Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII
Sáng 12/12, tại Trung tâm hội nghị 25B (TP Thanh Hóa), HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 17.
Toàn cảnh kỳ họp.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII.
Xem xét và quyết nghị nhiều nội dung
Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ.
Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII nghe, thảo luận và thông qua các báo cáo gồm: Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024; Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, 11 và 14, HĐND tỉnh khóa XVIII; Thông báo của Ủy ban MTTQ tỉnh về công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII; Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV; Báo cáo của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh về tình hình tội phạm và công tác kiểm sát năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024; Báo cáo của Tòa án Nhân dân tỉnh về công tác xét xử, thi hành án hình sự năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024; Báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh về kết quả công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024; Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về hoạt động chất vấn, các kết luận của Thường trực HĐND tỉnh sau giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay; các báo cáo kết quả giám sát của các Ban HĐND tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh dự phiên khai mạc kỳ họp.
Tại kỳ họp, các đại biểu cũng sẽ xem xét quyết định 35 tờ trình của UBND tỉnh về những vấn đề liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, chủ trương đầu tư các dự án...; các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh.
HĐND tỉnh tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu; tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự kỳ họp.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Với tinh thần “Tích cực, chủ động, linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả”, từ đầu năm 2023 đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 1 kỳ họp thường kỳ và 4 kỳ họp chuyên đề, thông qua 99 nghị quyết, để kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành cơ chế, chính sách của địa phương. Các nghị quyết được thông qua đã và đang phát huy hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh.
Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII là kỳ họp thường lệ cuối năm có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, bảo đảm cho sự ổn định, đổi mới, phát triển của tỉnh năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025.
Để tổ chức kỳ họp lần này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị nội dung, chương trình kỳ họp; Thường trực HĐND, UBND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, các ngành có liên quan đã tích cực, chủ động phối hợp chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ kỳ họp. Công tác thẩm tra đối với các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp đã được thực hiện nghiêm túc. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã gửi các tài liệu kỳ họp bằng văn bản điện tử trước để các đại biểu tự nghiên cứu.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc kỳ họp.
Với trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, với kinh nghiệm, tri thức và bản lĩnh đã được tích lũy, rèn luyện qua nửa nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa XVIII, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu Nhân dân; phát huy dân chủ, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng đối với các nội dung của kỳ họp; chất vấn đúng và trúng các vấn đề mà cử tri quan tâm, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự kỳ họp.
Trong thời gian diễn ra Kỳ họp, HĐND tỉnh tổ chức đường dây điện thoại trực tuyến để tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của cử tri. Đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh - truyền hình tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để chuyển tải kịp thời, đầy đủ, chính xác các hoạt động tại nghị trường đến cử tri và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế chủ yếu hoàn thành vượt kế hoạch và tăng khá
Các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa, điều hành kỳ họp.
Dưới sự chủ tọa của các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trình bày báo cáo tóm tắt hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024
Báo cáo tóm tắt nêu rõ: Mặc dù còn nhiều yếu tố tác động bất lợi đến thực hiện nhiệm vụ năm 2023; song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua khó khăn và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật là, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng hoàn thành vượt kế hoạch và tăng khá so với cùng kỳ.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh dự phiên khai mạc kỳ họp.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,01%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,16%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,67% (công nghiệp tăng 10,73%), khu vực dịch vụ tăng 7,19% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,22%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 ước tăng 4,87%; một số cơ sở sản xuất công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng cao so với cùng kỳ, như: điện sản xuất tăng 77,5%, thức ăn gia súc tăng 12,8%, giầy thể thao tăng 6,2%... Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt trên 40.310 tỷ đồng, vượt 14,1% dự toán giao. Ngành du lịch ước đón 12,35 triệu lượt khách, vượt 3% kế hoạch, tăng 11,9% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 616 nghìn lượt, gấp 2,5 lần...
Các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII dự kỳ họp.
Hệ thống thể chế được quan tâm chỉ đạo hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai. Hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt nhiều kết quả tích cực; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; nhiều dự án lớn, trọng điểm đã hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác, sử dụng.
Các đại biểu lãnh đạo các sở, ngành dự kỳ họp.
Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực; giáo dục mũi nhọn được duy trì; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia vượt kế hoạch; các chính sách an sinh xã hội, chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Nhiều chỉ số phản ánh về cải cách hành chính, quản trị hành chính công của tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ 9 khó khăn, hạn chế và nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế. Báo cáo cũng đã nêu lên mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu; những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Tập trung giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri
Tiếp đó, đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, 11 và 14, HĐND tỉnh khóa XVIII.
Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, 11 và 14, HĐND tỉnh khóa XVIII.
Báo cáo nêu rõ: Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 7, 11 và 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tập trung giải quyết những vấn đề cử tri đã kiến nghị về lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, khoáng sản, môi trường; về lĩnh vực quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đô thị; về cơ chế, chính sách...
Trong đó, cử tri huyện Vĩnh Lộc đề nghị tỉnh xem xét thu hồi diện tích đất nông nghiệp trong vùng Di sản Thành Nhà Hồ (được Ban quản lý Thành Nhà Hồ mượn để khai quật, khảo cổ). Sau khi trả lại mặt bằng cho Nhân dân sản xuất, canh tác gặp nhiều khó khăn. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Vĩnh Lộc chủ trì, phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ và các đơn vị có liên quan tổ chức làm việc trực tiếp với các hộ gia đình, cá nhân để chủ động giải quyết các khó khăn trong quá trình sản xuất nông nghiệp tại khu vực nêu trên theo thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh những vấn đề vượt thẩm quyền; trường hợp các hộ gia đình, cá nhân không còn nhu cầu sử dụng đất, UBND huyện Vĩnh Lộc hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân có văn bản trả lại đất và thực hiện trình tự thu hồi đất khi người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 65 Luật đất đai năm 2013.
Các đại biểu lãnh đạo các sở, ngành dự kỳ họp.
Cử tri huyện Quan Hóa kiến nghị với UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện và cấp phép khai thác các mỏ cát trên tuyến sông Luồng huyện Quan Hóa để đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng phục vụ công trình đầu tư công, xây dựng nông thôn mới và nhu cầu của ngươi dân Quan Hóa. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Quan Hóa kiểm tra, rà soát sự phù hợp của khu vực mỏ với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất huyện Quan Hóa được UBND tỉnh phê duyệt, báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để xem xét, tham mưu UBND tỉnh đưa khu vực mỏ vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đảm bảo theo quy định.
Đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII và lãnh đạo các sở, ngành dự kỳ họp.
Cử tri huyện Như Thanh đề nghị tỉnh đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường 505B, hiện tuyến đường này đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục tăng cường công tác quản lý bảo dưỡng thường xuyên, khắc phục sửa chữa kịp thời các hư hỏng của công trình và thực hiện công tác đảm bảo giao thông trên tuyến; đồng thời, giao Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo UBND tỉnh đầu tư nâng cấp tuyến đường khi có điều kiện về nguồn vốn...
Gửi gắm niềm tin vào kỳ họp
Tiếp đó, đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã trình bày Thông báo của Ủy ban MTTQ tỉnh về công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII.
Các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII tham dự kỳ họp.
Theo đó, năm 2023 Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với chính quyền cùng cấp chủ trì tổ chức 8.390 hội nghị để đại biểu dân cử tiếp xúc cử tri theo quy định của pháp luật tại các đơn vị bầu cử; tiếp 2.132 lượt công dân, tiếp nhận 790 đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Hoạt động giám sát của MTTQ các cấp được triển khai thực hiện bảo đảm theo kế hoạch đề ra, đi vào nền nếp, có chất lượng; trong đó đã chủ trì tổ chức 1.515 cuộc giám sát; tham gia phối hợp 1.048 cuộc giám sát với các cơ quan có thẩm quyền. Hoạt động phản biện xã hội ngày càng chủ động, thiết thực và hiệu quả.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trình bày Thông báo của Ủy ban MTTQ tỉnh về công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Cử tri và Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo và hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 trên địa bàn tỉnh tiếp tục có bước phát triển, đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII dự kỳ họp.
Cử tri gửi ý kiến, kiến nghị đến Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII đó là: Đề nghị HĐND, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền trong tỉnh, nhất là khu vực miền núi; đẩy mạnh công nghệ cao, thúc đẩy các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng khả năng cạnh tranh của nông dân, hàng hóa trên thị trường.
