(Baothanhhoa.vn) - Nguyên “khùng” là tên thân mật mà mọi người dành tặng lão nông đam mê sáng tạo Ngô Thái Nguyên, thôn Liên Hưng, xã Hải Bình (Tĩnh Gia). Ông đã chế tạo thành công công nghệ HUD và máy xử lý rác thải đa năng, đoạt giải nhất cuộc thi “sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ V”, năm 2013–2014.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỹ sư làng sáng chế máy xử lý rác đa năng

Kỹ sư làng sáng chế máy xử lý rác đa năng

Ông Ngô Thái Nguyên (thứ 4 từ trái sang) tại Lễ trao giải cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ V”. Ảnh: NVCC

Nguyên “khùng” là tên thân mật mà mọi người dành tặng lão nông đam mê sáng tạo Ngô Thái Nguyên, thôn Liên Hưng, xã Hải Bình (Tĩnh Gia). Ông đã chế tạo thành công công nghệ HUD và máy xử lý rác thải đa năng, đoạt giải nhất cuộc thi “sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ V”, năm 2013–2014.

Chiếc máy với bề ngoài hết sức bình thường đã trở thành “vũ khí” lợi hại, vừa tiêu hủy toàn bộ rác thải, vừa có thể tạo ra các chế phẩm từ rác, phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Lão nông đa tài

Vào những ngày đầu thu, trời se lạnh, mưa lất phất bay... vượt hơn 40km, chúng tôi về xã biển Hải Bình. Hỏi thăm nhà lão nông Ngô Thái Nguyên thì từ già đến trẻ ai cũng biết. Trong căn nhà đơn sơ, gió biển thổi vào mát lộng, xung quanh được bao bọc bởi cây cối. Người đàn ông trung niên dáng gầy chất phác, mái tóc muối tiêu, nước da bánh mật đang tỉa tót một cây si cảnh giữa sân. “Từ đầu năm đến giờ, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên mọi công việc phải ngừng hết. Đợt vừa rồi tưởng êm, tôi tính vào Nghệ An lắp máy cho một công ty xử lý rác trong đó. Tuy nhiên, kế hoạch phải hoãn lại vì tình hình dịch bệnh, thời tiết diễn biến phức tạp” – ông Nguyên mở đầu câu chuyện một cách tếu táo – “Giờ tôi đang ở nhà ăn bám vợ”.

Sinh ra và lớn lên dưới chân sóng, học xong cấp ba, ông Nguyên thi đậu vào Trường Trung cấp Y khoa Thanh Hóa (hiện là Cao đẳng Y khoa Thanh Hóa). Tuy nhiên, gia đình đông anh em, cái nghèo đeo bám từ năm này qua năm khác. Bố mẹ ông bất lực, không nuôi nổi một sinh viên y khoa, ông phải nghỉ học ở nhà làm kinh tế. Năm 1987, ông Nguyên lập gia đình và kiếm sống bằng nghề thợ may; sửa chữa tàu thuyền; buôn bán, sửa chữa đồ điện; trang trí nội thất; thiết kế hoa viên cây cảnh. Dù chỉ là tay ngang nhưng với bản tính thích mày mò, sáng tạo, ông thường có nhiều ý tưởng độc và lạ. Ông khoe: “Tôi được cái thích ứng rất nhanh, cái gì cũng làm được, ai làm gì tôi chỉ cần nhìn qua là có thể làm được ngay. Khi đã làm được rồi, tôi lại mày mò, sáng tạo thêm, thành ra hiệu quả đem lại bao giờ cũng cao hơn người khác. Vì thế, dù làm nghề gì, tôi cũng tự đứng ra làm chủ chứ chưa làm thuê cho ai bao giờ. Cũng nhờ thế mà tôi nuôi sống được gia đình mình đến ngày hôm nay”.

Nói chuyện nhà lại đến chuyện xã hội, ông bảo, cũng vì tính “táy máy” cái gì cũng muốn tìm hiểu nên khi thấy môi trường sống xung quanh thay đổi quá nhanh, ông không thể lờ như không biết.

