Những đóng góp quan trọng của bóng đá Mỹ cho làng bóng đá thế giới
Luôn được xem là “kẻ ngoài rìa” ở làng bóng đá, nhưng ít ai biết, bóng đá Mỹ cũng từng đóng góp rất nhiều cho bóng đá thế giới. Thậm chí, một số phát kiến của nền bóng đá này vẫn được bóng đá thế giới sử dụng cho tới tận ngày nay.
Từ luật thay 3 người và luật "thẻ cam"...
Cầu thủ dự bị là một phần không thể thiếu trong bóng đá hiện đại, tuy nhiên, ở thời kỳ bóng đá sơ khai, khái niệm này vẫn còn xa lạ với những người làm bóng đá Châu Âu. Mãi đến năm 1958, người ta mới bắt đầu sử dụng các cầu thủ dự bị. Tuy nhiên, nhóm cầu thủ này chỉ được tung vào sân khi các cầu thủ gặp chấn thương nặng. Và phải tới World Cup 1970, việc sử dụng cầu thủ dự bị mới được nhân rộng ra toàn thế giới. Tuy nhiên, ở Mỹ, cụ thể hơn là ở giải bóng đá Mỹ (American Soccer League-ASL-ND), những người làm bóng đá “xứ sở Cờ hoa” đã sử dụng cầu thủ dự bị từ lâu.
Cụ thể, vào năm 1926, ASL quyết định sử dụng 2 quyền dự bị một trận ở 15 phút cuối trận. Tiếp theo, họ cắt cử vài trọng tài theo dõi ở khu vực đường biên, một dạng sơ khai của trọng tài biên, để hỗ trợ trọng tài chính. Thêm vào đó, các trọng tài còn được quyền truất quyền thi đấu tạm thời một cầu thủ, một điều luật tương tự với điều luật trong môn khúc côn cầu trên băng, một môn thể thao dân tộc khác của người Mỹ.
Một tấm vé vào sân theo dõi trận đấu giữa Bethlehem Steel và Providence diễn ra vào năm 1926, tức cách đây đã gần 100 năm. Nguồn: US Soccer History.
Những điều luật kể trên, đặc biệt là điều luật dự bị, đã khiến FIFA hết sức tức giận. LĐBĐ Anh và Scotland, hai quốc gia có khá nhiều cầu thủ thi đấu cho các đội bóng ở ASL, thậm chí còn đệ đơn phàn nàn với FIFA về vấn đề này.
Sau khi ASL giải thể vì những tranh cãi không đáng có giữa LĐBĐ Hoa Kỳ và BTC giải đấu, phải mất gần 4 thập kỷ sau đó, bóng đá Mỹ mới chứng kiến sự ra đời của một giải đấu VĐQG, lần này mang tên NASL, tức giải Vô địch Bóng đá Bắc Mỹ (National American Soccer League-ND). Ở giải đấu mới này, luật thay người có một sự thay đổi, đó là các CLB sẽ được phép thay 3 người, một điều luật được chính thức áp dụng ở mùa giải 1973.
Cũng như lần trước, FIFA một lần nữa lao vào phản đối bộ luật thay 3 người này của NASL, thậm chí, liên đoàn này còn dọa sẽ “cấm vận” hạng đấu cao nhất nước Mỹ vì điều luật này. Bởi lẽ, ở thời điểm đó, bóng đá Châu Âu cũng như thế giới vẫn chưa áp dụng luật thay 3 người. Phải mãi tới thập niên 80, giải VĐQG Anh mới bắt đầu nghĩ tới luật thay 2 người, và phải mãi tới thập niên 90, tức gần 20 năm sau khi NASL áp dụng luật này, bóng đá Châu Âu cũng như thế giới mới chuyển hẳn sang luật thay 3 người, và ở thời điểm hiện tại là 5 người.
Một bộ luật khác cũng đang chuẩn bị được áp dụng ở bóng đá Châu Âu được lấy cảm hứng từ bộ luật của bóng đá Mỹ, đó là bộ luật “thẻ cam”. Cụ thể, theo bộ luật mới sắp được IFAB thông qua ở mùa giải sau, các trọng tài có quyền rút “thẻ cam” cho các cầu thủ vì những lỗi hành vi. Khi đó, các cầu thủ sẽ phải ngồi trong một buồng gọi là “buồng tội lỗi” (sin bin-ND) trong vòng 15 phút như một cách “ăn năn hối lỗi” tạm thời cho các cầu thủ mà vẫn đảm bảo quân số trên sân.
"Thẻ cam", một bộ luật sắp được áp dụng ở mùa giải tới, là một trong số rất nhiều điều luật có nguồn gốc từ nền bóng đá Mỹ. Nguồn: Evening Standard.
... cho tới luật cấm chuyền về và khái niệm "quần đùi áo số"
Có thể nói, một trong những bộ luật mang tính cách mạng nhất của bóng đá hiện đại đó chính là bộ luật cấm thủ môn khống chế bóng sau khi bóng được các đồng đội trả về. Lần đầu tiên bộ luật này được áp dụng toàn cầu đó là vào năm 1992. Nguyên nhân của bộ luật này xuất phát từ việc các thủ môn cầm bóng quá lâu ở kỳ World Cup 1990, khiến các trận đấu như bị cắt vụn bởi những pha “câu giờ” không đáng có. Kể từ đó, bóng đá bắt đầu trở nên hấp dẫn hơn, giàu tốc độ hơn, đồng thời, khiến các thủ môn phải sáng tạo hơn và hiệu quả hơn ở các pha chuyền bóng. Cũng từ đó, một khái niệm mới trong bóng đá đã ra đời, đó là các thủ môn “phát động bóng” như Manuel Neuer của Bayern Munich hay Andre Onana của Man United.
