(Baothanhhoa.vn) - Những ngày này, câu chuyện sửa điểm thi THPT Quốc gia tại vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc đã và đang rúng động dư luận nước nhà.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Từ “sửa tuổi” đến “sửa điểm”: Nạn nhân hay đồng lõa?

Những ngày này, câu chuyện sửa điểm thi THPT Quốc gia tại vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc đã và đang rúng động dư luận nước nhà.

Trong số những cá nhân có liên quan, Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đã chính thức bị khởi tố song người ta không thể không băn khoăn về vai trò, vị thế của 114 thí sinh được sửa điểm, liệu các em có đơn thuần chỉ là nạn nhân?

Để trả lời câu hỏi này, trước hết, hãy nhắc lại một chuyển động từng “nóng bỏng” ở Giải Bóng đá U15 quốc gia cách đây 3 năm, liên quan đến cặp cầu thủ trẻ quê Thanh Hóa: Sỹ Hồng - Sỹ Hà.

Như chúng ta đã biết, anh em Hồng - Hà từng có một thời gian dài tập luyện tại đội trẻ Thanh Hóa và hồ sơ của họ vẫn được lưu giữ đầy đủ ở đội bóng cũ, trong đó có thông tin rất quan trọng: Cả hai cùng cất tiếng khóc chào đời đúng vào năm chuyển giao giữa hai thế kỷ - 2000. Rồi Hồng - Hà chuyển ra thủ đô khoác áo U15 Hà Nội. Do một số mâu thuẫn giữa các cầu thủ, ban huấn luyện 2 câu lạc bộ, đội U15 Thanh Hóa đã đâm đơn kiện lên ban tổ chức vì lý do: Tại thời điểm dự giải U15, Hồng - Hà đều đã 17 tuổi.

Khi sự việc được đưa ra trước công luận, có quan điểm bảo vệ Hồng - Hà, rằng trong việc “sửa tuổi” (để dự giải U15) này, họ chỉ là con rối trong tay người lớn; “các anh, các chú” bảo sao thì nghe vậy! Điều này có thể đúng, song đừng quên rằng trước ngưỡng tuổi thành niên, chắc chắn Sỹ Hồng - Sỹ Hà đều biết việc giả mạo giấy tờ là sai trái, vi phạm pháp luật. Vậy nhưng, thay vì từ chối tham dự sân chơi giành cho tuổi 15, cả hai lại chọn giải pháp im lặng, không phản ứng trước việc sửa tuổi. Một sự im lặng mang ý nghĩa như đồng thuận và đồng hành với sai trái.

Về bản chất, sự “đồng thuận để sửa tuổi” không nhiều khác biệt so với việc “im lặng khi sửa điểm” trong câu chuyện chúng tôi đề cập ở đầu bài viết. Một thực tế không thể phủ nhận là ở kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, đa số các môn đều tiến hành theo hình thức trắc nghiệm. Bởi vậy, khi đáp án được công bố, các thí sinh đều có thể nhẩm tính được điểm của mình một cách tương đối chính xác, nếu sai lệch cũng không đáng kể.

Đằng này, có thí sinh chỉ làm đúng khoảng 20% đáp án (2 điểm) song khi điểm số được công bố lên tới 9 (thậm chí là 9,6), tương đương với hơn 90% câu trả lời đúng thì khó có thể bao biện là các em “không ngờ” về những tác động bên ngoài đến điểm thực.

Nói cách khác, trong số 114 thí sinh được sửa điểm, đa phần các em đều cảm thấy có sự bất thường nhưng đều... im lặng (do được hưởng lợi). Cũng như Sỹ Hồng - Sỹ Hà, đó là sự im lặng mang tính đồng lõa chứ không phải là nạn nhân của tiêu cực trong giáo dục cũng như trên sân cỏ.

Tóm lại, từ “sửa tuổi” đến “sửa điểm”, dẫu động cơ, tính chất sự việc là gì đi chăng nữa thì những cầu thủ, thí sinh nói trên đều không thể “đứng ngoài cuộc”. “Người lớn” có thể là thủ phạm, tác nhân nhưng các em học sinh - những người đã có đầy đủ quyền công dân ở tuổi 18 - không thể chối bỏ trách nhiệm của mình.


Mạnh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]