(Baothanhhoa.vn) - Câu chuyện khởi kiện doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) dù đã được luật hóa, nhưng đến thời điểm này vẫn “giậm chân tại chỗ” vì vướng mắc đủ đường.

Nợ đọng BHXH - “Khối u” vẫn còn nhức nhối (Bài cuối): Vướng mắc trong khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH

Câu chuyện khởi kiện doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) dù đã được luật hóa, nhưng đến thời điểm này vẫn “giậm chân tại chỗ” vì vướng mắc đủ đường.

Nợ đọng BHXH - “Khối u” vẫn còn nhức nhối (Bài cuối): Vướng mắc trong khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH

Nhiều công nhân, lao động dù bị mất quyền lợi hợp pháp vì doanh nghiệp không đóng BHXH nhưng vẫn âm thầm chịu thiệt mà không dám lên tiếng, vì sợ mất việc làm. Ảnh: Tô Hà

“Ăn cơm chủ” thì không thể kiện chủ

Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 quy định rõ tổ chức công đoàn cơ sở có quyền: Khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ), tập thể NLĐ. Tuy nhiên qua gần 7 năm được “trao quyền”, việc bảo vệ quyền lợi cho NLĐ của tổ chức công đoàn vẫn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.

Thừa nhận thực trạng này, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Mai Bá Nam cho biết: Thời gian qua dù LĐLĐ các cấp và ngành BHXH đã tích cực phối hợp thực hiện rà soát, lập hồ sơ khởi kiện ra tòa đối với những DN nợ bảo hiểm, thế nhưng trong quá trình thực hiện vẫn phát sinh rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do vướng mắc về pháp lý, một số quy định của pháp luật còn bất cập, nhận thức của NLĐ và tâm lý e ngại của chính tổ chức công đoàn cơ sở khi khởi kiện chủ DN. Bởi hiện nay các tổ chức công đoàn cơ sở được hình thành ở các DN, có mối quan hệ chặt chẽ với DN trong việc phối hợp, bảo vệ và chăm lo đời sống cho NLĐ. Tuy nhiên, lương của cán bộ công đoàn cơ sở là do DN chi trả và chính sự phụ thuộc này mà họ e ngại khi khởi kiện theo sự ủy quyền của NLĐ.

Bên cạnh đó, theo Điều 14 Luật BHXH năm 2014 quy định tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ theo quy định tại Khoản 8, Điều 10 của Luật Công đoàn. Công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp (với những đơn vị, DN chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở) có trách nhiệm đại diện cho tập thể NLĐ khởi kiện ra tòa. Thế nhưng, theo các điều khoản liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động (quy định trong Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, Luật BHXH và Bộ luật Tố tụng dân sự) thì để tổ chức công đoàn khởi kiện được và tòa án chấp nhận thụ lý vụ án phải có giấy ủy quyền của NLĐ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc khởi kiện của tổ chức công đoàn chưa phát huy hiệu quả. Kể cả khi đã có đầy đủ giấy ủy quyền thì lúc đó việc tranh chấp sẽ được coi là tranh chấp cá nhân, tòa án sẽ phải xét xử mỗi một NLĐ bị nợ BHXH là một vụ án, quá trình tham gia tố tụng tốn nhiều thời gian; việc tập hợp công nhân cũng gặp trở ngại khi mà họ đã chuyển đi làm ở những DN hoặc địa phương khác.

Trước năm 2016, BHXH là cơ quan thực hiện việc khởi kiện các DN nợ bảo hiểm. Trong thời gian từ năm 2012-2015, cơ quan BHXH đã thực hiện kiện trên 10 DN nợ bảo hiểm ra tòa và đã thu lại gần 20 tỷ đồng. Tuy nhiên theo Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-1-2016 việc khởi kiện các DN nợ bảo hiểm được giao cho tổ chức công đoàn. Cơ quan BHXH cũng đã chuyển hồ sơ các đơn vị nợ bảo hiểm sang LĐLĐ tỉnh và cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm, nhưng chưa xử lý được đơn vị nào. Hơn nữa, cái khó là công đoàn cơ sở không dám khởi kiện và cũng không muốn nhận ủy quyền để kiện DN. Không ít chủ tịch công đoàn cơ sở than phiền, họ cũng là người làm thuê và nhận tiền lương của DN nên việc đứng ra kiện chính ông chủ của mình là rất khó khăn, dễ mất việc làm.