Đề nghị tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ; tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn trả các tuyến tỉnh lộ, tuyến đường dân sinh bị hư hỏng do thi công dự án cao tốc tại một số địa phương; quan tâm đầu tư, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn các huyện. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; có giải pháp phù hợp, thứ tự ưu tiên tăng nguồn phí đầu tư, tôn tạo, bảo tồn, chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh...
Đồng chí Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Tiếp đó, đồng chí Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Theo đó, sau 22,5 ngày làm việc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Quốc hội đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác; lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước.
Các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII dự kỳ họp.
Tại kỳ họp, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia đầy đủ các phiên họp, thực hiện nghiêm túc nội quy kỳ họp, tích cực nghiên cứu tài liệu và phát biểu tại các phiên thảo luận; trong đó có 15 lượt ý kiến thảo luận trực tiếp tại hội trường và 17 lượt ý kiến tại các phiên thảo luận tại tổ.
Các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII tham dự kỳ họp.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có 3 ý kiến chất vấn, 3 ý kiến tranh luận. Các ý kiến phát biểu của ĐBQH và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh đều được các cơ quan báo chí của Trung ương, của tỉnh đưa tin kịp thời.
Thực hiện tốt công tác kiểm sát, xét xử, thi hành án
Tại kỳ họp, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lê Văn Đông đã trình bày báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh về tình hình tội phạm và công tác kiểm sát năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024.
Đồng chí Lê Văn Đông, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh trình bày báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh về tình hình tội phạm và công tác kiểm sát năm 2023.
Theo đó, năm 2023 tổng số tố giác, tin báo về tội phạm là 3.563 tin; đã giải quyết 2.919 tin, tạm đình chỉ 214 tin. Viện Kiểm sát Nhân dân hai cấp thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 3.478 vụ án hình sự, 6.209 bị can, trong đó khởi tố mới 2.528 vụ, 4.788 bị can. Cơ quan điều tra đã giải quyết 2.608 vụ, 4.772 bị can; kết thúc điều tra đề nghị truy tố 2.257 vụ, 4.615 bị can, đạt tỷ lệ 86,5%...
Các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII dự kỳ họp.
Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thị Nga trình bày báo cáo của Tòa án Nhân dân tỉnh về công tác xét xử, thi hành án hình sự năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Đồng chí Nguyễn Thị Nga, Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh trình bày báo cáo của Tòa án Nhân dân tỉnh về công tác xét xử, thi hành án hình sự năm 2023.
Theo đó, tổng số vụ việc sơ thẩm và phúc thẩm của TAND hai cấp tỉnh Thanh Hóa phải giải quyết là 13.187 vụ việc các loại (gồm các vụ án hình sự; các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, tuyên bố phá sản, lao động; các vụ án hành chính và việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án). Trong đó, đã giải quyết 12.041 vụ việc các loại; tỷ lệ giải quyết chung đạt 91,3%. Số vụ việc còn lại hầu hết mới thụ lý, đang được Tòa án giải quyết theo đúng luật định.
Tiếp đó, Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Hoàng Văn Truyền trình bày báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024.
Đồng chí Hoàng Văn Truyền, Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh trình bày báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2023.
Theo đó, tổng số việc phải thi hành là 20.489 việc; trong đó có điều kiện thi hành là 16.660 việc (chiếm 81,31%); số chưa có điều kiện là 3.736 việc; số hoãn, tạm đình chỉ là 93 việc. Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 14.505 việc, đạt tỷ lệ 87,06%. Tổng số tiền phải thi hành là 2.460 tỷ 424 triệu đồng...
Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã trình bày Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về hoạt động chất vấn, các kết luận của Thường trực HĐND tỉnh sau giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay.
Đồng chí Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Theo báo cáo, thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về hoạt động chất vấn, Kết luận của Thường trực HĐND tỉnh sau giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các kế hoạch thực hiện, triển khai đến các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc thực hiện; tổ chức các đoàn liên ngành, tổ công tác, đoàn kiểm tra để rà soát, kiểm tra việc thực hiện. UBND cấp huyện, cấp xã phần lớn đã ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện các kiến nghị của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh.
Các đại biểu HĐND tỉnh dự kỳ họp.
Đến thời điểm giám sát, theo báo cáo của UBND tỉnh tất cả các kiến nghị đã và đang thực hiện, không có kiến nghị chưa thực hiện; chất lượng thực hiện một số kiến nghị đạt và vượt kế hoạch đề ra (các chỉ tiêu theo nhiệm kỳ). Sản xuất nông nghiệp phát triển đúng hướng, tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 3 năm (2021-2023) đạt 3,85%/năm; cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản có nhiều chuyển biến tích cực.
Công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản được tăng cường. Các nội dung cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, các chỉ số PAPI, SIPAS, PAR INDEX của tỉnh xếp trong nhóm dẫn đầu cả nước...
Kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật
Đồng chí Lê Quang Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trình bày báo cáo của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý đất công, gắn với quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2022.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lê Quang Hùng trình bày báo cáo của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh.
Theo báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất của tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị của các huyện, thị xã, thành phố. Trên cơ sở phương án được phê duyệt, các đơn vị đã và đang trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án cụ thể xử lý từng tài sản nhà, đất. Một số cơ sở nhà, đất đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án cụ thể, đã và đang triển khai thực hiện, như: Công sở UBND thị trấn Thọ Xuân đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Quyết định số 518/QĐ-UBND ngày 28/1/2022; sân vận động và nhà, đất trụ sở UBND thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước điều chuyển cho Trung tâm Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện...
Trong thời gian chờ quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh, các địa phương đưa vào sử dụng một số cơ sở nhà, đất phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhiều trụ sở, nhà văn hóa của các xã dôi dư đã tạm trưng dụng, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị để làm khu cách ly, điều trị COVID-19 cho Nhân dân trong thời gian dịch diễn biến phức tạp. Một số cơ sở nhà, đất đã tạm thời bàn giao cho đơn vị mới quản lý, sử dụng, như: Huyện Hoằng Hóa có 4 trụ sở của các xã Hoằng Xuân, Hoằng Xuyên, Hoằng Sơn, Hoằng Phúc, sau sáp nhập không còn nhu cầu sử dụng, được UBND tỉnh phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng, hiện đang bố trí tạm thời làm nơi làm việc cho công an xã; huyện Hà Trung đã chuyển đổi công năng trụ sở làm việc HĐND và UBND xã Hà Yên, Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Hà Lâm thành trường mầm non; huyện Lang Chánh tạm thời bàn giao trụ sở UBND thị trấn cho khối đoàn thể sử dụng làm trụ sở cơ quan.
Nhiều công sở, nhà văn hóa đã được sử dụng làm nơi làm việc của Công an xã, Ban CHQS xã, nhà trực dân quân, khu phòng chống lụt bão, làm trụ sở của đơn vị sự nghiệp. Nhiều nhà văn hóa thôn, bản, khu phố dôi dư sau sáp nhập thôn được giữ lại tiếp tục sử dụng phục vụ sinh hoạt cụm dân cư, sinh hoạt của các câu lạc bộ người cao tuổi, thanh thiếu niên.
Nhiều sân vận động cấp xã được giữ lại tiếp tục sử dụng để phục vụ hoạt động thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ của người dân địa phương. Một số cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt phương án xử lý cụ thể đã được các địa phương bảo vệ, bảo quản để chống xuống cấp...
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Tiến trình bày báo cáo của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã trình bày báo cáo của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và tha tù trước thời hạn có điều kiện từ ngày 1/1/2021 đến 30/9/2023.
Theo báo cáo, tổng số phạm nhân được lập hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là 26.850 phạm nhân. Tòa án Nhân dân tỉnh đã ra quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho 26.581 phạm nhân. Trình tự, thủ tục xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam được thực hiện đúng quy định của Bộ Luật Hình sự, Luật Thi hành án Hình sự và các thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành, không để xảy ra sai sót, khiếu kiện. Công tác xét giảm được thực hiện dân chủ, khách quan, trước thời điểm xét giảm trại giam lập kế hoạch và quyết định thành lập Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
Công tác xét, đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện cho phạm nhân được thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, điều kiện theo quy định của pháp luật. Các cơ sở giam giữ phạm nhân đã niêm yết công khai danh sách pháp nhân được Tòa án ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện cho phạm nhân ngay sau khi nhận quyết định.
