(Baothanhhoa.vn) - Được kỳ vọng là mô hình giúp giải quyết phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tải bệnh viện, tiết kiệm kinh phí nằm viện cho bệnh nhân và chi phí bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng thực tế sau 7 năm triển khai, mô hình “Bác sĩ gia đình” (BSGĐ) lại chưa được quan tâm đúng mức và thiếu cơ chế để vận hành.

Mô hình bác sĩ gia đình chưa phát huy hiệu quả

Được kỳ vọng là mô hình giúp giải quyết phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tải bệnh viện, tiết kiệm kinh phí nằm viện cho bệnh nhân và chi phí bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng thực tế sau 7 năm triển khai, mô hình “Bác sĩ gia đình” (BSGĐ) lại chưa được quan tâm đúng mức và thiếu cơ chế để vận hành.

Mô hình bác sĩ gia đình chưa phát huy hiệu quảNhân viên Trạm Y tế xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) thăm khám cho bệnh nhân.

BSGĐ là mô hình chăm sóc sức khỏe tuyến đầu theo hướng toàn diện và liên tục cho cá nhân, gia đình phổ biến trên thế giới, áp dụng thành công từ nhiều thập kỷ trước, không chỉ ở các nước phát triển mà ngay cả các nước đang phát triển. Thông thường một bác sĩ phụ trách nhóm dân cư nhất định, bệnh nhân được đăng ký một BSGĐ cụ thể chăm sóc sức khỏe. Việc thăm khám hầu hết thực hiện tại nhà, và để được khám tại tuyến trên thì phải được BSGĐ giới thiệu.

Tại Việt Nam, mô hình phòng khám BSGĐ được Bộ Y tế phê duyệt để nhân rộng và phát triển giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng và kỳ vọng giảm tải cho bệnh viện. Tại Thanh Hóa, từ tháng 6-2016 Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch 783/KH-SYT về xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ; xây dựng kế hoạch triển khai các phòng khám hoạt động theo nguyên lý y học gia đình như: phòng khám BSGĐ tư nhân độc lập; phòng khám BSGĐ tại phòng khám đa khoa tư nhân hoặc bệnh viện tư nhân; phòng khám BSGĐ trong các cơ sở y tế công lập và trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Theo đó, Sở Y tế đã phối hợp với các Trường Đại học Y dược Thái Bình đào tạo gần 300 bác sĩ tuyến cơ sở về chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình (thời gian đào tạo 3 tháng); phối hợp với Trường Đại học Y dược Hải Phòng đào tạo 77 bác sĩ tại 5 huyện, thành phố về bác sĩ định hướng y học gia đình (thời gian đào tạo 6 tháng).

Trên cơ sở nhân lực đã được đào tạo, thông qua nguồn lực xã hội hóa và hỗ trợ từ ngân sách, đã đầu tư bổ sung một số loại trang thiết bị về siêu âm, xét nghiệm, điện tim cho một số trạm y tế xã, nhờ đó các cơ sở y tế đã xây dựng và phát triển mô hình phòng khám hoạt động theo nguyên lý y học gia đình nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản toàn diện liên tục và thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân và góp phần giảm tải bệnh viện.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã gặp một số khó khăn. Đến nay, rất ít phòng khám BSGĐ hoạt động hiệu quả và nhiều người cũng chưa thực sự hiểu về mô hình này. Khảo sát tại các cơ sở y tế, mô hình BSGĐ hiện cũng còn khá lạ lẫm với đại đa số người dân; nhiều người dân chưa hiểu nhiều về y học gia đình cũng như vai trò của BSGĐ, các dịch vụ y học gia đình phần lớn chưa được người dân chấp nhận chi trả, nhiều dịch vụ chưa có trong danh mục thanh toán từ Quỹ BHYT.

Bác sĩ Trương Ngọc Dũng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy), cho biết: Mô hình BSGĐ triển khai được kỳ vọng là nơi thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tầm soát bệnh tật, giúp giảm quá tải bệnh viện, song thực tế cho thấy mô hình này hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có hướng dẫn cụ thể để triển khai. Cùng với đó, nguồn nhân lực được đào tạo, có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu; thanh toán BHYT các dịch vụ mô hình BSGĐ gặp khó khăn, không có cơ chế tài chính để bảo đảm nguồn thu, trong khi danh mục thuốc phục vụ điều trị bệnh nhân tại trạm y tế còn hạn hẹp về số lượng, chủng loại, thậm chí tình trạng thiếu thuốc vẫn diễn ra.

Chung quan điểm, bác sĩ Lê Quang Tân, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Trạch (Quảng Xương), phân tích, mô hình BSGĐ là ý tưởng hay, không chỉ giảm tải cho các bệnh viện mà còn giảm bớt gánh nặng cho bác sĩ chuyên khoa; tiết kiệm chi phí nằm viện của người dân. BSGĐ sẽ đảm đương vai trò chính là khám lâm sàng, y tế dự phòng, bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân. Ngoài chuyên môn, bác sĩ cần có kiến thức tổng quát về xã hội, tâm lý, kinh tế, văn hóa... để tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân. Tuy nhiên, mô hình này đang gặp nhiều vướng mắc như chưa có cơ chế định giá, chưa thanh toán BHYT cho các dịch vụ; nhiều quy định chuyên môn liên quan đến tổ chức, hoạt động cơ sở y tế theo nguyên lý y học gia đình chưa đầy đủ, đồng bộ, đã cản trở đến hiệu quả hoạt động của BSGĐ và cơ sở y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Hơn nữa, nhờ quy định thông tuyến nên người bệnh có nhiều lựa chọn, làm giảm vai trò của BSGĐ.

Nguyên lý y học gia đình hướng đến chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, định hướng dự phòng cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng. Trong đó, y tế cơ sở được coi là “người gác cổng” - là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế với chi phí thấp, góp phần đảm bảo công bằng xã hội và giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên. Thế nhưng, chừng nào vai trò “người gác cổng” chưa được được quan tâm đúng mức và có cơ chế để vận hành thì mô hình BSGĐ vẫn là điều xa xôi.

Bài và ảnh: Hà Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]