Theo ông Nguyên, rác thải sinh hoạt tăng lên từng ngày là nguyên nhân khiến vấn nạn ô nhiễm môi trường thêm nghiêm trọng. Chính quyền địa phương tổ chức lực lượng đi thu gom rác mỗi ngày nhưng bản chất của công việc đó là gom rác chỗ này rồi đổ ở chỗ khác. Đây là hình thức xử lý với nhiều nhược điểm, như: tốn diện tích đất, phát sinh mùi hôi thối, phát sinh dịch bệnh gây tác động xấu tới môi trường. Vì thế nếu không bắt tay vào việc xử lý và giảm tải sự ô nhiễm môi trường ngay từ hôm nay thì tương lai con cháu chúng ta sẽ phải sống trong bầu không khí vô cùng ô nhiễm.

Chưa kể, rác cũng là một nguồn tài nguyên có thể tái chế, tái sử dụng. “Ở mình thì rác chỉ là rác, là thứ bỏ đi. Nhưng với nhiều nước phương Tây, họ đã biết tận dụng rác để phân loại và tái chế thành nguyên liệu, chất đốt để tái sử dụng”, ông Nguyên chia sẻ.

Không cam tâm nhìn môi trường sống bị hủy hoại, ông Nguyên bắt đầu trăn trở với ý tưởng sẽ chế tạo một chiếc máy xử lý rác thải. Tuy nhiên, khi chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình với người thân và bạn bè, ông không nhận được sự ủng hộ từ họ. Với vợ, ông còn con cái phải lo, cha mẹ già phải chăm sóc, nếu ông tập trung vào việc chế tạo máy xử lý rác ai sẽ là người thay ông lo gánh nặng kinh tế. Với bạn bè, họ không tin ông có thể làm được. Họ bảo: “Người ta là Giáo sư, Tiến sĩ còn chẳng ăn ai nữa là ông thợ máy quèn ở một vùng quê xa lắc xa lơ. Đừng viển vông mà tốn thời gian, tiền bạc, công sức”. Mặc vợ không đồng tình, bạn bè can ngăn, đầu năm 2010, ông Nguyên bắt đầu thực hiện ý tưởng được cho là “điên rồ” đã ấp ủ nhiều năm... Ông bỏ bê việc chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh, cả ngày lẫn đêm cặm cụi mày mò, nghiên cứu với khuôn mặt hốc hác nhễ nhại mồ hôi và đăm chiêu. Nghĩ ra được ý tưởng nào hay ông ghi chép và vẽ ý tưởng ấy ra giấy. Không có tiền mua nguyên vật liệu mới, ông lang thang thu gom từng mẩu sắt vụn, những vật liệu thải nếu thấy nó phù hợp. Có những chi tiết, bộ phận, ông kiên trì tìm kiếm hàng tháng trời, rồi cải tạo, gọt giũa sao cho vừa để lắp ráp với các bộ phận khác. Đôi khi ông mất cả tháng cho nỗ lực thiết kế một chi tiết nhỏ xíu của máy.

Đang có việc làm, thu nhập ổn định, chuyển hướng sang chế tạo máy xử lý rác, gánh nặng mưu sinh đè nặng. Vợ con đôi lúc cằn nhằn, khó chịu với việc mình làm nên ông có phần phân tâm. Mỗi lúc như thế, ông lại nghĩ về lý do mình bắt đầu rồi cố gắng, quyết tâm phải thành công cho bằng được. Biết không thể ngăn cản chồng lại thấy thương những lúc chồng vất vả, vợ ông từ phản đối quay sang ủng hộ, vun đắp cho ý tưởng sáng tạo sớm thành hiện thực. Được sự ủng hộ của vợ, ông có thêm động lực, tiếp tục dành thời gian tìm hiểu và chế tạo máy.