Bài toán chưa có lời kết

Theo số liệu của BHXH tỉnh Thanh Hóa, trong số hàng trăm DN , đơn vị chây ỳ, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN có những đơn vị với nhiều “thành tích” nợ số tiền lớn, nợ kéo dài, nợ bảo hiểm của nhiều lao động. Trưởng Phòng thu, BHXH tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Tuấn cho biết: Trong số các DN, đơn vị nợ đọng bảo hiểm có những DN khó khăn thật sự, nhưng cũng không ít DN cố tình chây ỳ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi NLĐ. Cơ quan BHXH đã chuyển hồ sơ các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN sang LĐLĐ tỉnh và cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm, nhưng vẫn chưa xử lý được đơn vị nào.

Nợ đọng BHXH - “Khối u” vẫn còn nhức nhối (Bài cuối): Vướng mắc trong khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXHCông ty CP Dược TH Pharma (KCN Tây Bắc ga, TP Thanh Hóa) - nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài.

Phân tích về những vướng mắc khi áp dụng biện pháp hình sự với các vụ nợ BHXH, phía bảo hiểm cho rằng cơ quan công an xác định hành vi chậm đóng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Bởi trên thực tế DN có kê khai lao động đầy đủ, số tiền cần trích nộp nhưng sản xuất khó khăn nên đóng không đủ, do đó chưa cấu thành hành vi trốn đóng. Ngoài ra, quy định về DN nợ BHXH trong Bộ luật Hình sự là “trốn đóng”, trong khi các văn bản về xử lý vi phạm hành chính là “chậm đóng, đóng không đủ”. Chính sự không thống nhất này làm cho các quyết định xử phạt hành chính không thể làm căn cứ để chuyển vụ án sang hình sự do khác hành vi. Một khó khăn nữa là khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực, quy định tổ chức công đoàn khởi kiện DN nợ BHXH ra tòa án theo Điều 14 cũng gặp vướng mắc và gần như không thực hiện được.

Cũng theo ông Tuấn, việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các DN nợ BHXH, BHYT, BHTN còn nhiều hạn chế, chưa có biện pháp xử lý triệt để các trường hợp vi phạm về trốn đóng, nợ đóng. Nhiều DN, đơn vị không thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra... Cùng với đó, người lao động cũng chưa rõ về quyền lợi, cũng như thủ tục của pháp luật về vấn đề này để có sự phối hợp tốt với tổ chức công đoàn; mức phạt tối đa cho hành vi chậm đóng BHXH của người sử dụng lao động còn thấp, tối đa không quá 75 triệu đồng, tính thêm cả tiền lãi do chậm đóng vẫn thấp hơn so với lãi suất ngân hàng, nên chưa đủ sức răn đe.

Đề cập đến thực trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH của một số đơn vị, doanh nghiệp, luật sư Vũ Văn Trà – Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hoá cho rằng, hành vi trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Theo Điều 216 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), mức phạt tiền cao nhất đối với tội trốn đóng BHXH có thể lên đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù lên đến 7 năm. Ngoài ra, có thể bị áp dụng hình phạt tiền bổ sung lên đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc công việc nhất định lên đến 5 năm. Ngoài các chế tài nêu trên, doanh nghiệp còn bị truy nộp số tiền BHXH phải đóng và buộc nộp số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng. Cũng theo luật sư Vũ Văn Trà, hành vi trốn, chậm đóng BHXH xảy ra rất phổ biến trong nhiều năm qua. Mặc dù chế tài đối với hành vi này đã được quy định, tuy nhiên khi áp dụng xử lý hình sự, cơ quan điều tra đang gặp nhiều khó khăn do hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Đơn cử như việc doanh nghiệp chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó về hành vi trốn đóng BHXH để làm căn cứ xử lý hình sự; hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm luật có hiệu lực, hay khó khăn trong việc chứng minh hành vi gian dối, bởi công ty thường đưa ra lý do đang khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên nợ đóng BHXH chứ không phải trốn đóng BHXH... Có thể thấy, thực trạng chậm, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN hiện nay tiếp tục gia tăng. Để xử lý thực trạng này, hiện Luật Hình sự, Luật BHXH cũng đã có những chế tài cụ thể. Tuy nhiên, thực tế hầu như không xử lý được trường hợp nào do nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng khi cho rằng, muốn xử lý hình sự phải chứng minh được doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Trong khi đó, khi làm việc với cơ quan chức năng cũng như cơ quan tiến hành tố tụng, người sử dụng lao động cho rằng họ không trốn đóng BHXH mà chỉ chậm đóng và đưa ra nhiều lý do, rồi hứa đóng, hoặc chỉ đóng một phần sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc...

