(Baothanhhoa.vn) - Mới đây, ông Tần Cương đã bị bãi nhiệm khỏi chức Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Từ vị Ngoại trưởng trẻ nhất khi được bổ nhiệm ngày 30-12-2022, ông Tần đã trở thành người nắm giữ chức vụ này trong thời gian ngắn nhất lịch sử - chỉ vỏn vẹn 7 tháng. Ông Vương Nghị, hiện là Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời cũng là người tiền nhiệm của ông Tần, sẽ quay trở lại đảm nhận vị trí này.

Việc miễn nhiệm Ngoại trưởng Tần Cương và giải pháp tình thế của Trung Quốc

Mới đây, ông Tần Cương đã bị bãi nhiệm khỏi chức Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Từ vị Ngoại trưởng trẻ nhất khi được bổ nhiệm ngày 30-12-2022, ông Tần đã trở thành người nắm giữ chức vụ này trong thời gian ngắn nhất lịch sử - chỉ vỏn vẹn 7 tháng. Ông Vương Nghị, hiện là Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời cũng là người tiền nhiệm của ông Tần, sẽ quay trở lại đảm nhận vị trí này.

Việc miễn nhiệm Ngoại trưởng Tần Cương và giải pháp tình thế của Trung Quốc

Ông Tần Cương khi còn giữ chức Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ. Ảnh: Xinhua.

Trước khi có thông báo miễn nhiệm, Ngoại trưởng Tần Cương đã vắng mặt trước công chúng trong vòng một tháng. Lần gần nhất ông xuất hiện trước ống kính truyền thông là vào ngày 25-6, sau khi ông tiếp đón các quan chức từ Sri Lanka, Việt Nam và Nga tại Bắc Kinh.

Đầu tháng 7, cuộc gặp giữa Tần Cương và người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell bị phía Trung Quốc hủy bỏ ngay trước ngày diễn ra dự kiến. Sau đó, ông Tần Cương cũng bỏ lỡ Hội nghị Bộ trưởng ASEAN tại Indonesia ngày 11-7 vì “lý do sức khỏe”. Tần Cương cũng không có mặt để tiếp đón Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Đặc phái viên John Kerry trong chuyến thăm của họ tới Trung Quốc.

Phía Trung Quốc đã không cung cấp thêm thông tin về ông Tần Cương và đã xóa những nội dung liên quan đến nhân vật này khi đăng tải biên bản các cuộc họp báo. Kể từ sau thông báo miễn nhiệm ngày 25-7, thông tin về nhiệm kỳ Ngoại trưởng của Tần Cương đã bị ẩn đi trên website Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các tin tức liên quan đến ông cũng đã chịu sự kiểm duyệt trên các trang mạng xã hội của nước này.

Sự tuột dốc bí ẩn của “ngôi sao mới nổi” Tần Cương

Kể từ năm 2021, Tần Cương đã có những bước thăng tiến ngoạn mục mà thông thường phải mất hàng thập kỷ kiên trì mới đạt được. Chỉ trong vòng 2 năm, từ vị trí Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ – phụ trách mối quan hệ phức tạp bậc nhất và ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cuối năm 2022, Tần Cương được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng, vượt qua những ứng viên kỳ cựu trong Bộ để trở thành Ngoại trưởng trẻ tuổi nhất lịch sử CHND Trung Hoa. Sự nổi lên thần tốc của Tần Cương thể hiện mối quan hệ gần gũi và niềm tin tưởng lớn giữa Tập Cận Bình và Tần Cương, khi ông Tập ngày càng củng cố quyền lực của mình thông qua những quan chức trung thành với tầm nhìn của ông và sẵn sàng thực thi nó.

Việc miễn nhiệm Ngoại trưởng Tần Cương và giải pháp tình thế của Trung Quốc

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã cầm Hiến pháp Trung Quốc lên đọc sau câu hỏi về Đài Loan trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 7-3. Ảnh: EPA-EFE.

