Hội nghị thượng đỉnh COP29: Tài chính khí hậu vẫn là vấn đề gây bế tắc
Các đại biểu dự Hội nghị thượng đỉnh COP29 tiếp tục đàm phán “thâu đêm” tại thành phố Baku để hoàn tất tuyên bố chung COP29 và thông qua các điều khoản quan trọng của thỏa thuận khí hậu toàn cầu này.
Trung tâm hội nghị, nơi diễn ra Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) ở Baku, Azerbaijan. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đã phải kéo dài hơn so với dự kiến, khi các quốc gia đang phát triển từ chối một đề nghị của các nước giàu hỗ trợ trị giá 250 tỷ USD từ để giúp họ đối phó biến đổi khí hậu.
Chủ nhà Azerbaijan cho biết các đại biểu tiếp tục đàm phán “thâu đêm” tại thành phố Baku để hoàn tất tuyên bố chung COP29 và thông qua các điều khoản quan trọng của thỏa thuận khí hậu toàn cầu này, muộn nhất là vào lúc 10 giờ ngày 23/11 (giờ địa phương, tức 13 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam).
Dự thảo thỏa thuận đã đưa ra mục tiêu đầy tham vọng là huy động ít nhất 1.300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2035, không chỉ từ các quốc gia phát triển mà còn từ khu vực tư nhân.
Theo các chuyên gia kinh tế được Liên hợp quốc chỉ định để đánh giá nhu cầu, các quốc gia đang phát triển (không tính Trung Quốc) cần ít nhất 1.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.
Trước đó, các nước phát triển đã đưa ra đề xuất 250 tỷ USD nhằm nâng cao cam kết tài chính so với gói hỗ trợ hiện tại 100 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, con số này được cho là quá thấp so với nhu cầu thực tế của các quốc gia đang phát triển.
Một nhóm gồm 134 quốc gia đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc, đã yêu cầu ít nhất 500 tỷ USD để giúp họ xây dựng khả năng phục hồi với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Obed Koringo - một nhà hoạt động người Kenya thuộc tổ chức CARE - cho rằng đề xuất 250 tỷ USD là “một trò đùa,” đồng thời nhấn mạnh rằng đối với các quốc gia châu Phi "không có thỏa thuận còn tốt hơn là một thỏa thuận tồi."
Bà Tina Stege - đặc phái viên về khí hậu của Quần đảo Marshall, quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn do mực nước biển dâng cao, cũng chỉ trích đề xuất trên, cho rằng đó là “một sự xấu hổ” đối với các quốc gia đang phát triển.
Trong khi đó, các quốc gia khác thuộc Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS), vốn coi biến đổi khí hậu là mối đe dọa tồn vong, cũng lên án đề xuất này, cho rằng điều này thể hiện sự coi thường những cộng đồng dễ bị tổn thương.
Ông Ali Mohamed - Chủ tịch Nhóm đàm phán châu Phi - nhận định đề xuất này là "hoàn toàn không thể chấp nhận được và không đủ.“Ông cảnh báo rằng con số 250 tỷ USD sẽ dẫn đến”những mất mát không thể chấp nhận được về sinh mạng ở châu Phi và trên toàn cầu, và gây nguy hiểm cho tương lai của hành tinh chúng ta."
Ở chiều ngược lại, các quốc gia phát triển, đặc biệt là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), bày tỏ rằng con số 250 tỷ USD cần phải có “tham vọng và khả năng tiếp cận đặc biệt” để thực hiện.
Một quan chức cấp cao từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết con số này tuy chưa đủ, nhưng có thể được xem là một bước tiến, nếu có sự cam kết mạnh mẽ hơn từ các quốc gia phát triển và khu vực tư nhân.
Đức - quốc gia đi đầu trong các sáng kiến về khí hậu ở châu Âu - cho rằng không thể chỉ trông chờ vào các khoản tài trợ từ chính phủ mà cần phải có sự tham gia của các công cụ tài chính khác, như tái cấu trúc nợ và các sáng kiến tư nhân.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh rằng châu Âu muốn "đảm nhận trách nhiệm của mình, nhưng cũng phải thực hiện các cam kết trong khả năng có thể thực hiện được."
Một trong những điểm nóng trong đàm phán là vai trò của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc - quốc gia phát thải lớn nhất thế giới.
Các quốc gia phát triển đã kêu gọi Trung Quốc, mặc dù vẫn được coi là quốc gia đang phát triển trong khuôn khổ của Liên hợp quốc, cũng phải đóng góp vào các khoản hỗ trợ tài chính này.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn giữ lập trường rằng họ sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ khí hậu nhưng chỉ trên cơ sở tự nguyện và không cam kết theo các điều khoản quốc tế.
Một mâu thuẫn khác cũng đã nổi lên khi các nước sản xuất dầu khí lớn, đặc biệt là Saudi Arabia, phản đối việc đưa ra các cam kết cắt giảm đối với năng lượng hóa thạch.
Một quan chức của Saudi Arabia tuyên bố nước này sẽ "không chấp nhận bất kỳ văn bản nào nhắm vào các ngành cụ thể, bao gồm nhiên liệu hóa thạch."
Lập trường này đã bị bà Annalena Baerbock chỉ trích mạnh mẽ, cho rằng lập trường này là quay lại quá khứ và không thúc đẩy một tương lai bền vững hơn.
Các cuộc đàm phán COP29 diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Trong suốt thời gian diễn ra hội nghị, các khu vực trên thế giới liên tiếp ghi nhận các thảm họa khí hậu.
Những cơn bão gây hậu quả tàn khốc đã tấn công Philippines và Honduras, trong khi Ecuador phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì hạn hán và cháy rừng.
Tây Ban Nha cũng phải đối mặt với lũ lụt lịch sử. Những sự kiện này càng nhấn mạnh tính cấp bách của vấn đề và nhu cầu phải có một thỏa thuận khí hậu toàn cầu mạnh mẽ hơn bao giờ hết./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-12-27 10:31:00
Đêm nay (27/12), không khí lạnh tăng cường mạnh hơn, ảnh hưởng đến Thanh Hóa
-
2024-12-27 07:30:00
Dự báo thời tiết 27/12: Không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ rét đậm
-
2024-11-24 06:32:00
COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
Dự báo thời tiết 24/11: Miền Bắc chuẩn bị đón đợt lạnh nhất từ đầu mùa
Như Thanh: Đưa nước sinh hoạt về với đồng bào dân tộc thiểu số
Dự báo thời tiết 23/11: Thanh hóa trưa chiều nắng hanh, sáng sớm se lạnh
Dự báo thời tiết ngày 22/11: Đêm có mưa vài nơi, ngày nắng
Xu thế thời tiết từ nay đến ngày 20/12 trên phạm vi cả nước có gì đáng lưu ý?
Dự báo thời tiết 21/11: Thanh Hóa ngày nắng, sáng sớm se lạnh
Dự báo thời tiết ngày 20/11: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trở rét
Diễn biến mới nhất về rét đậm rét hại, sạt lở từ nay đến cuối năm 2024
Ngăn khai thác cát trái phép: Xử lý lãnh đạo địa phương nếu để xảy ra vi phạm