(Baothanhhoa.vn) - Để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), nhiều mô hình, sáng kiến mới đã được các địa phương nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn, tạo nên những dấu ấn nổi bật trong công tác cải cách hành chính (CCHC).

Những sáng kiến cải thiện chất lượng dịch vụ công

Để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), nhiều mô hình, sáng kiến mới đã được các địa phương nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn, tạo nên những dấu ấn nổi bật trong công tác cải cách hành chính (CCHC).

Những sáng kiến cải thiện chất lượng dịch vụ côngCông chức bộ phận “một cửa” xã Đông Tiến (Đông Sơn) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

“Tổng đài hỗ trợ giải quyết TTHC” tại bộ phận “một cửa” xã Đông Tiến (Đông Sơn) được thực hiện từ năm 2022, là mô hình mới của cả tỉnh, chưa có đơn vị nào thực hiện. Phó Chủ tịch UBND xã Đông Tiến Trần Thị Quyên cho biết: “Khi cần giải quyết TTHC, tổ chức, công dân sẽ gọi đến số điện thoại của tổng đài chính (0915.115.439) hỏi về thành phần hồ sơ. Tổng đài chính (công chức văn phòng) sẽ kết nối với máy điện thoại bàn của công chức chuyên môn ở các lĩnh vực văn hóa- xã hội, địa chính, tư pháp - hộ tịch làm việc tại bộ phận “một cửa”. Sau đó, công chức ở từng lĩnh vực sẽ hướng dẫn tổ chức, công dân các thành phần hồ sơ cần phải mang theo khi giải quyết TTHC, giúp tổ chức, công dân chỉ cần đi một lần là làm xong”.

Mô hình được thực hiện đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân, được Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn biểu dương và đề nghị các đơn vị khác trong huyện học tập và nhân rộng.

Anh Thiều Đình Trọng ở xã Đông Tiến chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần đi làm TTHC. Trước đây, có những lần đến bộ phận “một cửa” của UBND xã nhưng vẫn phải quay về nhà lấy thêm giấy tờ vì thiếu thành phần hồ sơ. Nay thì chỉ cần đi một lần duy nhất là xong vì đã có tổng đài hỗ trợ từ lúc ở nhà, giúp chúng tôi đỡ mất thời gian, không phải đi lại nhiều, nhất là trong mùa hè nắng nóng như vừa qua”.

Nếu xã Đông Tiến hỗ trợ công dân qua số điện thoại của tổng đài thì ở xã Đông Khê (Đông Sơn) lại hỗ trợ công dân bằng “giờ làm việc thứ 9”. Mô hình được thực hiện vào thứ 2 và thứ 6 hàng tuần. Những ngày thực hiện mô hình, cán bộ, công chức bộ phận “một cửa” sẽ làm việc thêm 1 giờ đồng hồ vào cuối buổi chiều để giải quyết TTHC cho công dân. Ngày thứ 2 là lịch làm việc của bộ phận tư pháp và văn hóa - xã hội, ngày thứ 6 là lịch làm việc bộ phận địa chính. Giờ làm việc mùa hè từ 17h00 đến 18h00 và mùa đông từ 16h30 đến 17h30. Thông qua mô hình này giúp tổ chức, cá nhân, nhất là những người phải đi làm trong giờ hành chính hay công nhân các công ty sau khi tan giờ làm có thêm thời gian để được giải quyết công việc. Mô hình đã thể hiện rõ quan điểm “Lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu của mọi sự phục vụ”, qua đó xây dựng hình ảnh chính quyền, người cán bộ, công chức gần gũi, thân thiện, chiếm được thiện cảm của rất nhiều người dân.

Hoằng Quang là xã ngoại thành của TP Thanh Hóa nhưng được đánh giá cao bởi những sáng kiến mới áp dụng trong CCHC. Ở đây có tới 3 mô hình được áp dụng vào giải quyết TTHC, đó là mô hình “Đón tiếp công dân”, “Thứ ba, thứ năm - ngày không viết”, “Thứ sáu - ngày không hẹn” trong giải quyết TTHC. Thực hiện mô hình “Thứ ba, thứ năm - ngày không viết”, tổ chức, công dân khi đến thực hiện các TTHC, thay vì hướng dẫn công dân phải tự viết thì công chức bộ phận “một cửa” sẽ đánh máy hoặc viết tay cho tổ chức, cá nhân. Khi viết xong, công chức sẽ đọc lại toàn bộ nội dung hoặc để công dân kiểm tra lại độ chính xác các thông tin, công dân chỉ việc ký tên hoặc điểm chỉ vào tờ khai, rất nhanh và chính xác.

Ngoài 3 mô hình trên, bộ phận “một cửa” UBND TP Thanh Hóa cũng đã có sáng kiến “Luân chuyển phiếu thông tin địa chính trên phần mềm “một cửa” điện tử giữa Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố với Chi cục Thuế thành phố”, giúp quá trình giải quyết TTHC nhanh chóng, hiệu quả hơn, đồng thời tạo được sự tin tưởng, hài lòng từ phía công dân khi đến giao dịch với cơ quan Nhà nước.

Để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của bộ phận “một cửa”, “một cửa” liên thông, các cơ quan, đơn vị, các địa phương trong tỉnh đã nghiên cứu, thực hiện nhiều sáng kiến, giải pháp mới trong giải quyết TTHC. Tiêu biểu như Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh với khẩu hiệu “Làm hết việc chứ không hết giờ”; thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn) với mô hình chuyển đổi số, giảm khoảng cách giữa người dân và chính quyền; huyện Quan Hóa với mô hình “Điểm dịch vụ công trực tuyến” tại 15 xã, thị trấn hỗ trợ người dân giải quyết TTHC; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Hà Trung, Như Thanh, Vĩnh Lộc, Thường Xuân, Nga Sơn... với mô hình “Ngày thứ 7 tình nguyện giúp Nhân dân giải quyết TTHC”. Ngoài ra, các mô hình như “Chuyển đổi số lĩnh vực lao động, người có công và xã hội”, “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”, thông báo kết quả giải quyết TTHC trên thiết bị thông minh, tin nhắn SMS; giảm 30% mức thu phí, lệ phí đối với cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến... tiếp tục được nhân rộng ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Với nhiều sáng kiến, giải pháp mới được áp dụng, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tạo nên sự thay đổi cả về “lượng” và “chất” trong CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC, đem lại sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân, góp phần đưa Thanh Hóa vươn lên vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành phố của cả nước về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Bài và ảnh: Thu Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]