(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thời gian qua, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tổ chức lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Góp phần phát huy quyền làm chủ, huy động được trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp Nhân dân

Thực hiện các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thời gian qua, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tổ chức lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Góp phần phát huy quyền làm chủ, huy động được trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp Nhân dânCác đại biểu tham dự hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức.

Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 và sau gần 9 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Luật Đất đai đã bộc lộ những hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Dự thảo lần này đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển.

Nhận thức tầm quan trọng của việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), bám sát các nội dung theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động xây dựng và ban hành các Kế hoạch số 553, 563, 564/KH-MTTQ-BTT về việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), làm cơ sở để các tổ chức chính trị - xã hội và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã chủ động xây dựng, ban hành các kế hoạch thực hiện việc lấy ý kiến của Nhân dân ở các đơn vị, tổ chức và địa phương mình.

Đối với công tác tuyên truyền, tính đến ngày 13-3-2023, hệ thống MTTQ các cấp đã phối hợp triển khai rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai, đảm bảo tiến độ, chất lượng, thiết thực thông qua các hình thức như: Đăng tải 675 lượt bài trên Trang thông tin điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; chia sẻ bài viết trên 3.456 trang fanpage của MTTQ từ huyện đến xã, nhóm zalo; phối hợp phổ biến, tuyên truyền Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 13.246 buổi trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương (2 lần/ngày) để Nhân dân theo dõi và tham gia góp ý.

Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trong hệ thống MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành theo kế hoạch đề ra, với hình thức chủ yếu là tổ chức các hội nghị, hội thảo và tiếp nhận trực tiếp các ý kiến góp ý của Nhân dân gửi đến. Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tổ chức 2.041 hội nghị với 106.386 người tham dự và 13.450 ý kiến góp ý. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận, tổng hợp trung thực, đầy đủ và khách quan báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của 30 tổ chức thành viên cấp tỉnh, ủy ban MTTQ 27 huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị, Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ tỉnh đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Góp phần phát huy quyền làm chủ, huy động được trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp Nhân dânĐại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hóa góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội nghị do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức.

Kết quả tổng hợp bước đầu của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cho thấy, các tầng lớp Nhân dân đánh giá rất cao sự nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc biên soạn và tổ chức lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đa số ý kiến tham gia đều đồng tình với việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2023 và đánh giá Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có nhiều ưu điểm, quy định khá đầy đủ, chi tiết và có nhiều điểm mới, vừa mang tính khái quát, vừa cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và yêu cầu thực tiễn so với Luật Đất đai năm 2013, cơ bản giải quyết được những vấn đề bất cập, tồn tại đang diễn ra trong thực tiễn.

Việc tham gia góp ý của Nhân dân đảm bảo đúng định hướng của Trung ương về 9 nội dung cần lấy ý kiến và 10 điểm mới mà dự thảo luật đã xây dựng. Nhiều ý kiến của Nhân dân đóng góp rất sâu sắc, toàn diện, có giá trị. Ngoài những vấn đề mang tính nguyên tắc, quan điểm, đã có nhiều ý kiến góp ý vào từng điều khoản, từng nội dung cụ thể của dự án luật. Trong đó, các ý kiến góp ý tập trung vào các vấn đề liên quan đến: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Chương VII), có 3.154 lượt ý kiến; tài chính về đất đai, giá đất (Chương XI), có 2.393 lượt ý kiến; thu hồi đất, trưng dụng đất (Chương VI), có 2.341 lượt ý kiến; quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai (Chương II ), có 721 lượt ý kiến… Các ý kiến góp ý đã được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổng hợp, phản ánh đầy đủ, khách quan, trung thực gửi đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan theo đúng quy định.

Có thể khẳng định, việc MTTQ các cấp trong tỉnh tích cực tuyên truyền, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp Nhân dân về dự thảo luật đã góp phần phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan về việc sửa đổi Luật Đất đai. Với vai trò và chức năng của mình, ngay sau khi luật được thông qua, MTTQ tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, quán triệt luật đến với các tầng lớp Nhân dân thông qua các hội nghị tập huấn; biên tập tài liệu tuyên truyền đăng tải trên Trang thông tin điện tử, trang fanpage của MTTQ từ huyện đến xã, nhóm zalo… để luật sớm đi vào cuộc sống.

Xem xét, bổ sung hoặc quy định việc lấy ý kiến Nhân dân và phản biện xã hội trong lĩnh vực đất đai

Góp phần phát huy quyền làm chủ, huy động được trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp Nhân dân

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều, trong đó có 8 điều (gồm Điều 20, Điều 68, Điều 84, Điều 85, Điều 86, Điều 87, Điều 156 và Điều 224) quy định về vai trò, trách nhiệm của ủy ban mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai. So với Luật Đất đai năm 2013, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung 1 điều, dành riêng quy định vai trò và trách nhiệm của mặt trận và các tổ chức thành viên trong quản lý và sử dụng đất đai.

Thông qua việc tập hợp ý kiến Nhân dân cho thấy Nhân dân đồng tình và đánh giá cao đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, quy định khá đầy đủ, có nhiều điểm mới, rõ ràng, dễ thực hiện, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật chưa thể hiện rõ được vai trò tham gia của Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Vì vậy, cần xem xét bổ sung hoặc có quy định cụ thể việc lấy ý kiến Nhân dân và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với những nội dung liên quan đến quyền, lợi ích của người dân như: Xây dựng bảng giá đất; định giá đất; bồi thường, thu hồi đất; quy hoạch; kế hoạch sử dụng đất… Đồng thời, đây cũng là sự tham gia của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai.

Lê Thị Huyền

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Cần tổ chức độc lập, chuyên nghiệp định giá đất

Góp phần phát huy quyền làm chủ, huy động được trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp Nhân dân

Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một nội dung quan trọng là bỏ quy định khung giá đất, thay vào đó quy định cụ thể về nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường. Việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách, pháp luật về đất đai. Tôi rất đồng tình với quy định này, nhưng khi bỏ khung giá đất sẽ khiến giá đất tăng lên, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cũng tăng và việc định giá đất sát với giá thị trường là vấn đề không hề đơn giản. Vì vậy, theo tôi, giải pháp tối ưu nhất để định giá sát với thị trường, là giá đất sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập tiến hành thực hiện.

Các tổ chức này cũng có nghĩa vụ tuân thủ các chuẩn mực, nguyên tắc, phương pháp định giá trong “Tiêu chuẩn định giá tài sản của Việt Nam”, bảo đảm sự thống nhất trong việc định giá đất như phản ánh trung thực giá thị trường, nguyên tắc độc lập, khách quan của các chủ thể tư vấn, xác định giá đất, tuân thủ cơ chế kiểm tra, giám sát… Đặc biệt, các tổ chức định giá đất cần thực hiện một cách khách quan các tiêu chuẩn định giá đất. Có như vậy, hoạt động định giá đất mới bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và giá đất do cơ quan định giá đất xác định sẽ phản ánh đúng giá trị của thị trường.

Nguyễn Đức Thắng

Ủy viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế - Xã hội

Bổ sung, làm rõ một số khái niệm cụ thể trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 2023

Góp phần phát huy quyền làm chủ, huy động được trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp Nhân dân

Tại Khoản 4 Điều 74: Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ), quy định: “… Sau 3 năm kể từ ngày phê duyệt và được tiếp tục cập nhật vào kế hoạch SDĐ của năm tiếp theo mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích SDĐ thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch SDĐ phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ…”. Trên thực tế có rất nhiều dự án chậm tiến độ do không phải lỗi của chủ đầu tư mà do công tác giải phóng mặt bằng của địa phương. Nếu quy định như vậy sẽ gây thiệt hại cho nhà đầu tư khi họ không có lỗi. Vì vậy, theo tôi, cần bổ sung: Nếu việc chậm ra quyết định thu hồi đất hoặc chuyển mục đích SDĐ (không do lỗi có chủ đầu tư) thì có thể gia hạn thời gian điều chỉnh hoặc hủy bỏ.

Đối với quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 85: “UBND huyện có thẩm quyền quy định tại Điều 82 của luật này quyết định thu hồi đất sau khi có quyết định phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư”, cần làm rõ hơn: Sau khi có quyết định thời gian là bao nhiêu thì phù hợp và đồng bộ trong việc áp dụng của các cơ quan chức năng? Theo tôi, luật cần quy định mốc thời gian cụ thể: Sau khi có quyết định chậm nhất là 30 ngày.

Tại Điểm c Khoản 1 Điều 153: Nguyên tắc, phương pháp định giá đất, quy định: “Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường quyền SDĐ trong điều kiện bình thường”. Theo tôi, nếu viết thế này thì thực hiện đền bù vẫn còn định tính, chưa rõ. Mặt khác, cùng vị trí đất giống nhau có thể có nhiều dự án cùng triển khai thực hiện, mà mức giá đền bù mỗi dự án cũng khác nhau. Vì thế, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 2023 cần điều chỉnh những tồn tại, bất cập của quy trình thẩm định giá theo hiện tại, đảm bảo bồi thường cho từng dự án phù hợp với giá thị trường. Đối với đất nông nghiệp, cần tính việc hỗ trợ bằng tỷ lệ % đất ở liền kề.

Vũ Văn Lộc

Nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện

Trưởng ban Tư vấn Ủy ban MTTQ huyện Vĩnh Lộc

Cần thể chế hóa các quy định về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Góp phần phát huy quyền làm chủ, huy động được trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp Nhân dân

Theo tôi, nội dung quy định vấn đề bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khá hợp lý, sát thực tiễn. Cụ thể, dự thảo quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Quan điểm này phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo Nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi; đồng thời, đã bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Bên cạnh đó, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với người bị thu hồi đất thời gian qua từng bước hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người có đất bị thu hồi, ổn định đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc hỗ trợ, tái định cư của người có đất bị thu hồi chưa thỏa đáng dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, bức xúc làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Vì vậy, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, cụ thể hóa các tiêu chí thế nào là “tốt hơn nơi ở cũ”… Việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định; việc tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…

Yên Hùng Vương,

Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận

thôn Phúc Thôn, xã Định Long (Yên Định)

Nên có quy định cho những trường hợp cụ thể quy định thu hồi đất

Góp phần phát huy quyền làm chủ, huy động được trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp Nhân dân

Điều 67 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đối chiếu với luật hiện hành có thể thấy quy định của dự thảo có phạm vi mở rộng hơn, cụ thể hơn. Tuy nhiên, để thống nhất nhận thức và tránh phát sinh những bất cập trong quá trình thực hiện, theo tôi, cần làm rõ về mục đích, tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải tiến hành thu hồi.

Thu hồi đất là vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức, lực lượng và quyền lợi, sinh kế của nhiều người dân. Đây cũng là một trong những lĩnh vực nhạy cảm có nhiều khiếu kiện. Do vậy, nên có quy định cho những trường hợp cụ thể để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất; đồng thời, giúp các địa phương có sự chủ động hơn trong việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở đặc điểm tình hình cụ thể của mỗi địa phương.

Nguyễn Hữu Vở,

phố Thượng Hải, phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn)

Bài và ảnh: Phan Nga



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]