(Baothanhhoa.vn) - Tỉnh Thanh Hóa hiện có đến 1.008km đê sông, đê biển; trong đó 315km đê từ cấp III đến cấp I, 693km đê dưới cấp III. Trên các tuyến đê có 1.118 âu và các cống qua đê. Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều, phòng, chống thiên tai (PCTT) đã được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhằm góp phần bảo vệ đê điều, các công trình PCTT, bảo đảm an toàn về tài sản, tính mạng cho người dân ở các địa phương.

Nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều

Tỉnh Thanh Hóa hiện có đến 1.008km đê sông, đê biển; trong đó 315km đê từ cấp III đến cấp I, 693km đê dưới cấp III. Trên các tuyến đê có 1.118 âu và các cống qua đê. Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều, phòng, chống thiên tai (PCTT) đã được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhằm góp phần bảo vệ đê điều, các công trình PCTT, bảo đảm an toàn về tài sản, tính mạng cho người dân ở các địa phương.

Nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống thiên tai và quản lý đê điềuHằng năm, đội ngũ xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã đều được tập huấn công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cũng như các kiến thức pháp luật về đê điều, phòng chống bão, lũ.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều và PCTT, như: xây dựng công trình, nhà ở, trồng cây, rào dậu, tập kết vật liệu, đổ rác thải sinh hoạt trong phạm vi bảo vệ đê điều; lấn chiếm lòng sông, bãi sông; khai thác, tập kết kinh doanh cát, sỏi không đúng quy định; xe quá tải trọng cho phép đi trên đê gây hư hỏng mặt đê... Nhận thức, kỹ năng PCTT của cộng đồng ở một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Một bộ phận ngư dân vẫn chủ quan chưa trang bị đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trước khi ra khơi, không bật thiết bị giám sát hành trình. Công tác xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa dứt điểm...

Trước thực trạng trên, Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mở chuyên mục “Chủ động phòng, chống thiên tai”. Chuyên mục nhằm tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng ngừa, thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp, người dân và cộng đồng trong công tác phòng ngừa, thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai; các kỹ năng thích ứng, ứng phó trước các tình huống của thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; thông tin việc triển khai các giải pháp ở các địa phương, như: đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực trọng yếu, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét...; thông tin các hoạt động, mô hình, điển hình, gương sáng trên toàn tỉnh trong việc PCTT. Bên cạnh đó, xây dựng website đăng tải và phổ biến kiến thức về thiên tai, các văn bản chỉ đạo, điều hành về ứng phó với thiên tai, các chuyên mục về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đăng tải các thông tin, kiến thức về PCTT trên các ứng dụng mạng xã hội như facebook, zalo. Hiện nay, hầu hết các địa phương đã lập facebook “Phòng chống thiên tai”, kết nối với facebook “Thông tin phòng chống thiên tai” do Tổng cục PCTT lập, nhóm “Thông tin phòng chống thiên tai Thanh Hóa” do Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh lập để thường xuyên theo dõi, cập nhật, chia sẻ các thông tin từ trang của tỉnh và trung ương để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân những thông tin về cảnh báo, dự báo thiên tai, tin tức PCTT, công tác chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó với từng loại hình thiên tai...

Song song với đó, các hạt quản lý đê cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều, PCTT đến cộng đồng, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và hộ gia đình dọc theo các tuyến đê trên địa bàn quản lý. Nội dung tập trung vào các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống lụt bão (Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão); các quan điểm chỉ đạo trong công tác phòng chống lụt, bão của tỉnh; tính chất bất thường của mưa, lũ, bão; trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong quản lý và bảo vệ đê điều. Tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý dứt điểm các vi phạm mới phát sinh theo quy định. Tổ chức ký cam kết không vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, không vi phạm quy định pháp luật về đê điều đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến đê điều; hướng dẫn trình tự, thủ tục trong việc thỏa thuận, cấp phép các hoạt động liên quan đến đê điều theo quy định pháp luật. Hằng năm, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố có đê tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý, kỹ năng xử lý sự cố đê điều và các công trình thủy lợi cho hàng ngàn cán bộ, công chức phụ trách thủy lợi cấp xã. Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về PCTT và tập huấn kỹ thuật xử lý đê giờ đầu cho cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng công an xã, trưởng ban chỉ huy quân sự của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn 17 huyện, thị xã, thành phố có đê.

Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức các cuộc diễn tập, luyện tập xử lý các tình huống xảy ra trong thiên tai... Thông qua đó lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và PCTT đến đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong PCTT.

Theo đánh giá của ông Trịnh Phương Nguyên, Trưởng Phòng PCTT, Chi cục Thủy lợi: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTT và quản lý đê điều, nhận thức của cán bộ, Nhân dân được nâng cao; người dân đã chủ động trong việc đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết; qua đó góp phần thực hiện tốt ba mục tiêu: bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình thủy lợi; bảo đảm an toàn về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; khắc phục nhanh hậu quả và hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do mưa, bão, lũ, úng ngập gây ra. Khi được tuyên truyền, vận động hầu hết người dân đã tự giác tháo dỡ các công trình, vật dụng vi phạm hành lang bảo vệ đê. Số vụ vi phạm pháp luật đê điều giảm rõ rệt, nhiều vụ việc tồn đọng thời gian dài đang từng bước được xử lý thu hẹp. Từ đầu năm đến nay, trên các tuyến đê trung ương (từ đê cấp III đến đê cấp I) mới chỉ xảy ra 6 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, trong đó đã xử lý được 5 vụ, còn 1 vụ đang tiến hành xử lý.

Bài và ảnh: Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]