(Baothanhhoa.vn) - Xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu, khách quan và có tính bao trùm trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, làm tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược về chuyển đổi số

Xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu, khách quan và có tính bao trùm trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, làm tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược về chuyển đổi số

Khai trương thử nghiệm phát sóng 5G và Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Đông

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành các nghị quyết, chỉ thị về CĐS, như: Nghị quyết về công tác CĐS đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; chỉ thị về tăng cường chỉ đạo thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh; quyết định giao chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến cho các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện; Bộ tiêu chí mô hình CĐS cấp huyện, cấp xã và giao chỉ tiêu hoàn thành CĐS cho UBND cấp huyện, cấp xã đến năm 2025,... góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh.

Hạ tầng số được quan tâm đầu tư phát triển hiện đại, đồng bộ, thông suốt giữa cấp ủy, chính quyền các cấp và trong nội bộ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đảm bảo các điều kiện để triển khai nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cụ thể, hạ tầng viễn thông, internet được phủ sóng đến 4.354/4.357 thôn, bản; mạng băng thông rộng cố định được triển khai đến 4.337/4.357 thôn, bản với 9.444 trạm BTS được lắp đặt phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn; tỷ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động đạt 99,7%; hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan, đơn vị tiếp tục được quan tâm đầu tư từ cấp tỉnh đến cấp xã nhằm phục vụ tốt công tác chuyên môn, CĐS, đảm bảo 100% các đơn vị đã có mạng LAN, các máy tính được kết nối mạng internet băng thông rộng; 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được trang bị máy vi tính.

Thực hiện trao đổi và xử lý văn bản, hồ sơ liên thông trên môi trường mạng giữa các cơ quan khối Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cả 3 cấp trên nền tảng tích hợp dữ liệu của tỉnh (trục LGSP) và kết nối liên thông với quốc gia đã đưa Thanh Hóa trở thành địa phương đầu tiên thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh cung cấp 159 dịch vụ công mức độ 3 và 716 dịch vụ công mức độ 4; tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 815 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa của tỉnh tiếp nhận 917.255 hồ sơ; xử lý 882.473 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn đạt 97,94%; tỷ lệ trung bình mức độ 3, mức độ 4 vượt chỉ tiêu được giao... Hơn 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Cùng với đó, trên cơ sở từng bước hoàn thiện Cổng dữ liệu mở của tỉnh, các cơ quan, đơn vị kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung của 40 cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, đồng thời công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan chính quyền.

Xác định bảo đảm an toàn, an ninh mạng là yếu tố then chốt, mang tính “sống còn”, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đầu tư hạ tầng, thiết bị và công nghệ như hệ thống phòng chống mã độc tập trung cho toàn tỉnh, phát hành các bản tin an toàn thông tin, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về an toàn thông tin trong CĐS; thực hiện “chiến dịch 40 ngày đêm” hoàn thành thẩm định, phê duyệt hồ sơ cấp độ an toàn thông tin cho 48 cơ quan Nhà nước cấp tỉnh cấp huyện, 559 UBND cấp xã và gần 1.600 đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược về chuyển đổi số

Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Tống Hương

Trong năm 2022, Thanh Hóa có 94 xã, phường, thị trấn đang thực hiện hoàn thành các tiêu chí trong mô hình CĐS cấp xã; 22.673 doanh nghiệp đã tiếp cận, tham gia và từng bước ứng dụng có hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiến hành đào tạo, tập huấn kiến thức về CĐS cho 100% ban chỉ đạo CĐS, tổ giúp việc ban chỉ đạo CĐS các cấp và kỹ năng số cho 4.688 thành viên của 4.233 tổ công nghệ số cộng đồng, 890 học viên là cán bộ, công chức cấp xã. Tổ chức tập huấn, tư vấn các mô hình, nền tảng về CĐS trong hoạt động, sản xuất, kinh doanh cho hơn 2.000 lượt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Thời gian tới, để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu được đề ra trong Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10-11-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thanh Hóa tập trung thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó, xác đinh các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đó là: Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản pháp luật theo quy định về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS trên địa bàn tỉnh. Tập trung nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ và mở rộng kết nối, tăng cường công tác giám sát, kiểm soát truy cập nhằm bảo đảm ổn định, thông suốt cho hạ tầng số để phục vụ xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Cùng với đó, xác định năm 2023 là năm về Dữ liệu số, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai kế hoạch phát triển dữ liệu và phát triển nhân lực dữ liệu; duy trì vận hành có hiệu quả Cổng dữ liệu mở của tỉnh để các cơ quan, đơn vị kết nối, chia sẻ các dữ liệu dùng chung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và công khai, minh bạch thông tin.

Ngoài ra, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục các nền tảng số ưu tiên; tập trung triển khai và đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng có khả năng kết nối liên thông, liên kết, mang lại hiệu quả triển khai trong phát triển chính quyền số, doanh nghiệp số. Đồng thời, tiếp tục triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện CĐS, phát triển kinh tế - xã hội như thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chữ ký số cá nhân, sử dụng dịch vụ số thiết yếu phục vụ cuộc sống... Triển khai có hiệu quả chương trình đánh giá xác định chỉ số mức độ CĐS doanh nghiệp trên địa bàn và kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS theo Chương trình số 54/CTr-UBND ngày 3-3-2022 của Chủ tịch UBND tỉnh... Phấn đấu năm 2023 Thanh Hóa sẽ có 30% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Một mùa xuân mới đã về trên quê hương, với tinh thần “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả”, tin tưởng Thanh Hóa sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ CĐS trên địa bàn tỉnh, sớm đưa Thanh Hóa cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

ThS. Đỗ Hữu Quyết

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa


ThS. Đỗ Hữu Quyết

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]