15:04 03/01/2023 GMT+7
(Baothanhhoa.vn) - Ngày 3-1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội Khoá XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tại hội nghị quan trọng này, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã phát biểu tham luận. Báo Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong cả nước hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2023 (*)

Ngày 3-1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội Khoá XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tại hội nghị quan trọng này, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã phát biểu tham luận. Báo Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong cả nước hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2023 (*)

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu tham luận tại điểm cầu UBND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hiếu

Kính thưa đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị!

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, cùng toàn thể các đại biểu dự Hội nghị!

Trước hết, tôi thống nhất cao với các báo cáo, dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ trình bày tại hội nghị; xin nghiêm túc tiếp thu và quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên làm việc buổi sáng hôm nay.

Chúng tôi cảm nhận sâu sắc rằng, năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có những diễn biến mới, khó khăn hơn so với dự báo. Song, được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã bám sát tình hình thực tiễn, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; nhất là những quyết sách trong việc điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch Covid-19, triển khai sớm Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, chuyển toàn bộ nền kinh tế sang trạng thái “bình thường mới”, góp phần đưa kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phát triển, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao; tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,02%, vượt mục tiêu kế hoạch, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. Các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định, cân đối tài chính - ngân sách được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại có nhiều chuyển biến tích cực; uy tín, vị thế của quốc gia trên trường quốc tế được nâng lên. Niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước được củng cố và tăng cường.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong cả nước hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2023 (*)

Đối với tỉnh Thanh Hóa, được sự quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, với phương châm “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả” của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt, có nhiều chỉ tiêu vượt xa so với kế hoạch và so với cùng kỳ, nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 12,51%. Thu ngân sách nhà nước đạt 51 nghìn tỷ đồng, vượt 69% dự toán và tăng 22,8% so với cùng kỳ. Phát triển doanh nghiệp được tập trung chỉ đạo; đã thành lập mới 3.761 doanh nghiệp, đứng thứ 6 cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả khá cao. Dịch vụ - du lịch, nhất là du lịch phát triển đột phá. Đã khởi công, khánh thành một số dự án công nghiệp, giao thông quy mô lớn, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh. Chất lượng các hoạt động văn hóa, xã hội được nâng lên; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao duy trì trong nhóm dẫn đầu cả nước. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Tỉnh đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông và sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi; đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng - an ninh được củng cố. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới và đạt nhiều kết quả tích cực.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong cả nước hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2023 (*)

Qua thực tiễn công tác, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề cần phải thường xuyên quan tâm, đó là:

Thứ nhất, phải thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, trong tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, trước hết là sự tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu trên cơ sở các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vì lợi ích chung, vì sự phát triển của đất nước, của tỉnh, của từng địa phương, đơn vị.

Thứ hai, chủ động theo dõi sát tình hình thế giới, khu vực, trong nước, nâng cao năng lực dự báo, phân tích để kịp thời đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm chủ động ứng phó hiệu quả với mọi khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân; đồng thời, khơi dậy được khát vọng phát triển; khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, các yếu tố thuận lợi, khắc phục hạn chế, yếu kém, “điểm nghẽn” để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phải nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát thực tế; tổ chức thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ điều kiện bảo đảm, rõ thời gian, rõ hiệu quả; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; kịp thời bổ sung, điều chỉnh giải pháp cho phù hợp với diễn biến tình hình thực tế.

Thứ tư, phải kịp thời xây dựng, sửa đổi, bổ sung các thể chế, cơ chế, chính sách, quy hoạch thuộc thẩm quyền của tỉnh, bảo đảm chất lượng, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, làm cơ sở để triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, tạo động lực cho tỉnh phát triển.

Thứ năm, nâng cao năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, công chức chuyên môn thuộc các sở, ngành cấp tỉnh, phòng, ban cấp huyện; tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kịp thời điều chuyển, bố trí lại, thay thế cán bộ, công chức năng lực yếu kém, thiếu trách nhiệm trong tham mưu, thực hiện nhiệm vụ; lấy hiệu quả công việc làm tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong cả nước hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2023 (*)

Đại biểu dự tại điểm cầu UBND tỉnh Thanh Hóa.

Kính thưa toàn thể hội nghị!

Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đề ra và quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu GRDP đạt từ 11% trở lên, tất cả các ngành, lĩnh vực đều phấn đấu đạt kết quả cao hơn năm 2022.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong cả nước hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2023; tỉnh Thanh Hóa xin có một số kiến nghị, đề xuất:

Một là, đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị của các địa phương. Đồng thời, trong khi chờ Quốc hội ban hành Luật Đất đai mới, đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013.

Hai là, hiện nay, nhu cầu đất phát triển các khu, cụm công nghiệp, đất phát triển giao thông và phát triển các hạ tầng khác của các địa phương là rất lớn; tuy nhiên, việc phân bổ trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đến năm 2030 đối với các loại đất khu công nghiệp, đất phi nông nghiệp để phát triển kết cấu hạ tầng cho các địa phương thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất phát triển khu công nghiệp, đất phi nông nghiệp để phát triển hạ tầng giai đoạn 2021 - 2030 cho các địa phương.

Ba là, bất động sản là lĩnh vực có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước và có quan hệ mật thiết với nhiều ngành, lĩnh vực. Hiện nay, thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại về số lượng giao dịch; các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và có giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở ổn định, lành mạnh, bền vững.

Bốn là, trong thời gian gần đây, tình trạng cắt giảm lao động, giãn việc, giảm giờ làm, lao động phải nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động diễn ra tại nhiều doanh nghiệp; trong đó, nhóm lao động phổ thông, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động lớn tuổi là những nhóm bị tác động mạnh nhất, điều này gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Vì vậy, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu có giải pháp, chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Nhân dịp năm mới 2023 và chuẩn bị đón Xuân Quý Mão, xin kính chúc đồng chí Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

----------

(*) Đầu đề do Tòa soạn Báo Thanh Hóa đặt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]