(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, các cấp hội nông dân (HND) trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề, giúp hội viên và người dân nông thôn có thêm việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

Quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm cho hội viên nông dân

Trong những năm qua, các cấp hội nông dân (HND) trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề, giúp hội viên và người dân nông thôn có thêm việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

Quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm cho hội viên nông dânMô hình chế biến hải sản của hội viên Hội Nông dân TP Sầm Sơn.

Điển hình là HND các cấp trên địa bàn huyện Thạch Thành đã xây dựng kế hoạch, chương trình tuyên truyền về học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp; các chủ trương, chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn. Cùng với đó, huyện đã đẩy mạnh công tác điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề để tư vấn nghề nghiệp, vận động Nhân dân học nghề; tư vấn miễn phí cho nông dân về dạy nghề, việc làm, thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh, trang trại... Tích cực vận động hội viên, nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị. Phối hợp tổ chức nhiều buổi chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật canh tác, chăn nuôi hiệu quả, tổ chức dạy nghề, đào tạo việc làm, giới thiệu và tổ chức tham quan các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, giúp hội viên, nông dân có thêm kiến thức, lựa chọn, áp dụng những mô hình sản xuất phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ năm 2011 đến nay, HND huyện Thạch Thành đã mở được 40 lớp dạy nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp với trên 1.200 học viên tham gia. Sau khi học nghề, hội viên, nông dân đã biết vận dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất. Nhiều hội viên đã tiếp cận được nguồn vốn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, sản xuất theo hướng hàng hóa cho thu nhập cao.

Phát huy thế mạnh của địa phương ven biển, HND TP Sầm Sơn đã tuyên truyền, vận động hội viên chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh phục vụ du lịch như: Đánh bắt xa bờ, chế biến thủy, hải sản, sửa chữa tàu thuyền, dịch vụ du lịch... và phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó các cấp hội thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân, giúp hội viên, nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Kết quả, trong 5 năm qua, HND thành phố đã phối hợp tổ chức được 421 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho 40.404 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham gia; trong đó có 321 lượt hộ nông dân vượt khó vươn lên thoát nghèo với nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu trên các lĩnh vực; 5.231 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình làm kinh tế gia trại, tiêu biểu như: ông Nguyễn Hữu Biên, phường Bắc Sơn; ông Phạm Gia Tuấn, ông Nguyễn Hữu Dũng, phường Quảng Cư; ông Văn Minh Hải, phường Trường Sơn... Ngoài ra, nhằm giúp hội viên có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, HND thành phố đã đẩy mạnh tín chấp cho hội viên vay các nguồn vốn của quỹ hỗ trợ nông dân, các ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn. Công tác phát triển quỹ hội tăng so với đầu nhiệm kỳ từ 2,51 tỷ đồng (năm 2018) lên 4,47 tỷ đồng (cuối năm 2022) cuối nhiệm kỳ; quỹ hỗ trợ nông dân đạt 2,1 tỷ đồng.

Với vai trò đồng hành cùng hội viên, nông dân phát triển kinh tế, các cấp HND trong tỉnh đã vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tích cực học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp; tăng cường liên kết trong sản xuất, tham gia vào các HTX, tổ hợp tác... Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, nông dân đổi mới tư duy, cách làm, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, đầu tư vốn, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất chế biến và bảo quản nông sản; tổ chức cho hội viên đi tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài tỉnh, từ đó vận dụng vào tình hình thực tế tại gia đình...

Đến nay, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ngày một phát triển cả về diện rộng và chiều sâu, làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tư duy, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Trung bình mỗi năm, HND các cấp đã thu hút trên 30 vạn hộ nông dân trong tỉnh đăng ký thi đua và có trên 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã phát triển thành các doanh nghiệp thu hút và tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Ngoài ra, HND tỉnh còn tích cực tạo nguồn vốn giúp nông dân thông qua xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân. Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng thêm được trên 46 tỷ đồng, nâng tổng số nguồn quỹ cho vay trong toàn tỉnh lên hơn 58,78 tỷ đồng cho hơn 12.600 lượt hộ nông dân vay để phát triển sản xuất, kinh doanh ở nhiều loại ngành nghề. Các cấp hội đã vận động các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tạo việc làm tại chỗ cho hơn 2.207.872 lượt lao động, trong đó có 1.998.700 lượt lao động có việc làm thường xuyên, hơn 290.172 lượt lao động có việc làm theo mùa vụ; giúp 89.024 hộ nông dân thoát nghèo...

Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động tại các vùng nông thôn, Trung tâm Hỗ trợ nông dân (HND tỉnh) đã liên kết với các đơn vị chuyên xuất khẩu lao động để đưa người đi làm việc tại nước ngoài bằng con đường chính thống. Hiện trung tâm đang phối hợp với Công ty CP Quốc tế ICO - Chi nhánh Thanh Hóa mở gần 20 lớp, thu hút khoảng 700 học viên tham gia các khóa đào tạo xuất khẩu lao động đi Nhật Bản, Hàn Quốc và cung cấp nhân lực cho các công ty nước ngoài hoạt động tại các khu công nghiệp trong nước. Nhằm giúp người dân có thêm thông tin về đào tạo nghề và xuất khẩu lao động, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức truyền thông về xuất khẩu lao động, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm tại các địa phương.

Thời gian tới, các cấp HND tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của hội viên, nông dân, từ đó định hướng những ngành nghề phù hợp. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, tư vấn việc làm, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho hội viên, nông dân có nhu cầu. Tập trung trợ giúp nông dân tiếp cận mạnh mẽ tiến bộ khoa học - công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, chuyển đổi cơ cấu giống nhằm đạt năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, hiệu quả kinh tế cao; giúp nông dân biết áp dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]