Máy xử lý rác đa năng có 1 – 0 – 2

Sau một năm trời tự thiết kế, lắp ráp rồi chạy thử, ông Nguyên đã cho ra đời “đứa con tinh thần” trong sự ngạc nhiên của nhiều người. Chiếc máy xử lý rác đầu tiên của ông ra đời với kích thước chỉ lớn hơn chiếc máy xát lúa một chút và rất gọn nhẹ. Lúc này, người dân ai cũng bán tín bán nghi không biết cái máy xử lý rác này có làm được trò trống gì hay không? Thật bất ngờ, từng bao lớn với đủ thứ rác bên trong được bỏ vào, bỏ đến đâu máy “ngốn” hết đến đó rồi cho ra từng loại thành phẩm khác nhau ở mỗi cửa. Ông Nguyên giải thích cơ chế hoạt động của máy. Rác tổng hợp được đổ từ thùng chứa của xe chuyên chở vào thùng chứa của máy. Ở đầu thùng chứa này, một thiết bị máy phun sương sẽ phun chế phẩm khử mùi. Đồng thời một mô-tơ khuấy trộn sẽ trộn đều các loại rác. Những loại rác nhẹ, như: túi nilon, giấy... khi khuấy trong bồn sẽ nổi lên bề mặt và được hất lên băng chuyền tải về máy. Rác nặng như gạch, đá, sắt, thép lắng xuống đáy bồn và trượt theo máng ra mặt ngoài để đốt tiêu hủy hoặc đưa vào đúc ép thành các khối bê tông. Còn loại rác hữu cơ, như: rau, củ, quả... sẽ được băm bằng một hệ thống dao cắt thô, sau đó đẩy sang buồng dao cắt tinh rồi đùn ra ngoài. Sau khi qua hai hệ thống dao, tất cả các loại rác hữu cơ sẽ được băm vụn, chế phẩm tạm gọi là mùn hữu cơ. Mùn hữu cơ được thu từ lồng tuyển vào hầm sấy, hầm sấy này có chu kỳ 20 – 30 phút thì sẽ được mở một lần để cho mùn gần khô rơi xuống đáy hầm sấy trong hầm có nhiệt độ dưới 200°C và được lưu lại một thời gian nữa trước khi được tải ra ngoài. Mùn hữu cơ này trộn với đất rồi ủ làm phân có thể mang đi trồng cây. Thậm chí, rác đã qua xử lý trộn với xi măng, đá mạt rồi ép để làm gạch.

Tuy nhiên, chiếc máy xử lý rác đầu tiên của ông Nguyên sáng chế chỉ có công suất 4,5 KW với đường điện dân sinh nên thường xảy ra trục trặc vì điện yếu. Khắc phục điểm này, ông Nguyên đầu tư nâng công suất máy lên với nguồn điện 3 pha. Kinh phí sản xuất phụ thuộc vào công suất máy. Nếu sản xuất máy có công suất khoảng 15 tấn rác thải/ngày thì có giá từ 250 - 300 triệu đồng; công suất 25 tấn/ngày giá khoảng 400 - 500 triệu đồng. Đến nay, ông đã chế tạo thành công 5 máy xử lý rác thải. Chiếc máy mới nhất được ông lắp ráp có công suất là 75 tấn rác/ngày, hoạt động 24/24h. Nó có nhiều tính năng vượt trội hơn, như: không phải phân loại đầu nguồn, quy trình xử lý khép kín, giảm rất nhiều về số lượng nhân công, an toàn và sạch sẽ hơn. Kể từ khi chiếc máy đầu tiên hoàn thành đã có nhiều đoàn, cơ quan, ban, ngành chức năng trong và ngoài tỉnh quan tâm, tới tham quan, đặt hàng. Cuối năm ngoái, đại diện một công ty xử lý rác thải ở Nghệ An đến nhà nói chuyện, bước đầu ký kết hợp đồng với ông sản xuất máy xử lý rác thải.

Được biết, ông Ngô Thái Nguyên đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với “Công nghệ HUD và máy xử lý rác”. Tuy nhiên, ông thổ lộ: “Tôi không giữ khư khư cái máy này cho mình, ai muốn nghiên cứu, cải biến hay chế tạo để sử dụng cứ tự tin phát huy”. Điều ông mong muốn hơn cả là chiếc máy phát huy hiệu quả, giải quyết được vấn nạn rác thải gây ô nhiễm môi trường và được nhiều tỉnh, thành trong cả nước áp dụng. Và như để cụ thể hóa ước muốn sống “có ích cho xã hội” như đã nói, ông còn lên cả một dự án lấn biển, làm đường trên biển từ rác thải xây dựng... Niềm đam mê sáng tạo vẫn không ngừng tuôn chảy dưới vầng trán đầy nếp nhăn của người “kỹ sư” già không bằng cấp Ngô Thái Nguyên.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn Quốc Nam - 11:35 26/03/21

 Trả lời

Tôi quan tâm tới công nghệ của anh Nguyên. Xin tòa soạn cho tôi phương pháp liên lạc với anh ấy. Trân trọng & cảm ơn.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]