(Baothanhhoa.vn) - Việc một số trường đại học đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành y đã làm rộ lên nhiều ý kiến tranh luận. Trong đó, không ít người đặt ra câu hỏi: Việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành y có phù hợp với thực tế? Văn học có thực sự cần thiết đối với việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực y tế hay không? Xoay quanh vấn đề này, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với nhà phê bình văn học, TS Nguyễn Thanh Tâm (Tạp chí Văn nghệ Quân đội).

Nhà phê bình Văn học, TS Nguyễn Thanh Tâm (Tạp chí Văn nghệ Quân đội):

Từ việc đưa môn Văn vào xét tuyển ngành y, nhìn về chức năng của văn học

Việc một số trường đại học đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành y đã làm rộ lên nhiều ý kiến tranh luận. Trong đó, không ít người đặt ra câu hỏi: Việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành y có phù hợp với thực tế? Văn học có thực sự cần thiết đối với việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực y tế hay không? Xoay quanh vấn đề này, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với nhà phê bình văn học, TS Nguyễn Thanh Tâm (Tạp chí Văn nghệ Quân đội).

Từ việc đưa môn Văn vào xét tuyển ngành y, nhìn về chức năng của văn họcNhà phê bình văn học, TS Nguyễn Thanh Tâm (Tạp chí Văn nghệ Quân đội).

Phóng viên (PV): Vừa qua, dư luận rộ lên những tranh luận khác nhau về việc một số trường đại học đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành y. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

TS Nguyễn Thanh Tâm: Xin được bày tỏ ngay rằng, tôi thấy phương án này chưa thực sự thỏa đáng. Bởi lẽ, nếu đặt ra vấn đề nâng cao sự thấu hiểu con người, khả năng diễn đạt, kỹ năng tư vấn, tăng cường việc bồi dưỡng hay nhận thức các giá trị nhân văn cho y bác sĩ, nhân viên y tế thì người ta có thể không cần phải đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển.

Những đòi hỏi ấy có thể được đáp ứng thông qua các sát hạch kèm theo việc thi những môn truyền thống ngành y (Toán, Hóa, Sinh, Lý...). Có thể sát hạch bằng phỏng vấn hoặc viết bài luận về kỹ năng diễn đạt, ngôn ngữ, giọng nói, hiểu biết văn hóa, xã hội, con người và các giá trị nhân văn, nhân bản... Cũng có thể mở thêm các học phần, tín chỉ đào tạo khoa học xã hội nhân văn (văn học, văn hóa, lịch sử, xã hội, ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tư vấn, thuyết trình...) trong chương trình đào tạo y khoa.

Đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển chỉ là một cách làm mang tính tình thế, dễ gây nên tình trạng quá tải đối với học sinh. Trong khi, điểm số môn Văn khi xét tuyển chưa chắc đã đảm bảo cho việc sinh viên y khoa đó có được những phẩm chất như vừa nói ở trên. Một y - bác sĩ, nhân viên y tế tốt, không chỉ có chuyên môn giỏi, có y đức, mà còn hiểu biết văn hóa xã hội (cái này thì ai cũng cần), thấu hiểu con người (người bệnh), có tư duy diễn đạt mạch lạc, có kỹ năng giao tiếp và tư vấn tốt cho người bệnh... Và như thế, cần một quá trình đào tạo, tự đào tạo lâu dài, từ trước khi dự thi và học y khoa, cả trong quá trình học tập và sau khi tốt nghiệp ra trường.

PV: Bên cạnh những ý kiến đồng tình, tán thành, có nhiều ý kiến cho rằng, đây là việc làm cảm tính, thiếu căn cứ khoa học. Nhiều người còn thẳng thắn nhận định: Văn học không thực sự cần thiết cho những người được đào tạo để trở thành bác sĩ, cán bộ y tế. Điều này khiến tôi liên tưởng đến câu hỏi đã được ông nêu lên trong tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” của Hội Nhà văn Việt Nam, nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 (năm 2023): “Thơ ích gì cho chúng ta?”. Quay trở lại với vấn đề này, câu hỏi được đặt ra là: “Văn học ích gì cho y - bác sĩ, cán bộ y tế nói riêng, đời sống xã hội nói chung?”.

