(Baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây, ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, người dân đã ngang nhiên chặt phá cây trong rừng tự nhiên, tự ý mở đường để vận chuyển lâm sản. Việc mở đường vào rừng thiếu quy hoạch đã tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, tăng nguy cơ xảy ra tình trạng sạt lở đất ở khu vực xung quanh... Đáng lo ngại, việc kiểm tra, xử lý hoạt động này chưa được ngành chức năng và cấp chính quyền quan tâm, xử lý.

Chặt cây rừng tự nhiên để mở đường vận chuyển lâm sản

Thời gian gần đây, ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, người dân đã ngang nhiên chặt phá cây trong rừng tự nhiên, tự ý mở đường để vận chuyển lâm sản. Việc mở đường vào rừng thiếu quy hoạch đã tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, tăng nguy cơ xảy ra tình trạng sạt lở đất ở khu vực xung quanh... Đáng lo ngại, việc kiểm tra, xử lý hoạt động này chưa được ngành chức năng và cấp chính quyền quan tâm, xử lý.

Chặt cây rừng tự nhiên để mở đường vận chuyển lâm sản

Hiện trường người dân chặt cây rừng tự nhiên, tự ý làm đường vận chuyển lâm sản tại khoảnh 4, tiểu khu 345, xã Cẩm Quý (Cẩm Thủy). Ảnh: PV

Rừng tự nhiên đóng cửa - vẫn san ủi mở đường

Theo thông tin mà phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa có được, đầu tháng 11-2022, tại khoảnh 4, tiểu khu 345, xã Cẩm Quý (Cẩm Thủy) đã xảy ra việc hộ gia đình ông Cao Văn Thơm thuê thiết bị máy móc tiến hành bạt đồi, phá rừng, hủy hoại thực vật trên rừng tự nhiên tạo thành con đường với chiều dài gần 100m, chiều rộng nền đường khoảng hơn 3m để làm đường vận chuyển lâm sản như luồng, keo. Theo quan sát của PV tại hiện trường, đất đá được đào bới, san ủi ngổn ngang. Nằm bên vệ đường có một số cây gỗ như vàng anh, trám, lim xẹt bị đốn hạ và đã được cưa thành từng khúc, ước lượng cây lớn nhất có số vanh khoảng 80cm, cây nhỏ cũng có số vanh 40cm. Điều đáng nói là việc chặt phá các cây gỗ này nằm trong đất rừng tự nhiên đang bị nghiêm cấm, hơn nữa việc mở đường này chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy) thừa nhận việc để xảy ra chặt phá rừng để làm đường là có thật. Trước hết, là đơn vị đang quản lý, sử dụng diện tích rừng nói trên, đơn vị nhận trách nhiệm vì đã để xảy ra sự việc này. Tuy nhiên, ngay sau khi phát hiện hộ dân vi phạm, công ty đã tiến hành lập biên bản xử lý, yêu cầu hộ ông Cao Văn Thơm dừng hẳn việc làm đường, đồng thời phải có trách nhiệm bảo vệ 3 cây gỗ đã bị đốn hạ để cơ quan chức năng tiến hành xác minh, xử lý.

Ông Hùng cũng thừa nhận vị trí bị chặt phá và đoạn đường mới mở nằm trong rừng tự nhiên, giáp ranh với rừng trồng. Khu vực và diện tích đất rừng này do đơn vị quản lý. Nguyên nhân chính việc tự ý mở đường là để khai thác, vận chuyển lâm sản. Hiện đơn vị đang mời hộ dân vi phạm đến ký biên bản để có cơ sở báo cáo cơ quan kiểm lâm.

Ông Mai Hữu Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cho biết, sẽ cho cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Thủy kiểm tra, xác minh thông tin. Tuy nhiên, để biết chính xác thì cần có thiết bị xác định rõ vị trí. Rừng giao cho đơn vị chủ rừng là Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc, nếu để xảy ra sai sót thì đơn vị quản lý rừng sẽ phải chịu trách nhiệm. Nếu phát hiện vi phạm, lực lượng kiểm lâm sẽ tiến hành lập biên bản xử lý ngay.

Theo tìm hiểu của PV, tại quyết định đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ được nêu trong Thông báo số 511/TB-VPCP ngày 1-11-2017 của Văn phòng Chính phủ, kể từ ngày 1-11-2017 phải chấm dứt việc khai thác rừng tự nhiên bao gồm khai thác chính và khai thác gỗ gia dụng rừng tự nhiên, khai thác tận thu, tận dụng. Việc khai thác rừng tự nhiên chỉ được thực hiện khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định mở cửa rừng tự nhiên trên toàn quốc.

Bạt đồi mở đường - chính quyền không hay biết

Từ Quốc lộ 217, men theo đường mòn, ngược lên khu đồi Ngọc Lội, thôn Đắm, thị trấn Cành Nàng (Bá Thước), PV bắt gặp một đoạn đường mới được san lấp bằng phẳng, mà theo người dân đây là đường do những “đầu nậu” mở lối để lên vận chuyển gỗ và các loại lâm sản như luồng, keo. Đoạn đường này dài chừng 500m, rộng hơn 3m được nối lên với gần đỉnh đồi Ngọc Lội. Lần theo con đường lên khu rừng phía trước PV bắt gặp gần 10 gốc lim nằm trơ trọi, phần lớn thân gỗ đã bị mang đi, bỏ lại những vỏ cây và cành ngọn. Nhìn những lát cắt ở gốc có thể xác định các cây lim này được đốn hạ ở nhiều thời điểm khác nhau. Có gốc vẫn còn tươi, vết cắt mới, còn ứa nhựa, có gốc thì đang chuyển sang màu đen do tác động của thời tiết và thời gian. Gạt những bụi cây rậm rạp sang một bên, PV phát hiện thêm nhiều gốc lim bị cưa, cành lá nằm ngổn ngang, mùn cưa còn mới. Có cả những gốc lim bị đốt cháy nham nhở để xóa dấu vết mới bị cưa. Theo quan sát, mỗi gốc lim có kích thước khác nhau, gốc to nhất có số vanh lên tới 200cm (vanh là chu vi vòng gốc của cây), gốc nhỏ nhất có số vanh 110cm.

Cắt chéo xuống phía dưới đồi Ngọc Lội, PV tiếp cận một khoảng rừng khác. Tại đây hàng chục cây gỗ khác nhau cũng bị đốn hạ, nhiều cây được cưa thành khúc, vết còn mới và chưa đưa ra khỏi rừng. Nhiều thân gỗ được che phủ bởi các cành cây rất kín đáo. PV phải khó khăn lắm mới kéo được những lá ngụy trang ra để lộ những thân cây rất lớn. Loại cây bị chặt hạ chủ yếu là cây giẻ, cây ràng ràng (thuộc gỗ nhóm 7) có đường kính 30 - 40cm.

Theo ông Nguyễn Văn Cử, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bá Thước, khu vực người dân khai thác gỗ nói trên có tọa độ X: 523641; Y: 2249308, nằm trên đất rừng trồng của hộ dân. Bởi vậy, đối với trình tự xin khai thác rừng, theo quy định của Luật Lâm nghiệp thì trường hợp nếu chủ rừng quyết định khai thác rừng trồng của mình thì không cần phải báo với cơ quan chức năng; việc khai thác, kiểm lâm cũng không quản lý mà chỉ xác định cây đó nằm trên loại đất gì đồng thời hướng dẫn cho người dân làm các thủ tục cần thiết để xin khai thác. Về vấn đề người dân mở đường lên đồi Ngọc Lội thì ông Cử đề nghị PV làm việc với chính quyền địa phương để nắm bắt sự việc.

Ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Cành Nàng và bà Trần Thị Thảo, cán bộ địa chính, phụ trách nông lâm cho rằng việc mở đường nói trên hộ dân không xin phép chính quyền địa phương. Trước đây là con đường mòn, có thể giờ thuận tiện cho việc vận chuyển lâm sản nên họ mở rộng thêm ra. Khi khai thác lâm sản mà không có đường vận chuyển thì cũng rất khó cho người dân.

Theo ý kiến của một số người dân địa phương, cây keo, cây luồng bây giờ không chỉ được trồng ở đồi thấp mà còn lên các đồi cao. Đến kỳ thu hoạch, nhiều chủ hộ, chủ dự án trồng luồng, trồng keo đã tự ý mở đường để vận chuyển lâm sản đi tiêu thụ. Tuy nhiên, việc mở đường cần phải theo quy hoạch và phải được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, chứ không thể tự ý bạt đồi, phá rừng để làm đường vận chuyển. Chính vì những hành vi bất chấp pháp luật như vậy nên mới hình thành những con đường ngang dọc trên đồi, trên rừng, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy, đất đai bị xói mòn, gây mất cân bằng môi trường sinh thái. Khi trời mưa, nước theo những con đường này đổ xuống cùng với đất đá về phía hạ lưu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra lũ lớn...

Thiết nghĩ, trong thời gian tới, để hạn chế người dân xâm hại đất rừng, nhất là rừng tự nhiên để mở đường vận chuyển lâm sản, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhất là lực lượng kiểm lâm cần tăng cường kiểm tra nguồn gốc gỗ rừng trồng của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cá nhân khai thác để hạn chế việc lợi dụng việc khai thác rừng trồng để xâm lấn rừng tự nhiên. Việc đưa các phương tiện, thiết bị cơ giới đào bới, san ủi, tự ý mở đường hoặc có các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc nếu được phép nhưng không thực hiện đúng quy định thì kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật...

Nhóm PV CT-XH


Nhóm PV CT-XH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]