[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Mường khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Mường khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Với khát vọng làm giàu trên quê hương, Bùi Thị Giang, người dân tộc Mường, thôn Đào, xã Lương Ngoại (huyện Bá Thước) quyết tâm khởi nghiệp với nghề làm lông mi giả. Công ty TNHH BSJ do chị sáng lập cũng là công ty đầu tiên của huyện Bá Thước sản xuất mặt hàng này.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Mường khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Mường khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Về thị trấn Cành Nàng hỏi thăm nghề làm lông mi giả, ai cũng có thể nói vanh vách và chỉ dẫn cặn kẽ nơi sản xuất, dạy nghề miễn phí của Bùi Thị Giang. Tìm đến công ty Công ty TNHH BSJ vào một ngày cuối năm, trời mùa đông rét mướt, nhưng các chị em làng trên, xóm dưới vẫn tranh thủ đến giao sản phẩm đã hoàn thiện để kịp chuyến hàng sáng sớm mai. Bà chủ sinh năm 1984, dáng người nhỏ nhắn, niềm nở mời khách vào nhà vừa thoăn thoắt kiểm đếm sản phẩm, vừa ghi chép sổ sách, trả tiền, giao nguyên liệu mới cho người có nhu cầu làm hàng đợt tiếp theo...

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Mường khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Bùi Thị Giang vốn là công chức nhà nước, công tác tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bá Thước. Tuy nhiên, bản tính mạnh mẽ, lối sống tự lập và luôn muốn thử thách những điều mới mẻ, đầu năm 2015, Giang tìm lối đi mới cho riêng mình. Bùi Thị Giang nhớ lại: “Hồi đó, nhiều người thân khuyên nhủ, can ngăn khi công việc hiện tại của tôi đang là niềm mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, công việc nhà nước tuy ổn định nhưng nhàm chán. Tôi lại là người có “máu” kinh doanh nên càng làm lại càng thấy không phù hợp. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hối hận vì quyết định nghỉ việc của mình”.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Mường khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Ấp ủ mở một xưởng may hoặc thủ công mây tre đan nhưng vì không có vốn, chị đành ngậm ngùi “xếp” ước mơ vào một góc. Lang thang trên mạng, chị tình cờ biết đến nghề làm lông mi giả. Theo chị tìm hiểu, đây là nghề cần khá ít vốn, lại nhẹ nhàng, rất phù hợp với phụ nữ. Xác định hướng đi mới cho bản thân, chị gom góp tiền bạc bắt xe vào Bình Dương, quyết chí làm giàu. Chỉ sau một thời gian ngắn học nghề, chị tự tin trở về quê mở cơ sở sản xuất độc lập, mạnh dạn nhận hợp đồng cung ứng sản phẩm cho đơn vị đầu mối.

Tập hợp một số chị em quen thân trong xã, Giang tập trung thời gian dạy cho họ cách làm nghề. Chị kể, ban đầu chị phải đến từng nhà thuyết phục mọi người học nghề, người ta rất ngại khi thấy cái cách tỉ mẩn nhón từng sợi, từng đôi tóc vào thắt… Những lúc ấy, chị vừa phải kiên trì thuyết phục người lao động, vừa tìm cách đàm phán, kéo giãn thời gian cung ứng đơn hàng. Dần dần khi thạo nghề, thu nhập của người lao động bắt đầu tăng lên, họ mới có niềm tin gắn bó với công việc. Giang chia sẻ: “Bây giờ riêng thôn Đào ai cũng biết làm, nhà nào cũng có người làm lông mi. Hiện tại, cung không đủ cầu nên chúng tối lúc nào cũng cần thêm người làm vệ tinh”.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Mường khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Theo lời chị Giang, hàng trăm người đã được chị trực tiếp hướng dẫn nghề. Nguyên liệu tóc do chị cung cấp miễn phí. Lông mi thắt xong, chị mua lại giá 1.000 đồng/cặp. Tôi hỏi chị Giang: “Một người làm giỏi, mỗi ngày có thể thắt được bao nhiêu cặp lông mi?”. Chị cho biết: “70 cặp, hộp hoặc dây…tùy vào từng công đoạn người lao động nhận về làm!”. “Còn trung bình?”, tôi hỏi thêm. “Chừng 50 cặp, hộp hoặc dây… thôi, vì người ta còn làm công việc gia đình nữa mà!”, chị Giang đáp.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Mường khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Bắt tay vào làm một nghề quá mới mẻ với chị em nông thôn, chị Giang gặp không ít khó khăn. Do chưa quen việc, nên nhiều chị em để thất thoát nguyên liệu, sản phẩm làm ra kém chất lượng thường xuyên bị người ta gửi trả lại... Không nản, chị tâm niệm phải dạy bằng được cho chị em thạo nghề, tạo việc làm cho họ thì mới mong duy trì và phát triển hướng đi của mình. “Tôi quyết tâm phải làm. Có lỗ cũng phải làm để người ta không chê nữa”, chị Giang kể về thời điểm khó khăn ấy.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Mường khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Trời không phụ lòng người, sau thời gian miệt mài làm việc và sự cố gắng chào hàng của chị ở cả thị trường trong và ngoài nước, những chuyến hàng dần được chấp nhận và đơn hàng liên tục tăng lên mang về nguồn lợi nhuận lớn. Bắt đầu chập chững bước vào lĩnh vực sản xuất mi giả từ trước khi lập gia đình, đến nay, từ một xưởng lông mi nhỏ với vài nhân công, bằng sự nỗ lực, thông minh và liều lĩnh lăn xả của mình, chị Giang đã thành lập công ty TNHH BSJ với 3 cơ sở đào tạo và sản xuất tại chỗ là Điền Trung, Điền Quang và Ái Thượng, tạo công ăn việc làm cho 70 lao động thường xuyên và phát triển hệ thống vệ tinh với hàng ngìn người tại các xã Lương Ngoại, Điền Trung, Lũng Cao, Ban Công... Năm 2019, Công ty TNHH BSJ xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm lông mi giả sang Mỹ và Nigeria. Cũng trong năm này, công ty chạm mốc doanh thu trên 7 tỷ đồng. Năm nay vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, 2 đơn hàng lớn bị hủy, doanh thu cũng vì thế mà giảm theo, dự kiến doanh thu trên 4 tỷ đồng.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Mường khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Đưa tôi đi tìm hiểu nghề làm lông mi giả, chị Giang nhắc đi nhắc lại: “Nghề này dễ học, dễ làm, ai cũng có thể tranh thủ thời gian ngồi tại nhà mà làm ra sản phẩm…”. Không như tôi hình dung, hóa ra nghề làm lông mi giả ở đây chẳng có thiết bị công nghệ nào cao siêu, mọi thứ gần như được làm thủ công. Khi thắt lông mi, từng sợi hoặc từng đôi tóc được xếp lại và buộc rút vào một sợi chỉ, sau đó quét qua lớp keo mỏng, giữ chắc mối thắt. Lông mi có loại thưa, ngắn hoặc dày, dài tùy theo yêu cầu của khách hàng. Công đoạn thắt chỉ là công đoạn đầu tiên, để được chiếc lông mi hoàn chỉnh, phải thực hiện tiếp các công đoạn như: cắt, ngâm, uốn cong, sấy, cắt, tỉa...

