(Baothanhhoa.vn) - Nhiều năm nay, người dân xã Thanh Sơn (Tĩnh Gia), luôn trong tình trạng thiếu nước sạch. Hầu hết nước giếng khoan và giếng đào của bà con nhiễm phèn nặng. Chị Lương Thị Ngân, ở xóm Bèo, cho biết: Khoảng 5 năm trở lại đây, nước ở giếng mới bơm lên thì trong, nhưng để một lúc là thấy cả chậu nước vàng đục có mùi phèn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thiếu nước sạch và nghịch lý giá cả tại khu vực nông thôn, miền núi

Nhiều năm nay, người dân xã Thanh Sơn (Tĩnh Gia), luôn trong tình trạng thiếu nước sạch. Hầu hết nước giếng khoan và giếng đào của bà con nhiễm phèn nặng. Chị Lương Thị Ngân, ở xóm Bèo, cho biết: Khoảng 5 năm trở lại đây, nước ở giếng mới bơm lên thì trong, nhưng để một lúc là thấy cả chậu nước vàng đục có mùi phèn.

Công trình nước sạch tại bản Chiềng, xã Phú Xuân (Quan Hóa).

Dù đã dùng bể lọc nước, nhưng áo quần, đồ dùng qua một thời gian vẫn bị ố vàng. Mấy năm nay, nhà chị phải mua nước đóng chai về uống, còn nước nấu ăn thì phải đến mua từ những giếng của những hộ dân được đào giáp núi, bởi độ phèn trong nước ít hơn hoặc mua của vùng khác chở về với giá hơn 200.000 đồng/m3.

Có một nghịch lý là trong khi người dân ở khu vực thành phố, thị xã chỉ mua hơn 10.000 đồng/m3 nước sạch thì tại một số xã của các huyện Hậu Lộc, Quảng Xương... người dân phải bỏ ra 80.000-100.000 đồng, thậm chí cao hơn nữa để mua 1m3 nước về sử dụng. Điều này khiến đời sống người dân đã khó lại càng khó khăn hơn do phải gánh thêm khoản chi phí không nhỏ từ nước sinh hoạt. Xã Xuân Lộc (Hậu Lộc) có 1.225 hộ dân, với hơn 5.200 nhân khẩu. Phần lớn các hộ dân trong xã đều phải sử dụng nguồn nước giếng khoan, nhưng do nước bị nhiễm sắt nên đều phải xây dựng hệ thống bể lọc, mỗi tháng phải thay rửa một lần. Chi phí xây dựng một bể chứa có thể tích 15-30m3 lên tới 30-40 triệu đồng nhưng chỉ phục vụ đủ nhu cầu vào mùa mưa, vào mùa khô thì người dân nơi đây vẫn phải “làm bạn” với nguồn nước nhiễm mặn, nhiễm phèn. Anh Nguyễn Trọng Quý ở thôn 8, cho biết: Gia đình có bể nước mưa gần 10m3 nhưng không đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, trong khi đó giếng đào nước chỉ trong vào những ngày trời mưa, còn lại có màu vàng và có mùi tanh hôi không thể sử dụng được.

Xã Mỹ Tân (Ngọc Lặc) có hơn 5.500 nhân khẩu, địa hình dốc. Từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau, nguồn nước sinh hoạt của nhân dân hầu như bị cạn kiệt. Huyện đã hỗ trợ địa phương đào giếng giữa đồng nhưng vẫn không có nước. Để có nước phục vụ sinh hoạt, người dân trong xã phải đi chở từng thùng nước ở sông Âm qua địa bàn khu vực xã Vân Am hoặc hồ Cống Khê cách khoảng 7 km về dùng. Không chỉ có xã Mỹ Tân mà hiện nay, huyện Ngọc Lặc có khá nhiều địa phương vào mùa khô không có nước để sinh hoạt, như các xã: Thạch Lập, Quang Trung, Cao Ngọc, Lộc Thịnh. Nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đều muốn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh từ các nhà máy nước. Tuy nhiên, hiện nay huyện Ngọc Lặc mới chỉ có duy nhất Dự án Nhà máy Nước sạch Ngọc Khê phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân thị trấn và các xã lân cận, tương ứng khoảng 7% dân số toàn huyện.