TS Nguyễn Thanh Tâm: Cần phải phân biệt ở đây vấn đề môn Văn (như một môn thi) và văn học như một loại hình nghệ thuật. Môn Văn trong tuyển sinh y khoa có thể chưa cần thiết (theo tôi), nhưng văn học thì sẽ cần cho mọi người, không riêng gì y - bác sĩ, nhân viên y tế. Ích lợi của văn chương vẫn luôn được nhấn mạnh trong hầu hết các diễn ngôn về chức năng, giá trị, ý nghĩa của loại hình này. Đó là bồi dưỡng tâm hồn con người, nâng cao nhận thức về các giá trị nhân văn, nhân bản, nhân đạo, nhân tính... (và bây giờ còn là các giá trị phi nhân (hiểu là không phải con người) khác như môi trường tự nhiên - sinh thái...).

Văn học giúp con người hiểu biết, nâng cao, mở rộng thế giới tinh thần, văn hóa - thẩm mỹ, biết nghe - nhìn - diễn đạt một cách tinh tế, biết yêu ghét, biết đồng cảm - sẻ chia - trân trọng con người, tự nhiên. Văn học giúp con người giải trí, đồng thời bày tỏ những quan điểm sâu xa về nhân sinh - xã hội - lịch sử... Đối với y - bác sĩ, nhân viên y tế, việc đọc văn học, có những trải nghiệm văn học thường xuyên, sâu rộng, sẽ giúp họ có được những phẩm chất như đã đề cập đến từ ban đầu. Đây là điều kiện tốt để có được môi trường chăm sóc sức khỏe tối ưu trong bối cảnh hiện nay. Sức khỏe, bệnh tật của con người không chỉ là vấn đề của thân thể, mà còn là vấn đề của tâm lý, tri thức, văn hóa... Do vậy, văn học sẽ cùng với những ngành - loại hình khác (liên quan gần - xa) góp phần hoàn thiện con người, trong đó có các y - bác sĩ, nhân viên y tế.

PV: Nói như vậy để chúng ta nhìn nhận sâu hơn về bản chất vấn đề, về căn cốt, chức năng của văn học và cách nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò của văn học, thưa ông?

TS Nguyễn Thanh Tâm: Tôi tán thành quan điểm này. Cần phải nhìn nhận sâu hơn về bản chất của văn học để có cách ứng xử phù hợp với nó, nhất là trong các hoạt động giáo dục đào tạo - hướng tới con người.

Việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển y khoa, có thể phần nào nói lên sự chưa thấu đáo về bản chất, chức năng, vai trò của văn học. Bên cạnh đó, nó cũng nói lên sự mơ hồ trong cách hình dung về sản phẩm đầu ra hoạt động đào tạo y khoa (y - bác sĩ, nhân viên y tế).

Như đã nói ở trên, sự mơ hồ ở đây chính là việc cho rằng, đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành y sẽ mang đến những sinh viên có các phẩm chất tốt cả về chuyên môn, đạo đức và các kỹ năng, hiểu biết văn hóa - xã hội - giao tiếp - tư duy - diễn đạt - thấu hiểu con người... Văn học không phải là giải pháp. Nó là những đề xuất, gợi ý cho tinh thần, trí tưởng, nhân cách, đạo đức, nhân tính của con người, trong một hành trình trải nghiệm nhạy cảm, lâu dài với những rung động, thấm thía bền bỉ.

PV: Và lẽ dĩ nhiên, khi đã nhìn nhận thấu đáo về chức năng, vai trò của văn học thì cùng với đó, chúng ta cũng cần phải bàn đến việc dạy và học văn như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

TS Nguyễn Thanh Tâm: Dạy và học văn như thế nào trong bối cảnh hiện nay là câu chuyện lớn, lớn hơn những điều chúng ta đang nói ở trên. Vấn đề này cũng đã và đang được nghị bàn với những quan điểm khác nhau, mà chắc chắn chúng ta cũng không thể nói hết ở đây. Gắn với chức năng, vai trò, ý nghĩa của văn học đối với sự phát triển của con người, văn hóa, xã hội, lịch sử... thì việc dạy và học văn học phải hướng đến các giá trị nhân văn - nhân đạo - nhân bản, làm giàu thêm nhân tính, xây dựng các hệ giá trị thẩm mỹ, làm cho con người tốt đẹp hơn lên. Trong bối cảnh CNH, HĐH, ở kỷ nguyên công nghệ hiện nay, việc bảo trì nhân tính, bồi dưỡng tâm hồn con người lại càng trở nên cấp thiết (trong sự ảnh hưởng, ganh đua đến mức quyết liệt của máy móc công nghệ, AI...).

PV: Chúng ta cần phải làm gì để văn học phát huy đúng vai trò, chức năng của mình, thưa ông?

TS Nguyễn Thanh Tâm: Câu hỏi này dường như có ngầm ý rằng văn học chưa phát huy đúng vai trò, chức năng của mình? (Cười). Nhưng quả là chúng ta có cơ sở để nói như vậy. Văn học đang bị chi phối bởi những yếu tố bên ngoài, khiến cho đôi khi, văn học chưa được sống với đúng chức năng, vai trò, ý nghĩa của nó.

Văn học là loại hình nghệ thuật ngôn từ, thông qua ký hiệu ngôn từ (được tổ chức nghệ thuật, với văn bản, thế giới hình tượng, cấu trúc, giọng điệu...) biểu đạt những ý nghĩa - thông điệp bên trong, đồng thời phát lộ ý nghĩa - thông điệp từ quá trình diễn giải gắn với trải nghiệm của cá nhân, cộng đồng, thời đại...

Bởi vậy, để phát huy phẩm tính, ý nghĩa của văn học, đưa văn học về đúng với chức năng của mình, cần hiểu rõ đặc trưng của phản ánh nghệ thuật, đặc trưng của văn bản văn học, quá trình sáng tạo - phân phối - tiếp nhận (và cả quản lý) văn học.

Đơn cử như việc dạy và học văn ở nhà trường, không phải là dạy để cho học sinh thi, lấy thành tích, được điểm cao hay đỗ vào trường này trường nọ. Việc dạy và học phải đi đến cái đích tối quan trọng của văn học là làm cho người học thấm thía các giá trị nhân văn, thẩm mỹ trong văn bản nghệ thuật để từ đó sống tốt hơn, không chỉ với bản thân mình mà với người khác và môi trường văn hóa - xã hội - tự nhiên rộng lớn xung quanh (thậm chí là với quá khứ và tương lai). Nếu làm tốt việc này thì y khoa chẳng cần đặt ra việc phải thêm môn Văn vào tổ hợp tuyển sinh. Một người (không cứ là y - bác sĩ, nhân viên y tế) khi đã yêu văn học, biết mở rộng lòng mình về phía các giá trị nhân văn, thẩm mỹ, họ sẽ đọc - học văn mọi lúc, mọi nơi. Nền tảng của văn hóa - xã hội vì thế sẽ được nâng dần lên. Có phải vậy không?

PV: Vâng, dẫu thế nào đi chăng nữa, tôi cũng cảm thấy thật đáng tiếc nếu một y bác sĩ, nhân viên y tế giỏi mà chưa từng hay biết hay đọc các tác phẩm văn học xuất sắc về y khoa như: “Bác sĩ Zhivago” - Boris Pasternak, “Thầy Lang” - Tadeusz Dotega-Mostowicz, “Đèn không hắt bóng” - Watanabe Junichi, “Thể xác và tâm hồn” - Maxence Van der Meersch, “Dịch hạch” của Albert Camus, “Yersin: dịch hạch và thổ tả” - Patrick Deville...

Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trò chuyện này!

Hương Thảo (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

2 bình luận

 Nguyễn Công thụy - 20:08 01/07/23

 Trả lời

Bài viết hay. Cảm ơn tác giả.

 Trần Việt Thao - 15:57 01/07/23

 Trả lời

Văn học là chìa khóa, công cụ để nhận thức bản chất và diễn đạt kiến thức bất cứ môn học nào. Một bác sĩ giỏi có cần kiến thức văn để tuyên truyền kiến thức về phòng chống bệnh dịch hay không? Cụ thể như tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống đại dịch Covid- 19 vừa qua hay không? Có cần kiến thức văn để nhận thức đúng phản ánh của bệnh nhân (trực tiếp hay qua điện thoại) nói về tình trạng bệnh của mình hay không?...Từ đó ta suy ra nghề y có cần học thêm văn hay không?

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]