(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về con người, điều kiện hạ tầng số, kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số (CĐS)... tuy nhiên, với quyết tâm cao, các huyện miền núi Thanh Hóa đang nỗ lực thực hiện CĐS, hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền và mang lại cuộc sống tiện ích, tốt đẹp hơn cho người dân.

Chuyển đổi số ở vùng cao

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về con người, điều kiện hạ tầng số, kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số (CĐS)... tuy nhiên, với quyết tâm cao, các huyện miền núi Thanh Hóa đang nỗ lực thực hiện CĐS, hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền và mang lại cuộc sống tiện ích, tốt đẹp hơn cho người dân.

Chuyển đổi số ở vùng cao

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Quan Sơn.

Hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật nền hành chính công là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính được huyện Bá Thước tập trung chỉ đạo thực hiện, bởi đây là bước đệm để xây dựng chính phủ điện tử tiến tới xây dựng chính quyền số. Do đó, 9 tháng năm 2022, nhiệm vụ hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật nền hành chính công tại Bá Thước đã đạt nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Đến nay, hệ thống đường truyền viễn thông, internet tốc độ cao đã được phủ rộng trên toàn huyện; 100% cán bộ, công chức cấp huyện và trên 90% cán bộ cấp xã đã được trang bị máy tính sử dụng trong công việc; 100% cơ quan Nhà nước đã đầu tư hệ thống mạng nội bộ (LAN); 99% máy tính của cán bộ, công chức được kết nối tốc độ cao (trừ các máy tính liên quan đến dữ liệu mật); 100% cơ quan Nhà nước đã có cổng/trang thông tin điện tử; 100% các cơ quan hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn huyện đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành tích hợp chữ ký số, kết nối liên thông giữa các đơn vị trong tỉnh; toàn huyện có 1 phòng họp trực tuyến cấp huyện, 3 hội trường có thiết bị kết nối với phòng họp trực tuyến phục vụ các cuộc họp trực tuyến số lượng lớn, 21/21 xã, thị trấn có phòng họp trực tuyến.

UBND huyện Bá Thước cũng đã duy trì hoạt động hiệu quả các phần mềm dùng chung, như: Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, theo dõi nhiệm vụ, thư điện tử công vụ, một cửa điện tử... được triển khai tập huấn và tiến hành đưa vào áp dụng đạt hiệu quả cao; 99% văn bản được thực hiện trên môi trường mạng, trao đổi giữa UBND huyện và UBND xã đều thực hiện ký số. Bên cạnh đó, huyện Bá Thước đã tập trung xây dựng các nền tảng dữ liệu tích hợp, liên thông, dùng chung, từng bước xây dựng hạ tầng chính quyền số, hoàn tất xây dựng trục liên thông văn bản với tỉnh, hoàn thành xây dựng cổng thông tin điện tử 2 cấp, tích hợp cổng thông tin, trang thông tin điện tử của UBND các xã, thị trấn.

Các ứng dụng phục vụ người dân như: dịch vụ công trực tuyến; phần mềm quản lý người có công, bảo trợ xã hội, hộ tịch, tra cứu văn bản quy phạm pháp luật, AutoCAD, quản lý đất đai, TABMIS, quản lý dự án, hệ thống thư điện tử Edu... được đưa vào thực hiện. Đồng thời, triển khai hiệu quả các ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế số, như: Đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương lên sàn thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến, định vị các cửa hàng mua sắm trên bản đồ số... và các dịch vụ công trực tuyến tại các cơ quan, đơn vị, phần mềm đăng ký khám, chữa bệnh...

Ông Trương Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước, cho biết: CĐS đã giúp tăng hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, mở rộng sự kết nối liên thông giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và phục vụ công dân, doanh nghiệp. Huyện Bá Thước đang nỗ lực thực hiện CĐS, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và sự phát triển của doanh nghiệp, tạo ra giá trị tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội số an toàn, hiện đại, đảm bảo an toàn, an ninh mạng gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần đưa Bá Thước trở thành huyện có kinh tế - xã hội phát triển.

Đối với huyện Quan Sơn, đặt mục tiêu CĐS tổng thể và toàn diện từ cơ quan Nhà nước, đến người dân, doanh nghiệp về phương thức sản xuất, đời sống sinh hoạt, cách thức lao động dựa trên công nghệ số; phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm khá của 11 huyện miền núi, đến năm 2030 là một trong những huyện đứng đầu của 11 huyện miền núi về CĐS; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao các chỉ số về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện Quan Sơn đã xây dựng kế hoạch thực hiện CĐS huyện Quan Sơn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 đồng thời ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10-11-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ông Lê Văn Thơ, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Sơn, cho biết: Bước đầu thực hiện CĐS, huyện Quan Sơn gặp không ít khó khăn, thách thức, tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đề ra, huyện Quan Sơn đã thành lập 94 tổ công nghệ số cộng đồng, các tổ tham gia cập nhật, nâng cao nhận thức về CĐS, kỹ năng sử dụng các nền tảng số, đồng thời hướng dẫn người dân về các vấn đề liên quan công nghệ số theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; đối với cấp huyện, tổ chức hướng dẫn mô hình CĐS cấp huyện, cấp xã thực hiện hướng dẫn mô hình CĐS cấp xã; phòng văn hóa – thông tin phối hợp với VNPT huyện Quan Sơn xuống tận các xã, thị trấn tập huấn, “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các phần mềm để từ đó người dân dễ bắt nhịp CĐS hơn.

Anh Thao Văn Dính, công chức văn hóa UBND xã Na Mèo, cho biết: Trên thực tế, không ít người dân sau khi bắt nhịp được với CĐS đã nhận thấy rõ những thay đổi, thuận lợi so với cuộc sống trước kia. Để thu hút Nhân dân ứng dụng CĐS, xã Na Mèo đang tiếp tục phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Sơn tập huấn cho cán bộ, người dân về CĐS; đặc biệt là hướng dẫn cho lực lượng nòng cốt là thanh niên, các tổ công nghệ số cộng đồng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân để người dân bắt nhịp, hòa nhập, thúc đẩy CĐS ngày càng hiệu quả hơn.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế - xã hội, cơ cấu chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, hạ tầng phục vụ cho CĐS còn nhiều khó khăn, hạn chế... Song, với quyết tâm từng bước tháo gỡ khó khăn, nỗ lực CĐS vì sự phát triển bền vững, các huyện miền núi Thanh Hóa đang từng bước đưa CĐS vào trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển hạ tầng số rộng khắp, hiện đại, phổ cập điện thoại thông minh tới người dân, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển... góp phần mang lại cuộc sống tiện ích, hiện đại cho người dân.

Bài và ảnh: Linh Hương


Bài và ảnh: Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]