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Mường khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Những người phụ nữ ở các xã Lương Ngoại, Điền Trung…đều vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về cái nghề đã góp một phần quan trọng trong nâng cao đời sống của nhiều gia đình ở làng quê này. Nhiều gia đình có 2 - 3 lao động làm nghề bởi với họ đây là sự may mắn vì có thêm thu nhập mà không phải đi làm ăn xa. “Em và mẹ đều làm hàng cho công ty của cô Giang. Vì ăn theo sản phẩm và được nhận hàng về nhà nên em có thể chủ động được thời gian vừa đi học vừa có thể tranh thủ làm tại nhà hoặc tại xưởng. Có thêm nguồn thu từ nghề làm lông mi giả, cuộc sống của gia đình em đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Mẹ em không phải chạy ăn từng bữa như trước nữa và em cũng có khoản riêng phục vụ nhu cầu cá nhân, như: mua đồ dùng học tập, đóng quỹ lớp…” - em Bùi Hà Khánh Ly, học sinh lớp 8, Trường THCS Ái Thượng, cho biết.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Mường khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Đang bận rộn với những công đoạn kiểm kê cuối cùng, chị Trương Thị Nguyên, 37 tuổi, xã Ái Thượng, chia sẻ: “Thắt lông mi giả này cũng dễ học, ai học nhanh thì khoảng vài ngày hoặc 1 tuần có thể làm được, vừa học, vừa làm là quen nghề, công việc cũng nhẹ nhàng, thu nhập ổn định. Tôi vừa làm vừa chăm sóc con cái, bình quân 1 tháng tôi kiếm được khoảng 3–5 triệu đồng. Nhờ công việc này, tôi chủ động hơn về kinh tế”. Công việc làm lông mi giả đơn giản nhưng đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ. Chị Nguyên còn nhiệt tình hướng dẫn và truyền đạt kinh nghiệm cho các chị em mới vào học nghề.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Mường khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Hầu hết những người đang có mặt ở trụ sở công ty TNHH BSJ đều là người trong thôn, bản. Tại đây, mọi người chuyện trò đủ thứ trên trời dưới đất, cảm giác giống như buổi sinh hoạt thường niên của một CLB nào đó. Họ chủ yếu thực hiện những công đoạn cuối để cho ra đời sản phẩm hoàn chỉnh. Còn “sản phẩm thô”, tức lông mi thắt ở giai đoạn đầu, chị Giang thu mua từ các… “cơ sở vệ tinh” - những người làm việc tại nhà riêng.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Mường khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Từ ngày thành lập đến nay, mô hình làm lông mi giả của chị Giang đã giúp nhiều chị em có việc làm và thu nhập ổn định. Với lao động tại chỗ, nếu bảo đảm ngày công, người lao động có thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Với các hộ gia đình nhận gia công, chị em kết hợp tranh thủ công việc khi rảnh rỗi và cũng có thu nhập từ 1-2 triệu đồng/người/tháng. Có thể nói, nghề này không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ, mà còn thay đổi cách nghĩ về hướng thoát nghèo cho nhiều phụ nữ nông thôn. Được biết, cùng với việc tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất mở rộng quy mô xưởng, chị Giang còn hỗ trợ đào tạo nghề và phát triển nghề, đầu ra cho các học viên. Đến nay, đã có 30 học viên của chị Giang mở xưởng thành công, với doanh thu mỗi năm đạt từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Mường khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Nội dung: Tăng Thúy

Ảnh: Tiến Đông

Trình bày: Phạm Nam

Xuất bản: 4:14:01:2021:09:22

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Giang - 13:39 15/01/21

 Trả lời

Mình là giang đây ạ. Mọi người liên hệ với mình theo số ĐT 0356735523, giúp được gì mọi người thì mình luôn sẵn sàng ạ.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM