(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định là một trong những “cái nôi di sản” của Việt Nam, có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp hài hòa với sông - núi - ruộng đồng - xóm làng tựa hồ như bức tranh thủy mặc mà tạo hóa đã kỳ công sắp đặt. Hơn thế, mảnh đất này còn chứa đựng một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quý báu, được ví như những viên ngọc tỏa sáng lấp lánh điểm tô thêm sự đa dạng cho mảnh đất này.

Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể (Bài 1): Kho tàng di sản quý báu

Thanh Hóa được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định là một trong những “cái nôi di sản” của Việt Nam, có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp hài hòa với sông - núi - ruộng đồng - xóm làng tựa hồ như bức tranh thủy mặc mà tạo hóa đã kỳ công sắp đặt. Hơn thế, mảnh đất này còn chứa đựng một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quý báu, được ví như những viên ngọc tỏa sáng lấp lánh điểm tô thêm sự đa dạng cho mảnh đất này.

Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể (Bài 1): Kho tàng di sản quý báuSắc bùa của dân tộc Mường (Ngọc Lặc) đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cái nôi di sản

Nói đến Thanh Hóa là nói đến miền đất của dân ca, dân vũ phong phú và đa sắc màu với điệu hò sông Mã thể hiện khí chất phóng khoáng và bản lĩnh phi phàm của người xứ Thanh trên hành trình chinh phục dòng Mã giang hùng vĩ; là dân ca Đông Anh, xã Đông Khê (Đông Sơn) với lời ca đắm say kết hợp giữa hát, múa với những động tác lao động tuy vất vả nhưng lại phơi phới lạc quan yêu đời; là những điệu múa của trò diễn Xuân Phả lúc phóng khoáng, khi mạnh mẽ, uyển chuyển nhịp nhàng... Với đồng bào dân tộc thiểu số thì có trò diễn Pồn pôông, Kin chiêng boọc mạy, múa rùa, múa bát... Các lễ hội truyền thống ở xứ Thanh diễn ra hầu như quanh năm. Đến nay, Thanh Hóa đang lưu giữ gần 300 lễ hội truyền thống, trong đó có các lễ hội nổi tiếng như: lễ hội Cầu Ngư, lễ hội đền thờ Lê Hoàn, lễ hội đền thờ Bà Triệu... Những DSVHPVT đó chính là tiềm năng vô cùng to lớn, kết tụ trí tuệ, tinh hoa và tâm hồn của cha ông trong trường kỳ lịch sử đấu tranh với thiên nhiên và trong quá trình dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.

Mỗi khi nhắc tới dân ca Đông Anh, xã Đông Khê đều gợi lên trong lòng nhiều người con đất Việt sự tự hào. Bởi, vượt qua thử thách của thời gian với biết bao biến thiên của lịch sử, từ một loại hình diễn xướng dân gian đã bị mai một, đứng trước nguy cơ thất truyền, giờ đây lại “hồi sinh” trở lại với một diện mạo tươi mới và là gương mặt tiêu biểu trong kho tàng DSVHPVT của xứ Thanh.

Chúng tôi về làng Viên Khê 1, đến nhà nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Lê Thị Ngơi - người đã dành nhiều tâm huyết cho dân ca dân vũ Đông Anh, nghe bà tâm sự: Nội dung của dân ca dân vũ Đông Anh thể hiện đời sống tinh thần cực kỳ phong phú của người nông dân, được hình thành trong nền văn minh lúa nước hàng ngàn năm. Với hình thức hát kết hợp với múa và diễn trò, loại hình nghệ thuật này đem đến cảm giác thú vị và hấp dẫn cho người thưởng thức. Để rồi, khi màn đêm buông xuống, dưới ánh nến lung linh những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn lại bước lên sân khấu hòa cùng những lời ca đắm say “lên chùa bẻ một cành sen/ ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng” kết hợp với những nhạc cụ khá đơn giản như trống, mõ, phách... tạo thành những giai điệu vừa vui nhộn vừa độc đáo. Cũng bởi cái chất trữ tình, đằm thắm đi sâu vào lòng người ấy, mà trước đây dân ca dân vũ Đông Khê đã được các vua, chúa, vương hầu chọn vào biểu diễn trong cung đình; và đến nay tiếp tục được lựa chọn đi biểu diễn ở nhiều địa phương trong nước.

Rời làng Viên Khê, đến với huyện vùng cao Ngọc Lặc - nơi được coi là cái nôi của DSVHPVT và cũng là huyện đầu tiên bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng. Tìm đến nhà nghệ nhân Nhân dân Phạm Thị Tắng, thôn Lỏ (xã Cao Ngọc), dù trời đã quá trưa, thế nhưng tại đây vẫn có đông các bà, các chị đang tập luyện. Ai nấy đều duyên dáng, uyển chuyển trong những bộ trang phục truyền thống, cất giọng ca trong vắt, lảnh lót hòa nhịp cùng tiếng cồng, tiếng chiêng, vừa thanh thoát vừa phảng nét hoang sơ như hơi thở của núi rừng. Bà Tắng cho biết: Lễ hội Pồn pôông là một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với người Mường, có ý nghĩa lớn về tâm linh do bà Máy tổ chức, cùng với người chủ trì còn có các “con mày”, “con nuôi”. Việc tổ chức lễ hội Pồn pôông là công việc bắt buộc khi thầy lang đã trở thành Ậu Máy. Dựng cây bông là việc trả ơn cho thần linh và ngược lại, để thần linh vui chung với người trần gian. Ngoài những yếu tố tín ngưỡng, Pồn pôông còn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Mường xưa bởi những trò diễn vui nhộn. Người ta đến xem Pồn pôông với tấm lòng sùng kính và cũng là dịp để thưởng thức tài nghệ diễn xuất của Ậu Máy.