Trước tình trạng DN nợ bảo hiểm kéo dài nhưng vẫn chưa có giải pháp giải quyết triệt để, các nhà chuyên môn cho rằng, cần phải có loại “thuốc kháng sinh mạnh” để điều trị dứt điểm “căn bệnh” này. Về vấn đề này, ngày 13-4 Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về tình trạng chậm đóng và nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài trên địa bàn tỉnh để tập trung làm rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và các đơn vị, trên cơ sở đó đưa ra giải pháp nhằm giảm thiểu việc chậm BHXH, BHYT, BHTN của các cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh.

Đồng bộ các giải pháp để chấn chỉnh tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN

Nợ đọng BHXH - “Khối u” vẫn còn nhức nhối (Bài cuối): Vướng mắc trong khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động: Đóng BHXH theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 85 của luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH”.

Như vậy, hằng tháng doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đóng BHXH theo quy định nêu trên. Tuy nhiên hiện nay nhiều doanh nghiệp không chấp hành nghiêm quy định nên dẫn đến tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN và có chiều hướng gia tăng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia cũng như hoạt động của ngành BHXH. Theo đó, việc chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thực hiện các chế độ chính sách của ngành BHXH. Ngành BHXH không có cơ sở để giải quyết quyền lợi cho người lao động tại các đơn vị chậm đóng, nhất là khi người lao động bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động không được thanh toán chế độ; một số người lao động đến tuổi nghỉ hưu không được chốt sổ BHXH để giải quyết chế độ hưu trí, khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn trước những áp lực của cuộc sống.

Để khắc phục tình trạng trên, ngành BHXH tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, đó là: Thường xuyên báo cáo để tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, nhất là trong công tác đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; triển khai thực hiện các nội dung theo quy định tại Công văn số 9647 của Chủ tịch UBND tỉnh về chấn chỉnh việc chậm trích nộp BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; phân công rõ trách nhiệm trong chỉ đạo, đôn đốc tổ chức thực hiện công tác giảm số tiền chậm đóng, hàng tháng gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN đến chủ sử dụng lao động kịp thời để thực hiện đôn đốc việc đóng, nộp BHXH, BHYT, BHTN. Thực hiện kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền; chủ động phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra, Công an, Liên đoàn Lao động và các cơ quan có liên quan thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, trong đó tập trung vào các đơn vị chậm đóng với số tiền lớn, thời gian kéo dài.

Phối hợp với các đơn vị có liên quan và cơ quan công an để thu thập hồ sơ, tài liệu chứng minh yếu tố gian dối, gian lận trong chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN để hoàn thiện hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xử lý đối với doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định của pháp luật; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, thời gian kéo dài; phối hợp đề nghị MTTQ, các tổ chức công đoàn, các hội đoàn thể... tăng cường công tác giám sát việc thực hiện BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đối với đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn. Bên cạnh đó, NLĐ nên theo dõi tình hình đóng BHXH của mình thông qua phần mềm VSSID của BHXH, nếu thấy đơn vị không đóng BHXH thì cần kiến nghị ngay với cơ quan chức năng để kịp thời bảo vệ quyền lợi cho mình.

