(Baothanhhoa.vn) - Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, qua nửa nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tạo dựng thế và lực mới cho phát triển.

Nửa nhiệm kỳ tạo dựng diện mạo kinh tế - xã hội với nhiều dấu ấn đậm nét (Bài 1): Dựng thế, tạo lực cho phát triển

Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, qua nửa nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tạo dựng thế và lực mới cho phát triển.

Nửa nhiệm kỳ tạo dựng diện mạo kinh tế - xã hội với nhiều dấu ấn đậm nét (Bài 1): Dựng thế, tạo lực cho phát triểnTàu cập Cảng quốc tế Nghi Sơn bốc xếp hàng hóa. Ảnh: Minh Hằng

Thành quả ấn tượng

Cùng với cả nước, Thanh Hóa bước vào triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 (gọi tắt là Nghị quyết), trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức khó lường và cả những vấn đề mới rất khó hoặc không thể dự báo. Song, với tinh thần đoàn kết “trên dưới đồng lòng”, cùng sự năng động, sáng tạo và đặc biệt với ý chí, quyết tâm rất cao, tỉnh ta đã từng bước vượt qua thách thức và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Đối diện và khắc phục những tác động tiêu cực chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, Thanh Hóa đã vươn lên đứng thứ 5 cả nước (sau Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hậu Giang) về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân trong cùng giai đoạn 2021-2023, với con số ấn tượng ước đạt 9,69% (năm 2021 đạt 9,44%, năm 2022 đạt 12,4%, năm 2023 ước đạt 7,29%) và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh/thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Nhờ đó, thu ngân sách Nhà nước tăng cao, với tổng thu 3 năm (2021-2023) ước đạt 132.418 tỷ đồng (vượt dự toán hằng năm); trong đó, năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước). Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm ước đạt 11,3% (cao hơn mục tiêu Nghị quyết là tăng 10% trở lên).

Đặc biệt, với quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, Thanh Hóa đã vươn lên đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; trong đó, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 17,3% năm 2020 xuống còn 13,8%; ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 41,8% lên 48,4%; ngành dịch vụ giảm từ 33,9% xuống 31,8% và thuế sản phẩm giảm từ 7% xuống 6% (năm 2023). Năng suất lao động xã hội liên tục tăng, với tốc độ tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 ước đạt 12,65% (cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết là 9,6%). Riêng năm 2023, năng suất lao động xã hội bình quân ước đạt 101,5 triệu đồng/người, tăng 20,7 triệu đồng so với năm 2020.

Để thu hút các nguồn lực cho phát triển, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư. Nhờ đó, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 ước đạt 409,3 nghìn tỷ đồng, bằng 54,6% mục tiêu nhiệm kỳ. Cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư Nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài Nhà nước. Đặc biệt, cũng từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 201 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 29 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 38.665 tỷ đồng và 366,7 triệu USD. Đồng thời, điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án với số vốn 90,9 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án, với số vốn tăng thêm 90,9 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 150 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,6 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.

Để tạo động lực cho phát triển, thì hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại tiếp tục được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cần sự đầu tư lớn. Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông là nền tảng; hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu, cụm công nghiệp là đòn bẩy; hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, hạ tầng cung cấp điện là mũi nhọn; hạ tầng phục vụ nông nghiệp, hạ tầng thương mại là cơ sở quan trọng... Từ đó, góp phần tạo dựng diện mạo và sức bật mới cho sự phát triển của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung phát triển đô thị theo hướng hiện đại, với mạng lưới 34 đô thị (gồm 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 30 đô thị loại V). Đồng thời, chú trọng XDNTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, với kết quả ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM (đạt tỷ lệ 48,15%), có 363 xã đạt chuẩn NTM (đạt 78,1%), 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 17,2%), 17 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 3,7%); có 407 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 1 sản phẩm OCOP 5 sao.

Để tạo môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư, tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh theo hướng công khai, minh bạch. Kết quả là so với đầu nhiệm kỳ, các chỉ số cải cách hành chính PAPI, SIPAS, PAR INDEX đều tăng mạnh thứ hạng và đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước. Điển hình như năm 2022, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 3 cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 10 cả nước, tăng 19 bậc; Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) xếp thứ 5 cả nước, tăng 8 bậc. Ngoài ra, đã áp dụng đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện (DDCI), góp phần thúc đẩy cải thiện chất lượng hoạt động của các sở, ngành, địa phương, cũng như nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Có thể khẳng định, những thành quả mà tỉnh Thanh Hóa đạt được qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết, đã và đang góp phần vào bức tranh kinh tế Việt Nam - vốn được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá là một điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Từ đó, khẳng định thế và lực của tỉnh Thanh Hóa trên thang bậc tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội đất nước vài năm trở lại đây.

Nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả

Những con số thống kê về hiệu quả tăng trưởng kinh tế từ đầu nhiệm kỳ đến nay, là sự phản ánh hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương. Đặc biệt là việc xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, biến đó thành nguồn lực cho phát triển. Theo đó, tỉnh đã tập trung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, HĐND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và huyện Thọ Xuân, tạo cơ sở pháp lý để các địa phương này chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển.

Điển hình là đến nay, trong số 8 chính sách theo Nghị quyết số 37/2021/QH15, hiện chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên và 3 chính sách về phân cấp, ủy quyền trong quản lý rừng, đất đai, quy hoạch đã được triển khai thực hiện. Chính sách về để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn. Đối với 3 chính sách đặc thù còn lại (chính sách về mức dư nợ vay; chính sách về phí, lệ phí; chính sách về thu từ xử lý nhà, đất) đang được UBND tỉnh giao các đơn vị liên quan tham mưu, tổ chức thực hiện.

Thực tế những năm qua cho thấy, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX được triển khai thực hiện trong bối cảnh đầy thách thức. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 khiến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng mạnh... đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế trên quy mô toàn cầu. Do đó, để vừa “phá băng” sự trì trệ của nền kinh tế, vừa duy trì hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, là nhiệm vụ hết sức nặng nề và chưa có tiền lệ. Trước thách thức đó, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã có những phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, đặc biệt là những quyết sách trong điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch COVID-19.

Với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chủ động dự báo, phân tích, đánh giá sát, đúng tình hình. Trên cơ sở đó, xây dựng, triển khai thực hiện quyết liệt các phương án, kịch bản, giải pháp phòng, chống phù hợp, hiệu quả trong từng thời điểm, từng địa bàn, từng khu vực. Có thể nói, “cuộc chiến” hết sức gian nan vừa bảo đảm an sinh xã hội, vừa phát triển kinh tế, được xác định là nhiệm vụ cấp thiết, là “mệnh lệnh” xuất phát từ thực tiễn, đòi hỏi mọi cấp, ngành, địa phương, đơn vị và mọi tầng lớp Nhân dân phải cùng chung một ý chí, một hành động. Có những thời điểm, mỗi xã, phường, thị trấn được xây dựng thành một “pháo đài” chống dịch, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Đối với các ổ dịch, tỉnh đã áp dụng linh hoạt các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, nhằm hạn chế tối đa sự tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt, sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.

Điển hình cho tinh thần quyết tâm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, là việc sớm đưa Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 vào cuộc sống. Chính sách này ra đời từ yêu cầu thực tiễn khách quan, đã giải đáp thỏa đáng những vấn đề bức thiết nảy sinh từ chính thực tiễn. Đó là hướng đến và tập trung vào hai đối tượng được thụ hưởng là người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động trên địa bàn.

Có thể nói, với sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và nhờ những quyết sách đúng và trúng, đã góp phần tạo ra một loại “vắc xin” có khả năng sinh ra “kháng thể” tuyệt vời, giúp khơi lên tinh thần lạc quan và năng lực vượt khó của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt, những con số tăng trưởng kinh tế ấn tượng đã cho thấy năng lực phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, đồng bộ và hiệu quả của tỉnh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, Thanh Hóa không chỉ thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế; mà còn làm “sáng lên” tinh thần nhân văn, tinh thần dân tộc và là minh chứng thuyết phục về một chính quyền hành động vì Nhân dân.

Trong nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra, thì việc bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, dứt khoát, nghiêm túc, có hiệu lực, hiệu quả những chủ trương, định hướng, quyết sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, được xem là nhân tố quyết định trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và có trọng tâm, trọng điểm; vừa chủ động giải quyết kịp thời những nhiệm vụ trước mắt, những vấn đề bức xúc, phát sinh, vừa chú trọng những vấn đề lớn, lâu dài, có tính chiến lược để tạo bước đột phá trên từng lĩnh vực; nắm chắc tình hình, dự báo sát đúng, giải quyết kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn... Đây cũng chính là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần tạo sự phát triển đột phá của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua; và là tiền đề để tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu, nhằm tiệm cận các giá trị cao hơn trên thang bậc phát triển.

Khôi Nguyên

(Số liệu trong bài viết được khai thác từ dự thảo Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 của Tỉnh ủy Thanh Hóa).

Bài 2: Củng cố các nền tảng tăng trưởng căn bản.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]