(Baothanhhoa.vn) - Với quan điểm sản xuất vụ xuân phải là vụ cho năng suất, sản lượng cao, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất.

Chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ xuân

Với quan điểm sản xuất vụ xuân phải là vụ cho năng suất, sản lượng cao, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất.

Chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ xuânNgười dân xã Định Long (Yên Định) cấy trà lúa vụ Xuân sớm. Ảnh: Lê Hợi

Huyện Đông Sơn có kế hoạch gieo cấy 3.650 ha lúa vụ xuân. Để phục vụ tốt cho công tác sản xuất, các doanh nghiệp, HTX trong huyện đã chủ động cung ứng đầy đủ nguồn giống, phân bón và vật tư nông nghiệp thiết yếu. Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các xã, thị trấn trên địa bàn đã phối hợp với đơn vị khai thác các công trình thủy lợi, xây dựng kế hoạch, lịch cấp nước, xả nước cụ thể với từng địa phương, đảm bảo cung cấp đủ lượng nước phục vụ cho bà con gieo mạ, đổ ải và gieo cấy lúa. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân bám sát đồng ruộng, chủ động lấy nước vào ruộng khi có nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý; đẩy mạnh cơ giới hóa để gieo cấy vụ xuân đúng khung lịch thời vụ... Hiện nay, các địa phương trong huyện đã tiến hành gieo mạ, vệ sinh đồng ruộng, làm đất để chuẩn bị gieo cấy. Ông Lê Văn Hân, nông dân xã Đông Phú (Đông Sơn), cho biết: “Thời điểm này, người dân ở đây đã xuống giống gieo mạ được gần 5 ngày. Đây cũng là lúc có nhiều đợt không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ xuống thấp, nhất là ban đêm và sáng sớm. Vì thế, chúng tôi đã mua thêm ni-lông để che phủ cho mạ, vừa chống rét vừa chống chuột phá hại. Cùng với việc phòng chống rét cho mạ, nông dân cũng đang tích cực huy động mọi nguồn lực, phương tiện máy móc ra đồng đẩy nhanh tiến độ cày ải, phơi đất. Đối với những diện tích nơi đồng trũng, chủ động lấy nước tiến hành bừa dầm ngâm gốc rạ, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị sẵn sàng cho sản xuất vụ xuân theo khung thời vụ”.

Vụ xuân 2023, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 192.000 ha, sản lượng lương thực phấn đấu đạt 789.000 tấn. Trong đó, diện tích lúa 113.000 ha, năng suất phấn đấu 64 tạ/ha, sản lượng 723,2 nghìn tấn; diện tích ngô 14.000 ha, năng suất 47 tạ/ha, sản lượng 65,8 nghìn tấn; lạc 6.000 ha, năng suất 22 tạ/ha, sản lượng 13.200 tấn; rau các loại 15.000 ha và cây trồng khác 44.000 ha. Theo nhận định của ngành nông nghiệp, vụ xuân 2023 thời tiết cực đoan, các đối tượng sâu, bệnh hại, dịch hại nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên cây trồng. Lực lượng lao động nông nghiệp thiếu và yếu do số lượng lao động trẻ đi làm xa hoặc chuyển đổi sang làm việc tại lĩnh vực khác. Giá vật tư nông nghiệp vẫn còn mức cao, thị trường và giá nhiều loại nông sản không ổn định ảnh hưởng tới khả năng đầu tư của các hộ nông dân và hiệu quả sản xuất...

Chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ xuânNông dân thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) chăm sóc mạ vụ xuân.

Lường trước những khó khăn trên, ông Vũ Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, cho biết: Xác định đây là vụ sản xuất có tính chất “bản lề”, quan trọng nhất trong năm, quyết định việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu sản xuất trồng trọt năm 2023. Do vậy, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh phải khắc phục mọi khó khăn do yếu tố khách quan để hoàn thành và hoàn thành vượt mức cả về diện tích gieo trồng, năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị. Tuân thủ nghiêm ngặt thời vụ gieo trồng đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn; lựa chọn các giống đang được phép lưu hành và có chất lượng tốt của các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống có uy tín. Trong đó, tập trung tăng tối đa diện tích trà lúa xuân muộn, hạn chế thấp nhất diện tích gieo cấy trà xuân sớm và chính vụ. Trên cây ngô, lạc, mía, sắn trồng mới, tiến hành gieo trồng từ trước tiết lập xuân khoảng 5 ngày (lập xuân vào ngày 4-2-2023). Các loại rau, củ, quả bố trí thời vụ theo thời gian sinh trưởng của từng loại; các loại cây ăn quả lâu năm kết thúc trồng mới trước 30-4-2023. Cùng với đó, các địa phương tích cực mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư liên kết sản xuất gắn với việc bao tiêu sản phẩm nông sản trên địa bàn. Ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhất là việc sử dụng giống, chuyển dịch cơ cấu giống, tăng cường cơ giới hóa đồng bộ. Đồng thời, quản lý chặt chẽ đối với giống, vật tư hàng hóa, điều hành dịch vụ công (thủy lợi, khuyến nông, bảo vệ thực vật...) kiên quyết xử lý nghiêm và công khai vi phạm.

Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang tiến hành tổ chức thu hoạch cây trồng vụ đông, vệ sinh đồng ruộng, giải phóng đất sớm để chủ động, chuẩn bị các điều kiện triển khai sản xuất vụ xuân. Tính đến ngày 3-1-2023, toàn tỉnh đã giải phóng 100.150 ha, trong đó, đất lúa 74.000 ha. Cùng với đó, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp, HTX dịch vụ nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp có kế hoạch cung ứng đủ giống, vật tư, phân bón cho nông dân, bảo đảm chất lượng, đủ số lượng, đúng chủng loại, kịp thời vụ, giá cả hợp lý và tạo điều kiện cho nông dân sản xuất đạt hiệu quả cao. Chi cục Thủy lợi, các công ty quản lý và khai thác công trình thủy lợi thường xuyên phối hợp với các địa phương tập trung sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ gây ra, nhất là các hồ chứa để đáp ứng kịp thời cho sản xuất. Đồng thời, phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác ra quân làm thủy lợi mùa khô, nạo vét kênh mương nhằm phát huy tốt năng lực tưới của các công trình.

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]