(Baothanhhoa.vn) - Hình ảnh những nhân viên công tác xã hội (CTXH) luôn tất bật hướng dẫn các bệnh nhân khi đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa dường như đã quá quen thuộc đối với rất nhiều người dân. Phòng CTXH, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa được thành lập từ năm 2020 trên cơ sở tổ CTXH trực thuộc phòng điều dưỡng, đã đóng vai trò là cầu nối giữa bệnh nhân, nhân viên y tế với cộng đồng thông qua các hoạt động hỗ trợ, đón tiếp, cung cấp thông tin, hỗ trợ khẩn cấp cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Nhịp cầu kết nối yêu thương

Hình ảnh những nhân viên công tác xã hội (CTXH) luôn tất bật hướng dẫn các bệnh nhân khi đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa dường như đã quá quen thuộc đối với rất nhiều người dân. Phòng CTXH, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa được thành lập từ năm 2020 trên cơ sở tổ CTXH trực thuộc phòng điều dưỡng, đã đóng vai trò là cầu nối giữa bệnh nhân, nhân viên y tế với cộng đồng thông qua các hoạt động hỗ trợ, đón tiếp, cung cấp thông tin, hỗ trợ khẩn cấp cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Nhịp cầu kết nối yêu thươngAnh Trịnh Văn O được Phòng CTXH Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa kết nối hỗ trợ xe về quê sau đợt điều trị bệnh.

Hơn 3 năm qua, Phòng CTXH đã kết nối các câu lạc bộ thiện nguyện, các nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa, nhân văn như vận động hỗ trợ về hiện vật hoặc chi phí điều trị cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, cắt tóc miễn phí, tặng quà và thăm hỏi bệnh nhân dịp lễ, tết, chương trình “Bữa cơm 0 đồng”, “Phiên chợ 0 đồng”, “Tết trung thu cho các bệnh nhi”, “Chuyến xe nghĩa tình”, “Tặng sách tiếp bước đến trường cho bệnh nhân nhi”, “Tủ sách cộng đồng”; tư vấn chế độ, chính sách, truyền thông giáo dục sức khỏe phòng tránh các bệnh lý thường gặp, khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí tại cộng đồng... Thông qua các chương trình hỗ trợ người bệnh của Phòng CTXH, mỗi tháng có hàng ngàn bệnh nhân nghèo đang điều trị tại bệnh viện được cung cấp các suất ăn miễn phí, nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ các chuyến xe vận chuyển đi Trung ương hoặc về với gia đình...

Trong niềm vui và xúc động khi được hỗ trợ “Chuyến xe nghĩa tình” về quê sau một tháng điều trị tại bệnh viện, anh Trịnh Văn O chia sẻ: Tôi bị khuyết tật bẩm sinh ở chân đi lại khó khăn. Đợt này phải nhập viện vì bị uốn ván và viêm phổi. Trong thời gian điều trị tại bệnh viện tôi luôn được Khoa Bệnh nhiệt đới và Phòng CTXH hỗ trợ những suất ăn từ thiện. Sau gần 1 tháng được các bác sĩ tích cực điều trị, tôi đã khỏi bệnh và được ra viện nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên việc thuê xe ô tô để về quê là điều mà tôi không dám nghĩ đến. Thật may, các anh chị ở Phòng CTXH đã kết nối với nhà hảo tâm để tôi có một chuyến xe miễn phí trở về quê.

Lần giở những bức thư hồi âm chan chứa tình cảm mà bệnh nhân và người nhà bệnh nhân gửi đến bệnh viện trong thời gian qua, anh Đinh Trọng Hiếu, nhân viên Phòng CTXH, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, không khỏi tự hào vì đã góp công “kết nối” những tấm lòng nhân ái đến với những bệnh nhân nghèo, giúp họ vượt qua những đau đớn của bệnh tật và cùng chia sẻ khó khăn với gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện chữa bệnh, sớm hồi phục sức khỏe. Anh Hiếu cho biết dù là những trang thư được đánh máy cẩn thận, hay chỉ là mảnh giấy viết vội lời cảm ơn bằng nét chữ còn nhiều lỗi chính tả của những bệnh nhân nghèo mình đều trân quý và lấy đó làm động lực phấn đấu.

Tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, ngoài nhiệm vụ khám và điều trị cho bệnh nhân, bệnh viện còn làm tốt công tác kết nối với các nhà từ thiện tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, giúp bệnh nhân vơi nỗi đau bệnh tật.

Bác sĩ Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Bệnh viện, cho biết: CTXH không chỉ đón nhận quà, tiền làm từ thiện mà còn là “nhịp cầu” để đưa các nhà hảo tâm tới giúp đỡ bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. CTXH là nghề của tình thương, mọi nhiệm vụ mà cán bộ CTXH thực hiện đều hướng đến sự hài lòng của người bệnh, để những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn có thể được hưởng những dịch vụ y tế chất lượng; chia sẻ, đồng cảm với bệnh nhân và cùng họ vượt qua trở ngại, chiến thắng bệnh tật.

Thực hiện Quyết định số 2514/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án Phát triển nghề CTXH trong ngành y tế, đến nay hầu hết các bệnh viện đều đã có bộ phận CTXH với các nhiệm vụ: hỗ trợ người bệnh, người nhà bệnh nhân về thủ tục, quy trình khám, chữa bệnh; kết nối nhân viên y tế với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; là nhịp cầu kết nối người bệnh nghèo với các hoạt động thiện nguyện; triển khai các hoạt động quảng bá, truyền thông của các cơ sở y tế; đồng thời cũng là nơi giải đáp những thắc mắc, giúp đỡ, hỗ trợ về mặt tinh thần, xoa dịu những nỗi lo của người nhà bệnh nhân...

Tiến sĩ Đỗ Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: CTXH là một trong những lĩnh vực mang tính đặc thù và CTXH trong bệnh viện lại càng đặc thù hơn bởi dù không khoác trên mình những chiếc áo blouse trắng, nhưng sự hiện diện của nhân viên CTXH lại gián tiếp chữa lành vết thương cho người bệnh, luôn mang đến cho người bệnh sự đồng cảm, yên tâm và cả những nụ cười hạnh phúc. Việc triển khai hoạt động CTXH vừa là yêu cầu vừa là bước phát triển mới trong công tác chăm sóc và phục vụ người bệnh, hướng tới nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các đơn vị cũng như toàn ngành. Đồng thời, là một trong những tiêu chí đánh giá việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên ngành y tế. Vì vậy, tuy là yêu cầu mới, hoạt động mới, song các bệnh viện đều đã nhận thức rõ tầm quan trọng của CTXH trong bệnh viện và triển khai nghiêm túc. Mục tiêu của ngành y tế là tiếp tục chuẩn hóa CTXH trong bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]