(Baothanhhoa.vn) - Biến đổi khí hậu (BĐKH), cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường... là những vấn đề lớn mang tính toàn cầu và cũng là thách thức không hề nhỏ đối với nhân loại trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là hành động cấp thiết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững.

Tích cực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH), cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường... là những vấn đề lớn mang tính toàn cầu và cũng là thách thức không hề nhỏ đối với nhân loại trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là hành động cấp thiết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững.

Tích cực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Rừng ngập mặn chắn sóng và chống xói lở bờ biển tại xã Nga Thủy (Nga Sơn).

Nhiều năm trở lại đây, tác động do BĐKH ngày càng rõ nét. Trong đó, sự gia tăng tần suất và cường độ các hiện tượng khí hậu cực đoan như nắng nóng, hạn hán, rét đậm, rét hại... đã và đang gây ra nhiều tổn thất về người, tài sản, hạ tầng kinh tế, văn hóa - xã hội và tác động xấu đến môi trường. Thanh Hóa là tỉnh nằm ở vùng Bắc Trung bộ có đường bờ biển dài 102km, khu vực miền núi chiếm 70% diện tích, hằng năm thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ làm thiệt hại về người và tài sản, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và đời sống. Theo thống kê của ngành chức năng, trong 5 năm gần đây, thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra trên địa bàn toàn tỉnh ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, thiên tai còn gây khó khăn về điều kiện ăn ở, vệ sinh môi trường, nguy cơ dịch bệnh cho Nhân dân vùng bị ngập lụt... Đơn cử như năm 2018, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của 15 trận thiên tai, phá hủy nhiều công trình của Nhà nước và làm thiệt hại nghiêm trọng tính mạng, nhà cửa, tài sản của Nhân dân (38 người chết và mất tích, 11 người bị thương, 362 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 59 điểm trường bị ảnh hưởng, hơn 30 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại...), ước thiệt hại khoảng trên 2.800 tỷ đồng. Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra và chịu ảnh hưởng của 11 trận thiên tai, làm 19 người chết, 2 người mất tích, 9 người bị thương, 78 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hàng nghìn ngôi nhà khác và 67 trường học bị ảnh hưởng, 2 trạm y tế cùng 17 công trình văn hóa bị hư hỏng... Năm 2021, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão, 1 cơn áp thấp, 8 đợt mưa lớn, 5 trận lốc, sét kèm theo mưa...

Nhằm ứng phó trước tác động của BĐKH, diễn biến thiên tai ngày càng trở nên phức tạp, khó lường hơn, nhiều năm qua, các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về BĐKH, hoạt động thích ứng với BĐKH, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính... Nhiều dự án cũng đã được triển khai thực hiện, như: Dự án “Nâng cao năng lực phòng ngừa thiên tai và ứng phó với BĐKH tại huyện Hoằng Hóa và Quảng Xương” do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ; Dự án “Phục hồi và quản lý rừng phòng hộ” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ; Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của BĐKH cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ GCF tài trợ tại tỉnh Thanh Hóa...

Tại TP Sầm Sơn, để thích ứng với BĐKH, chủ động phòng, tránh thiên tai, thành phố đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của TP Sầm Sơn giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể như, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý các cấp và cộng đồng địa phương về BĐKH và ứng phó với những tác động của BĐKH. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị và các xã, phường phải xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị. Cùng với đó, nâng cao năng lực ứng phó và hình thành ý thức thường trực ứng phó với BĐKH của các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư. Để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu kể trên, TP Sầm Sơn đã đề ra các giải pháp, chính sách cụ thể cho từng lĩnh vực; bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông - vận tải, năng lượng, du lịch, y tế, văn hóa, thể thao, thương mại và tài nguyên môi trường. Đặc biệt, là đô thị du lịch trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa, TP Sầm Sơn sẽ chú trọng nâng cao khả năng khai thác hoạt động du lịch trong điều kiện BĐKH; thường xuyên kiểm tra, cập nhật tác động của BĐKH đến các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh để đề ra giải pháp tu bổ, tôn tạo phù hợp...

Tại các huyện như Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn... người dân, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như bảo vệ môi trường khu dân cư, thu gom rác thải, quy hoạch, quản lý nguồn tài nguyên, khoáng sản, các dự án nâng cấp, sửa chữa hồ, đập, nạo vét kênh mương; trồng rừng ngập mặn... được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Theo ông Nguyễn Phú Nguyện, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Nga Sơn, hằng năm, UBND huyện ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới; Tháng hành động vì môi trường; Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới... với nhiều nội dung quan trọng; đồng thời giao cho các ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm ứng phó với BĐKH. Đến nay toàn huyện đã trồng được hơn 400 ha rừng ngập mặn chắn sóng và chống xói lở bờ biển. Theo kế hoạch trong năm 2022 huyện sẽ trồng thêm 20 ha rừng ngập mặn.

Đối với Sở TN&MT, những năm gần đây, sở đã phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực về ứng phó với BĐKH, khai thác sử dụng bền vững bảo vệ TN&MT biển, hải đảo cho hàng nghìn lượt cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh và cán bộ, công chức cấp huyện. Cùng với đó tổ chức điều tra đánh giá tác động của BĐKH đến các xã thuộc các huyện ven biển của tỉnh từ đó đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp. Tuy nhiên, qua đánh giá của Sở TN&MT, bên cạnh kết quả đạt được, công tác ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là sự hỗ trợ, chung tay góp sức từ cộng đồng chưa cao. Xác định ứng phó với BĐKH là việc làm cấp thiết, vừa có tính trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài và liên quan đến tất cả các ngành, các địa phương, thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tiến hành rà soát, bổ sung các chiến lược, chương trình ứng phó với BĐKH phù hợp với thực tiễn địa phương cũng như kịch bản BĐKH được Bộ TN&MT công bố năm 2016, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực do BĐKH gây ra. Qua đó, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển ổn định, bền vững.

Bài và ảnh: Phong Sắc


Bài và ảnh: Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]