(Baothanhhoa.vn) - Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình) có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Xác định rõ điều đó, cấp ủy, chính quyền TP Sầm Sơn đã tập trung triển khai thực hiện Chương trình, bằng các giải pháp phù hợp và đạt nhiều kết quả tích cực.

Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau

Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình) có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Xác định rõ điều đó, cấp ủy, chính quyền TP Sầm Sơn đã tập trung triển khai thực hiện Chương trình, bằng các giải pháp phù hợp và đạt nhiều kết quả tích cực.

Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sauXã Quảng Hùng tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Chỉ đạo sát sao

Để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình, UBND thành phố đã xây dựng Kế hoạch số 3464/KH-UBND, ngày 7/7/2022 về việc triển khai thực hiện Chương trình; đồng thời xây dựng và triển khai Kế hoạch số 2555/KH-UBND, ngày 7/6/2023 về việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023; Kế hoạch số 2560/KH-UBND, ngày 8/6/2023 về việc tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình năm 2023... Thành phố cũng giao 11 xã, phường trên địa bàn xây dựng kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch giảm nghèo hằng năm; tập trung điều tra, rà soát, lập danh sách hộ nghèo về thu nhập, nghèo do thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và nguyên nhân chính dẫn đến nghèo. Trên cơ sở đó, phân công cho các ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên phụ trách giúp đỡ hộ nghèo theo từng địa chỉ...

Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc để thực hiện đạt kết quả cao. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhằm động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình.

Đặc biệt, thành phố đã tiến hành củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo, nhất là ở cơ sở. Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế hỗ trợ, phân cấp, trao quyền cho xã, phường. Chú trọng tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thông qua các dự án mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, kết nối việc làm. Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh... Huy động nguồn lực của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm và đóng góp của Nhân dân vào công tác giảm nghèo. Từ đó, đưa công tác giảm nghèo phải đi vào thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm nhằm giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.

Chuyển biến tích cực

Có thể nói, việc xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, chính là cơ sở để cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn TP Sầm Sơn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình. Đặc biệt, việc đưa nội dung giảm nghèo vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và từng giai đoạn của địa phương, đơn vị đã góp phần tạo chuyển biến tích cực cho công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020), tổng số hộ nghèo trên địa bàn là 377 hộ, chiếm 1,27%; hộ cận nghèo là 782 hộ, chiếm 2,63%. Năm 2021 (rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025), số hộ nghèo tăng lên 710 hộ, chiếm 2,95%; số hộ cận nghèo là 1.037 hộ, chiếm 3,48%. Sang năm 2022, số hộ nghèo giảm còn 480 hộ, chiếm 1,61%; số hộ cận nghèo giảm còn 860 hộ, chiếm 2,88%. Tính đến tháng 6/2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn là 1,61% và theo dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ giảm xuống dưới 1%.

Bên cạnh kết quả giảm nghèo, việc thực hiện các chỉ tiêu về mức độ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cũng đạt nhiều kết quả. Trong đó, 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia BHYT; giảm 0,5% tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 16 tuổi; tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 99,9%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp...

Trong giai đoạn 2021-2023, đã có trên 2.341 lượt người nghèo, cận nghèo được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, với tổng kinh phí giải ngân là 148,118 tỷ đồng; 4.508 lượt người được đào tạo nghề và truyền nghề; số lao động được tạo việc làm mới là trên 9.000 người. Cũng trong thời gian này, 100% học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng chế độ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập... với tổng số 319 học sinh và kinh phí hỗ trợ trên 500 triệu đồng. Tổng số người nghèo được cấp thẻ BHYT là 3.534 lượt, người cận nghèo là 6.228 lượt, với tổng kinh phí 5,218 tỷ đồng. Cùng với đó, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên đã làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với 3.787 suất/3,787 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng 43 ngôi nhà mới, với số kinh phí là 2,538 tỷ đồng; sửa chữa 13 nhà, trị giá 235 triệu đồng.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, hưởng thụ văn hóa, thông tin; chính sách hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ pháp lý; chính sách về nước sạch và vệ sinh môi trường; chính sách hỗ trợ tiền điện... cũng được thành phố quan tâm triển khai hiệu quả. Đặc biệt, chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Theo đó, giai đoạn 2021-2023, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với UBND các xã, phường, các tổ chức đoàn thể, huy động tiền gửi dân cư đạt 53,527 tỷ đồng. Kết quả, tổng dư nợ trong giai đoạn này đạt 282,324 tỷ đồng, với 4.842 lượt khách hàng vay vốn. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi này đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy đáng kể việc hoàn thành mục tiêu giảm nghèo, XDNTM nói riêng, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Có thể khẳng định, với các chính sách, giải pháp giảm nghèo đã được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống, nhất là đến được với hộ nghèo, hộ cận nghèo, đã mở ra cơ hội cho hàng trăm hộ nghèo có vốn sản xuất, có việc làm tăng thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống. Từ đó, khơi dậy và phát huy truyền thống tự lực, nỗ lực vươn lên của Nhân dân, nhất là được người dân đồng tình, ủng hộ và mang lại hiệu ứng xã hội mạnh mẽ.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]