(Baothanhhoa.vn) - Cuối năm là mùa du lịch tâm linh. Bởi cùng với việc tham quan, vãn cảnh, thì đây chính là thời điểm mà người dân, du khách đến các khu, điểm di tích để dâng hương, tạ lễ, cầu bình an. Do đó, việc tăng cường quản lý đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... tại các điểm du lịch tâm linh hiện đang được các địa phương, ban quản lý (BQL) di tích chú trọng thực hiện.

Tăng cường quản lý các điểm du lịch tâm linh dịp cuối năm

Cuối năm là mùa du lịch tâm linh. Bởi cùng với việc tham quan, vãn cảnh, thì đây chính là thời điểm mà người dân, du khách đến các khu, điểm di tích để dâng hương, tạ lễ, cầu bình an. Do đó, việc tăng cường quản lý đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... tại các điểm du lịch tâm linh hiện đang được các địa phương, ban quản lý (BQL) di tích chú trọng thực hiện.

Tăng cường quản lý các điểm du lịch tâm linh dịp cuối nămBan Quản lý đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn), kiểm tra các bình chữa cháy.

Đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn) là một trong những điểm đến tâm linh thu hút được khá đông du khách ở trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chiêm bái. Ông Tống Văn Cương, Trưởng tiểu BQL đền Sòng cho biết: Dịp cuối năm, cũng như dịp Tết Nguyên đán đền Sòng thu hút được khá đông du khách tìm đến. Bởi vậy, BQL di tích đã chủ động xây dựng chương trình kế hoạch, phân công nhiệm vụ, lịch trực cho các tổ, đội. Cùng với đó, chú trọng chỉnh trang toàn bộ di tích, cắt tỉa cây xanh, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Công tác phòng cháy chữa cháy cũng được quan tâm. Hiện nay, BQL đã lắp đặt, bố trí 16 bình phòng cháy chữa cháy tại khu vực hai bên cửa chính các cung thờ trong đền. Ngoài ra, còn có 9 bình sơ cua và 6 dây nước để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra. Đồng thời, BQL cũng tăng cường kiểm tra hệ thống điện, đồ thờ cúng, lối thoát nạn; việc sử dụng nguồn lửa tại các khu vực thắp hương, hóa vàng mã. Tại các khu vực có đông du khách qua lại đều được lắp đặt biển chỉ dẫn, hướng dẫn khách đến thực hiện các quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự. Bên cạnh đó, thị xã Bỉm Sơn cũng tích cực chỉ đạo tăng cường thêm lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho du khách khi đến di tích dâng hương, chiêm bái.

Huyện Thường Xuân là địa phương có nhiều khu, điểm di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng thu hút đông du khách tham quan nhất là Khu di tích lịch sử văn hóa đền Cửa Đặt (xã Vạn Xuân) và Đền thờ Cô Ba - Thác Mạ (thị trấn Thường Xuân). Ông Lê Hữu Giáp, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Xuân cho biết: Để đảm bảo an toàn, văn minh cho du khách đến tham quan, dâng hương tại các di tích trên địa bàn, nhất là 2 di tích nổi tiếng kể trên, huyện đã ban hành kế hoạch “Tổ chức hoạt động đón du khách về dâng hương tại Khu di tích lịch sử văn hóa đền Cửa Đặt và Đền thờ Cô Ba - Thác Mạ năm 2024”. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban liên quan, đồng thời, yêu cầu các địa phương có di tích và BQL di tích phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cần thiết cho việc đón tiếp du khách, mở rộng và nâng cấp các bãi đỗ xe, đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng, giảm thiểu ùn tắc cục bộ trong những ngày cao điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của khách du lịch. Các khu vực bán hàng lưu niệm quanh di tích phải quy hoạch tập trung khang trang và sạch đẹp, đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn cháy nổ trong thời gian cao điểm tại các di tích. Các địa phương, BQL cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xung quanh khu vực di tích nghiêm chỉnh chấp hành quy định của các ngành chức năng trong việc sắp xếp nơi bán hàng, thực hiện văn hóa trong giao tiếp ứng xử và kinh doanh hàng hóa, tạo hình ảnh đẹp về con người Thường Xuân trong lòng du khách.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.535 di tích lịch sử - văn hóa. Những năm gần đây, du lịch văn hóa tâm linh đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán thì du khách tìm đến các đền, chùa... càng có xu hướng tăng. Bởi vậy, hiện nay tại hầu hết các khu, điểm di tích đã tích cực chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự... đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để du khách đến di tích nâng cao ý thức tự giác, chấp hành nghiêm các quy định, thực hiện văn hóa, văn minh khi đi lễ chùa. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có công văn về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Trong đó, yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền vận động Nhân dân hạn chế đốt vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm không phô trương, hình thức, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Có biện pháp triển khai, quán triệt tới BQL di tích, sư trụ trì, thủ từ, người trực tiếp quản lý và thực hành nghi lễ tại các cơ sở thờ tự, đền, phủ, chùa về việc không được thực hành những nghi thức có tính chất lệch lạc, thương mại hóa; thực hành tín ngưỡng lành mạnh, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc. Các phòng Văn hóa và Thông tin cần phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, chủ rừng, BQL di tích, danh lam thắng cảnh, BQL lễ hội, đền, chùa, miếu khu vực gần rừng,... triển khai thực hiện tốt các phương án phòng chống cháy rừng, tăng cường công tác tuyên truyền cho du khách thập phương sử dụng lửa an toàn trong khu vực diễn ra lễ hội và di tích.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]