(Baothanhhoa.vn) - Cách đây tròn 69 năm, ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” đã tung bay trên nóc hầm De Castries, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam.

Thanh Hóa phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Cách đây tròn 69 năm, ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” đã tung bay trên nóc hầm De Castries, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam.

Thanh Hóa phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền về tay Nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm Nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Tuy nhiên, những ngày độc lập mà Nhân dân hưởng không được bao lâu thì thực dân Pháp dã tâm tái xâm lược nước ta một lần nữa. Đứng trước tình cảnh đó, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, cả nước nhất tề nổi dậy thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, từng bước giành được những thắng lợi quan trọng như chiến dịch Việt Bắc (1947), chiến dịch biên giới Thu - Đông (1950).

Bước vào giai đoạn 1953-1954, trước nguy cơ kế hoạch Na-va bị phá sản, thực dân Pháp gấp rút điều động lực lượng nhảy dù, chiếm Điện Biên Phủ, tăng cường lực lượng, xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương - “một pháo đài không thể công phá” với mưu đồ thu hút và nghiền nát bộ đội chủ lực của ta.

Đứng trước tình hình đó, đầu tháng 12 năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Trung ương Đảng quyết định thành lập Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy mặt trận, với mục đích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Ngay sau đó, Nhân dân ta ở vùng tự do, vùng Tây Bắc mới giải phóng, vùng sau lưng địch ở đồng bằng Bắc Bộ đã dồn sức người, sức của cho chiến dịch.

Trải qua “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt; máu trộn bùn non; gan không núng; chí không mòn” dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Phủ (7-5-1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đây là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử; chiến thắng của đường lối chiến tranh Nhân dân, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và của ý chí quyết chiến, quyết thắng.

Thanh Hóa phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, với sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Thanh Hóa đã nêu cao khối đoàn kết, thực hiện cao nhất nhiệm vụ xây dựng hậu phương, vừa phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu, bảo vệ hậu phương lớn Thanh Hóa, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tổng kết 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc vai trò căn cứ hậu phương kháng chiến. Cùng với cung cấp hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm cho các chiến trường, Thanh Hóa đã huy động hơn 1 triệu dân công, đóng góp 20 triệu ngày công vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đắp đường, làm cầu phục vụ các chiến trường Bắc Việt, Bắc Lào. Bổ sung cho bộ đội chủ lực 2 tiểu đoàn, 34 đại đội, 6 trung đội và 500 chiến sỹ du kích. Huy động gần 57 ngàn thanh niên tham gia bộ đội, 15 ngàn thanh niên xung phong chiến đấu, công tác trên các chiến trường lập công xuất sắc. Trong đó 5 người con ưu tú quê hương Thanh Hóa được tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”, hàng trăm người con ưu tú được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc và cấp khu.

Thanh Hóa phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động hơn 200 ngàn dân công dài hạn và ngắn hạn, 3.500 xe đạp thồ, 1.126 thuyền ván các loại, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa thồ, 3 voi thồ hàng. Cung cấp 4.500 tấn gạo, 350 tấn thực phẩm, 2.000 con lợn, 350 con trâu, bò và hàng chục tấn rau, đậu, lạc, vừng… Cả hậu phương Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất sức người, sức của đảm bảo hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Thanh Hóa phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Với những đóng góp to lớn ấy, trong lần thứ hai về thăm Thanh Hóa (ngày 13-6-1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Trong kháng chiến, đồng bào tỉnh ta, các tầng lớp Nhân dân đều tỏ ra đoàn kết tham gia kháng chiến. Tôi chỉ nói vài điểm. Ví dụ: dân công đã ra sức rất nhiều trong một chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa góp 12 vạn dân công tải lương thực cho bộ đội. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó. Trong kháng chiến, ngoài việc ủng hộ kháng chiến, Thanh Hóa có những vùng du kích rất oanh liệt như Phú Lệ, Hải Thanh… chứng tỏ đồng bào ta lương giáo cực kỳ đoàn kết, vì thế ta đã thắng lợi. Cũng cần phải nhắc trong kháng chiến, tất cả mọi người bằng cách này hay cách khác đều tham gia kháng chiến. Các cụ phụ lão đôn đốc khuyến khích con cháu tham gia kháng chiến. Thanh niên tham gia bộ đội, có các đồng chí anh hùng như đồng chí Lò Văn Bường, Trần Đức, Tô Vĩnh Diện, Lê Công Khai. Đó là những người con rất ưu tú, chẳng những làm vẻ vang cho tỉnh nhà mà còn làm vẻ vang cho cả nước ta”.

Trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng, chiến đấu mưu trí dũng cảm, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, xây dựng và bảo vệ hậu phương Thanh Hóa, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ với chiến công bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay Mỹ, bắn chìm nhiều tàu chiến, tàu biệt kích Mỹ và tay sai; giữ vững mặt trận giao thông vận tải, tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến và nước bạn Lào, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Những năm sau 1975, nhất là giai đoạn từ năm 1986 đến nay, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc; ý chí quyết chiến, quyết thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa đã được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lĩnh hội và hiện thực hóa thành những kết quả cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội.

Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh luôn tăng trưởng ở mức cao; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 11,2%, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước; quy mô kinh tế của tỉnh đứng thứ 8 cả nước và cao nhất trong các tỉnh Bắc Trung bộ. Thu ngân sách Nhà nước tăng cao, bình quân hằng năm đạt 19%, trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước; năm 2020 đạt 31.418 tỷ đồng, gấp 2,49 lần năm 2015.

Hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh; số lượng dự án đầu tư trực tiếp và huy động vốn đầu tư phát triển tăng cao; tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt 581 nghìn tỷ đồng, gấp 1,7 lần giai đoạn 2011-2015. Đã khởi công xây dựng và hoàn thành nhiều dự án lớn; nhất là đã đưa vào vận hành thương mại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách của tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thanh Hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư, tạo sức bật và diện mạo mới cho phát triển của tỉnh.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh có địa bàn rộng lớn, số người dân làm nông nghiệp và sống trong khu vực nông thôn nhiều; toàn tỉnh đã có 8 đơn vị cấp huyện, 329 xã và 834 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã, 62 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 68,97%, thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc theo hướng hiện đại, văn minh.

Thanh Hóa phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; tỷ lệ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 giải quyết trước và đúng hạn đạt trên 98%. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, sáng tạo và đạt kết quả quan trọng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được tăng cường; đã tập trung chỉ đạo đổi mới quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính, chuyển từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được bảo đảm, giữ vững ổn định. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ngày 3-2-2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ngày 13-11-2021 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; ngày 27-2-2023, Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã mở ra thời cơ vận hội mới để hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, thịnh vượng, tiếp tục xây dựng Thanh Hóa đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Thanh Hóa phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu của thôn Văn Bắc, xã Đông Văn (Đông Sơn).

Năm 2022, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ tỉnh, Thanh Hóa đã bứt phá trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%) và đứng thứ 7 cả nước; trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,65%; công nghiệp - xây dựng tăng 16,33% (công nghiệp tăng 17,88%); dịch vụ tăng 10,18%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước đạt 30.150 tỷ đồng, vượt 62% dự toán và tăng 6% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 18.670 tỷ đồng, vượt 70% dự toán và tăng 55% so với cùng kỳ. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện. Năm 2022, có 2 đơn vị cấp huyện, 18 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 134 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Dịch COVID-19 được kiểm soát tốt; lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, môi trường được tăng cường. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, cải cách hành chính được tập trung thực hiện. Quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Chất lượng thẩm định, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được nâng lên; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được tăng cường.

Thanh Hóa phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Bước sang năm 2023, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của Đảng bộ tỉnh, bức tranh kinh tế - xã hội quý I của tỉnh trở thành điểm sáng của cả nước: Dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát tốt. Kinh tế vẫn ổn định và tiếp tục tăng trưởng; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6,21% (cả nước là 3,32%). Các lĩnh vực sản xuất đều có bước phát triển; nhiều lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp và dịch vụ thương mại phục hồi và phát triển mạnh, đặc biệt là du lịch, vận tải. Văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn đạt kết quả tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của Nhân dân được quan tâm chăm lo, đã tổ chức cho Nhân dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và nghĩa tình. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội bảo đảm. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới và tăng cường; đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong Nhân dân được củng cố.

Thanh Hóa phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

TP Thanh Hóa đang từng ngày đổi mới và phát triển.

Trên quê hương Thanh Hóa đang đổi thay và phát triển từng ngày, có tinh thần quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Tin tưởng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa sẽ năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn thử thách, phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, hợp thành cực tăng trưởng mới (cùng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc); đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước như Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

Phạm Văn Tuấn - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa


Phạm Văn Tuấn - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]