E-Magazine: Chất thơ trong ảnh Phạm Công Thắng

E-Magazine: Chất thơ trong ảnh Phạm Công Thắng

E-Magazine: Chất thơ trong ảnh Phạm Công Thắng

Cái đẹp thường mong manh, cái đẹp cũng thường đi qua nhanh, đôi khi chỉ tồn tại trong khoảnh khắc, nhiếp ảnh có lợi thế khi chớp nhanh khoảnh khắc ấy trong khuôn hình, để cái khoảnh khắc đẹp ấy trở thành mãi mãi. Cái đẹp cũng chính là cái nên thơ. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Công Thắng tài năng và tâm huyết đã mang đến cái đẹp cho người xem qua những tác phẩm giàu chất thơ của Anh.

Chất thơ biểu hiện ngay trong đề tài mà anh quan tâm, hướng tâm, hướng ống kính của mình thể hiện với tất cả cảm xúc và sự thăng hoa của người nghệ sĩ. Đó là vẻ đẹp sâu lắng của miền quê Bắc Bộ, những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, những thảm lúa vàng rực màu nắng, những đồng ngô, bãi mía, nương dâu trải dài tít tắp, những rặng tre trùm mát rượi, trẻ em nô đùa, mẹ già chậm bước chiều quê ngỏ nhỏ, những căn nhà cũ kỹ, tường đá rêu phong. Đó là vẻ trầm hùng Hà Nội, vẻ thanh lịch của người Hà Nội.

E-Magazine: Chất thơ trong ảnh Phạm Công Thắng

Những bức ảnh anh ra mắt người xem đều hiển hiện một Hà Nội lung linh thơ mộng, ngập tràn sắc hoa đào Nhật Tân (Ảnh “làng đào Nhật Tân còn trong ký ức”, tháng 12- 2000), đào Phú Thượng, những căn nhà cổ đổ bóng nghiêng soi (ảnh “Bóng đổ chiều nghiêng”- Phố Trần Duy Hưng, Hà Nội- 1997), lễ hội tưng bừng sắc màu, rực rỡ những lộng đỏ, lộng vàng, tàn tía, tán xanh và dáng khỏe mạnh hồi sinh trong ảnh “Lễ hội Phù Đổng” ( Làng Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội năm 2000).

Bức ảnh “Thắp sáng dòng điện mùa xuân” ( Làng Đào Nhật tân - 2002) đẹp cả về bố cục và ánh sáng.

E-Magazine: Chất thơ trong ảnh Phạm Công Thắng

Bức ảnh “Thắp sáng dòng điện mùa xuân” ( Làng Đào Nhật tân - 2002)

Những người thợ điện trong tư thế lao động khỏe mạnh và say sưa trên cao đâu hay phía dưới mình vườn đào rực nở, báo hiệu xuân đang về. Một khuôn hình táo bạo đã giúp anh đoạt nhiều giải cao ( Huy chương Vàng- Triễn lãm ảnh Nghệ thuật Hà Nội năm 2008: Giải thưởng Văn học Nghệ thuật thủ đô- 2008: Giải Khuyến khích cuộc thi EVN- 60 năm thắp sáng niềm tin 2005, Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam - 30 năm đồng hành cùng đất nước 1986-2016).

Ảnh “Những cây đào già” ở làng đào Phú Thượng ( Hà Nội -1996) Huy chương Bạc Triển lãm ảnh nghệ thuật thủ đô 2006, tưng bừng nở hoa đem lại sắc xuân cho Hà Nội ngàn năm thanh lịch.

E-Magazine: Chất thơ trong ảnh Phạm Công Thắng

Tác phẩm “Những cây đào già” ở làng đào Phú Thượng ( Hà Nội -1996)

Chất thơ hiển hiện trong cảm xúc, trong tình yêu Hà Nội, yêu thiên nhiên của người nghệ sĩ khi anh chụp ảnh rộng khoáng đạt tràn đầy sắc hoa đào Phú Thượng. Bức ảnh không chỉ giàu chất thơ mà còn đầy mảng miếng, hình khối gần với tạo hình vốn là tiếng nói của nghệ thuật hội họa. Xem ảnh Phạm Công Thắng người ta nhận ra vẻ hào hoa lịch lãm, con mắt tinh tế ánh lên chiều sâu của tâm hồn đa cảm, giàu sáng tạo.

