(Baothanhhoa.vn) - Nhiều hạng mục công trình có “tuổi đời” 30 năm, thậm chí hơn 40 năm đã “quá đát” và cả những công trình mới nhưng đã bắt đầu xuống cấp. Đó là bức tranh kém tươi sáng về cơ sở vật chất thể thao thành tích cao ở tỉnh ta hiện nay. Thực trạng ấy đã và đang tác động không nhỏ đến kết quả huấn luyện, thi đấu và thành tích của các bộ môn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực trạng cơ sở vật chất thể thao thành tích cao: Vừa thiếu lại vừa yếu

Nhiều hạng mục công trình có “tuổi đời” 30 năm, thậm chí hơn 40 năm đã “quá đát” và cả những công trình mới nhưng đã bắt đầu xuống cấp. Đó là bức tranh kém tươi sáng về cơ sở vật chất thể thao thành tích cao ở tỉnh ta hiện nay. Thực trạng ấy đã và đang tác động không nhỏ đến kết quả huấn luyện, thi đấu và thành tích của các bộ môn.

Thực trạng cơ sở vật chất thể thao thành tích cao: Vừa thiếu lại vừa yếu

Nhiều năm qua, các VĐV bộ môn điền kinh phải tập luyện trên hệ thống đường pitch của Sân vận động tỉnh đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Những thiết chế “quá đát”

Khu nhà tập của bộ môn bắn súng thoạt nhìn tưởng chừng đã bị bỏ hoang nhiều năm. Nhìn “cơ ngơi” ấy ít ai biết, đây là nơi đã sản sinh ra những VĐV tài năng, từng đóng góp nhiều thành tích trên đấu trường quốc gia và quốc tế cho thể thao tỉnh nhà. Nhà tập bắn súng còn được mang tên xạ thủ Trần Oanh, người từng phá kỷ lục thế giới ở nội dung súng ngắn ổ quay vào năm 1962, trở thành VĐV xuất sắc nhất thế kỷ XX của thể thao Thanh Hóa. Cũng từ nơi này nhiều xạ thủ xuất sắc của bắn súng Thanh Hóa đã được bồi dưỡng như Trịnh Thu Hà (giành HCV tại các kỳ SEA Games 17 và 19), Nguyễn Thành Đạt (HCV SEA Games 27), hay những gương mặt nổi bật khác đương thời như Phùng Lê Huyên, Tạ Trang Thư...

Từ khi được xây dựng đến nay, trải qua gần 30 năm, khu nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo lãnh đạo bộ môn bắn súng, khu trường bắn không chỉ xuống cấp trầm trọng, mà còn sai về quy cách, không đạt bất cứ tiêu chuẩn nào để tập luyện, thi đấu và hệ thống an toàn không bảo đảm. Trường bắn không có hệ thống thay bia, chỉ có một khu bắn cự ly 50m, trong khi cần ít nhất 3 khu bắn gồm 10m, 25m, 50m. Trong bối cảnh đó, tất cả các VĐV phải dùng chung 1 đường bắn nên chỉ cần 1 VĐV thay bia là dừng cả trường bắn. Chưa kể đến việc bộ môn bắn súng luôn ở trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn về súng, đạn, buộc các VĐV vẫn phải dùng những khẩu súng có “tuổi đời” gần 30 năm. Luật Bắn súng thế giới thay đổi liên tục những năm gần đây và xu thế dùng bia điện tử là khá phổ biến. Tuy vậy để khu trường bắn của Thanh Hóa có được những tấm bia điện tử vẫn là ước mơ xa. Các VĐV buộc phải “liệu cơm, gắp mắm” trong quá trình luyện tập, song về lâu dài những khó khăn về cơ sở vật chất chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thành tích thi đấu của các VĐV.