Tuy nhiên, việc chấp hành pháp luật về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và tha tù trước thời hạn có điều kiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc đó là: Việc thẩm định hồ sơ còn kéo dài, tình trạng chậm chuyển hồ sơ, không bảo đảm thời gian để TAND tỉnh tiến hành xét, ra quyết định giảm thời hạn chấp hành án đúng vào các dịp lễ lớn của đất nước; còn tình trạng việc đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với một số phạm nhân phạm tội có tính chất, mức độ như nhau, xếp loại thi đua trong kỳ và các đặc điểm nhân thân như nhau, nhưng trại giam đề nghị cho các phạm nhân mức giảm khác nhau...
Đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh trình bày báo cáo của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh về kết quả giám sát công tác quản lý và sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2022.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đào Xuân Yên trình bày báo cáo của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh.
Theo báo cáo, giai đoạn 2020 - 2022 dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, phòng giao dịch cấp huyện, cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đến với người dân, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển sản xuất. Hằng năm, nguồn vốn từ ngân sách trung ương và địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn đã được quan tâm thực hiện.
Các đại biểu HĐND tỉnh dự kỳ họp.
Các chương trình tín dụng chính sách đã giúp hộ nghèo và các đối tượng thụ hưởng chính sách từng bước thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, hình thành thói quen tiết kiệm và tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong quá trình tổ chức sản xuất, tích cực vươn lên thoát nghèo bền vũng, ngày càng ốn định cuộc sống.
Chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống; là chính sách được triển khai rộng nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực trong các chính sách giảm nghèo, được Nhân dân trong tỉnh đồng tình ủng hộ.
Các đại biểu HĐND tỉnh dự kỳ họp.
Với sự tích cực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai đầy đủ, kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định và phủ khắp đến các xã, thôn, bản; phát huy được hiệu quả vốn vay, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên, khẳng định vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng trình bày báo cáo của Ban Dân tộc HĐND tỉnh.
Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh trình bày báo cáo của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ năm 2021 đến năm 2023 trên địa bàn các huyện miền núi.
Theo đó, thời gian qua công tác điều hòa, phối hợp và phân cấp trong quản lý, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Trong quá trình thực hiện, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cơ quan thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, UBND các huyện và các đơn vị có liên quan luôn phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thực hiện, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đề xuất với cấp trên những vấn đề vượt thẩm quyền.
Áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025: Tỷ lệ hộ nghèo 11 huyện miền núi giảm 4,81%, từ 20% xuống còn 15,19%, giảm 11.241 hộ; có 13.228 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công. Tổng số nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở là 6.045 hộ; có 75% hộ nghèo, 90% hộ cận nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Các đại biểu HĐND tỉnh dự kỳ họp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: Công tác tuyên truyền vận động về chủ trương, chính sách giảm nghèo bền vững còn nhiều hạn chế; công tác chuẩn bị đầu tư dự án của các chủ đầu tư chưa tốt, một số dự án lựa chọn danh mục chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; tiến độ giải ngân vốn đầu tư và vốn sự nghiệp của các dự án chậm so với yêu cầu...
Buổi chiều, các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục làm việc tại hội trường, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Báo Thanh Hóa sẽ thông tin chi tiết nội dung này.
Nhóm PV
{name} - {time}
-
2024-11-21 20:00:00
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 21/11
-
2024-11-21 18:23:00
Thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa năm 2024 đạt hơn 50.000 tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ
-
2023-12-12 06:00:00
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 12/12
[E-Magazine] – Bức tranh kinh tế - xã hội 2023: Khẳng định tinh thần “vượt thắng” để phát triển!
Bản tin 18 giờ ngày 11/12: Hơn 200.000 người lao động bị nợ BHXH
Khẩn trương, trách nhiệm để các dự án điện qua địa bàn vận hành đúng tiến độ vào tháng 6/2024
LĐLĐ TP Sầm Sơn quan tâm, chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động
Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Thanh Hóa lần thứ XI – năm 2023 sẽ khai mạc vào tối 23/12
Sáng mai (12/12), khai mạc Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 11/12
[Infographics] - Những sự kiện nổi bật trong tuần
Chờ giải pháp cho hai nhiệm vụ đầu tư trong năm 2024