Thiên chức của người nghệ sĩ là lao động sáng tạo, sáng tạo ra cái đẹp và truyền cho đời niềm đam mê, tạo dựng năng lực cảm thụ cái đẹp và phổ truyền nhân lên cái đẹp cho cuộc đời. Cuộc đời nghệ sĩ không phải ai cũng cập bến thành công, có người chỉ tạo được một nét, một mảng màu trong bức tranh đẹp, bức tranh đẹp nhiều khi còn ở phía trước. Phạm Công Thắng đã tạo cho mình khát vọng chinh phục cái đẹp làm nên bức tranh dẫu chưa phải là toàn bích, nhưng nhất quyết phải là tranh, phải thành tranh. Anh “ lãng du” khắp mọi miền đất nước, bước chân trải dọc dài đường thiên lý Bắc Nam xưa, đường Quốc lộ nay, đường mòn Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh, đi khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, lên tận rừng xanh núi đỏ, ra tận thăm thẳm đại dương, mòn đường nát cỏ ở xứ Thanh và lại còn bay cả trên không trung để tận mắt, tận tay bấm hết vẻ đẹp muôn màu của đất nước và con người Việt. Phạm Công Thắng đến với Văn học Nghệ thuật rất sớm và xác lập sớm chỗ đứng trong xã hội. Anh từng là Thư ký Tòa soạn Báo Văn hóa và Đời sống Thanh Hóa, Ủy viên Ban Chấp hành kiêm Trưởng ban ảnh Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, Phóng viên ảnh của Tạp chí Hàng không Việt Nam, rồi Thư ký Tòa soạn Tạp chí Doanh nghiệp, Doanh nhân và Thương hiệu, từng có Cửa hiệu ảnh lớn ở con phố đắt giá nhất xứ Thanh qui tụ tay máy trong cả xứ.

E-Magazine: Chất thơ trong ảnh Phạm Công Thắng

E-Magazine: Chất thơ trong ảnh Phạm Công Thắng

Là nhà báo, là nghệ sĩ và là doanh nghiệp cho anh có cơ hội đi nhiều nơi, gặp được nhiều người, thỏa thê, mặc sức ngắm núi sông cẩm tú và những sinh hoạt văn hóa giàu bản sắc của người Việt. Thiên nhiên hùng vĩ tráng lệ và con người Việt hồn hậu thân thiện mến khách đi vào ảnh của anh qua cảm quan và tài năng sáng tạo của nghệ sĩ mà trở nên hấp dẫn, thêm yêu muôn lần. Anh cảm nhận sâu sắc trách nhiệm của người nghệ sĩ nhiếp ảnh là cần mẫn chép lại bằng ảnh vẻ đẹp của đất và người nơi mình đi qua góp phần lưu giữ cái đẹp, sắc màu hồng tươi của cuộc sống, những lắng đọng tinh túy của không gian và thời gian. Gần 50 năm cầm máy anh đã có được bộ ảnh đồ sộ, trân quí, gặt hái gần 30 giải thưởng về nhiếp ảnh trong và ngoài nước với nhiều danh hiệu cao quí: Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (AVAPA), nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế (AFLAT)

E-Magazine: Chất thơ trong ảnh Phạm Công Thắng

Người xem yêu mến và hâm mộ anh không phải ở vẻ lấp lánh của những tấm huy chương mà ở chất thơ trong phong cách thể hiện của anh. Bằng ngôn ngữ của ánh sáng anh không chỉ ghi lại trung thực vẻ đẹp của thiên nhiên cuộc sống con người mà anh tái hiện bằng cái tâm sáng trong của người nghệ sĩ, tìm ra cái đẹp, cái tinh túy vẻ đẹp tâm hồn sau mỗi bức ảnh sinh hoạt hay ảnh chân dung con người và vẻ đẹp tiềm ẩn sau sắc màu nổi trội phô bày bên ngoài. Đây là nét tài hoa của Phạm Công Thắng, dường như mỗi lần đến với thiên nhiên, đến với con người anh không chỉ đơn thuần là bấm máy, mà anh đã sống, đã sinh hoạt chan hòa tâm tình cùng họ, tìm được sự đồng điệu hòa nhập, anh sống đời thực của con người trước khi sống đời sống nghệ sĩ.

E-Magazine: Chất thơ trong ảnh Phạm Công Thắng

Anh trần tình trong cuốn sách “Lãng du cùng Phạm Công Thắng”: “ Trong hơn 40 năm cầm máy, làng quê Việt luôn là mảng chủ đạo trong bộ sưu tập ảnh của tôi. Mỗi lần vác máy lên vai tôi thường quen chân tìm về các vùng quê Bắc Bộ để được gặp những thân thuộc của mái rạ, hơi rơm, khói bếp. Ở đó tôi thường gặp những ánh nhìn hồn hậu, những ruộng đồng bờ bãi, những mùa vụ, những phân gio. Ở đó tôi được tắm trong màu nắng nhuộm vàng thảm lúa, được nghe tiếng khỏa nước xao động trên sông, được hưởng hơi trầu cay nồng, được nhấp ngụm vối mát lành trưa nắng. Bà mẹ quê, cô gái quê, anh trai quê, mảnh vườn quê… chỉ gọi tên thôi đã thấy ùa về trong tôi cả một vùng yêu thương gần gũi dịu dàng sâu thẳm”

E-Magazine: Chất thơ trong ảnh Phạm Công Thắng

Tác phẩm “Hồn quê” ( Thanh Miện Hải Dương 2002)

“ Hồn quê” ( Thanh Miện Hải Dương 2002) là bức ảnh đẹp khi anh chọn được không gian đẹp. Một căn nhà tranh vách đất, mái lá được trùm kín bằng cây bìm bìm nở hoa tím biếc, với đụn rơm, đống rạ chưa kịp lên cây, dáng mẹ già tóc bạc, lưng còng đang quét sân như đánh thức nỗi niềm nhớ quê, thương quê thăm thẳm trong lòng người khi xem ảnh. Bức ảnh có sức gợi niềm thương nỗi nhớ.

