(Baothanhhoa.vn) - Công tác quản lý, thu gom, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường (BVMT) tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Do vậy, để giải bài toán khó này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy và gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác BVMT.

Nghị quyết 05-NQ/TU: Tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động vì môi trường bền vững:

Bài 3 - Bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề - bài toán khó!

Công tác quản lý, thu gom, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường (BVMT) tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Do vậy, để giải bài toán khó này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy và gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác BVMT.

Bài 3 - Bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề - bài toán khó!Các cơ sở tái chế bao bì xi măng tại xã Thái Hòa (huyện Triệu Sơn). Ảnh: P.V

Tin liên quan:

Sống chung với ô nhiễm

Len qua màn “sương” dày đặc do bụi từ những chiếc xe công-ten-nơ chạy rầm rầm, chúng tôi có mặt tại cụm làng nghề chế tác, sản xuất đá Minh Tân (huyện Vĩnh Lộc). Cảnh tượng hiện ra trước mắt, cùng lớp bụi đá bay mù mịt, phủ khắp không gian, cảnh vật là nước thải chảy tràn lan ra đường. Theo một quy trình tuần hoàn, đá sau khi cắt, xẻ, đánh bóng, nước thải quyện với bột đá chảy thành dòng xuống các bể chứa, chảy tràn ra đường và các kênh rạch. Để có nơi lắng lọc nước thải, nhiều cơ sở đã tự đào các ô, ao nhỏ chứa nước, nhưng không che chắn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Mặt khác, quá trình khai thác, vận chuyển vật liệu đã khiến cho nhiều tuyến đường giao thông phải oằn mình chống chịu. Anh T.H.T., thôn 9, xã Minh Tân, lo lắng: Tình trạng ô nhiễm không khí do bụi đá, nước thải đã diễn ra từ nhiều năm nay. Để hạn chế bớt bụi, gia đình tôi phải phun nước xung quanh nhà vài lần mỗi ngày. Ngoài ra, chúng tôi phải mua máy lọc nước để lọc chứ không dùng trực tiếp nguồn nước tự nhiên, vì lo nước thải đã ngấm vào lòng đất xung quanh khu vực này. Còn về tiếng ồn phát ra từ các xưởng chế tác đá thì nhiều hộ dân ở đây đành phải sống chung lâu rồi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân, cho biết: Vấn đề ô nhiễm môi trường (ÔNMT) tại xã Minh Tân chủ yếu là bụi, tiếng ồn và nước thải tại cụm làng nghề tập trung xa khu dân cư và một số doanh nghiệp khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Nguyên nhân là do nguồn vốn còn hạn hẹp, nên việc đầu tư xây dựng chưa đúng cách. Ngoài ô nhiễm bụi, tiếng ồn, hiện cụm làng nghề vẫn chưa có khu xử lý nước thải tập trung, chưa có hệ thống cây xanh chắn bụi và chưa có bãi tập kết bột đá.

