(Baothanhhoa.vn) - Cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhiều mặt bằng (MB) dân cư, khu đô thị mới được hình thành, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, việc phát triển các MB dân cư, khu đô thị mới những năm trước đây còn tồn tại nhiều bất cập bởi mới chỉ tập trung vào nhà ở để bán, chưa phát triển đồng bộ hạ tầng dẫn đến nhiều bức xúc khi chưa bảo đảm những tiện ích tối thiểu.

Nhiều bất cập tại một số mặt bằng dân cư mới

Cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhiều mặt bằng (MB) dân cư, khu đô thị mới được hình thành, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, việc phát triển các MB dân cư, khu đô thị mới những năm trước đây còn tồn tại nhiều bất cập bởi mới chỉ tập trung vào nhà ở để bán, chưa phát triển đồng bộ hạ tầng dẫn đến nhiều bức xúc khi chưa bảo đảm những tiện ích tối thiểu.

Nhiều bất cập tại một số mặt bằng dân cư mớiHệ thống thoát nước thải tại MB 1970, phường Đông Hải, TP Thanh Hóa.

Dù tỷ lệ dân cư vào ở đã khá đông, nhưng gần 10 năm nay cơ sở hạ tầng MB khu dân cư Đồng Chộp, phường Đông Lĩnh (TP Thanh Hóa) (MB quy hoạch số 639/QĐ-UBND ngày 19-4-2012) vẫn chưa hoàn thiện. Để có điện, nước sử dụng hằng ngày, người dân đang phải tự bỏ tiền đầu tư đường dây, đường ống kéo về từ các khu dân cư lân cận.

Chỉ tay về phía đường dây điện kéo chằng chịt qua các ngã tư, chị Lê Thị Nga, Lê Thị Thảo, Dương Thị Cư - đại diện cho 3 hộ dân sinh sống tại MB Đồng Chộp bức xúc cho biết: Chúng tôi mua đất về đây làm nhà ở từ những năm 2016, 2017. Khi đặt bút ký hợp đồng mua đất, chủ đầu tư MB này hứa xây xong nhà sẽ có điện, nước sạch và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ)... Tuy nhiên, chúng tôi ở đây đã được hơn 5 năm mà lời hứa vẫn chưa thành hiện thực. Để có điện, nước sử dụng, các hộ dân tại MB phải đóng góp tiền để lắp đường ống dẫn nước cũng như đầu tư đường dây điện kéo từ các khu dân cư lân cận về dùng. Thế nên mới có tình trạng dây điện kéo lộ thiên, chằng chịt phía trên như thế này.

Vài năm trước đường giao thông trong khu dân cư cũng xấu lắm, gồ ghề, bụi bặm, cũng may đầu năm 2020, trước những kiến nghị, đề xuất của người dân, TP Thanh Hóa chỉ đạo quyết liệt thì chủ đầu tư mới đưa máy móc về thảm nhựa nên giờ mới sạch sẽ được như vậy. Tuy nhiên, từ đó đến nay hạ tầng khác vẫn chưa thấy chuyển biến mới, GCNQSDĐ vẫn chưa thấy được cấp.

Theo người dân ở đây, MB Đồng Chộp hiện có khoảng 45 hộ dân sinh sống ổn định từ lâu nhưng những tiện ích của một khu dân cư đô thị vẫn chưa được bảo đảm. Một số người còn ví von khu dân cư này là “xóm ngụ cư”, bởi mọi thứ đều do người dân “tự biên, tự diễn”. Không chỉ tình trạng điện, nước phải đấu nối lòng vòng từ các khu dân cư cũ, mà tên phố, số nhà vẫn chưa có... Các hộ tự đóng tiền làm biển gắn số nhà để tiện cho các giao dịch; muốn có cây xanh phải tự mua về trồng, an ninh - trật tự do người dân tự quản...

“Ở đây là MB dân cư nhưng lại có quá nhiều nhà xưởng, kho bãi nên tình trạng xe tải ra vào bốc, xếp hàng diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng đến giao thông. Khu dân cư ở đây đã nhập với phố Đông, phường Đông Lĩnh, song vì xa khu dân cư cũ nên người dân cũng ít nắm bắt được các thông tin, hoạt động trong phố cũng như tham gia các sinh hoạt tập thể của phố. Đơn cử như vào dịp hè các cháu thiếu nhi ở đây ít được tham gia tập luyện, sinh hoạt với khu phố”, chị Thảo cho biết thêm.

