(Baothanhhoa.vn) - Chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục đang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ. Tại Trường Mầm non Hoa Sen (Triệu Sơn), việc ứng dụng công nghệ số giúp tối ưu hóa công tác quản lý, nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời tăng cường kết nối giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh.

Chuyển đổi số ở Trường Mầm non Hoa Sen

Chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục đang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ. Tại Trường Mầm non Hoa Sen (Triệu Sơn), việc ứng dụng công nghệ số giúp tối ưu hóa công tác quản lý, nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời tăng cường kết nối giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh.

Chuyển đổi số ở Trường Mầm non Hoa Sen

Một tiết học của cô, trò Trường Mầm non Hoa Sen (Triệu Sơn).

Với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, CĐS tác động sâu rộng, bao trùm lên mọi vấn đề giáo dục, đặt ra yêu cầu phải thay đổi toàn diện trong quản lý và dạy học ở các cấp học. Để tạo sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh nhà trường trong việc đẩy mạnh CĐS trong hoạt động giáo dục của nhà trường, Ban Giám hiệu Trường Mầm non Hoa Sen đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên và phụ huynh học sinh về CĐS.

Cùng với đó, nhà trường đã trang bị tivi thông minh cho tất cả các lớp, phủ sóng wifi trong toàn trường tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Tuy nhiên, thời gian đầu khi mới bắt tay vào thực hiện CĐS cách đây khoảng gần 5 năm, nhiều giáo viên của nhà trường còn yếu kỹ năng công nghệ thông tin (CNTT), chưa thành thạo sử dụng nhiều phần mềm mới để hỗ trợ trong giảng dạy và kiểm tra, đánh giá; cơ sở dữ liệu của nhà trường còn quản lý rời rạc trên nhiều hệ thống, chưa có một phần mềm chung để quản lý toàn bộ quy trình, hoạt động của nhà trường... Do đó, nhà trường đã phối hợp với các đơn vị viễn thông, đơn vị cung cấp phần mềm tập huấn cho toàn thể giáo viên sử dụng thành thạo các phần mềm cơ sở dữ liệu ngành, vnEdu, SMAS, phần mềm tập huấn bồi dưỡng thường xuyên của Bộ Giáo dục: http://taphuan.csdl.edu.vn; sử dụng zalo, facebook, SMS để chuyển tải, truyền đạt nội dung thông tin đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh; các phần mềm ứng dụng trong dạy học, kiểm tra, đánh giá như: các phần mềm tạo và trình chiếu bài giảng điện tử, các ứng dụng Google Form...

Cô giáo Hà Thị Cẩm Thu, giáo viên Trường Mầm non Hoa Sen chia sẻ: “Trước đây, sau khi soạn giáo án xong, chúng tôi phải in, đóng quyển để nộp nên mất nhiều thời gian. Nhưng từ khi sử dụng các phần mềm, sau khi soạn xong, chúng tôi chỉ cần ký số rồi gửi lãnh đạo phê duyệt nên rất thuận lợi, nhanh chóng. CĐS trong giáo dục mầm non cũng khiến cho việc thực hiện công tác chuyên môn của chúng tôi trở nên thú vị hơn bằng việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Đơn cử như trong tiết kể truyện, chúng tôi không cần phải lật từng trang rồi kể cho các con nghe mà thay vào đó sẽ là làm video bằng hình ảnh và thu âm trực tiếp giọng kể của mình rồi trình chiếu khiến các con vô cùng thích thú”.

CĐS trong trường học cũng giống như ở bất kỳ ngành nghề nào khác, vai trò của người đứng đầu là vô cùng quan trọng. Tại Trường Mầm non Hoa Sen, phong trào ứng dụng CNTT trong hoạt động giảng dạy, CĐS trong hoạt động quản lý được ban giám hiệu nhà trường chú trọng triển khai, yêu cầu tất cả cán bộ, giáo viên đồng lòng thực hiện.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen Lê Thị Nga chia sẻ: “Hiện nay, 100% giáo viên có máy tính cá nhân phục vụ công việc và soạn giảng trên phần mềm; gần 50% giáo viên có kỹ năng thiết kế các bài giảng trên phần mềm và làm các “phóng sự” dưới dạng video để trình chiếu... Việc ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp tối ưu hóa công tác quản lý, nâng cao chất lượng giảng dạy, tăng cường kết nối giữa nhà trường, giáo viên, phụ huynh... mà còn hỗ trợ, giúp trẻ tiếp cận với nhiều “tài nguyên" học tập khác nhau hoặc sử dụng các trò chơi giáo dục để trẻ phát triển các kỹ năng mới...”.

Để có được đội ngũ “đều tay” trong việc ứng dụng CNTT, CĐS trong hoạt động giáo dục của nhà trường, cô Lê Thị Nga chia sẻ thêm: “Nhà trường đã thành lập các tổ chuyên môn giỏi CNTT, sau đó, mỗi thành viên của tổ này chịu trách nhiệm hướng dẫn cho từ 2 - 3 giáo viên. Có nhiều trưa không nghỉ, các cô lại tranh thủ hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” cho nhau”, giúp nhau cùng tiến bộ. Bên cạnh đó, thông qua việc sử dụng phần mềm quản lý giáo dục, nhà trường có thể tổ chức và lưu trữ thông tin về học sinh, giáo viên, hồ sơ học tập và kết quả đánh giá một cách tiện lợi và an toàn”.

Với việc chủ động học tập, nâng cao kỹ năng số để ứng dụng hiệu quả trong giảng dạy, sáng tạo trong việc thiết kế hoạt động giáo dục sử dụng công nghệ, giúp trẻ tiếp cận công nghệ một cách phù hợp với độ tuổi... là bước tiến quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại số, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đưa Trường Mầm non Hoa Sen trở thành điểm sáng của ngành giáo dục huyện Triệu Sơn.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]