(Baothanhhoa.vn) - Hành trình vượt biển từ Libya hoặc Tunisia qua Địa Trung Hải để đến châu Âu là tuyến đường di cư nguy hiểm nhất trên thế giới, theo Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên hợp quốc.

Nhức nhối vấn nạn buôn người vượt Địa Trung Hải

Hành trình vượt biển từ Libya hoặc Tunisia qua Địa Trung Hải để đến châu Âu là tuyến đường di cư nguy hiểm nhất trên thế giới, theo Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên hợp quốc.

Nhức nhối vấn nạn buôn người vượt Địa Trung Hải

Những con tàu chở quá tải người từ Libya vượt Địa Trung Hải đến châu Âu.

Những “cỗ quan tài nổi” vượt biển Địa Trung Hải

Một con tàu nhồi nhét hàng trăm người, gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã bị lật ở ngoài khơi bờ biển Hy Lạp ngày 14-6 trong hành trình trên đường tới Italy. Đây là vụ đắm tàu mới nhất và những số liệu mới nhất cho thấy nó có thể là vụ việc gây chết người nhiều nhất trong nhiều năm qua, liên quan tới vấn nạn buôn người vượt biển Địa Trung Hải đang ngày càng nhức nhối.

Lực lượng bảo vệ bờ biển, hải quân, tàu buôn và máy bay của Hy Lạp đã phát động một chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn quy mô lớn sau khi chiếc thuyền đánh cá chở người di cư bị lật và chìm vào sáng sớm thứ Tư, cách phía nam bán đảo Peloponnese khoảng 75 km về phía tây nam. Cho đến nay, 79 thi thể đã được trục vớt và 104 người đã được giải cứu. Không rõ có bao nhiêu người mất tích, nhưng một số báo cáo ban đầu cho thấy hàng trăm người có thể đã ở trên tàu. Đây có thể là vụ tai nạn lật tàu thảm khốc nhất kể từ đầu năm cho tới nay.

Nhức nhối vấn nạn buôn người vượt Địa Trung Hải

Đường đi và vị trí bị lật của chiếc thuyền chở người di cư trên Địa Trung Hải vào ngày 14-6 vừa qua. Ảnh đồ họa: AP

Những người sống sót nói, có tới 750 người, cả đàn ông, phụ nữ, trẻ em ở trên con tàu. Cũng có nghĩa, số người thiệt mạng sẽ còn nhiều hơn. Ủy viên châu Âu phụ trách Nội vụ đánh giá, đây có thể là một trong những thảm kịch tồi tệ nhất trên Địa Trung Hải.

Ngay cả trước vụ tai nạn này, những số liệu gần đây cho thấy, con đường di cư Địa Trung Hải đang ngày càng nguy hiểm hơn. 4 tháng đầu năm 2023, gần 1.000 người tị nạn đã chết đuối ở Địa Trung Hải, khiến nơi đây trở thành quãng thời gian chết chóc nhất trong 6 năm qua. Còn nếu tính từ năm 2014, khoảng 27.000 người di cư đã chết hoặc mất tích trên biển Địa Trung Hải, theo báo cáo của Tổ chức Di cư Quốc tế.

Liên tiếp nhiều tuần, nhiều tháng qua, các quốc gia châu Âu như Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha đã ghi nhận các vụ chìm tàu chở người di cư bất hợp pháp. Hoạt động của tội phạm buôn người đang gia tăng mạnh và nỗi ám ảnh khủng hoảng di cư dường như đang trở lại.

Ý đã ghi nhận lượng lớn người di cư đến châu Âu một cách “bất thường” trong năm nay, với 55.160 người tính tới thời điểm hiện tại. Con số này cao hơn gấp đôi so với 21.884 người trong cùng kỳ năm 2022 và 16.737 người vào năm 2021. Những người di cư chủ yếu đến từ Bờ Biển Ngà, Ai Cập, Guinea, Pakistan và Bangladesh, theo dữ liệu của Bộ Nội vụ Ý.

Sự gia tăng nói trên lại diễn ra trong bối cảnh các quan chức về người tị nạn của Liên hợp quốc lưu ý rằng tổng số người di cư tìm cách đến châu Âu theo cách này nói chung lại đang giảm xuống, trung bình khoảng 120.000 người mỗi năm.

Ngoài tuyến đường Trung Địa Trung Hải chết chóc, tuyến đường Tây Địa Trung Hải cũng được những người di cư sử dụng để tìm cách đến Tây Ban Nha từ Morocco hoặc Algeria. Tuyến đường Đông Địa Trung Hải theo truyền thống được sử dụng bởi những người di cư từ Syria, Iraq, Afghanistan, khi họ sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó cố gắng đến Hy Lạp hoặc các điểm đến khác ở châu Âu.

