(Baothanhhoa.vn) - Trong bài thơ “Tung còn”, thi sĩ Mai Liễu người dân tộc Tày, đã viết: “Hai cặp mắt tình tứ trông nhau/ Quả còn trên tay mê ngủ/ Chẳng nhớ mình đeo tua đỏ tua xanh... Quả còn chạm vai thì nhặt/ Ngày lành duyên tốt mừng nhau”. Ngôn ngữ giản dị, chất phác nhưng giàu tình cảm của bài thơ cứ ngân nga trong tôi, khi tham gia hội chơi tung còn ở bản Mạ, thị trấn Thường Xuân vào một ngày nắng lên ấm áp.

Quả còn mùa xuân

Trong bài thơ “Tung còn”, thi sĩ Mai Liễu người dân tộc Tày, đã viết: “Hai cặp mắt tình tứ trông nhau/ Quả còn trên tay mê ngủ/ Chẳng nhớ mình đeo tua đỏ tua xanh... Quả còn chạm vai thì nhặt/ Ngày lành duyên tốt mừng nhau”. Ngôn ngữ giản dị, chất phác nhưng giàu tình cảm của bài thơ cứ ngân nga trong tôi, khi tham gia hội chơi tung còn ở bản Mạ, thị trấn Thường Xuân vào một ngày nắng lên ấm áp.

Quả còn mùa xuân

Tại lễ hội văn hóa bản Mạ, thị trấn Thường Xuân, tôi gặp cô gái Vi Huế cùng bạn bè đang mải mê tung hứng những quả còn. Các cô vận sắc phục dân tộc Thái, áo cóm đồng màu vàng tươi, ngời ngợi dưới trời xanh mây trắng, trong ánh nắng như mật ngọt rót vào không gian. Trên bãi cỏ non, cách không xa là mặt sông hiền hòa và rặng tre xanh ngăt ngắt, hội chơi tung còn diễn ra sôi động, gương mặt ai nấy rạng rỡ, hòa vào hội chơi một cách hồn nhiên, tươi trẻ. Những quả còn đủ màu sắc, như những cánh bướm rừng xôn xao, chấp chới bay lượn trên không trung. Vi Huế cho biết: tung còn là một trò chơi khó, vì không dễ gì tung quả còn trúng được chiếc vòng trên cao kia, kể cả người chịu khó tập luyện, thi thoảng cũng mới ném trúng qua vòng. Nhưng dù trúng hay không trúng, thì cái được lớn nhất là tất cả đều rất vui vẻ, phấn khởi, chơi hết mình, và trong cuộc chơi thấy mình như trẻ lại, quên hết những mệt nhọc lo lắng đời thường.

Đến với những bản làng vùng cao vào dịp lễ hội hay tết đến, xuân về, chúng ta thường bắt gặp những hội chơi tung còn diễn ra sôi động. Đây là trò chơi dân gian truyền thống, đã trở thành nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở nhiều vùng miền. Tung còn là trò chơi dân gian của nhiều tộc người, phổ biến là Mường, Thái, Tày, Nùng... trên khắp cả nước, nhất là ở miền Bắc và Bắc Tây Nguyên, nơi có những tộc người này sinh sống... Tại Thanh Hóa, trò chơi dân gian này xuất hiện nhiều trong những vùng đồng bào dân tộc Mường, Thái... Và bởi bà con các dân tộc thiểu số ngày nay sinh sống xen kẽ trên cùng một địa bàn, các lễ hội mở rộng phạm vi hoạt động, nên với sự giao thoa văn hóa, trò chơi tung còn cũng được đồng bào các dân tộc khác cùng tham gia. Trò chơi tung còn thường được tổ chức kết hợp cùng nhiều trò chơi, trò diễn dân gian khác trong các lễ hội văn hóa, như múa pồn pôông, múa sạp, khua luống, đánh cồng chiêng, trình diễn khèn bè, múa xòe hoa, chơi đu, đẩy gậy, nhảy bao bố, bắn nỏ...

Tung còn là một trò chơi mang nét đẹp chân chất, hồn hậu của đồng bào dân tộc miền núi, không đòi hỏi sức vóc, mà cần sự khéo léo nhiều hơn. Không gian của trò chơi cũng khá đơn giản, có thể là một bãi cỏ rộng, vạt đất bằng ven suối, hay một chân ruộng khô ráo chưa đến thời điểm cày bừa và đổ nước, đủ diện tích để mọi người quy tụ trong trò chơi. Dân bản sẽ dựng lên một cây nêu (là một cây tre có ngọn cong, vẫn còn chùm lá ở trên, treo một vòng tròn ở điểm cao nhất của cây), hoặc có thể dựng một thân luồng cao làm cột, ở đỉnh cột cũng buộc một vòng tròn như thế. Quả còn được may hình vuông bằng vải thổ cẩm, hoặc những miếng vải hoa, vải màu nho nhỏ tầm bằng bàn tay, bên trong nhồi một vật liệu nào đó để tạo sức nặng như thóc gạo, cát... Xung quanh quả còn được khâu những dây tua rua nhiều màu sắc. Chiếc dây gắn ở phần đuôi của quả còn là dài nhất, gần bằng một sải tay. Khi tung còn, người chơi sẽ cầm vào đoạn gần cuối chiếc dây ấy, quay tròn theo chiều kim đồng hồ để tạo đà bay. Khi đã có đà, người chơi tung quả còn lên cao, nhằm vào tâm vòng tròn. Người nào tung được quả còn qua chiếc vòng ấy, sẽ nhận những tràng pháo tay và tiếng dô hò cổ vũ đầy phấn khích của những người cùng chơi và khán giả xung quanh.