Ông Tần Cương bị miễn nhiệm ngay giữa một thời điểm nhạy cảm đối với ngoại giao Trung Quốc. Nước này đang đối mặt với nhiệm vụ ổn định lại mối quan hệ trắc trở với Mỹ và giành lại sự tin tưởng từ một EU vốn nghi ngại mối quan hệ gần gũi Nga - Trung. Việc bộ mặt đại diện cho Trung Quốc trong lĩnh vực đối ngoại đột ngột “biến mất” ngay trong lúc ngoại giao Trung Quốc gặp nhiều thách thức gợi ý rằng vị Ngoại trưởng đang gặp phải một vấn đề nghiêm trọng đến mức khiến ông mất chức chỉ sau 7 tháng tại vị.

Sự biến mất không báo trước của ông Tần Cương dĩ nhiên đã làm dấy lên hàng loạt những nghi ngờ và thuyết âm mưu về nguyên nhân “ngã ngựa” của vị Ngoại trưởng 57 tuổi, tạo ra điều tiếng không mong muốn cho chính quyền Trung Quốc. Nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra, từ những tin đồn về việc Tần Cương ngoại tình, cho tới những trường hợp nghiêm trọng hơn như bê bối chính trị, gián điệp hay tranh giành quyền lực trong nội bộ.

Trên thực tế, việc các quan chức Trung Quốc đột nhiên “mất dấu” không phải là một điều hiếm thấy trong đời sống chính trị của đất nước này. Trong quá khứ, nhiều nhân vật đã buộc phải rút lui khỏi chính trường, bặt vô âm tín trong một thời gian dài để rồi trở lại với tư cách là đối tượng của các cuộc điều tra tham nhũng, vi phạm kỷ luật Đảng...

Tình hình của Tần Cương hiện nay có nhiều điểm tương đồng, và nhiều khả năng là ông cũng rơi vào trường hợp này. Song cũng giống như các trường hợp khác, Trung Quốc sẽ không đưa ra lý do cụ thể ngay lúc này, mà sẽ chờ đợi đến khi dư luận lắng xuống mới đưa ra thông báo chính thức. Điều này sẽ giúp Trung Quốc linh hoạt trong các quyết định đối với ông Tần Cương - người vẫn nắm giữ chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc vụ viện, chỉ đứng dưới Phó Thủ tướng và trên Bộ trưởng.

Cho đến nay, chưa có quyết định điều tra nào đối với Tần Cương được công bố. Do đó, ông Tần Cương vẫn có khả năng tiếp tục sự nghiệp chính trị của mình ở một vai trò mờ nhạt giống trường hợp của Triệu Lập Kiên – người đã bị thôi chức Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc và điều chuyển công tác đến một vụ về biển của nước này. Tuy nhiên, việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc xóa hết thông tin về nhiệm kỳ Bộ trưởng của ông Tần trên trang chủ của họ và cố gắng xóa bỏ mọi đề cập về ông trong thời gian gần đây cho thấy xác suất của khả năng nêu trên là rất thấp.

Cách xử lý vấn đề ông Tần Cương của chính quyền Trung Quốc cũng thể hiện một sự bị động nhất định về phía Bắc Kinh. Trung Quốc ban đầu viện dẫn lý do sức khỏe để giải thích cho sự vắng mặt của ông Tần Cương, nhưng về sau từ chối cung cấp thêm thông tin khi dư luận ngày càng nghi ngờ về tung tích của vị Ngoại trưởng này. Trong lúc đó, Vương Nghị đã phải liên tục thế chỗ cho Tần Cương trong lúc những hoạt động đối ngoại của Trung Quốc diễn ra dày đặc. Việc bổ nhiệm ông Vương Nghị trở lại vị trí Ngoại trưởng cũng diễn ra có phần gấp gáp, khi cuộc họp bất thường về công tác nhân sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc được thông báo chỉ một ngày trước khi diễn ra sự kiện.

Vương Nghị quay trở lại - biện pháp tạm thời hay hướng đi lâu dài?

Vương Nghị hiện là Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - nơi hoạch định chính sách đối ngoại của đất nước. Trên thực tế, Vương Nghị là nhà ngoại giao số một của Trung Quốc, là “cấp trên” của Tần Cương. Việc ông Vương Nghị phải cùng lúc đảm nhiệm cương vị của người hoạch định và người thực thi chính sách cho thấy đây là một phương án trước mắt an toàn nhất, trong khi chờ đợi một nhân sự phù hợp cho vị trí Ngoại trưởng trong tương lai.

Vương Nghị chính là người tiền nhiệm của Tần Cương, nắm giữ chức vụ Ngoại trưởng Trung Quốc từ năm 2013 đến 2022. Là một nhà ngoại giao có thâm niên và kinh nghiệm hàng đầu trên thế giới, ông đã khẳng định uy tín với vai trò một người điều phối xuất sắc các mối quan hệ của Trung Quốc trong quá khứ. Do đó trở thành gương mặt quen thuộc cần thiết, một người có khả năng đem lại sự ổn định cho Trung Quốc trong lúc tình hình đất nước và thế giới có nhiều xáo trộn. Uy tín của Vương Nghị sẽ giúp Trung Quốc vượt qua những nhiệm vụ ngoại giao khó khăn, chồng chéo trong thời điểm bản lề của sức mạnh Trung Hoa trên trường quốc tế hiện nay.

Việc miễn nhiệm Ngoại trưởng Tần Cương và giải pháp tình thế của Trung Quốc

Vương Nghị là nhà ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tuy tạo ra nhiều lời đồn đoán và bàn tán, song việc bãi nhiệm Tần Cương không phải là một sự kiện chấn động và sẽ không tạo ra bất cứ sự thay đổi nào trong đường lối đối ngoại của Trung Quốc. Bản thân Tần Cương khi đương nhiệm cũng chỉ hành động theo chính sách mà Vương Nghị, cao hơn là ông Tập, đề ra. Cả Tần Cương và Vương Nghị đều nổi tiếng với phong cách ngoại giao “chiến lang” – sử dụng những phát ngôn mạnh mẽ, cứng rắn để áp đặt lợi ích của Trung Quốc trong lĩnh vực đối ngoại. Việc thay thế một nhà ngoại giao “chiến lang” bằng một nhà ngoại giao “chiến lang” thậm chí còn quyết liệt hơn cho thấy Trung Quốc sẽ không từ bỏ cách tiếp cận trực diện này, vốn phù hợp với tầm nhìn của Tập Cận Bình trước cơ hội đưa Trung Quốc lên vị trí lãnh đạo thế giới.

Nhưng đồng thời, Trung Quốc cũng nhận thức được nhu cầu xây dựng một hình ảnh thân thiện và đáng tin cậy hơn với thế giới, vừa khẳng định vị thế, vừa thể hiện sự khiêm nhường. Do đó, Trung Quốc có thể linh hoạt về mức độ ngoại giao “chiến lang” tùy vào tình hình thế giới và khả năng thực tế của họ. Trong bối cảnh bản thân nước này đang gặp khó khăn trong nước và cần giành sự tin tưởng từ Mỹ và châu Âu để giải quyết những vấn đề quốc tế hệ trọng, nhiều khả năng Vương Nghị sẽ cẩn trọng hơn trong việc sử dụng phong cách “chiến lang” và tập trung khai thác uy tín cá nhân để hoàn thành những nhiệm vụ đối ngoại trước mắt của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc miễn nhiệm Ngoại trưởng Tần Cương giữa lúc nước này đối mặt với nhiều nhiệm vụ đối ngoại khó khăn, tuy đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về nguyên nhân của sự việc và số phận của vị Ngoại trưởng này, song sẽ không gây xáo trộn đáng kể trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Sự quay trở lại của Vương Nghị ở cương vị Ngoại trưởng là giải pháp an toàn cần thiết nhằm lèo lái ngoại giao Trung Quốc vượt qua thử thách trước khi một phương án nhân sự lâu dài được quyết định.

Minh Nhuận – Quỳnh Trang


Minh Nhuận – Quỳnh Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]