(Baothanhhoa.vn) - Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, hạn chế ô nhiễm, tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển, thu gom. Thế nhưng, việc phân loại rác tại nguồn vẫn chưa thực sự trở thành ý thức của mỗi người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gian nan phân loại rác thải tại nguồn

Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, hạn chế ô nhiễm, tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển, thu gom. Thế nhưng, việc phân loại rác tại nguồn vẫn chưa thực sự trở thành ý thức của mỗi người dân.

Gian nan phân loại rác thải tại nguồn

Điểm tập kết rác thải của xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa).

17h30 phút, tại điểm tập kết rác thải gần ngã tư Quăng của xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), mùi hôi khó chịu bốc lên nồng nặc từ những chiếc xe kéo chất đầy rác. Bà Lê Thị Lấn đang thu gom những chiếc túi bóng, chai nhựa và những chiếc bìa các tông để tận dụng bán làm phế liệu. Những cành củi, lá khô, bẹ chuối, những vật dụng dễ cháy cũng được bà gom lại và đốt ngay tại điểm tập kết...

Bà Lấn là người ở thôn 7, xã Hoằng Thịnh được xã Hoằng Lộc thuê làm công việc thu gom rác thải về điểm tập kết với mức tiền công 2 triệu đồng/tháng. Bà Lấn cho biết: Công việc của bà là cứ 3 ngày một lần lại rong ruổi những chiếc xe kéo rác đi khắp các con đường, ngõ hẻm của xã Hoằng Lộc để thu gom rác đưa về điểm tập kết. Mỗi lần như thế, những chiếc xe kéo chất cao rác, đủ các thể loại, từ túi bóng, thức ăn thừa, chai lọ, đến cả những đống lá cây, bẹ chuối, cành củi khô... Rác sinh hoạt của các gia đình thải ra tại địa bàn thu gom, ít có hộ nào quan tâm đến phân loại, tất cả đều cho vào một bao hoặc thùng. Thậm chí, không ít lần kéo rác bà phải chịu ấm ức bởi có những thứ rác như cành củi, lá cây, bẹ chuối người dân có thể phơi khô ở góc vườn, đốt cho sạch nhưng họ vẫn cứ mặc nhiên bỏ vào bì và chất lên xe với quan niệm họ mất tiền đóng phí hàng tháng nên đương nhiên tất cả rác phải được chở đi cho sạch...?! Cũng vì lẽ đó, mà 13 xe rác tại điểm tập kết này lúc nào cũng chất cao ngất ngưởng, thậm chí không thể thu gom hết mà phải để lại lần sau.

Bà Nguyễn Thị Quyên, Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hợp Tân, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) lại có một băn khoăn đối với công việc phân loại rác thải ở thôn mình. Từ vài tháng trở lại đây, ở thôn Hợp Tân sau khi phát động thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn, mỗi nhà sử dụng 3 chiếc thùng sơn cũ làm thùng đựng rác, mỗi thùng chứa một loại rác khác nhau: 1 thùng đựng chất thải hữu cơ dễ phân hủy như thức ăn thừa, các loại vỏ trái cây, rau, củ, quả bỏ đi... để làm thức ăn chăn nuôi; 1 thùng đựng túi ni-lông, dây buộc... và 1 thùng chứa các loại rác có khả năng tái sử dụng, tái chế như chai nhựa, vỏ hộp sữa, lon bia...

Bà Quyên cho biết: Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình là công việc ý nghĩa bởi hạn chế được lượng rác thải ra môi trường. Rác được tập kết đúng nơi quy định, trong thôn không còn hiện tượng xả rác ra đường. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, hoạt động này vẫn bộc lộ nhiều vướng mắc khi đơn vị thu gom vẫn chưa thực hiện việc phân loại rác trong quá trình thu gom, vận chuyển mà thường bỏ lẫn lộn tất cả rác đã được phân loại vào cùng với nhau để vận chuyển đi. Trong đó, có các loại rác vô cơ như pin, ắc quy, bao ni-lông, chai lọ nhựa, hộp xốp, thủy tinh... vẫn không được xử lý riêng. Lượng rác này sẽ mất rất nhiều năm mới có thể phân hủy hoàn toàn, đi kèm theo đó là nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường...

Đó là 2 trong số những ý kiến mà chúng tôi ghi nhận được về việc phân loại rác thải sinh hoạt hằng ngày tại vùng nông thôn. Đó cũng là thực trạng chung đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Quá trình đô thị hóa, gia tăng về dân số cộng với nhu cầu cao trong sinh hoạt hằng ngày của người dân dẫn đến phát sinh ngày càng nhiều chất thải rắn sinh hoạt, cả về số lượng và thành phần. Theo số liệu thống kê, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hằng ngày trên địa bàn tỉnh là 2.063,5 tấn. Trung bình rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn phát sinh 0,55kg/người, khu vực đô thị khoảng 1kg/người. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt toàn tỉnh tính đến hết năm 2018 đạt khoảng 85%, chỉ có 15% là được các hộ tự xử lý bằng phương pháp chôn lấp tại hộ gia đình. Mỗi năm các địa phương phải chi nhiều tỷ đồng cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Thế nhưng, thực tế bài toán xử lý rác thải nhằm bảo vệ môi trường, củng cố tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM ở các địa phương chưa bao giờ hết nan giải, bởi số lượng rác thải ra ngày càng nhiều, thu không bù chi, việc vận chuyển rác đến bãi rác để xử lý còn chưa kịp thời, tình trạng rác ùn ứ trong khu dân cư, tại điểm tập kết, điểm trung chuyển vẫn khiến môi trường khu dân cư bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, với số lượng rác khổng lồ được thải ra hằng ngày, các địa phương lại thêm “đau đầu” với tình trạng bãi rác quá tải, bãi rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu dân cư hay vấn đề tìm vị trí thích hợp để quy hoạch bãi rác tập trung cũng không phải là việc dễ dàng...

Cũng theo đánh giá của UBND tỉnh tại Báo cáo số 170/BC-UBND ngày 3-10-2019 (về tình hình thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa), trên địa bàn tỉnh, chất thải rắn sinh hoạt sau khi thu gom được xử lý bằng hai hình thức chủ yếu là chôn lấp (chiếm gần 90%) và đốt. Trên địa bàn tỉnh có 20 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh được đầu tư từ ngân sách Nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa và 23 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung bằng công nghệ đốt (trong đó 16 khu xử lý được đầu tư từ nguốn ngân sách tỉnh, huyện và ngân sách xã). Tuy nhiên, quá trình vận hành các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn bộc lộ nhiều hạn chế.

Trước thực trạng trên, để giảm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các xã, thị trấn cần thực hiện nhiều biện pháp, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân trên địa bàn phân loại rác tại nguồn, phát huy tối đa vai trò giám sát của cộng đồng dân cư, đưa việc phân loại rác thải trở thành nền nếp ở mỗi khu dân cư. Qua đó, tạo thói quen về việc có ý thức phân loại rác trong sinh hoạt và sản xuất, hạn chế lượng rác thải ra môi trường. Có như thế, tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn mới được giải quyết dứt điểm. Điều này sẽ giảm đáng kể áp lực về diện tích đất để chôn lấp, giảm ngân sách xử lý rác thải, giảm nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường do tình trạng quá tải gây ra.

Điều 15, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành các nhóm như: Nhóm hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni-lông, thủy tinh); nhóm còn lại. Chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại được lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phải được quản lý, giám sát, tuyên truyền và vận động tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chấp hành theo quy định, bảo đảm yêu cầu thuận lợi cho thu gom, vận chuyển và xử lý.

Bài và ảnh: Minh Hiền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]