Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân
Sáng 13/1, tại phòng họp Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST&CĐS) quốc gia.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Dự hội nghị có các đồng chí: Tổng Bí thư Tô Lâm; Chủ tịch nước Lương Cường; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Trung ương đến các xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố với 15.345 điểm cầu và gần 1 triệu đại biểu dự hội nghị.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên dự tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Dự tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa có các đồng chí: Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 822 điểm cầu với sự tham gia của 37.067 cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở.
Tại hội nghị, đồng chí Hoàng Đăng Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Đồng chí Thái Thanh Quý, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương trình bày báo cáo.
Các đại biểu đã nghe đồng chí Thái Thanh Quý, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KHCN, ĐMST&CĐS thời gian qua; quán triệt, triển khai tinh thần và nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia.
Báo cáo nêu rõ: Trong suốt sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm đến phát triển KHCN. Ngày 18/5/1963, tại Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ Nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Trong kháng chiến, nhiều nhà khoa học nổi tiếng đã có các công trình nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chế tạo, cải tiến vũ khí chống giặc ngoại xâm và chữa bệnh cho cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân ta.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự hội nghị.
Kể từ khi thống nhất đất nước, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới đến nay, Đảng ta đã ngày càng quan tâm và xác định tầm quan trọng, vai trò và vị thế hàng đầu của KHCN đối với phát triển kinh tế - xã hội gắn với đẩy nhanh tiến trình CNH, HĐH đất nước. Qua các nhiệm kỳ Đại hội, nhận thức và tư duy của Đảng về phát triển KHCN, ĐMST&CĐS đã từng bước hoàn thiện và có nhiều đổi mới; các chủ trương, định hướng đề ra có tính kế thừa và phát triển phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn và gắn với xu thế phát triển chung của thế giới.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém: Tốc độ và sự bứt phá về phát triển KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia còn chậm; chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm lực, trình độ KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia còn khoảng cách so với nhóm các nước phát triển. Nghiên cứu, ứng dụng KHCN, ĐMST&CĐS chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ số cốt lõi. Hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế; an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức...
Báo cáo cũng nêu lên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ với sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, lượng tử, tự động hóa... tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, làm thay đổi toàn diện phương thức sống, làm việc của con người. KHCN, ĐMST&CĐS đã trở thành yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia. Chính phủ các quốc gia ngày càng chú trọng phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN, ĐMST&CĐS; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn.
Quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST&CĐS, đồng chí Thái Thanh Quý, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nêu lên 5 nhóm quan điểm chỉ đạo. Trong đó nhấn mạnh: Bộ Chính trị khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia, xác định rõ đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới...
Nghị quyết đặt ra yêu cầu xuyên suốt, không tách rời là phải bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin của tổ chức và cá nhân. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, an ninh, an toàn.
Nghị quyết cũng nêu lên 5 nhóm mục tiêu đến năm 2030, trong đó xác định mang tính định hướng về tiềm lực, trình độ KHCN, ĐMST và đặt ra mục tiêu cụ thể là Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.
Nghị quyết số 57 đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp gồm: Nâng cao nhận thức, đột phá đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia. Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ĐMST&CĐS. Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia. Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia. Đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, ĐMST trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, ĐMST&CĐS trong doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, ĐMST&CĐS.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ quán triệt nội dung, tinh thần Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ quán triệt nội dung, tinh thần Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị. Thủ tướng Chính phủ cho biết, bám sát nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TW, nhất là 5 quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 41 nhóm chỉ tiêu (gồm 35 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 6 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045) và 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội trình bày chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật để đột phá phát triển KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội trình bày chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật để đột phá phát triển KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức rà soát hệ thống pháp luật có liên quan; thể chế đầy đủ, kịp thời, đồng bộ theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 57.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn coi KHCN là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Từ Đại hội IV, KHCN đã được xác định là cuộc cách mạng, và đến nay, là quốc sách hàng đầu. Nhiều Nghị quyết quan trọng đã được ban hành, mang lại kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển của đất nước như ngày nay.
