(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1965/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương trong tỉnh đã có cách làm hay, thiết thực, cơ bản đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn. Song, vẫn còn những  tồn tại hạn chế, khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bất cập trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1965/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương trong tỉnh đã có cách làm hay, thiết thực, cơ bản đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn. Song, vẫn còn những tồn tại hạn chế, khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

Bất cập trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Nhiều lao động nữ ở xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) không phát huy được nghề đã học, đành quay trở lại công việc cũ là phụ hồ.

Học nghề nhưng chưa một lần làm nghề

Tháng 10-2018, chị Hà Thị Tớm, ở bản Đồng Tâm, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) tham gia lớp đào tạo nghề thêu ren xuất khẩu. Trong thời gian 2,5 tháng, chị Tớm cùng 34 học viên khác được cơ sở dạy nghề là Công ty TNHH Mỹ Hương ở Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đào tạo. Doanh nghiệp cam kết sau đào tạo sẽ cung cấp nguyên vật liệu và bao tiêu sản phẩm cho người lao động. Cùng tham gia lớp học nghề với chị Tớm là các chị Lữ Thị Diệp, Vi Thị Liệp, ở bản Pọng cũng rất hào hứng tích cực tham gia đầy đủ các buổi học với mong muốn học xong sẽ tranh thủ lúc nông nhàn nhận hàng về làm nâng cao thu nhập. Nhưng từ khi học xong đến nay các chị chưa một lần được làm nghề. Theo lời chị Liệp, trong số 35 học viên tham gia lớp học, nhiều người có sức khỏe yếu, tuổi cao và người khuyết tật nên rất mong sống được bằng nghề đã học, nhưng đó cũng chỉ là mong ước. Với những lao động khác cũng không tự tạo được việc làm do không có vốn đầu tư, không có người cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm nên đã đi làm phụ hồ tại các công trình xây dựng, một số người đi xuất khẩu lao động...

Tình trạng người lao động học nghề nhưng không có việc để làm, không chỉ có ở huyện Quan Hóa mà xảy ra ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Đơn cử như chị Nguyễn Thị Thà ở xã Quảng Ninh (Quảng Xương) là một trong số hàng chục chị em phụ nữ trong xã thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật được đào tạo nghề thêu ren xuất khẩu theo Quyết định 1956. Tuy nhiên, đến nay không có lao động nào làm nghề hay gắn bó với nghề đã học. Hay như chị Bùi Thị Thu, ở xã Hoàng Giang (Nông Cống), năm 2019 chị cùng hơn 30 lao động khác của 7 thôn tham gia lớp dạy nghề mây giang xiên do HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ đào tạo. Học xong, 100% học viên đầu tư 150.000 đồng mua khung đan, nhận nguyên liệu của HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ để làm nghề, nhưng sản phẩm làm ra không đạt yêu cầu. Sau nhiều lần tháo ra đan lại mà sản phẩm vẫn không nhập được, tiền công lại thấp nên người lao động chán nản, bỏ cuộc và quay trở lại với công việc đồng ruộng, chăn nuôi. Với những người còn trẻ thì xin vào làm tại các công ty giày da, may mặc...

Cần tháo gỡ những khó khăn

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn sau hơn 10 năm triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả cho người lao động. Từ chính sách của Trung ương, của tỉnh đã có trên 50.000 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề. Đề án được xem như “một làn gió mới”, “chìa khóa” giúp lao động nông thôn có việc làm, tăng nguồn thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững ở địa phương. Dù hiệu quả đề án mang lại là rất lớn, song cũng còn không ít những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ, đó là đầu ra của các sản phẩm, nhu cầu thị hiếu của thị trường, việc bao tiêu các sản phẩm sau đào tạo, việc khảo sát, nắm bắt, thống kê nhu cầu ngành nghề, việc làm và nhu cầu học nghề của người lao động; việc tham gia quản lý, giám sát kết quả, hiệu quả thực hiện đề án ở cơ sở còn hạn chế. Chất lượng và cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực, nhất là lĩnh vực yêu cầu có tay nghề cao như hàn, máy lái, trong khi chính sách của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn chủ yếu hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng). Nhiều lớp học nghề bị hạn chế về máy móc, trang thiết bị, học viên không có điều kiện thực hành nên tay nghề yếu, lao động không tìm kiếm được việc làm sau đào tạo. Đối với nghề thêu ren, đan lát thủ công mỹ nghệ, phần lớn lao động học xong chỉ duy trì nghề được một thời gian ngắn rồi bỏ, không nhân rộng được mô hình...

Để tháo gỡ những nút thắt trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các địa phương trong tỉnh cần làm tốt công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Rà soát, bổ sung danh mục nghề đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, người dạy nghề. Ngoài vai trò của các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các doanh nghiệp cũng cần chung tay trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm sau đào tạo. Bên cạnh đó, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để họ hiểu được vai trò quan trọng của việc học nghề để giảm nghèo, phát triển kinh tế. Định hướng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện đào tạo nghề, kịp thời tập hợp ý kiến của người lao động về công tác này để phản ánh, kiến nghị với các tổ chức đảng và cơ quan Nhà nước để đề ra biện pháp chỉ đạo phù hợp... Có như vậy người lao động mới yên tâm tham gia các lớp học nghề và làm nghề sau đào tạo.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]