Trò tung còn dành cho mọi lứa tuổi, từ trẻ em, thanh niên đến người có tuổi. Ai thích chơi cũng đều có thể tham gia tung còn, bắt còn. Về góc độ nghiên cứu văn hóa, nhiều người cho rằng đây là trò chơi mang biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực. Quả còn tượng trưng cho tính dương, vòng tròn tượng trưng cho tính âm. Trò chơi này ẩn chứa triết lý âm dương hài hòa, bày tỏ ước vọng của con người về sự no đủ, phồn thực, sinh sôi phát triển. Bởi vậy, đây cũng được xem là trò chơi mang tính giao duyên. Cứ mỗi khi bản mường có lễ hội, nam thanh, nữ tú sẽ diện những bộ trang phục lộng lẫy nhất, rủ nhau đến cùng chơi các trò vui, trong đó, trò tung còn hầu như không thể thiếu. Các chàng trai, cô gái tung bắt những quả còn, và họ gửi theo ánh mắt, nụ cười ý nhị, bày tỏ tình cảm với nhau một cách kín đáo. Từ những cuộc chơi chung như thế, trai gái có dịp gặp gỡ, tìm hiểu nhau, gửi gắm những tâm sự thầm kín, rồi dần trở thành đôi lứa, thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái để dòng họ, bản làng có đời này đời khác...

Ở hội tung còn, có thể dân bản chỉ tham gia chơi cho vui, không nhất thiết phải thi thố hoặc trao giải; hoặc bà con sẽ tổ chức trao những giải thưởng nho nhỏ để tạo thêm sức hút, sự phấn khích, động viên người chơi. Nhưng dù có giải hay không có giải, tất cả già trẻ gái trai khi tham gia đều hết sức nhiệt tình, thể hiện hết mình trong cuộc chơi.

Quả còn mùa xuân

Ở Thanh Hóa, trò chơi tung còn có mặt ở Lễ hội Khai Hạ (Cẩm Thủy), Lễ hội Pồn Pôông (Ngọc Lặc), Lễ hội Mường Xia (Quan Sơn), Lễ hội bản Mạ (Thường Xuân), Lễ hội Đình Thi (Như Xuân), Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy (Như Thanh)... và ở nhiều lễ hội khác của vùng cao. Ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Tây Nguyên, nơi có đồng bào Mường, Thái, Tày, Nùng... sinh sống, trò chơi này cũng xuất hiện khá phổ biến trong hầu hết các lễ hội.

Phong tục chơi tung còn không chỉ có ở Việt Nam, mà cả Trung Quốc, Lào cũng rất phổ biến trong một số cộng đồng. Bởi có sự đồng dạng về văn hóa, nên trò chơi dân gian này đã được tổ chức ở quy mô quốc tế. Tại tỉnh Điện Biên, miền Tây Bắc của Tổ quốc, đã từng diễn ra Lễ hội tung còn quốc tế lần thứ 3, do tỉnh này đăng cai tổ chức, với sự tham gia của nhiều vận động viên tỉnh Điện Biên (Việt Nam), huyện Giang Thành (Vân Nam - Trung Quốc) và huyện Nhọt U (nước CHDCND Lào). Được biết, Lễ hội tung còn quốc tế lần 1 và 2 được tổ chức ở huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trung Quốc và Lào tung còn qua khung hình tam giác, còn Việt Nam tung còn qua khung hình tròn.

Quả còn bay lên trời cao, mang theo ước vọng của con người cầu cho sự may mắn đến với mình, với bản làng. Đối với những chàng trai cô gái, quả còn ẩn chứa những tâm tình thầm kín, họ thầm nguyện ước quả còn của mình như một “tín hiệu trái tim”, sẽ đến được tay “người thương”, như một cách ngầm bày tỏ tình yêu thầm kín. Như lời bài hát diễn tả vẻ đẹp giao duyên của trò chơi này: “Quả còn bay trên cao/ Bên nhịp khèn êm ái/ Trái còn bồi hồi/ Trái còn nao nao/ Cánh tay mềm em bắt/ Còn đã vào tay em/ Hạnh phúc trong tay em/ Đừng làm rơi em nhé/ Anh chẳng còn chơi vơi...”.

Hy vọng rằng, trong mùa xuân mới, những đôi uyên ương sẽ tìm thấy nhau qua những quả còn giao duyên để cùng dựng xây hạnh phúc. Hòa vào lễ hội mùa xuân, ngắm nhìn những đôi trai gái tình tứ trao nhau trái còn rực rỡ sắc màu, giữa khung trời mây trắng nắng vàng lung linh, trong tâm tưởng tôi chợt dìu dặt những lời thơ: “Ngày xuân ấy anh gieo lên trời biếc/ Giữa rừng mơ quả còn nói thay lời.../ Anh nhờ gió mang lời thương về bản/ Thành bông hoa rừng, đậu xuống tay em...”.

Mai Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]