Ngay cả trước vụ tai nạn ngày 14-6, ít nhất 1.039 người được cho là đã mất tích khi cố vượt qua biển Địa Trung Hải trong năm nay. Con số thực được cho là cao hơn nhiều lần do có khả năng một số con tàu đắm chưa được tìm thấy và được ghi nhận. Tính chung, Tổ chức Di cư Quốc tế đã thống kê hơn 27.000 người di cư mất tích ở Địa Trung Hải kể từ năm 2014.

Vào ngày 18/4/2015, vụ đắm tàu thảm khốc nhất ở Địa Trung Hải đã xảy ra khi một chiếc thuyền chở người di cư quá đông va chạm ngoài khơi Libya với một tàu chở hàng đang cố gắng đến giải cứu. Chỉ có 28 người sống sót. Các chuyên gia pháp y đã kết luận vào năm 2018 rằng có 1.100 người di cư trên con tàu.

Vào ngày 3/10/2013, một tàu đánh cá chở hơn 500 người, đa phần đến từ Eritrea và Ethiopia, đã bốc cháy và lật úp ở ngoài khơi đảo Lampedusa, miền nam nước Ý. Ngư dân địa phương đã nhanh chóng tham gia cứu hộ. 155 người đã sống sót và 368 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn.

Một vụ đắm tàu khác xảy ra chỉ một tuần sau đó vào ngày 11/10/2013 ở ngoài khơi phía nam quần đảo Lampedusa của Ý. Có tới 60 trẻ em trong số hơn 260 người đã chết trong vụ tai nạn đau lòng liên quan đến vấn nạn buôn người di cư trên biển Địa Trung Hải này.

Nỗi ám ảnh khủng hoảng di cư trở lại

Hy Lạp là tâm điểm của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu vào những năm 2015-2016. Và vài tháng trở lại đây, vấn đề này lại đang nóng lên.

Ngay trước khi xảy ra thảm kịch di cư vài ngày, Bộ trưởng các nước châu Âu đã đạt được thỏa thuận cải cách Quy chế tị nạn và di cư, trong đó có các biện pháp chuyển tiếp người xin tị nạn bị từ chối đến các nước thứ ba một cách an toàn. Trước đó, Ủy ban châu Âu đã đề xuất các nước thành viên chia sẻ gánh nặng tiếp nhận người xin tị nạn và củng cố biên giới, đồng thời đưa ra các kế hoạch hành động cho ba tuyến đường di cư chính gồm 2 tuyến đi qua phía Tây và trung tâm Địa Trung Hải, tuyến đường thứ ba đi qua vùng Balkan.

Nhức nhối vấn nạn buôn người vượt Địa Trung Hải

Hình ảnh một con tàu tị nạn của người Libya bị lật nghiêng trên biển Địa Trung Hải.

Quy trách nhiệm cho các tổ chức, băng nhóm buôn người gây ra thảm họa chìm tàu di cư, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu khẳng định, Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu diễn ra cuối tháng 6 này sẽ ưu tiên thảo luận về giải pháp chấm dứt hoạt động của các băng nhóm buôn người, đồng thời đầu tư thêm các con đường hợp pháp giúp người tị nạn muốn tìm sự bảo vệ ở châu Âu.

Việc nới lỏng các quy định phòng dịch lại đúng thời điểm nhiều nước châu Âu đối mặt kinh tế suy yếu do đại dịch và tác động của xung đột ở Ukraine. Là điểm đến được người di cư ưu tiên lựa chọn, châu Âu luôn phải lo giải bài toán người tị nạn, cũng là vấn đề gây chia rẽ trong EU. Các nước châu Âu chưa thống nhất được là quốc gia nào sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận những người di cư bất hợp pháp, cũng như nghĩa vụ hỗ trợ người di cư của các nước láng giềng và đối tác.

Một số nước ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn trong chính sách tị nạn, nhưng một số nước, trong đó có Ðức, vốn phụ thuộc vào nguồn lao động di cư, lại quan tâm tới lợi ích từ người di cư và từ chối xây dựng các hàng rào cứng, cũng như không muốn gây sức ép bằng cách rút viện trợ phát triển hoặc thị thực đối với các nước là xuất phát điểm của người di cư. Bất đồng nảy sinh liên quan kiểm soát dòng người tị nạn đổ vào châu Âu khiến EU vẫn loay hoay với bài toán không dễ tìm lời giải này.

Frontex - cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển của Liên minh châu Âu (EU) - cho biết, trong 5 tháng đầu năm nay, số người di cư vượt biên qua Địa Trung Hải đến châu Âu đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Frontex, trong thời gian này, hơn 50 nghìn người di cư đã vượt biên qua tuyến đường Trung Địa Trung Hải để vào EU - đây là con số cao nhất kể từ năm 2017. Cơ quan này cho biết, Địa Trung Hải vẫn là tuyến đường di cư chính vào EU, chiếm gần 50% số người nhập cảnh bất hợp pháp vào khu vực kể từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, tổng số người di cư tìm cách vào các quốc gia EU qua các tuyến đường đã tăng 12% so với 1 năm trước.

Lan Phương (Nguồn AP, ABC)


Lan Phương (Nguồn AP, ABC)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]