn trở, khát vọng của TP. Thông qua Nghị quyết và sự thể chế hóa tiếp theo, tỉnh và các ngành mong muốn cùng TP sớm tháo gỡ, hóa giải được những “nút thắt”, “điểm nghẽn”, để sớm đưa Sầm Sơn trở thành một trọng điểm du lịch quốc gia, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh, cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nội dung: Việt Ba
Ảnh: Tư liệu
Đồ họa: Mai Huyền
Xuất bản: 0:20:02:2022:16:19
{name} - {time}