(Baothanhhoa.vn) - Không còn giai đoạn cứ kêu khó, kể khổ để rồi dậm chân tại chỗ, bởi huyện vùng biên Quan Sơn có quá nhiều cái thiếu và yếu trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Vấn đề đặt ra là, phải nhìn thẳng vào những tồn tại, khó khăn ấy để có hướng vươn lên, chắp nhặt từng cơ hội để từng bước khơi dậy tiềm năng cho Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM.

Khơi dậy tiềm năng xây dựng nông thôn mới ở Quan Sơn

Không còn giai đoạn cứ kêu khó, kể khổ để rồi dậm chân tại chỗ, bởi huyện vùng biên Quan Sơn có quá nhiều cái thiếu và yếu trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Vấn đề đặt ra là, phải nhìn thẳng vào những tồn tại, khó khăn ấy để có hướng vươn lên, chắp nhặt từng cơ hội để từng bước khơi dậy tiềm năng cho Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM.

Khơi dậy tiềm năng xây dựng nông thôn mới ở Quan SơnHàng nghìn hộ dân xã vùng biên Na Mèo (Quan Sơn) thoát nghèo nhờ nứa, vầu.

Giải bài toán thu nhập từ rừng

Tại một số cuộc làm việc với các đoàn công tác cấp tỉnh gần đây, lãnh đạo huyện Quan Sơn cũng thể hiện quan điểm phải chủ động khơi dậy những tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển. Trong XDNTM, ngoài mong đợi những nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương và cấp tỉnh, địa phương cũng có những cách làm và bước tiến đáng ghi nhận. Xác định phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân là yếu tố then chốt cho XDNTM, huyện vùng biên đã có những đường hướng cụ thể. Với địa phương có độ che phủ rừng gần 90% diện tích tự nhiên, cao nhất tỉnh hiện nay, Quan Sơn xác định kinh tế lâm nghiệp chính là nền tảng, hướng thoát nghèo quan trọng nhất cho Nhân dân trong huyện. Những năm gần đây, huyện đẩy mạnh tăng diện tích rừng trồng, cùng với chăm sóc tập trung khai thác lâm sản phụ là nứa và vầu.

Nếu tính trung bình mỗi cây nứa, luồng và vầu là 25.000 đồng, năm 2022 huyện thu hoạch 8 triệu cây, tương đương với nguồn thu khoảng 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện còn sơ chế được gần 46.000 tấn nan thanh nên người dân các xã, thị trấn còn thu về khoảng 80 tỷ đồng. Như vậy, tổng thu từ lâm sản và chế biến lâm sản toàn huyện đã đạt khoảng 280 tỷ đồng/năm, nếu chia đều cho 80.000 hộ dân trong huyện, mỗi hộ có thu nhập gần 35 triệu đồng/năm từ lâm sản, tương đương người dân vùng đồng bằng thu nhập 7 tấn lúa/năm. Bài toán đơn giản trên cho thấy, người dân Quan Sơn không còn phải đói khi sinh sống giữa rừng vàng - nếu biết chắt chiu và chuyên cần. Thời gian gần đây, huyện đang nỗ lực kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến để nâng cao giá trị lâm sản địa phương, tăng thu nhập cho người dân trong huyện.

Chăn nuôi dưới tán rừng cũng là một thế mạnh để người dân Quan Sơn từng bước xóa nghèo, vươn lên làm giàu. Phát huy lợi thế ấy, người dân trong huyện đang duy trì đàn trâu 1.150 con, đàn bò gần 6.800 con, hơn 9.100 con lợn, 197.000 con gia cầm... Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM cũng hỗ trợ nguồn vốn để người dân xây dựng 10 mô hình chăn nuôi hiệu quả, trong đó 1 mô hình nuôi gà, 7 mô hình nuôi lợn, 2 mô hình bò cái sinh sản với 320 hộ nghèo và cận nghèo tham gia thụ hưởng. Huyện cũng đẩy mạnh vận động phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại nhỏ, chăn nuôi các loại con đặc sản và lợi thế như lợn cỏ, gà ri, gà đồi, vịt Sơn Hà, chăn nuôi gia súc theo nhóm hộ để tương trợ nhau làm giàu.