E-Magazine: Chất thơ trong ảnh Phạm Công Thắng

Tác phẩm “Bạn đến thăm nhà”

Ảnh “Bạn đến thăm nhà” cùng chủ đề về quê, về mẹ nhưng lại tìm được cái tứ khác tươi vui hơn. Tác giả chớp được cái nhịp bước quấn quýt dắt dìu nhau của hai bà lão đang bước lên bậc cổng ngõ rêu phong cũ kỹ trong sắc nắng vàng tươi, được tô điểm bởi sắc vàng của rơm quê, của hoa mướp vàng vướng vít thả hoa, thả quả xuống cổng ngõ. Thời gian trở nên chậm lại, không gian như đọng lại chứa cả nỗi niềm thân ái và chút lo lắng cho bước chân già trước mảnh sân cỏ rêu.

E-Magazine: Chất thơ trong ảnh Phạm Công Thắng

Tác phẩm “Thanh thản”

“Thanh thản” lại là bức ảnh xuất thần của tác giả trong cú bấm máy thần diệu ghi lại vẻ đẹp của con người trong lao động sản xuất. Nghề lái bè trên sông nước vô cùng gian lao và hiểm nguy chỉ chấp nhận những trai bè dũng cảm, thạo sông nước. Tác giả tìm đến và ghi lại hình ảnh các bè luồng được kết với nhau đang bình yên trôi theo dòng nước trong xanh hiền hòa, các trai bè không phải chống sào hò đò ngược mà đang khoan thai gác mái, cùng nhau tâm tình giữa trời nước mênh mông. Ảnh chụp từ trên cao nên lột tả được vẻ bình yên thanh thản của con người giữa thiên nhiên lớn rộng, phản ánh sự sáng tạo của người Việt trong vận tải đường sông. Bức ảnh xứng đáng đoạt Huy chương Vàng tại Cuộc thi ảnh quốc tế được tổ chức tại Srilanca năm 2005.

Nhiều bức ảnh như bức “Hạnh phúc tuổi thơ” – 2005, ảnh “Bếp lửa người Mông”, ảnh “Nối nghề” (Tam Sơn, Quản Bạ, Hà Giang- 2017, ảnh “Ấm vị trầu quê” ( làng cổ Đường Lâm – 2011)… cũng vẫn một cái nhiền yêu thương tinh tế và nhạy cảm ấy. Bộ ảnh về xứ Thanh quê hương anh với biển Sầm Sơn, thuyền bè, mảng tấp nập, ảnh sông Mã, sông Chu và con người xứ Thanh anh hùng, trung dũng mà đôn hậu, nhân ái cũng là bộ ảnh quý đáng được lưu giữ, truyền bá. Người xem trân trọng tình quê ân nghĩa sâu nặng trong anh được diễn tả qua vẻ đẹp của ảnh.

E-Magazine: Chất thơ trong ảnh Phạm Công Thắng

Nếu ảnh về tuổi thơ trong sáng hồn nhiên là mảng ảnh ghi nhận thành công khác của anh thì mảng ảnh chân dung đánh dấu thành công và sự đĩnh đạc của anh trong làng ảnh. Với cái nhìn thơ, cảm xúc thơ và rung động mỹ cảm khi bấm máy anh đã có bộ ảnh chân dung về con người Việt ở cả ba miền thật đáng quí. Anh tạc được thần thái của từng lớp người, từng ngành nghề trong xã hội, nét khắc sâu mà ấn tượng không cùng. Chân dung các nghệ sĩ, nhà văn nhà thơ đều toát lên vẻ thần thái, diễn tả sâu nhất được tâm trạng, nội tâm nhân vật cho đến vẻ đẹp của hình thể vóc dáng tạo ấn tượng mạnh không thể phai mờ.

Để kết thúc bài viết về chất thơ trong ảnh Phạm Công Thắng xin được mượn lời của nhà Lý luận phê bình Nhiếp Ảnh, nhà văn Cao Minh đánh giá về ảnh của Anh...

E-Magazine: Chất thơ trong ảnh Phạm Công Thắng

Tôi hằng tin chất thơ trong ảnh của anh mãi còn như con người anh giàu cảm xúc sáng tạo và luôn nâng niu cái đẹp. Chất thơ trong ảnh sẽ là duyên là hồn cốt để anh đến với mọi người và chiếm được tình yêu mến sự trân trọng, cảm phục của họ.

Ngày hạ năm 2020.

Nội dung: Nguyễn Hữu Ngôn

Đồ họa: Quang Trung

Xuất bản: 3:18:03:2020:17:47

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn Hữu Ngôn - 17:44 18/03/20

 Trả lời

Cách làm mới đầy tính nghệ thuật gợi nhiều cảm xúc. Cảm ơn Toà soạn

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM