[E-Magazine] - Khi giấc mơ “an cư”… thành hiện thực

[E-Magazine] - Khi giấc mơ “an cư”… thành hiện thực

[E-Magazine] - Khi giấc mơ “an cư”… thành hiện thực

Bao đời nay, ngược về phía đại ngàn, biết bao con người, bao thế hệ chấp nhận đi qua “dâu bể cuộc đời”, mấy ai nghĩ được rằng, có một ngày, giấc mơ an cư khao khát bao đời... đã trở thành hiện thực.

Khu TĐC thôn Bố, xã Lũng Cao, Bá Thước là điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình ngược ngàn của chúng tôi. Được biết, đây là công trình được thực hiện theo hình thức đầu tư khẩn cấp và là khu TĐC tập trung đầu tiên được xây dựng trên địa bàn huyện Bá Thước. Niềm vui, háo hức của những vị khách lạ cũng như người dân nơi đây vì thế mà được nhân lên gấp nhiều lần.

Thôn Bố, xã Lũng Cao có diện tích đất tự nhiên là 227,27 ha, 179 hộ gia đình với 755 nhân khẩu, 100% là dân tộc Thái, sống rải rác ở các sườn đồi nên luôn nằm trong tình trạng có nguy cơ cao sạt lở đất. Đời sống của bà con khó khăn, luôn nơm nớp lo sợ; một số hộ gia đình có tích lũy cũng không dám đầu tư dựng nhà ở hay phát triển chăn nuôi, sản xuất bởi lẽ “sợ thiên tai cuốn hết”. Gia đình anh Hà Văn Dũng (46 tuổi, khu TĐC thôn Bố, xã Lũng Cao) chuyển vào khu TĐC từ tháng 6 – 2022, bỏ lại sau lưng kí ức về những đêm mưa bão nháo nhác, vội vã gói ghém đồ đoàn, dắt theo cả con trâu – tài sản đáng giá nhất trong nhà đến ở tạm tại nhà văn hóa, trường học hay đồn biên phòng. Anh Dũng kể: “Nhiều đêm, hễ có mưa gió lớn là cả nhà thức trắng, nơm nớp lo sợ, tâm thế là lắng nghe có kẻng báo hiệu là di dời ngay, ko chần chừ giây phút nào hết”. Thương vợ con, thương mình, anh Dũng còn xuýt xoa thương các cán bộ thôn, xã: “Khi mưa, khi bão, xã đều cử người theo dõi sát sao tình hình. Còn trưởng thôn mình thì đội mưa, đội gió đến từng hộ gia đình thông báo, đôn đáo lo lắng, sắp xếp chỗ trú cho bà con”.

[E-Magazine] - Khi giấc mơ “an cư”… thành hiện thực

Giờ đây, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, có sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, cuộc sống 44 hộ vùng nguy cơ cao sạt lở của thôn Bố, Lũng Cao đã bước sang trang mới tươi sáng hơn. Những ngôi nhà mới xây kiên cố, vững chãi sẽ là mái ấm hạnh phúc, bình yên cho mỗi gia đình, tiếp thêm động lực để mỗi người phấn đấu, hăng say lao động sản xuất, nỗ lực bứt phá để vươn tới nhiều điều tốt đẹp hơn. Nhiều hộ gia đình của thôn Bố, xã Lũng Cao mặc dù không nằm trong diện bố trí TĐC nhưng đã nhiệt tình hưởng ứng, sẵn sàng hiến đất, tạo điều kiện tốt nhất thực hiện dự án. “Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, trước mong mỏi của người dân, khu TĐC tập trung thôn Bố, xã Lũng Cao được xây dựng đã thể hiện sự quan tâm kịp thời, sâu sát của Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa đối với đồng bào các dân tộc. Từ đó cho thấy ý Đảng - lòng dân hòa quyện, bà con càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, yên tâm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”, ông Lương Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao cho biết.

[E-Magazine] - Khi giấc mơ “an cư”… thành hiện thực

“Chưa đi chưa biết Co Hương/ Đi rồi mới biết nên thơ, trữ tình”... Hành trình đến với khu TĐC Co Hương (xã Tam Thanh, Quan Sơn) khiến tâm trí tôi bất giác nảy ra tứ thơ. Cứ thử một lần hình dung, tưởng tượng về cung đường nhỏ hẹp điệp trùng cây lá, rộn ràng tiếng chim muông dẫn bạn đến cây cầu gỗ treo chùng chiềng theo mỗi vòng bánh xe mô tô, tiếp tục qua những con đường dốc, heo vắng, và rồi khu TĐC Co Hương với 36 nếp nhà quần cư trên ngọn đồi Pom Phai hiện diện trước mắt với dáng vẻ yên bình, dung dị. Đây là không gian sống, là tương lai, niềm hy vọng của 36/136 hộ với 171 nhân khẩu thuộc diện di dời khẩn cấp khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025 theo Kết luận số 590-KL/TU, ngày 8-9-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

[E-Magazine] - Khi giấc mơ “an cư”… thành hiện thực

Trong ngôi nhà sàn diện tích khoảng 280 m2 đã cơ bản hoàn thiện, vợ và mấy đứa trẻ con nhà anh Lò Văn Nguyên đang vui vẻ chơi đùa với nhau. Mấy cái cột nhà to, khỏe được đám con gái tận dụng làm nơi mắc võng, đứa nọ đung đưa cho đứa kia rồi chọc ghẹo nhau cười khanh khách. Ở phía bên trong, chị vợ cắt nhỏ mấy trái chuối chín cho đứa cháu trai vừa ăn vừa bẽn lẽn nhìn vị khách lạ tới hỏi chuyện.

Chỉ mới chuyển vào khu TĐC chưa được bao lâu, nhà cửa mới cơ bản hoàn thiện, nhưng với gia đình anh Nguyên đó thực sự là niềm vui quá lớn lao, chưa bao giờ nghĩ tới. Bởi lẽ, những ngày tháng sống chới với, bấp bênh bên sườn đồi, thấp thỏm lo âu mỗi mùa mưa bão đã trở thành nỗi ám ảnh hằn sâu trong tâm trí. Nói rồi vợ anh chỉ tay vào đứa con nhỏ đang hồn nhiên chơi đùa, nói: “Nó mới có 3 tuổi thôi, mà từ lúc đẻ ra đến giờ phải theo gia đình chạy lũ 5 - 6 lần rồi. Đêm hôm mưa lũ, chả biết gì cứ khóc thét lên thôi”.

[E-Magazine] - Khi giấc mơ “an cư”… thành hiện thực

Khi xã, thôn thông báo gia đình mình thuộc diện di dời khẩn cấp, chuẩn bị được chuyển đến nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, không còn phải thấp thỏm lo mưa lũ, sạt lở đe dọa tính mạng nữa, gia đình anh Lò Văn Nguyên mừng vui khôn xiết mà cũng lo lắng không yên. Thế nhưng từ khi có chủ trương, các cấp, các ngành từ tỉnh, huyện đến lực lượng công an, biên phòng, tổ chức chính trị - xã hội, bà con trong thôn, bản đã quan tâm, tạo điều kiện, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng, ổn định cuộc sống mới. Toàn xã Tam Thanh khẩn trương, quyết liệt ra quân, giao cho các đoàn thể chính trị - xã hội và ban cán sự thôn, bản có trách nhiệm giúp đỡ các hộ di dời nhà ở đến khu TĐC thông qua nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa như hỗ trợ ngày công dỡ nhà, dựng nhà, lợp mái, sắp xếp, bài trí nhà cửa, trồng cây xanh, cải tạo khuôn viên, cảnh quan môi trường… Khu TĐC Co Hương chỉ cách khu ở cũ của bà con chừng 200 - 300m, gần nơi sản xuất nên việc di dời đến nơi ở mới vừa đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng vừa không gây quá nhiều xáo trộn trong cuộc sống của bà con.

Anh Lò Văn Piên, Trưởng bản Ngàm, xã Tam Thanh chia sẻ: “Công trình được đầu tư, xây dựng bài bản, đồng bộ, đảm bảo các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống nên người dân rất đồng thuận, nhất trí cao. Việc có được một khu TĐC tập trung an toàn, đảm bảo điều kiện sống vẫn luôn là ao ước của Nhân dân cũng như lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương bấy lâu. Nay được như ý nguyện, chẳng biết nói gì ngoài lời cảm ơn chân thành, sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện đã quan tâm, tạo điều kiện, hết lòng chăm lo cho đời sống của đồng bào các dân tộc nói chung”.

[E-Magazine] - Khi giấc mơ “an cư”… thành hiện thực

Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện kế hoạch sắp xếp ổn định cho 2.828 hộ dân tại 54 xã, trong đó có 1.118 hộ TĐC xen ghép, 832 hộ TĐC liền kề, 878 hộ TĐC tập trung. Hiện nay, đã thực hiện cho 151 hộ TĐC tập trung theo lệnh đầu tư khẩn cấp và đã trình HĐND tỉnh 389 hộ TĐC tập trung và liền kề. Đối với các hộ TĐC xen ghép, các địa phương đang khẩn trương để vận động các hộ dân chủ động di dời sớm.

Nét nổi bật trong chương trình bố trí, sắp xếp dân cư là đã gắn việc di dân với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Điều chỉnh, kết cấu lại các điểm dân cư gắn với quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình phúc lợi cộng đồng, từ đó đảm bảo việc đầu tư cơ sở hạ tầng được thuận lợi và tiết kiệm, nhiều bản làng mới được hình thành, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi.

[E-Magazine] - Khi giấc mơ “an cư”… thành hiện thực

Đặc biệt, việc lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh tại các địa phương.

Vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư 11 dự án trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Thường Xuân, Bá Thước sắp xếp ổn định cho 389 hộ dân với tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng là 97.950 triệu đồng và vận động 183 hộ dân thực hiện TĐC xen ghép. Sở NN&PTNT đang tiếp tục phối hợp với UBND các huyện miền núi hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án sắp xếp dân cư năm 2023 theo ý kiến thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Trong những câu chuyện, chia sẻ của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và Nhân dân trong các khu TĐC tập trung, điều làm chúng tôi cảm thấy cảm động, phấn khởi nhất chính là ý chí, động lực, quyết tâm xây cuộc sống mới, tương lai tốt đẹp hơn. Họ tổ chức những cuộc họp, cùng nhau bàn bạc, thống nhất, đồng lòng đi trên cùng một con đường, cùng hướng về phía trước, cùng xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, phát triển các mô hình sản xuất, cùng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống… Đó là “cuộc cách mạng” cả trong ý nghĩ và hành động với tâm thế tích cực, chủ động.

[E-Magazine] - Khi giấc mơ “an cư”… thành hiện thực

Dẫu biết rằng, kết quả đạt được trong công tác sắp xếp dân cư vùng nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét tại khu vực miền núi tỉnh Thanh mới chỉ là bước đầu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của người dân. Những mệnh đề khó như: nguồn vốn, quỹ đất, các cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời, tạo sinh kế ổn định cuộc sống… vẫn luôn được đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện. Và quan trọng hơn tất thảy, làm sao để phát huy tối đa giá trị, ý nghĩa, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững tại các khu TĐC? An cư lạc nghiệp luôn là khao khát, giấc mơ của đồng bào vùng cao.

Hương Thảo - Phạm Nam

Xuất bản: 3:21:09:2022:14:30

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM