(Baothanhhoa.vn) - Trên hành trình xuôi về với biển, sông Mã như cây cọ diệu kỳ của tạo hóa vẽ nên biết bao cảnh sắc làng mạc, thôn xá trù phú, hữu tình... Là thôn xa nhất về phía tây bắc huyện Hoằng Hóa, Trà La gợi lên vùng non nước êm ả, thanh bình, một vùng không gian văn hóa - lịch sử đặc sắc với những con người thuần phác, đôn hậu, chịu thương chịu khó, nỗ lực vươn lên từng ngày...

Trà La in bóng mây trời...

Trên hành trình xuôi về với biển, sông Mã như cây cọ diệu kỳ của tạo hóa vẽ nên biết bao cảnh sắc làng mạc, thôn xá trù phú, hữu tình... Là thôn xa nhất về phía tây bắc huyện Hoằng Hóa, Trà La gợi lên vùng non nước êm ả, thanh bình, một vùng không gian văn hóa - lịch sử đặc sắc với những con người thuần phác, đôn hậu, chịu thương chịu khó, nỗ lực vươn lên từng ngày...

Trà La in bóng mây trời...Cảnh sắc sông nước Trà La - nhìn từ khu vui chơi, giải trí cộng đồng của thôn. Ảnh: Hoàng Linh

Vượt qua bao thác ghềnh nơi thượng nguồn, con sông Mã dần bớt đi nét kiêu bạc, hoang dã để tình tự, dịu dàng trở về với mẹ biển bao la. Càng về xuôi, sông Mã càng long lanh nét đẹp êm đềm, thơ mộng, vị ngọt phù sa bồi đắp nên những xóm làng trù phú, bờ bãi xanh một màu xanh no ấm. Trên hành trình ấy, sông Mã nhiều lần phân chia, tách dòng để lại những vùng ngã ba sông mênh mông sóng nước, thấm đượm giá trị văn hóa - lịch sử - tâm linh. Sông Mã tới khu vực ngã ba Bông chia thành 2 nhánh, một nhánh chảy từ địa đầu núi Sơn Trang thuộc địa phận xã Hoằng Khánh cũ (sau sáp nhập là xã Hoằng Xuân), qua huyện Hậu Lộc rồi xuống Lèn, ra Lạch Sung. Một nhánh chảy theo hướng bắc nam đến xã Hoằng Giang gặp sông Chu ở ngã ba Chành rồi quặt theo hướng đông chảy xuống Hàm Rồng, đổ ra Lạch Trào. Nằm ngay tại khu vực ngã ba sông, nơi dân gian vẫn ví von - “một tiếng gà gáy 6 huyện cùng nghe”, trải qua thăng trầm thời gian, biến ảo lịch sử, thôn Trà La vẫn lưu giữ được nhiều nét xưa cũ, gợi nhớ về khung cảnh làng quê thân thuộc, mộc mạc.

Từ UBND xã Hoằng Xuân, men theo những con đường làng, lên tới khu vực đê sông Mã là tiến vào địa phận thôn Trà La. Cảnh sắc non nước mây trời dần hiện diện trước tầm mắt. Trải dài ven đê, thôn có địa thế rất đẹp, lưng tựa núi, mặt hướng sông. Cảnh sắc hai bên đường đi khiến bất kỳ vị khách nào ghé thăm cũng mỉm cười an yên như được trở về với hoài niệm cố hương. Sông vẫn chảy trôi đời sông, núi vẫn sừng sững, uy nghi thế núi. Đàn trâu, bò nhẩn nha gặm cỏ nơi bãi bồi liệu có nghe chăng lời thì thầm từ núi sông? Những nếp nhà hình thành nên làng, xã, lưu dấu cuộc đời bao thế hệ người dân nơi đây. Ký ức tuổi thơ vẫn gọi mãi tên ao trời (tên chữ là Thiên Trì, quanh năm nước ao trong xanh, bốn mùa không khi nào cạn) hay những ngọn núi thân thương như: núi Đồng Bằng, núi Bái, núi Phượng, núi Ổ Gà, đồi thông già ở núi Đá Bạc... Vẫn thấp thoáng đâu đó trong kỷ niệm, hình dung của nhiều người trong thôn hình ảnh con đò Ba Bông, đò Phú giữa mênh mang sóng nước. Nhớ về Trà La là thấy chộn rộn lên hình ảnh về những đồi sim mọc chen trong rừng; cây chè vẫn được trồng rải rác ven sườn núi... Ấn tượng Trà La - từ những điều rất giản dị, mộc mạc ấy mà vương vấn mãi không quên.