Nhiều năm qua, 3 tuyến VĐV của bộ môn điền kinh phải tập luyện trên hệ thống đường pitch đã xuống cấp của Sân vận động tỉnh. Nhiều đoạn đã bị bong tróc, không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng huấn luyện, tập luyện của các HLV, VĐV. Đặc biệt là ở các nội dung chạy ngắn, tốc độ cao, nguy cơ VĐV gặp chấn thương là rất cao. Theo lãnh đạo bộ môn, điều kiện cơ sở vật chất của điền kinh Thanh Hóa thua xa so với các đơn vị mạnh khác trong nước và khó có thể đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới hiện nay, đặc biệt là công tác đào tạo trẻ. Hơn nữa, Sân vận động tỉnh không đủ điều kiện tổ chức các giải điền kinh quốc gia. Những VĐV được triệu tập vào đội tuyển quốc gia như Quách Thị Lan, Quách Công Lịch được tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia I, được đi tập huấn nên mới có thành tích chuyên môn tốt, giành được huy chương ở các giải đấu lớn. Do đó, muốn có được thành tích bứt phá cho các VĐV thì việc cải tạo, nâng cấp hệ thống đường pitch của Sân vận động tỉnh là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Một công trình thể thao khác cũng trong tình trạng xuống cấp, lỗi thời đó là bể bơi thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh. Được xây dựng cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, đến nay kích thước, các làn bơi không đạt chuẩn so với yêu cầu tập luyện, thi đấu thành tích cao, mà chỉ phù hợp để tổ chức các giải đấu phong trào và làm dịch vụ bơi mùa hè cho người dân. Trên thực tế, nhiều năm qua, thầy trò bộ môn bơi Thanh Hóa đã phải tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao III (TP Đà Nẵng). Các VĐV trẻ xuất sắc gần đây như Phạm Thị Vân, Hoàng Thị Trang... đều phải chuyển vào Đà Nẵng vừa học văn hóa, vừa tập luyện. Nhờ được tập luyện tại nơi có bể bơi đạt chuẩn, điều kiện tốt hơn, bộ môn bơi mới đạt được những thành tích ấn tượng trong 3 năm trở lại đây và có được lứa VĐV tài năng xuất sắc. Mặc dù vậy, từ năm 2020 đến nay, ngoại trừ các VĐV được gọi vào đội tuyển quốc gia, các VĐV còn lại của 2 bộ môn bơi và lặn vẫn phải tập luyện tại bể bơi thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh.

“Cung” chưa theo kịp “cầu”

Trong giai đoạn 2015-2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh đã thực hiện rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất cho thể thao thành tích cao. Đồng thời đây cũng là giai đoạn đánh đấu bước thay đổi mạnh mẽ về cơ sở vật chất khi hoàn thành việc hợp nhất Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh và Trường Cao đẳng TDTT Thanh Hóa. Nhờ đó, các VĐV có thêm các phòng tập, sàn tập; tình trạng quá tải vì phải chia ca tập trong ngày đã giảm rõ rệt. Sau khi sáp nhập, Nhà thi đấu TDTT tỉnh (tại đường Lê Hoàn, với sức chứa 2.500 chỗ ngồi) và Trường Cao đẳng TDTT Thanh Hóa (cũ) tại đường Hoàng Văn Thụ bao gồm nhà điều hành (11 tầng), bể bơi, trường bắn, các phòng tập, sân tập... cũng được điều chỉnh, bố trí hiệu quả, giúp công tác huấn luyện, tập luyện và thi đấu cho các HLV, VĐV đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và mục tiêu đã đề ra.

Tuy nhiên, Nhà thi đấu TDTT tỉnh dù đã được cải tạo, nâng cấp một số hạng mục để phục vụ cho Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh lần thứ X, song tình trạng quá tải vẫn thường xuyên xảy ra. Đây là nơi tập luyện, thi đấu của nhiều bộ môn như bóng chuyền nữ, karate, cầu mây, đá cầu, vật... Với mật độ thời gian khá dày, số lượng VĐV đông, nên các bộ môn đều phải chia thành nhiều ca tập trong ngày. Vào những giai đoạn cao điểm chuẩn bị tham gia các giải đấu cấp quốc gia, các bộ môn còn phải tận dụng khu vực hè, hành lang, đường trong khuôn viên nhà thi đấu để tập luyện. Vì vậy việc bảo đảm chất lượng chuyên môn vẫn là câu hỏi khó. Các bộ môn võ thuật như pencak silat, taekwondo, vovinam, judo phải tận dụng tối đa khu vực mặt sàn tại các tầng của tòa nhà Trường Cao đẳng TDTT Thanh Hóa (cũ) để làm nơi tập luyện. Thế nhưng, mặt sàn đã xuống cấp, lồi lõm, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng huấn luyện, tập luyện. Không còn nơi tập luyện nào khác, HLV, VĐV phải chấp nhận thực tế, nỗ lực vượt khó để vươn lên.

Theo lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, trong những năm gần đây, trung tâm đã sửa chữa, cải tạo một số phòng tập, sàn tập cho một số bộ môn, song đây chỉ là giải pháp tình thế mà thôi. Mục tiêu của thể thao Thanh Hóa trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là giữ vững vị trí trong tốp đầu toàn quốc. Để đạt được mục tiêu đó, nhiệm vụ đầu tiên và có tính quyết định đó là cải tạo, nâng cấp toàn diện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện, tập luyện cho HLV, VĐV các bộ môn.

Bài 2: Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất: “Bệ phóng” cho thể thao Thanh Hóa.

Mạnh Cường


Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]