(Baothanhhoa.vn) - Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 quy định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn là bắt buộc đối với các hộ gia đình, cá nhân. CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác. Trường hợp không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom; không để rác đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền. Mặt khác, những hộ thải bỏ lượng rác thải nhiều sẽ phải trả phí cao.

Phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường - khó hay dễ?

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 quy định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn là bắt buộc đối với các hộ gia đình, cá nhân. CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác. Trường hợp không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom; không để rác đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền. Mặt khác, những hộ thải bỏ lượng rác thải nhiều sẽ phải trả phí cao.

Phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường - khó hay dễ?Công nhân môi trường thu gom rác thải sinh hoạt của các hộ dân tại phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa).

Cũng theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt hành chính đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH bắt đầu từ ngày 31/12/2024. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH, không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng.

Thực hiện Luật BVMT, từ ngày 2/3/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND quy định chi tiết về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, CTRSH phải được phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý theo 3 nhóm (CTRSH thông thường, CTRSH nguy hại, CTRSH cồng kềnh). UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai đến UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu ban hành kế hoạch cụ thể để thực hiện phân loại CTRSH. Đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã ban hành kế hoạch và bắt đầu triển khai phân loại rác.

Tại huyện Thiệu Hóa, từ năm 2022, mô hình phụ nữ tham gia phân loại rác thải tại hộ gia đình đã được hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện thí điểm triển khai theo hướng “cầm tay chỉ việc” cho người dân. Đến nay, hầu hết các xã, thị trấn đã thực hiện phân loại rác thải với hơn 26.000 thùng chứa rác và hơn 5.000 hộ xây dựng hố chứa rác có nắp đậy để xử lý rác hữu cơ. Bà Nguyễn Thị Dung, xã Thiệu Phúc cho biết, sau khi được hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón, gia đình bà đã phân loại riêng lá cây, rau xanh hỏng ủ với men vi sinh, sau 40 - 45 ngày có một lượng phân bón dùng cho cây trồng. Đối với những loại rác như chai nhựa, lon bia, lon nước ngọt... được gom lại để tham gia chương trình “Biến rác thải thành tiền”.

Tại huyện Hoằng Hóa, ý thức BVMT của người dân đã và đang dần đi vào nền nếp, người dân đã bắt đầu chú ý hơn đến việc phân loại rác. Huyện cũng tích cực tuyên truyền, nhân rộng mô hình “Xử lý CTRSH hữu cơ làm phân bón vi sinh quy mô hộ gia đình” và sử dụng thùng rác hợp vệ sinh. Đến nay, trên địa bàn toàn huyện có hơn 61.000 thùng đựng rác chuyên dụng; số hộ phân loại rác tại nhà là gần 27.000 hộ, đạt tỷ lệ 43,2%.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Sao Vàng cho biết: Các hộ gia đình trong thôn hiện đang đóng mức phí 12.000 đồng/khẩu/tháng để có kinh phí hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển rác theo lịch 2 lần/tuần. Các hộ tự bỏ kinh phí mua sắm thùng rác chuyên dụng và tiến hành phân loại rác. Có những loại rác thải cồng kềnh, không phù hợp, đơn vị thu gom cũng đã từ chối vận chuyển. Tuy nhiên, việc phân loại rác tại các gia đình mới chỉ dừng lại ở các loại rác hữu cơ, rác thải nông nghiệp, rác thu gom để bán phế liệu. Các loại rác như thủy tinh, sành sứ, bóng đèn, pin hỏng và nhiều loại rác khác vẫn được dồn chung vào 1 thùng rác để vận chuyển đi.

CTRSH không được phân loại đúng cách sẽ rất khó tái chế, tái sử dụng hay xử lý; trong khi đó, lượng CTRSH vẫn gia tăng mỗi năm, nhiều bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác thải tại các địa phương trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, ở hầu hết các địa phương vẫn chưa triển khai được đồng bộ ở tất cả các khâu. Người dân bước đầu đã thực hiện phân loại rác, song việc thu gom, vận chuyển vẫn “dồn về một mối” để xe chở rác đưa đến điểm tập kết.

Theo đại diện lãnh đạo Chi cục BVMT, Sở Tài nguyên và Môi trường, để thực hiện thành công việc phân loại rác tại nguồn và xử lý riêng các loại rác thải theo yêu cầu của Luật và Quyết định số 13 của UBND tỉnh, cần phải hội tụ đủ các điều kiện như: Phải có đủ các cơ sở xử lý chất thải với công nghệ hoàn chỉnh (khu vực ủ rác thải thực phẩm dễ phân hủy làm phân bón; khu vực tái chế chất thải nhựa, túi ni lông; lò đốt để xử lý chất thải có khả năng cháy). Ngoài ra, các địa phương phải bố trí được thiết bị thu gom chất thải trơ, chất thải nguy hại trong sinh hoạt. Đơn vị thu gom, vận chuyển phải thu gom riêng rác thải đã được phân loại. Phải thực hiện được việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng/thể tích thay vì tính bình quân theo hộ như hiện nay. Song hiện nay vẫn chưa thực hiện được các yêu cầu này do chưa có đủ cơ sở xử lý chất thải bằng công nghệ hỗn hợp; chưa có đủ cơ sở để các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, xử lý lập phương án giá cụ thể theo loại rác đã phân loại; bộ, ngành chức năng chưa ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH để có cơ sở thẩm định phương án giá cụ thể... Những yếu tố này ảnh hưởng đến quá trình thúc đẩy phân loại rác tại nguồn.

Trước mắt, UBND tỉnh đã yêu cầu một số địa phương có điều kiện thuận lợi, có lò đốt, có khả năng thực hiện thành công việc xử lý CTRSH đã phân loại (thị xã Nghi Sơn, các huyện Như Thanh, Yên Định, Quảng Xương, Nông Cống, Vĩnh Lộc, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Thạch Thành...) lựa chọn các xã thuận tiện để triển khai điểm việc phân loại riêng chất thải thực phẩm, chất thải có khả năng đốt cháy, chất thải trơ, chất thải nguy hại trong sinh hoạt; đồng thời ban hành quy định phải thực hiện triệt để phân loại, thu gom riêng chất thải đã phân loại để xử lý riêng theo yêu cầu tại Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND, đảm bảo thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Mốc thời gian sắp đến gần. Để quy định phân loại rác thải của Luật BVMT thực sự đi vào cuộc sống, rất cần những hướng dẫn cụ thể để tạo hành lang pháp lý trong quá trình thực hiện cũng như phổ biến đến người dân nhằm thúc đẩy thay đổi, đưa việc phân loại rác thải trở thành thói quen bắt buộc trong cuộc sống hàng ngày.

Bài và ảnh: Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]