Nguyễn Văn Tám

Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa

Trao thêm quyền khởi kiện cho công đoàn cấp trên

Nợ đọng BHXH - “Khối u” vẫn còn nhức nhối (Bài cuối): Vướng mắc trong khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH

Thực hiện quyền khởi kiện theo Luật BHXH, LĐLĐ tỉnh đã chuyển 19 hồ sơ sang tòa án khởi kiện các đơn vị nợ BHXH, thế nhưng không thể thực hiện được. Theo quy định, việc khởi kiện phải do đại diện công đoàn cơ sở đứng ra đại diện cho công nhân, thế nhưng thực tế đại diện công đoàn lại là người làm công và được ông chủ trả lương nên việc khởi kiện không thể thực hiện. Trong khi đó, người lao động có tâm lý ngại va chạm, sợ mất việc nên cũng không dám đứng ra khởi kiện.

Vướng mắc hiện nay là tâm lý người lao động không muốn khởi kiện, ngại ra tòa và muốn có việc làm ổn định, sợ không dám ủy quyền cho công đoàn khởi kiện, trừ trường hợp doanh nghiệp đó phá sản rồi, lao động không làm ở đó nữa. Thêm vào đó, đối với công đoàn cơ sở không dám làm thủ tục ủy quyền cho công đoàn cấp trên đứng ra khởi kiện, xuất phát từ nhiều lý do, vì công đoàn cơ sở phụ thuộc doanh nghiệp; hơn nữa cơ chế bảo vệ công đoàn cơ sở không có, bất lợi cho họ là khi họ đại diện khởi kiện thì sẽ bất lợi khi sang doanh nghiệp khác xin việc...

Từ những vướng mắc bất cập như trên, cần thiết phải sửa đổi hành lang pháp lý liên quan để tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn cơ sở có thể tiến hành khởi kiện DN nợ BHXH mà không cần tới sự ủy quyền của NLĐ. Thủ tục, hồ sơ khởi kiện cần đơn giản hóa, nhanh gọn, vì nhiều cán bộ công đoàn cơ sở và NLĐ nhận thức pháp luật còn hạn chế, khó có thể hoàn tất đầy đủ giấy tờ khởi kiện theo yêu cầu của tòa án. Cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề trên vẫn là cần phải sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Tố tụng dân sự. Theo đó, nên trao thêm quyền khởi kiện DN nợ BHXH cho tổ chức công đoàn cơ sở cấp trên. Phương án này sẽ tránh được tâm lý e ngại của công đoàn cơ sở cấp dưới khi phải trực tiếp khởi kiện DN vì thực tế là cán bộ công đoàn cơ sở đang nhận lương từ chính DN. Đồng thời, BHXH là cơ quan có chức năng hỗ trợ thông tin và cùng bám sát việc thu hồi nợ BHXH từ các DN để các quy định về công tác khởi kiện của công đoàn được đồng bộ, thống nhất. Điều quan trọng hơn, mỗi lao động cần mạnh dạn lên tiếng, tố cáo các đơn vị, DN vi phạm về BHXH, nhằm đảm bảo các quyền lợi chính đáng cho mình.

Nguyễn Xuân Tuấn

Trưởng Ban chính sách pháp luật

và quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh

Hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền lợi người lao động

Nợ đọng BHXH - “Khối u” vẫn còn nhức nhối (Bài cuối): Vướng mắc trong khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH

Việc dây dưa, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN là thực trạng đáng lo ngại nhiều năm qua, kéo theo nhiều hệ luỵ, không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực BHXH, BHTN, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc sở để thực hiện chính sách BHXH, BHTN. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chậm đóng, nợ đóng BHXH, BHTN được thực hiện thường xuyên theo kế hoạch và đột xuất. Hằng năm, sở đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, trong đó kết hợp thanh tra, kiểm tra về BHXH, BHTN với thanh tra, kiểm tra pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động. Qua thanh tra phát hiện một số sai phạm về BHXH, BHTN của các doanh nghiệp như: Chưa tham gia BHXH cho người lao động đầy đủ, ghi sai chức danh tham gia BHXH so với hợp đồng lao động, tiền lương đóng BHXH, BHTN chưa đúng quy định, đã trừ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động vào lương nhưng chưa trích nộp cho cơ quan BHXH, chậm nộp BHXH... Tuy nhiên, chất lượng chưa thực sự tạo bước chuyển biến mạnh mẽ.

Trong giai đoạn 2020-2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ trì làm việc với một số đơn vị có nợ đọng lớn, kéo dài, tuy nhiên do các đơn vị không còn hoạt động trên địa bàn tỉnh, làm ăn thua lỗ, giải thể nên việc thu nợ rất khó khăn... Vì vậy cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền lợi người lao động. Theo đó, đề nghị Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp lý về việc khởi kiện các đơn vị nợ đọng ra tòa, đưa ra các chế tài đủ mạnh, đảm bảo sức răn đe nhằm giảm thiểu số lượng đơn vị nợ đọng BHXH, BHTN, số tiền nợ BHXH, BHTN; cần quy định cụ thể, dễ thực hiện xử lý hình sự đối với các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; ban hành quy định về phương án xử lý tiền nợ BHXH, BHTN tồn đọng kéo dài (không còn khả năng trả nợ) của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phả sản hoặc chủ bỏ trốn, làm căn cứ giải quyết chế độ cho người lao động; tăng số lượng thanh tra viên lao động để đáp ứng nhu cầu quản lý số lượng doanh nghiệp trên địa bàn...

Lê Đình Tùng

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Mong có cơ chế bảo đảm quyền lợi cho những người lao động như chúng tôi

Nợ đọng BHXH - “Khối u” vẫn còn nhức nhối (Bài cuối): Vướng mắc trong khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH

Là công nhân Xí nghiệp gạch Đông Văn, Công ty CP Hancorp.2 (thuộc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội -CTCP, Bộ Xây dựng), đóng trên địa bàn phường Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa), tôi tham gia BHXH đã được hơn 25 năm, hằng tháng công ty đều trích nộp BHXH.

Tuy nhiên, trong nhiều năm (từ tháng 8 năm 2012 đến 30-4-2020), công ty không đóng BHXH, nên mỗi lần đi khám, chữa bệnh, công nhân chúng tôi không được hưởng chế độ BHYT, không được chi trả các phúc lợi xã hội, tiền ốm đau, thai sản...

Đến thời điểm này, tôi và gần 100 công nhân vẫn chưa chốt được sổ BHXH. Nghiêm trọng hơn là từ tháng 2 năm 2018, Xí nghiệp gạch Đông Văn đã ngừng hoạt động; tháng 2 năm 2020, công ty gửi thông báo chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 30-4-2020 tới người lao động; ngày 6-5-2020, công ty đã có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động từ 1-5-2020... Vì thế người lao động gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như tìm kiến công ăn việc làm mới. Chúng tôi đã rất nhiều lần tập trung kiến nghị, gửi đơn đến các cơ quan chức năng; Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng đã có ý kiến chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.

Lê Xuân Trường

Công nhân Công ty CP Hancorp.2

Tô Hà

Tin liên quan:
  • Nợ đọng BHXH - “Khối u” vẫn còn nhức nhối (Bài cuối): Vướng mắc trong khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH
    Nợ đọng BHXH - “khối u” vẫn còn nhức nhối (Bài 1): Điểm mặt những “đại gia” ...

    Nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) không phải là vấn đề mới. Song những rủi ro và ảnh hưởng mà nó gây ra là không hề nhỏ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây có thể được xem là “khối u” nhức nhối, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người lao động (NLĐ), trong khi đó các cơ quan chức năng vẫn đang “bó tay” trước tình trạng này và chưa có biện pháp hữu hiệu xử lý triệt để.

  • Nợ đọng BHXH - “Khối u” vẫn còn nhức nhối (Bài cuối): Vướng mắc trong khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH
    Nợ đọng BHXH - “khối u” vẫn còn nhức nhối (Bài 2): Quyền lợi người lao động bị ...

    Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Bởi lẽ, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động, nhất là khi họ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động không được thanh toán chế độ; một số lao động đến tuổi nghỉ hưu không được chốt sổ BHXH để giải quyết chế độ hưu trí, khiến cuộc sống của họ luôn bấp bênh trước những áp lực cuộc sống.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]