Theo chị Nga, chị Thảo và một số hộ dân, người dân ở khu dân cư này đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng quan tâm tháo gỡ những bất cập liên quan đến việc cấp GCNQSDĐ, điện, nước tại MB, song đến nay những đề xuất này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nhiều người nói dự án MB ở đây chậm trễ do chủ đầu tư sai phạm và do người dân mua bán khi chưa nắm rõ thông tin pháp lý nên dẫn đến thiệt thòi. Tuy nhiên, ở góc độ người dân thì cứ thấy chủ đầu tư rao bán, có giấy tờ, hóa đơn, hợp đồng chuyển nhượng rõ ràng là mua, chứ làm sao tiếp cận được những thông tin pháp lý của MB.

Không chỉ ở MB Đồng Chộp, trên địa bàn TP Thanh Hóa còn có một số MB khu dân cư, khu đô thị cũng cùng chung cảnh ngộ. Tại MB 934, phường Đông Hải cũng có đông cư dân đến sinh sống từ lâu nhưng mãi đến năm 2022 người dân ở dãy lô E mới được đấu nối hoàn thiện hạ tầng về điện. Trước đó, người dân phải “xin” điện từ khu tái định cư sang để sử dụng. Đối với nước, các hộ dân phải tự bỏ kinh phí 4 - 5 triệu đồng kéo đường ống từ khu tái định cư để sử dụng, còn đường ống nước theo hạ tầng của mặt bằng vẫn chưa được vận hành.

Tại MB 1970 phường Đông Hương - một MB nằm ở khu vực trung tâm sầm uất của TP Thanh Hóa với giá trị giao dịch chuyển nhượng khá cao vì vị trí đẹp nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập về hạ tầng. Các cư dân sinh sống ở đây đã phải 2 lần viết đơn đề nghị các nội dung liên quan đến hạ tầng kỹ thuật tại khu dân cư này vào năm 2021 và năm đầu năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa thấy được giải quyết.

Ông Phạm Duy Diến sinh sống tại MB 1970 chia sẻ: Nhiều hộ dân ở đây mua đất, xây dựng nhà ở từ năm 2014, nhưng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật thiết yếu vẫn chưa thể đáp ứng theo quy định. Các hộ dân tại MB phải kéo “nhờ” điện từ khu dân cư cũ phía sau về để sử dụng, không đảm bảo các yêu cầu và dễ gây mất an toàn khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao. MB ở ngay trung tâm thành phố mà đường sá tối om, tiềm ẩn mất an ninh - trật tự. Hệ thống thoát nước sinh hoạt thì ùn ứ, nhiều đoạn cống bị sập, nước thải chảy lộ thiên ra các khu vực đất trống, cứ vào mùa mưa là dân cư sống chung với mùi hôi... “Chúng tôi tha thiết đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm chỉ đạo giải quyết dứt điểm để người dân được sử dụng các tiện ích tối thiểu”, ông Diến nhấn mạnh.

Phải nói rằng, việc hình thành các MB dân cư, khu đô thị mới là xu hướng tất yếu đáp ứng nhu cầu phát triển. Công tác quản lý, giám sát để các dự án đầu tư khu đô thị, khu MB dân cư mới đi vào hoàn thiện một cách đồng bộ là thách thức không nhỏ đối với công tác lãnh đạo, quản lý xã hội ở nhiều địa bàn. Không chỉ là việc lựa chọn những nhà đầu tư đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm để thực hiện dự án một cách trọn vẹn mà còn phải hài hòa các yếu tố ảnh hưởng mật thiết đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày của hàng nghìn người dân. Chính vì thế, việc tập trung gỡ từng “nút thắt” để giải quyết dứt điểm những tồn đọng tại các MB dân cư, khu đô thị mới là việc cần được quan tâm thực hiện để bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân. Những bất cập, tồn đọng tại các MB cũng là bài học kinh nghiệm trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự án, lựa chọn nhà đầu tư cũng như thực hiện các khâu kiểm tra, giám sát để hiện tại và tương lai không phát sinh thêm các trường hợp tương tự.

Bài và ảnh: Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]