Để đưa Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và kịp thời, Tổng Bí thư nêu rõ cần thống nhất nhận thức và hành động. Xác định phát triển KHCN, ĐMST&CĐS là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trung ương đã gương mẫu hành động với Chương trình hành động kèm theo được quán triệt ngay hôm nay. Các cấp ủy, chính quyền cần cụ thể hóa Nghị quyết bằng các kế hoạch sát thực tiễn, lấy kết quả triển khai làm tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng. Mọi nhiệm vụ sẽ được giám sát, đánh giá thường xuyên; làm tốt được khen thưởng, làm chậm hoặc sai phạm sẽ bị phê bình, xử lý. Lãnh đạo yếu kém, thiếu trách nhiệm sẽ bị thay thế ngay, không để đất nước lỡ cơ hội phát triển. Các cấp ủy, chính quyền, đơn vị cần lập kế hoạch cụ thể, bám sát mục tiêu Nghị quyết 57, với nhiệm vụ rõ ràng, phân công cụ thể, thời gian hoàn thành và kết quả đo lường được. Ngay trong năm 2025 này, cần phải lựa chọn và giải quyết những vấn đề rất căn cơ, tạo nền tảng cho giai đoạn 2026-2030, tạo cú hích cho năng suất lao động mới, tạo niềm tin cho xã hội.
Tổng Bí thư đề nghị, phải khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách; trong năm 2025, càng sớm càng tốt phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển KHCN, ĐMST&CĐS; giải phóng tối đa sức sáng tạo; khuyến khích người năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trước hết phải bằng chính các quy định của pháp luật, tạo không gian cho người quản lý quyết định và chịu trách nhiệm.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Tổng Bí thư chỉ rõ, khẩn trương sắp xếp lại bộ máy về KHCN. Trong quý I/2025, hoàn thành việc sắp xếp lại các tổ chức KHCN; tập trung đầu tư trọng điểm để phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh. Có kế hoạch cụ thể để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân tài KHCN. Triển khai các giải pháp đột phá để thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu, thu hút nhân tài công nghệ là người Việt và người nước ngoài tới làm việc. Ưu tiên bố trí ngân sách cho KHCN xứng tầm là quốc sách đột phá.
Quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng phát triển KHCN, ĐMST&CĐS, không để lỡ thời cơ thêm lần nữa, Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, sáng tạo, thực hiện thành công các nhiệm vụ, đưa Nghị quyết 57 nhanh chóng vào cuộc sống, xây dựng một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với nền tảng chính trị, pháp lý vững chắc và sự đồng thuận cao từ toàn Đảng, Nhân dân và giới trí thức, Tổng Bí thư tin tưởng, Nghị quyết sẽ tạo ra bước đột phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh phát biểu kết thúc hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu kết thúc hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh nêu rõ: Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia – là hội nghị rất đặc biệt, được ví như Nghị quyết khoán 10. Chính vì vậy các đại biểu dự hội nghị cần phải quán triệt nghiêm túc đầy đủ các nội dung được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã phát biểu tại hội nghị.
Trên tinh thần nội dung Nghị quyết số 57, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện thành lập Ban Chỉ đạo từ tỉnh đến các cấp; Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh rà soát lại các văn bản có liên quan về phát triển KHCN, ĐMST&CĐS, nhanh chóng xây dựng kế hoạch chương trình hành động theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xong trước ngày 25/1/2025. Đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo việc thực hiện với các nhiệm vụ giải pháp cụ thể và tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Các cơ quan chức năng cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu về phát triển KHCN, ĐMST&CĐS. Sở Tài nguyên và Môi trường cần phải khẩn trương hoàn thiện lấy số liệu đo đạc đất đai.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh: Việc thực hiện Nghị quyết số 57 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cần phải xác định rõ mục tiêu là phát triển kinh tế - xã hội, đem lại đời sống ấm no cho Nhân dân.
Minh Hiếu
{name} - {time}
-
2025-01-13 16:21:00
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quang Hải kiểm tra tình hình sản xuất và tặng quà các gia đình chính sách huyện Triệu Sơn
-
2025-01-13 16:11:00
Thủ tướng chủ trì Phiên họp thứ 10 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ
-
2025-01-13 12:40:00
Trưng bày, giới thiệu hơn 1.000 tác phẩm hoa đào
Chính phủ năm 2025: Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá
Nghị quyết 57: Đột phá phát triển khoa học, công nghệ và giữ chân nhà khoa học
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 13/1/2025
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng 13/1
Mời bạn đọc báo Thanh Hóa số ra ngày 13/1/2025
Khó khăn đến mấy tỉnh Thanh Hóa cũng quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhẹ để “bay cao”
Mang Tết sớm đến với công nhân, người lao động