Trên địa bàn tỉnh có 20 nhà máy cấp nước sạch nông thôn tập trung đang hoạt động với phạm vi cấp nước thuộc địa bàn 92 xã. Tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt chỉ đạt 49%. Một thực tế đang diễn ra ở tỉnh ta, đó là nước sinh hoạt của người dân ở khu vực nông thôn, miền núi hầu như phụ thuộc vào nguồn nước mưa, nước ao hồ, sông suối... Để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, các địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp cung ứng nguồn nước cho người dân, như: Vận động nhân dân xây bể chứa để trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn dành cho nước sạch tập trung để xây dựng các công trình chứa nước, cấp nước; tiến hành nạo vét những giếng còn nước, đào hoặc khoan thêm giếng mới ở những nơi có điều kiện để cấp nước cho dân. Các địa phương đồng bằng và ven biển có nguy cơ nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn tăng cường vận động người dân sử dụng hệ thống lọc theo phương pháp truyền thống; đồng thời, sửa chữa, cải tạo hệ thống cấp nước nông thôn tập trung tại các xã để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân...

Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài ngành tài nguyên và môi trường cần triển khai các giải pháp, như: Đẩy mạnh công tác điều tra, quy hoạch tài nguyên nước, nhất là nguồn nước ngầm, trên cơ sở đó giúp các địa phương, nhất là khu vực nông thôn, miền núi trong việc định hướng, đầu tư xây dựng các công trình cấp nước phục vụ nước sinh hoạt cho người dân ổn định cả về trữ lượng và chất lượng nước. Tăng cường công tác cảnh báo, dự báo diễn biến lượng mưa, tài nguyên nước và xâm nhập mặn, nhiễm phèn để phục vụ công tác điều tiết nguồn nước bảo đảm đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Từng bước xã hội hóa và nhân rộng các mô hình cung cấp nước sinh hoạt; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn, đầu tư xây dựng công trình cấp nước, cung ứng các dịch vụ về sử dụng theo khuôn khổ pháp luật, bảo đảm khai thác và phát triển bền vững tài nguyên nước, nhất là khẩn trương khắc phục tình trạng nguồn nước thì có, nhưng người dân vẫn không có nước sạch dùng trong ăn uống, sinh hoạt... Ngành y tế tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng, chính quyền các cấp và các cơ sở cấp nước về bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước ăn, uống, sinh hoạt để phòng, chống dịch bệnh liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, các cấp chính quyền cần tuyên truyền, vận động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, nhằm duy trì và phát triển nguồn nước, nguồn thủy sinh cho các dòng sông, hồ chứa để cấp nước, phòng chống thiên tai hiệu quả hơn. Các địa phương khu vực ven biển tích cực trồng cây, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, rừng chắn cát, gia tăng các công trình giữ nước để bảo vệ nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng...

Mới chỉ có 1/3 số hộ dân trong xã được sử dụng nước sạch

Xã Hải Bình (Tĩnh Gia) thuộc vùng bãi ngang ven biển nên nguồn nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn khá cao. Trước nhu cầu của người dân về nước sạch để phục vụ sinh hoạt, thời gian qua, Công ty Nước sạch Long Hải đã mua nước từ Nhà máy Nước sạch Bình Minh để cung cấp cho các hộ dân trên địa bàn xã. Hiện tại, đơn vị này đang bán nước sinh hoạt cho các hộ dân với mức giá từ 11.000 đến 13.000 đồng/m3. Tuy nhiên, hiện nay, công ty cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu nước sạch cho khoảng 1/3 số hộ dân trong xã.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn, UBND xã Hải Bình đã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng hệ thống lọc nước theo phương pháp truyền thống. Đồng thời, sửa chữa, cải tạo hệ thống cấp nước nông thôn tập trung để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng các hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch đạt thấp là do thói quen dùng nước mưa và nước giếng khoan của bà con từ lâu nay. Thêm vào đó, việc lắp đặt đường ống dẫn nước đến từng hộ dân, nhất là các hộ ở khu vực xa trung tâm khá khó khăn, chi phí cao nên một số hộ dân vẫn phải sử dụng nguồn nước từ giếng đào.

