(Baothanhhoa.vn) - Xác định đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), phát triển hạ tầng đô thị là khâu quan trọng trong quá trình triển khai các dự án, góp phần tạo đột phá để thu hút đầu tư và bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện Thọ Xuân đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm,...

Những kết quả nổi bật qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thọ Xuân lần thứ XXVII (Bài 2): Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng đô thị, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội

Xác định đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), phát triển hạ tầng đô thị là khâu quan trọng trong quá trình triển khai các dự án, góp phần tạo đột phá để thu hút đầu tư và bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện Thọ Xuân đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm,...

Những kết quả nổi bật qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thọ Xuân lần thứ XXVII (Bài 2): Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng đô thị, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hộiLễ khởi công dự án tuyến đường từ thị trấn Thọ Xuân đi trung tâm hành chính mới huyện Thọ Xuân.

Tập trung GPMB các dự án trọng điểm

Ngay từ đầu năm 2023, huyện Thọ Xuân đã triển khai thực hiện GPMB 16 dự án trọng điểm với diện tích cần GPMB là 168,17 ha. Tiến độ thực hiện kế hoạch được chia thành 2 đợt, trong đó đợt 1, thời gian thực hiện 60 ngày/đêm, từ ngày 1-4 đến 30-5-2023; đợt 2 thời gian thực hiện 60 ngày/đêm, dự kiến từ ngày 1-8 đến 30-9-2023.

Để thực hiện kế hoạch, UBND huyện đã tổ chức ký cam kết thực hiện giữa đồng chí Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo 541 huyện với Bí thư Đảng ủy, trưởng ban GPMB các xã, thị trấn. Song song với đó, Ban Chỉ đạo 541 huyện tổ chức kiện toàn, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Đảng ủy các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân có đất bị thu hồi trên địa bàn, đặc biệt là phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân sớm nhận kinh phí bồi thường, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án theo tiến độ đề ra. Tính đến 2-7, huyện đã triển khai GPMB được 14/16 dự án, với diện tích cần GPMB là 147,67 ha.

Tại thị trấn Sao Vàng - địa phương có khu đô thị Lam Sơn - Sao Vàng (một trong bốn cụm kinh tế động lực của tỉnh); năm 2023 địa phương có Dự án đầu tư khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Lam Sơn- Sao Vàng (giai đoạn 2,3), tổng diện tích 220,93 ha, diện tích cần GPMB là 37 ha. Để góp phần cùng với Đảng bộ huyện thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện, cấp ủy, chính quyền thị trấn Sao Vàng đã chủ động phối hợp với hội đồng GPMB huyện, các ban, phòng, ngành chức năng tập trung thực hiện và đạt được những kết quả bước đầu trong công tác GPMB. Tính đến ngày 30-6-2023, thị trấn đã hoàn thành các bước tổ chức ký cam kết GPMB với các hộ dân và tiến hành đo đạc, kiểm kê; đồng thời, tiến hành các bước lập phương án bồi thường và chi trả bồi thường GPMB được 37 ha/220,93 ha.

Theo báo cáo của huyện Thọ Xuân, bám sát thực hiện các kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác GPMB; kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về thực hiện khâu đột phá về công tác GPMB các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2023, huyện Thọ Xuân đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện GPMB dự án trọng điểm; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo GPMB. Qua đó, đã tổ chức, triển khai được 34/71 dự án. Cụ thể, đã hoàn thành GPMB đối với 280,49 ha/1.928,51 ha (đạt tỷ lệ 11,6% kế hoạch và đạt 28,6% diện tích các dự án đã có chủ trương đầu tư); có 11 dự án hoàn thành và 10 dự án hoàn thành trên 50% diện tích. Tổ chức thành công 1 đợt cao điểm 45 ngày đêm GPMB đối với 5 dự án trọng điểm về giao thông, diện tích 65,54 ha; 1 đợt cao điểm 60 ngày đêm GPMB đối với 6 dự án trọng điểm về hạ tầng khu dân cư và cụm công nghiệp Thọ Nguyên với diện tích 58,3 ha.

Để công tác GPMB tiếp tục bảo đảm tiến độ, chỉ đạo tại hội nghị triển khai kế hoạch công tác GPMB năm 2023 của huyện, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Văn Đồng, nhấn mạnh: “Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong công tác GPMB; đồng thời tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao nhận thức đối với công tác GPMB. Đối với các dự án đã có MBQH chi tiết được phê duyệt, UBND các xã, thị trấn, các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ để Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện triển khai công tác GPMB, thu hồi đất. Xây dựng kế hoạch cụ thể về điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và bố trí tái định cư cho từng dự án; đồng thời tổ chức triển khai công tác GPMB đúng trình tự, thủ tục quy định, bảo đảm công khai, dân chủ, đúng chế độ chính sách, đúng đối tượng bị ảnh hưởng, nhất là vai trò của UBND xã, thị trấn trong việc xác định nguồn gốc đất đai làm cơ sở trong công tác bồi thường GPMB”.

Tạo đột phá về hạ tầng giao thông, thúc đẩy tăng trưởng

Phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng là 1 trong 3 khâu đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Để triển khai hiệu quả, huyện đã ban hành nghị quyết, kế hoạch; đồng thời, chỉ đạo các địa phương xây dựng chương trình hành động và lộ trình thực hiện rõ việc, cụ thể. Trong quá trình triển khai, huyện cũng đề cao tinh thần chủ động, sáng tạo, gắn với trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu.

Những kết quả nổi bật qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thọ Xuân lần thứ XXVII (Bài 2): Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng đô thị, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hộiHuyện Thọ Xuân tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư có sử dụng đất năm 2023.

Góp phần cùng với Đảng bộ huyện thực hiện có hiệu quả 1 trong 3 khâu đột phá đề ra; đồng thời, phấn đấu mục tiêu xây dựng xã Xuân Lai lên phường, Đảng bộ xã Xuân Lai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trọng tâm là phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, tổng mức đầu tư công của xã Xuân Lai ước tính khoảng 300 tỷ đồng cho các hạng mục công trình tiêu biểu. Trong đó, năm 2022, xã Xuân Lai đã hoàn thành bước thẩm định đối với 3 công trình đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, gồm công trình đường chân đê với tổng mức đầu tư 2,5 tỷ đồng; công trình nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 506b đi làng Phong Lai với tổng mức đầu tư 2 tỷ đồng; công trình nâng cấp, cải tạo tuyến đường từ đường tỉnh 506b đi đê tả sông Chu (thôn 7) với tổng mức đầu tư 2 tỷ đồng. Trước đó, từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, xã đã triển khai thực hiện khoảng 10 công trình với tổng mức đầu tư khoảng 13 tỷ đồng...

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Sâm, cho biết: “Xuân Lai là xã duy nhất trên địa bàn huyện Thọ Xuân không thực hiện XDNTM. Bởi vậy, trước sự xuống cấp nghiêm trọng về hạ tầng giao thông, để sớm hoàn thành một trong các tiêu chí từ xã lên phường, việc đầu tư hạ tầng giao thông luôn được xã ưu tiên hàng đầu. Các tuyến đường sau khi hoàn thành cơ bản phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại, sản xuất và lưu thông hàng hóa của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời là động lực phát triển các hạ tầng kỹ thuật khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Theo báo cáo của huyện Thọ Xuân, từ năm 2021-2023, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện khâu đột phá về phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, huyện đã đầu tư nâng cấp nền, mặt đường, rãnh thoát nước hệ thống quốc lộ, đường tỉnh với tổng chiều dài 22,42 km. Một số công trình giao thông có tính kết nối, đột phá được đầu tư nâng cấp, cải tạo và khởi công xây dựng mới như: Tuyến đường tỉnh 506B đoạn từ thị trấn Lam Sơn đi xã Thọ Lập và đoạn từ xã Thọ Lập đi xã Xuân Tín; tuyến đường từ xã Xuân Hưng nối với đường từ thị trấn Thọ Xuân đi đô thị Lam Sơn - Sao Vàng và 4 tuyến đường trọng điểm của huyện với tổng chiều dài 20,74 km.

Các tuyến đường giao thông nông thôn tiếp tục được đầu tư nâng cấp, dự kiến đến hết năm 2023, tỷ lệ đường giao thông trên địa bàn được cứng hóa (không tính quốc lộ và đường tỉnh) đạt 97,5% (đạt chỉ tiêu đại hội); nhiều công trình, dự án về đê điều, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục được đầu tư nâng cấp và đưa vào sử dụng...

Công tác quản lý, phát triển đô thị và bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị ngày càng nền nếp. Tỷ lệ đô thị hóa đến hết năm 2023 dự kiến đạt 16,2%; số xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn hạ tầng phường là 11/18 xã (đạt 61,1% mục tiêu đại hội). Đã tổ chức trồng cây xanh, đầu tư vỉa hè, lắp đặt điện chiếu sáng trên các tuyến đường; tổ chức thu gom, xử lý rác thải, xây dựng các thôn, khu phố, khu dân cư đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp.

Bài và ảnh: Lê Phượng

Bài cuối: Nâng cao chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh - tạo đột phá thu hút đầu tư.

Tin liên quan:
  • Những kết quả nổi bật qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thọ Xuân lần thứ XXVII (Bài 2): Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng đô thị, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội
    Những kết quả nổi bật qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ...

    Từ việc đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trên các mặt công tác đã góp phần quan trọng để huyện Thọ Xuân đạt được những dấu ấn nổi bật trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025, qua đó tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]