Kỳ World Cup 1990 luôn được xem là "kỳ World Cup tẻ nhạt nhất lịch sử bóng đá thế giới" bởi các pha khống chế bóng câu giờ của các thủ môn. Nguồn: Sky Sports.
Ít ai biết rằng, NASL là giải đấu đầu tiên thử nghiệm việc cấm các pha khống chế bóng “câu giờ” của các thủ môn. Người đầu tiên yêu cầu cấm vĩnh viễn hành vi này đó là chủ tịch Minneasota Kicks, Freddie Goodwin, một số khác đề nghị cấm các thủ môn nhận các đường trả về bằng tay, một bộ luật cho tới nay vẫn được áp dụng trong bóng đá.
Phải tới năm 1984, một điều luật tạm gọi là “chính thức” liên quan tới vấn đề này mới được áp dụng ở giải VĐQG Bắc Mỹ. Cụ thể, theo điều luật này, nếu một cầu thủ khống chế bóng ở khoảng cách 32 mét tính từ khung thành đội nhà, anh ta sẽ không được phép chuyền về cho thủ môn. Còn ở khoảng cách từ 16 mét cho tới 32 mét, cầu thủ này chỉ được trả về khi anh ta gặp phải áp lực từ đối phương. Còn ở khoảng cách 16 dặm tính từ khung thành, cầu thủ này có quyền trả về như bình thường. Ngoài ra, còn có một điều luật phụ đi kèm, đó là trong khoảng từ khu vực sát vòng cấm tới khu vực tiền vệ, các hậu vệ sẽ bị phạt nếu cố tình thực hiện một pha bẫy việt vị.
Một bộ luật nữa cũng có nguồn gốc từ bóng đá Mỹ, đó là bộ luật “phát động 5 giây” dành cho thủ môn. Cụ thể, theo bộ luật này, thủ môn phải thực hiện một pha phát bóng sau 5 giây giữ bóng. Trong trường hợp các thủ môn vi phạm, đối thủ sẽ có quyền được thực hiện một pha đá phạt ở điểm vi phạm trên sân. Sang đến năm 1998, điều luật này có một chút thay đổi, đó là thủ môn sẽ được cầm bóng 6 giây trước khi thực hiện một pha phát bóng. Tuy nhiên, khi được áp dụng trên toàn thế giới, rất hiếm trường hợp các trọng tài coi trọng “bộ luật 5 giây” này. Dù vậy, họ vẫn sẽ phạt các thủ môn thẻ vàng trong trường hợp họ câu giờ quá lâu.
Người Việt Nam chúng ta vẫn hay gọi nghề cầu thủ là “nghiệp quần đùi áo số” bởi số áo và bảng tên được in trên lưng áo của cầu thủ, đây cũng là một phát kiến vĩ đại khác của bóng đá Mỹ. Cụ thể, vào năm 1968, NASL trở thành giải đấu bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên trên thế giới áp dụng việc in tên và số áo của cầu thủ trên lưng áo.
Cụ thể, theo Clive Toye, người tham gia rất nhiều vào công việc của các đội ở NASL và là chủ tịch cuối cùng của giải đấu này, sáng kiến in tên và số của cầu thủ lên lưng áo xuất phát từ chủ tịch Dick Cecil của Atlanta Chiefs. Một số thì cho rằng nó xuất phát từ Lamar Hunt, một “biểu tượng” của nền bóng đá Mỹ, một bằng chứng cho luận điểm này đó là giải AFL, giải đấu do Lamarr Hunt đồng sáng lập, chính là giải đấu đầu tiên áp dụng việc in tên và số thứ tự của cầu thủ lên lưng áo đấu, một điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử bóng đá thế giới. Ngoài ra, NASL còn có sáng kiến in sô áo của cầu thủ lên trước ngực áo, một sáng kiến mà phải mãi tới World Cup 1994 mới được FIFA áp dụng rộng rãi.
World Cup 1994, kỳ World Cup đầu tiên áp dụng việc in sô áo của cầu thủ lên trước ngực áo. Nguồn: Footyheadlines.
KDNX
Nguồn hình ảnh, tư liệu: The Athletic, Sky Sports, US Soccer History...
- 2024-11-03 10:38:00
Man United-Chelsea: Một kết thúc đẹp cho Van Gol?
- 2024-10-31 09:34:00
Ruben Amorim: Chúng ta biết gì về cái tên này?
- 2023-12-21 15:46:00
FIFA Club World Cup 2025: Thách thức và cơ hội của một thể thức mới
Đội tuyển Brazil thật giống chàng trai tuổi 25
Trước giờ bóng lăn: Những yếu tố quyết định kết quả cuộc thư hùng giữa Man City và Liverpool
Án phạt trừ 10 điểm của Everton: Liệu có cái gọi là “công bằng cho tất cả”?
Darwin Nunez và bài học đừng phó mặc vào chữ “duyên”
Pavel Nedved: Câu chuyện về thành quả của sự nỗ lực
Union Berlin đã sụp đổ như thế nào?
Tramadol, thứ thuốc giảm đau hủy hoại đời cầu thủ
Lịch thi đấu của Đội tuyển Việt Nam tại Vòng loại World Cup 2026
Bóng bầu dục Mỹ và bóng đá Đức, mối lương duyên kỳ lạ mở đường ra thị trường thế giới cho Bundesliga