“Trà La là một vùng quê thuần nông ven bờ sông Mã, có lịch sử hình thành và phát triển hơn 200 năm” - lời giới thiệu ngắn gọn của Bí thư chi bộ Nguyễn Đức Quy như mở ra không gian lịch sử - văn hóa nơi đây. Nằm trong vùng ngã ba Bông, từ Trà La hướng mắt trông về đền cô Bơ linh thiêng, một trong những vị thánh cô trong hệ thống Tứ phủ. Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Cô Bơ thoải (mẫu thoải thủy cung) được thờ ở nhiều nơi trong cả nước nhưng địa danh đền cô Bơ (xã Hà Sơn) là nơi phát tích: “Đệ nhất Thượng Thiên/ Đệ nhị Thượng Ngàn/ Đệ tam Thoải Phủ”. Vì lẽ đó, từ lâu, đền cô Bơ luôn rộn ràng du khách thập phương về dâng lễ, là trung tâm tín ngưỡng của huyện Hà Trung nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. Huyền tích về cô Bơ Bông có nhiều dị bản. Có tài liệu cho rằng cô là con gái vua Thủy Tề dưới Thủy Cung. Cũng có tài liệu ghi chép rằng, cô Bơ là con gái của Long Vương, hầu cận cho Đức Vương Mẫu, giáng sinh xuống trần phổ độ chúng sinh, giúp người giúp đời”. Cô Bơ Bông không chỉ có công phò vua, giúp nước mà còn giúp dân “phong điều vũ thuận”. Công đức của cô được người dân lưu truyền: “Lê triều sắc tặng gia ban/ Anh hùng thục nữ trung can muôn đời”.

Trà La in bóng mây trời...Cách Trà La không xa, Phủ Vàng tọa lạc trên núi Chùa, nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là điểm văn hóa - tín ngưỡng tiêu biểu, thu hút đông đảo du khách.

Từ vùng non nước Trà La mở ra, kết nối với nhiều điểm di tích như: phủ Vàng, đền Quốc mẫu, đình làng Nghĩa Hương (xã Hoằng Xuân), nghè Vĩnh Gia, chùa Gia (xã Hoằng Phượng); đền thờ tướng quân Cao Lỗ (xã Hoằng Giang)... Nằm ngay trong lòng xã Hoằng Xuân, cách Trà La không xa có phủ Vàng - nơi thờ phụng Đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Tọa lạc trên núi Chùa, làng Vàng, phủ Vàng linh từ được xây dựng từ thế kỷ thứ XVIII. Truyền thuyết kể lại rằng, khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc dẹp giặc Thanh, tới Phủ Vàng cho quân dừng chân nghỉ ngơi và vào Phủ dâng hương kính lễ, được Thánh Mẫu báo mộng, bày kế sách hay để đánh thắng quân giặc. Khi Nguyễn Huệ lên ngôi vua đã bày tỏ lòng tri ân Thánh Mẫu, ban sắc phong và lập đền thờ trên núi.

Theo dòng thời gian, cũng như nhiều điểm di tích, tín ngưỡng trên dải đất hình chữ S, Phủ Vàng trải qua nhiều biến động. Phủ được phục dựng, hoàn thiện từ năm 2013 trên diện tích 11.000 m2, kiến trúc vẫn giữ được nhiều nét xưa. Phủ Vàng có hai cổng tam quan, cổng nội và cổng ngoại, hai bên có hai hộ pháp oai vệ, lối lên tòa bái đường phải đi qua nhiều bậc đá, có rồng chầu được chạm khắc tinh tế, tỉ mỉ, tôn lên nét uy nghi, tôn kính. Hệ thống thờ trong phủ phong phú. Trong cung cấm có tượng Thánh Mẫu đúc bằng đồng nặng trên 1 tấn, ngoài dát vàng rất nặng uy nghi, tráng lệ, có nhị vị chầu bà Quỳnh Quế, Quỳnh Hoa, hầu cận Thánh Mẫu. Cung ngoài có bàn thờ vua cha Ngọc Hoàng - Nam Tào - Bắc Đẩu, ngũ vị tôn ông - tứ vị Quan Hoàng. Lễ hội Phủ Vàng là đại lễ khánh tiệc Mẫu đệ nhất Liễu Hạnh. Lễ hội Phủ Vàng từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa - tâm linh tiêu biểu của làng, xã, người dân khắp các vùng lân cận cũng háo hức đổ về, hòa mình cũng các nghi thức tế lễ, rước kiệu, các trò chơi dân gian, hoạt động văn nghệ quần chúng, thể thao sôi nổi. Một vùng sông nước mênh mang hòa cùng sắc màu, thanh âm lễ hội làm nên không gian văn hóa - tín ngưỡng đặc sắc, hấp dẫn.

Cảnh sắc Trà La, bao nhiêu năm nữa cũng vẫn nguyên cái dáng vẻ hữu tình, thanh bình như thế! Duy chỉ có một điều đã khác đi rất nhiều, đó là sức sống, là ý chí, nỗ lực vươn lên của đất và người nơi đây. Từ vùng quê còn nhiều thiếu, khó, Trà La hôm nay đã khoác lên mình nhịp sống mới của thôn kiểu mẫu. Đó là thành quả của sự chung sức, đồng lòng, ý chí quyết tâm của các cấp, các ngành và Nhân dân.

Bài và ảnh: Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]