Mỗi một dân tộc có một đặc điểm lịch sử, hình thành và phát triển riêng. Bởi vậy, các DSVHPVT như tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, tín ngưỡng đều mang đặc trưng riêng. Song tựu chung lại, mỗi DSVHPVT đều là “sản phẩm” văn hóa tinh thần của làng quê, mang đậm màu sắc dân gian, có sự gắn bó chặt chẽ, đồng hành với đời sống và trở thành những “di sản sống”, những “giá trị sống” cần được gìn giữ và phát huy.

“Cú hích” đối với các DSVHPVT

Là một trong những di sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là DSVHPVT quốc gia, cho đến nay trò diễn Xuân Phả, xã Xuân Trường (Thọ Xuân) đã hồi sinh trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt. Xuân Phả gồm các trò: Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Tú Huần. Tương truyền, các điệu trò này mô phỏng những điệu múa, hát đặc sắc của các nước lân bang triều cống vua ta. Được chiêm ngưỡng những điệu múa của trò diễn Xuân Phả, người xem như được bước vào một không gian rộn ràng, rực rỡ sắc màu với trang phục, đạo cụ phong phú, đa dạng. Đặc biệt, là những điệu múa của trò diễn Xuân Phả đều phóng khoáng, khi mạnh mẽ, lúc uyển chuyển nhịp nhàng tạo sức hút đối với người xem. Nếu như trước đây, trò diễn Xuân Phả được diễn trong lễ hội cúng tế Đông hải Đại vương tại nghè thờ của xã, thì ngày nay, trò Xuân Phả đã được giới thiệu, biểu diễn trong nhiều sự kiện văn hóa lớn của huyện và của tỉnh.

Khẳng định vinh dự, tự hào khi trò Xuân Phả được vinh danh, NNƯT Bùi Văn Hùng nhấn mạnh: Đây chính là sự ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm của chính quyền và Nhân dân Thọ Xuân nói riêng, của Thanh Hóa nói chung trong bảo vệ các di sản văn hóa; đồng thời khẳng định giá trị vô cùng đặc sắc, quý báu của trò Xuân Phả. Đây cũng là một minh chứng sinh động cùng những kinh nghiệm thực tiễn quý báu góp phần nâng cao nhận thức, phương pháp ứng xử đối với các di sản văn hóa.

Huyện Ngọc Lặc là một trong những địa phương có số lượng DSVHPVT quốc gia nhiều nhất trong cả tỉnh. Đến nay, toàn huyện đã có 4 DSVHPVT quốc gia đó là: lễ hội Pồn pôông, “Sắc bùa” (hay còn gọi là Phường chúc), nghệ thuật diễn xướng xường giao duyên, nghi lễ nhảng chập đáo (Tết nhảy) của người Dao quần chẹt; và mới đây còn có thêm tập quán, xã hội và tín ngưỡng mo Mường 11 huyện miền núi do huyện Ngọc Lặc chủ trì làm hồ sơ. Đây là những tín hiệu vui cho thấy công tác bảo tồn và phát huy các giá trị DSVHPVT đang được chính quyền và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện thực hiện một cách đồng bộ, quyết tâm dù còn nhiều khó khăn.

Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ngọc Lặc Phạm Đình Cường cho biết: Một DSVHPVT được nâng tầm quốc gia, vấn đề cần thiết là thời gian và kinh phí. Nguồn kinh phí nếu có sự chú trọng đầu tư sẽ không quá khó, nhưng về thời gian, chúng ta sẽ có rất nhiều việc phải làm, từ hoàn thiện các khâu, như xây dựng lý lịch DSVHPVT, ảnh, bản ghi hình, bản ghi âm, bản đồ phân bố vị trí, tư liệu khảo sát điền dã... cho đến các chiến lược, kế hoạch dài hơi. Vượt qua muôn vàn khó khăn, huyện đã nỗ lực để đưa các di sản lên nấc thang cao hơn, đóng góp cho sự bảo tồn DSVHPVT của xứ Thanh. Các DSVHPVT của huyện được vinh danh sẽ góp phần giới thiệu giá trị văn hóa địa phương đến với công chúng và tiếp tục nâng cao ý thức, lòng tự hào của người dân trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng.

Theo thống kê, đến nay Thanh Hóa đã có 18 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là DSVHPVT quốc gia như trò Xuân Phả, lễ hội Pồn pôông, Kin chiêng boọc mạy, trò Chiềng, dân ca dân vũ Đông Anh, lễ hội Cầu ngư, lễ hội đền Độc Cước, nghề đúc đồng cổ truyền làng Trà Đông, xường giao duyên người Mường, lễ hội đền Mưng, lễ hội đền Bà Triệu, Sắc bùa (Phường chúc) của dân tộc Mường huyện Ngọc Lặc, lễ hội Mường Xia...

Có lẽ hiếm có vùng đất nào lại đang nắm giữ một kho tàng DSVHPVT phong phú như Thanh Hóa. Đó đều là những nét tinh hoa được chắt lọc ngàn đời mang đậm truyền thống nhân văn, tạo nên bản sắc văn hóa của các dân tộc trên mảnh đất này. Để rồi, những người con Thanh Hóa hôm nay càng thấy trân trọng những giá trị lịch sử mà cha ông đã gây dựng, trao truyền, luôn tự nhắc nhở mình phải giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa vô giá đó.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Bài 2: Những thách thức cho sự tồn tại bền vững.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]