Cùng với cả nước, Thanh Hóa sắp đi qua một năm 2023 đầy biến động, với thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, song khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn so với dự báo. Đó chính là “nghịch cảnh” đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải đồng sức, đồng lòng, đồng cam cộng khổ bằng một tinh thần “vượt thắng” – vượt lên thách thức để đạt mục tiêu đề ra – để giành về những thành quả tăng trưởng rất đáng trân trọng.

Điểm sáng trên bức tranh kinh tế - xã hội năm 2023 là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cán mốc 7,01%. Với con số này, Thanh Hóa mặc dù xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố, nhưng lại đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước (sau tỉnh Quảng Ninh tăng 11,03% và TP Hải Phòng tăng 10,34%). Trong bức tranh chung đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng vững chắc của nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng cao, đạt 4,16% và khá toàn diện. Mặc dù những khó khăn đặt ra cho ngành công nghiệp là rất lớn, nhất là những tác động tiêu cực từ các nhân tố bên ngoài, song công nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng 10,73%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 4,87%... Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục cho thấy sự bứt tốc tăng trưởng trong cơ cấu ngành kinh tế. Nổi bật trong đó là ngành du lịch, với tổng lượt khách du lịch trong năm ước đạt 12,356 triệu lượt, bằng 103% kế hoạch (KH) và tăng 11,9% so với cùng kỳ; tổng thu ước đạt 24.252 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ.

Cùng với bộ 3 “chân kiềng” là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, trên bức tranh tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2023 cũng nổi lên nhiều điểm sáng. Đó là GRDP bình quân đầu nguời ước đạt 3.067 USD, tăng 142 USD so với năm 2022. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 40.310 tỷ đồng, vượt 14,1% dự toán (trong đó, thu nội địa ước đạt 24.810 tỷ đồng, vượt 13,6% dự toán; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 15.500 tỷ đồng, vượt 14,8% dự toán). Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh ước đạt 132.745 tỷ đồng, bằng 94,8% KH. Có khoảng 3.450 doanh nghiệp được thành lập mới, vượt 15% so với KH...

Trong năm, hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư tiếp tục là một “điểm nhấn” đáng kể, tạo nên động lực mới cho tăng trưởng. Theo đó, tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác đi thăm, làm việc, xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Italia, Séc, Đức, Thái Lan... Đồng thời, các đồng chỉ lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với đại diện nhiều tổ chức quốc tế, tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước như Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam, Tập đoàn Sumilomo (Nhật Bản), Tổng Công ty LH (Hàn Quốc), Tập đoàn WHA Thái Lan, Công ty TNHH Năng lượng JERA Việt Nam, Tập đoàn Hoa Lợi, Công ty CP Tập đoàn TH, Tập đoàn SOVICO... Nhờ những hoạt động đối ngoại, xúc tiến tích cực và mạnh mẽ đó mà trong năm, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 83 dự án đầu tư trực tiếp (có 14 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 29.057 tỷ đồng và 209,9 triệu USD; có 6 dự án điều chỉnh tăng vốn 64,9 triệu USD...

Kinh tế tăng trưởng tạo tiền đề vững chắc để các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có chuyển biến tiến bộ. Việc nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật được quan tâm. Giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao duy trì trong nhóm dẫn đầu cả nước. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện. Trong đó, việc quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư, giải quyết đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở để di chuyển các hộ dân sinh sống trong vùng nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đồng bào sinh sống trên sông được triển khai khẩn trương, hiệu quả, được dư luận hoan nghênh, đồng tình ủng hộ. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025) ước còn khoảng 3,59%, giảm 1,4% so với năm 2022. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 92,5%, đạt mục tiêu KH...

Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Quan hệ đối ngoại được củng cố, tăng cường và mở rộng. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực. Tỉnh đã tổ chức sơ kết, tổng kết, cụ thể hóa, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, bài bản, sâu rộng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hệ thống thể chế, quy hoạch, cơ chế, chính sách tiếp tục được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện. Quy chế làm việc của các cấp ủy đảng, các quy định về công tác tổ chức cán bộ, các chương trình, đề án về xây dựng Đảng trên các mặt công tác được rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng mới, phù hợp với thực tiễn và quy định của Trung ương, tạo thuận lợi cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện...

Những con số tăng trưởng khá ấn tượng kể trên, đã phản ánh sinh động tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và Nhân dân. Đây cũng là bài học kinh nghiệm đầu tiên được đúc rút trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong đó, chú trọng việc sâu sát thực tế và phân tích, dự báo sát đúng tình hình, phản ứng linh hoạt, giải quyết kịp thời, dứt điểm khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn và vấn đề phức tạp phát sinh, không để kéo dài. Đồng thời, khai thác và phát huy tối đa các thuận lợi, tiềm năng, lợi thế, nội lực của địa phương; phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thân của Nhân dân; nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện, tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm, khuyết điểm... Những bài học, cũng đồng thời là cơ sở để Thanh Hóa từng bước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động kép từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm. Từ đó, tạo dựng nên bức tranh tăng trưởng với nhiều gam màu sáng, với kinh tế tăng trưởng khá và các lĩnh vực đều tạo được bước chuyển tích cực.

Tự hào với những thành quả đạt được, song cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém vẫn đang tồn tại trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua. Trong đó, một số chỉ tiêu vốn là nền tảng căn bản để thúc đẩy sự phát triển của tỉnh như cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP, tổng giá trị xuất khẩu, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, tổng huy động vốn đầu tư phát triển... vẫn chưa đạt KH. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có mặt còn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc tổ chức thực hiện một số chương trình, đề án, nhiệm vụ của một số ngành, địa phương, đơn vị còn chậm, chất lượng thấp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 xếp thứ hạng thấp so với cả nước (đứng thứ 47)...

Những hạn chế, yếu kém kể trên đòi hỏi tinh thần quyết tâm, quyết liệt hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Từ đó, hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2024 – năm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Cụ thể, năm 2024 phấn đấu đạt tốc độ tăng GRDP là 11% trở lên. Đồng thời, tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 3 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế và thực hiện 8 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, kết cầu hạ tầng, nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triền. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh tế mới. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế tương xứng với phát triển kinh tế. Củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm an toàn xã hội. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 1/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, đã quyết nghị các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, trước tiên và quan trọng nhất là tiếp tục củng cố, giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, trên cơ sở thực hiện nghiêm điều lệ, các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy chế làm việc; quyết tâm, quyết liệt, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, tạo cơ sở thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, quy hoạch; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, để thúc đẩy phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế cao, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Phát triển các ngành kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tăng thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành dự toán thu, chi ngân sách năm 2024.

Ngoài ra, tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Với phương châm “Kỷ cương – trách nhiệm – hành động – sáng tạo – phát triển”, kỳ vọng rằng Thanh Hóa sẽ bước vào năm 2024 với tâm thế mới và một tinh thần vượt khó, một ý chí “vượt thắng” để cán đích các mục tiêu đã đề ra.

Nội dung: Lê Dung

Ảnh: Tư liệu

Đồ họa: Mai Huyền