Cần nhìn hạn chế để khắc phục

Doanh nghiệp ít, thương mại - dịch vụ chưa phát triển mạnh nên với nguồn thu ngân sách từ 15 đến 17 tỷ đồng mỗi năm như hiện nay, Quan Sơn khó có thể phân bổ nguồn lực cho các xã phát triển hạ tầng và xây dựng các tiêu chí NTM theo nhu cầu. Tính đến cuối năm 2022, toàn huyện mới có 2 xã là Sơn Hà và Tam Lư được công nhận đạt chuẩn NTM. Nếu rà soát theo bộ tiêu chí XDNTM giai đoạn 2016-2020, trung bình toàn huyện 16,45 tiêu chí/xã, nhưng chiếu theo bộ tiêu chí mới ban hành được nâng cao cho giai đoạn 2022-2025, thì trung bình mỗi xã chỉ đạt 6,36 tiêu chí/xã. Đây là thách thức không nhỏ với chính quyền và Nhân dân trong huyện nếu muốn có sự đột phá trong thực hiện các tiêu chí. Hành trình phát huy từng lợi thế để nâng cao đời sống kinh tế cũng như tinh thần người dân chính là “chìa khóa” cho huy động nguồn lực XDNTM.

Theo Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Cao Văn Cường, với những khó khăn hiện tại, NTM Quan Sơn cần tạo ra những điểm nhấn riêng từ thôn, bản. Sự đoàn kết của đồng bào với những hương ước, quy định riêng cần được khơi dậy để tạo thành sức mạnh tập thể. Điển hình là trước đây, xã Sơn Điện chọn bản Ngàm làm điểm XDNTM, nay bản NTM kiểu mẫu này đã phát triển mạnh về nhiều mặt, tạo được sự lan tỏa cho những bản khác trong xã. Có sự đồng đều trong xây dựng các tiêu chí, đến nay xã cách trung tâm thị trấn huyện tới 30km này đã trở thành điển hình trong XDNTM cấp thôn, bản của huyện.

Trong nông nghiệp, Quan Sơn có diện tích trồng trọt rất ít, với hơn 6.200 ha, trong đó cây lúa chỉ hơn 2.300 ha. Diện tích trồng lúa nước phân bố rải rác, nhỏ lẻ kiểu bậc thang ở các thung lũng giữa các dãy núi, cũng khó có thể phát triển thành vùng canh tác lớn. Bất lợi ấy đã được huyện biến thành lợi thế với những vùng chuyên trồng lúa giá trị kinh tế cao, lúa đặc sản thay vì trồng đại trà lúa tẻ như nhiều nơi. Từ sự thử nghiệm thành công giống lúa chất lượng cao J02 có nguồn gốc từ Nhật Bản ở xã Sơn Điện gần 5 năm trước, đến nay, huyện đã nhân rộng thành 10 mô hình với tổng diện tích 70 ha ở 10 xã, thị trấn. Diện tích lúa nếp Cay Nọi đặc sản cũng đang được huyện chú trọng phát triển trên địa bàn nhiều xã, hiện đang phát triển rộng thị trường để đề xuất công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Gần đây, huyện đang phát triển nhiều diện tích cây trồng mới là gai xanh với hơn 30 ha trên các triền dốc, hiện đang tiếp tục được mở rộng. Năm qua, Quan Sơn cũng tích tụ được 220 ha đất trồng trọt để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, trong đó đã phát triển thêm được 20 ha cây dược liệu...

Là huyện có địa bàn rộng, với 84km đường biên giới giáp nước bạn Lào, vừa là khó khăn, nhưng cũng là lợi thế để có nhiều sản vật đặc trưng. Đây chính là cơ hội để huyện phát triển các sản phẩm OCOP - một chương trình lớn về phát triển sản xuất trong XDNTM. Đến nay, huyện mới có măng khô Năng Non - sản phẩm OCOP cấp tỉnh là quá khiêm tốn. Những sản phẩm đặc trưng như Chè tán ma Pha Dua, thịt trâu khô, lúa nếp Cay Nọi Mường Xia, vịt Sơn Hà... vẫn cần được sản xuất chuyên nghiệp đúng xu thế thị trường để có thể trở thành sản phẩm OCOP trong tương lai gần.

Từ những vùng lúa nương đặc sản, những sản phẩm nông sản chế biến sâu, rồi hoạt động thương mại - dịch vụ vùng cửa khẩu... vẫn đang chờ sự đột phá, khơi dậy tiềm năng từ những con người nơi đây. Kết quả XDNTM, phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống người dân có được đẩy mạnh, đều phụ thuộc chủ yếu vào phát triển kinh tế - xã hội nội tại của địa phương.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]