Từ nhiều năm nay, nhiều cơ sở giặt, tái chế bao bì xi măng tại xã Thái Hòa (Triệu Sơn) đã gây ÔNMT nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sông Nhơm và cuộc sống người dân. Qua tìm hiểu được biết, hoạt động thu gom, tái chế bao bì xuất hiện từ năm 2013. Ban đầu chỉ có 4-5 cơ sở, đến nay, số lượng các cơ sở giặt, tái chế bao bì tại xã lên tới con số 28. Quan sát thực tế tại các cơ sở, chúng tôi nhận thấy, nguồn nguyên liệu chủ yếu là bao bì sản phẩm và bao bì xi măng. Các loại bao bì này được thu gom từ khắp các địa phương trong tỉnh. Sau khi tập kết về, các cơ sở cho hết vào máy giặt, giặt trong khoảng 15 phút là có thể biến hàng trăm vỏ bao đen kịt trở nên trắng sạch. Những thứ còn lại là bụi bẩn, cát, bột và nước thải sẽ được các cơ sở cho vào bể lắng lọc rồi xả xuống sông Nhơm hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường... Ngoài việc xả thải ra môi trường, các cơ sở tái chế bao bì này còn đốt các chất thải rắn ngay tại xưởng khiến khói đen bay ngập trời, gây ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Xuân, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Triệu Sơn, cho biết: Trên địa bàn huyện Triệu Sơn hiện có CCN Dân Lý - Dân Quyền - Dân Lực và 4 làng nghề truyền thống đang hoạt động. Tuy nhiên, CCN vẫn chưa được đầu tư công trình xử lý nước thải tập trung; làng nghề chế biến đá Đồng Thắng còn tồn tại lượng lớn chất thải rắn là bột đá không được thu gom tập trung để xử lý và cũng chưa có công trình xử lý nước thải tập trung. Còn tại các cơ sở giặt, tái chế bao bì Thái Hòa, huyện đã phối hợp với Sở TN&MT mời một đơn vị về khảo sát, đánh giá thực trạng môi trường. Dựa trên kết quả này, đơn vị đưa ra công nghệ xử lý nước thải thí điểm tại một vài cơ sở (Sở TN&MT cũng đã đồng ý hỗ trợ 500 triệu đồng cho các hộ tham gia thí điểm mô hình). Tuy nhiên, không hộ nào nhận thí điểm với lý do đầu tư xong hệ thống, để đưa vào vận hành họ lại phải bỏ thêm một khoản tiền nữa mà không biết làm đến bao giờ mới thu được vốn. Theo đó, huyện đã yêu cầu xã Thái Hòa thống kê số lượng cơ sở tái chế và yêu cầu các cơ sở này đầu tư hệ thống xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường thì tiếp tục cho sản xuất, còn không bảo đảm thì đình chỉ hoạt động.

Chúng tôi có mặt tại tuyến đê biển ở phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn), không khó để nhận thấy tình trạng người dân nuôi tôm tự phát, đục tường chắn bê tông, cốt thép để lắp đặt hàng loạt đường ống nhựa chạy dài trên mặt đê rồi kéo thẳng ra vùng có nước biển khoảng 200m. Việc lắp đặt này chủ yếu phục vụ cho hoạt động lấy nước biển và xả nước thải từ các đầm tôm ra biển. Theo quan sát, khu vực nuôi tôm không nằm ngay bờ biển hay nằm trong quy hoạch vùng nuôi mà nằm phía trong khu dân cư, tập trung nhiều ở thôn Thượng Hải, Thanh Đông, Thanh Xuyên. Nhà có đất thì tự đào ao, xây bể để nuôi, ai không có đất thì thuê để nuôi tôm. Nhưng một điểm chung đó là nguồn nước mặn buộc phải lấy từ biển vào và đều thải ra biển qua hệ thống đường ống ngầm tự làm. Để dẫn được nước mặn từ biển vào, người nuôi tôm tại đây phải đầu tư hàng chục triệu đồng mua ống nhựa cỡ lớn, lắp đặt hệ thống bơm, hút qua chân tường chắn sóng của đê. Có hộ thì đục xuyên tường, hộ không đục thì dẫn ống vòng qua thân đê... Nghiêm trọng hơn, việc người dân xả thẳng nước thải từ những ao nuôi tôm ra biển khiến vùng biển khu vực này có nguy cơ ô nhiễm.

Ông Đỗ Xuân Chung, Chủ tịch UBND phường Hải Thanh, xác nhận: “Đúng là hiện nay trên địa bàn phường đang xuất hiện mô hình nuôi tôm tự phát, dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm quy định quản lý đê điều và nguy cơ gây ÔNMT biển. Thế nhưng, do đặc thù đất chật, người đông nên địa phương cũng không thể quy hoạch một khu riêng để bà con nuôi tôm. Vì vậy, rất khó xử lý, bởi nếu thực hiện cưỡng chế, cắt ống dẫn nước mặn vào đồng thì tôm sẽ chết hàng loạt, ảnh hưởng đến thu nhập người dân. Trong khi đó, nhờ nuôi tôm mà cuộc sống của người dân đã khá lên trông thấy”. Làm thế nào để người dân vẫn có thể phát triển kinh tế mà không vi phạm các quy định của pháp luật, hiện vẫn là vấn đề nan giải đối với chính quyền địa phương.

Hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 1 khu kinh tế, 8 KCN, 35/71 CCN đã thành lập (71 CCN theo quy hoạch), 161 làng nghề và làng có nghề (90 làng nghề được công nhận). Tuy nhiên, bên cạnh những KCN, CCN, làng nghề bảo đảm các quy định về BVMT, thì vẫn còn nhiều KCN, CCN, làng nghề chưa có hệ thống thu gom, xử lý rác thải, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung dẫn đến nguy cơ gây ÔNMT.

Báo cáo sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, chỉ rõ: So với các chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 05-NQ/TU, thì các KCN, CCN, làng nghề hiện đang nằm trong nhóm chỉ tiêu đạt thấp. Cụ thể, các KCN đáp ứng yêu cầu về môi trường đạt 30% (kế hoạch đến năm 2020 đạt 50%); 30% KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung (kế hoạch 100%); 1,5% CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung (kế hoạch 30%); 4,5% làng nghề đạt yêu cầu về môi trường (kế hoạch 50%). Qua tìm hiểu được biết, việc đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất trong các KCN, CCN, làng nghề thuộc trách nhiệm của địa phương. Trong khi nguồn lực nhiều địa phương còn hạn hẹp, dẫn đến việc đầu tư hạn chế, hạ tầng mới chỉ dừng lại ở việc cấp điện, đường giao thông nội bộ đơn giản và nhất là thiếu các hạng mục, công trình về BVMT. Bên cạnh đó, việc vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình này cũng không thường xuyên, dẫn đến hiệu quả khai thác không cao và gây nguy cơ ÔNMT.

Thực trạng trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ÔNMT ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Điển hình là tình trạng nước thải chưa qua xử lý xả ra môi trường ở các cơ sở sản xuất bột cá, chế biến thủy sản phường Hải Thanh, Hải Bình (thị xã Nghi Sơn), các xã ven biển Hậu Lộc, Quảng Xương, Hoằng Hóa; ô nhiễm không khí tại các làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng Vức, xã Đông Vinh (TP Thanh Hóa); xã Yên Lâm (Yên Định)... Trong khi nhiều làng nghề chưa đầu tư công trình xử lý chất thải phát sinh; thì ngược lại, có những nơi đã được đầu tư lại chưa hoàn thiện hoặc không vận hành thường xuyên. Cụ thể như hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga có công suất 2.000m3/ngày đêm; Nam khu A - KCN Bỉm Sơn có công suất 1.500m3/ngày đêm đang trong giai đoạn hoàn thiện; CCN Thiệu Dương có công suất 577m3/ngày đêm chưa hoạt động ổn định. Một số cơ sở, doanh nghiệp không xây dựng các công trình xử lý chất thải theo như cam kết trong hồ sơ về môi trường đã được phê duyệt, hoặc có xây dựng nhưng không vận hành thường xuyên, chất thải chưa được thu gom và xử lý triệt để mà còn thải trực tiếp ra môi trường...

Việc hình thành và phát triển các KCN, CCN, làng nghề đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh, đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, để các KCN, CCN, làng nghề phát triển bền vững và mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế - xã hội, thì vấn đề bức thiết cần đặt ra và quan tâm lúc này là BVMT. Theo đó, các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ÔNMT tại các KCN, CCN, làng nghề và các cơ sở kinh doanh có nguy cơ ÔNMT cao; yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn. Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng và buộc các đơn vị vi phạm phải thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường theo quy định. Ban hành cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, nhóm dự án chưa được thực hiện theo Kế hoạch hành động số 135/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 05/NQ-TU, như đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các KCN, CCN, làng nghề; đề án di dời các cơ sở gây ÔNMT trong khu dân cư, khu đô thị vào KCN, CCN, làng nghề...

Nhóm phóng viên VHXH

Bài cuối: Đầu tư bảo vệ môi trường để phát triển bền vững!



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]