Trần Văn Sơn

Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia

Phấn đấu đến năm 2020 có 95% dân nông thôn toàn tỉnh có nước sạch sinh hoạt

Các công trình nước sạch ở khu vực nông thôn của tỉnh chủ yếu sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, như: Chương trình nước tập trung 1, 2, 3 và các chương trình 134, 135, 30a của Chính phủ. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch tăng theo hàng năm. Tuy nhiên, kinh phí từ ngân sách còn hạn hẹp nên chưa thể đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch, nhất là địa bàn nông thôn.

Để giải quyết được vấn đề thiếu nước sạch sinh hoạt, cần có những giải pháp đồng bộ, mang tính lâu dài; trong đó, cần tập trung công tác quản lý tài nguyên nước, hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm tràn lan. Công tác quy hoạch và xây dựng các hồ chứa nước phải được quan tâm, bảo đảm thiết kế quy mô phù hợp với nhu cầu của từng địa phương; tăng dung tích chứa, giữ nước của các công trình khai thác nước mặt mới bảo đảm được sự phát triển nguồn nước bền vững.

Ở những khu vực nguồn nước mặt thường xuyên bị cạn kiệt do ảnh hưởng của khí hậu, vùng có lượng mưa thấp và thời gian mùa khô kéo dài thì việc khai thác nước ngầm tầng sâu một cách hợp lý là biện pháp hết sức quan trọng. Đồng thời, cần hỗ trợ các phương tiện giữ nước cho các đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách. Tăng cường kêu gọi viện trợ ODA, sự trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ cho lĩnh vực cung cấp nước sạch nông thôn; các địa phương chủ động cải tạo các hệ thống cấp nước và kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung...

Nguyễn Hữu Nghĩa

Trưởng Phòng Kế hoạch Trung tâm Nước sinh hoạt và

Vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa

Cần có các giải pháp để người dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh

Trên địa bàn xã Tượng Văn (Nông Cống) hiện chưa có công trình nước sạch tập trung, người dân chủ yếu sử dụng nước từ nguồn giếng khoan. Có những nơi phải khoan rất sâu mới có nước. Với tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay, người dân chúng tôi không khỏi lo lắng về chất lượng nguồn nước từ hệ thống giếng đào, giếng khoan, nên chỉ dùng để giặt giũ, chăn nuôi. Còn nước dùng để ăn, uống thì dùng bằng nước mưa. Tuy nhiên, mùa này ít mưa nên gia đình tôi thường xuyên phải mua nước đóng bình về dùng. Trung bình khoảng 2 ngày mua một bình 20 lít với giá 20.000 đồng/bình.

Nước sạch là một trong những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, bảo đảm sức khỏe cho người dân. Người dân xã Tượng Văn mong rằng, các ngành chức năng cần quan tâm và có các giải pháp để người dân có nước sạch và nước hợp vệ sinh sử dụng.

Duy Hùng

Xã Tượng Văn, huyện Nông Cống


Khánh Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Lê thị hưng - 17:31 05/04/19

 Trả lời

Bản thân tôi cũng đồng ý với các ý kiến là nên dùng nước sạch để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên hiện nay chi phí lắp đặt đường ống nước quá cao. Người dân chúng tôi phải đóng 7 triệu đồng cho lần lắp đặt đầu tiên. Lần thứ 2 là 8 triệu. Và cứ thế tăng lên dần theo. Người dân ở nông thôn chúng tôi cũng chỉ có một vài hộ có điều kiện thôi. Còn lại đại đa số vẫn dùng nước giếng khoan. Tôi rất muốn cty xem lại giá lắp đặt để tất cả người dân chúng tôi đều được dùng nước sạch.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]