(Baothanhhoa.vn) - Nhân kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống, Đội Thanh niên xung phong (TNXP) N237, Ban Xây dựng 67 Trường Sơn đã tổ chức cho cán bộ, hội viên thăm lại chiến trường Trường Sơn, giao lưu, tặng quà cho một số bản thuộc vùng sâu, vùng xa, dâng hương tri ân đồng chí, đồng đội đã ngã xuống cho sự trường tồn của dân tộc.

Trường Sơn - Cảm xúc ngày trở lại

Nhân kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống, Đội Thanh niên xung phong (TNXP) N237, Ban Xây dựng 67 Trường Sơn đã tổ chức cho cán bộ, hội viên thăm lại chiến trường Trường Sơn, giao lưu, tặng quà cho một số bản thuộc vùng sâu, vùng xa, dâng hương tri ân đồng chí, đồng đội đã ngã xuống cho sự trường tồn của dân tộc.

Trường Sơn - Cảm xúc ngày trở lạiCác cựu TNXP thăm Làng Ho, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh tác giả cung cấp)

Đoàn có 32 đồng chí, xuất phát từ TP Thanh Hóa dọc theo Quốc lộ 1A chạy thẳng vào Quảng Bình, dừng lại ở Vũng Chùa - Đảo Yến thắp hương tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng rất tiếc đã 12h trưa, trạm đón tiếp đóng cửa. Xe đành quay ra. Xe tiếp tục đi vào tuyến trong, dừng lại ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Đây là điểm máy bay Mỹ bắn phá vô cùng ác liệt. Do đó xã này có tới hai nghĩa trang liệt sĩ. Một nghĩa trang do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý, một nghĩa trang do xã quản lý. Chúng tôi vào nghĩa trang do xã quản lý vì ở đây đang có hơn 300 ngôi mộ của các cán bộ, chiến sĩ TNXP đã hy sinh trên tuyến đường 16, Đông Trường Sơn. Đây cũng là nơi cắm chốt đầu tiên của lực lượng thanh niên xung phong Thanh Hóa chi viện cho tuyến lửa Quảng Bình. Do có sự liên hệ trước nên khi chúng tôi đến nơi đã có các đơn vị TNXP của xã và lãnh đạo xã đón tiếp. Đoàn vào dâng hương tượng đài, chia nhau đi từng hàng mộ thắp hương, tìm gặp lại những đồng đội của mình.

Giao lưu với cán bộ xã, chúng tôi được biết, Vạn Ninh là xã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và nay đang là xã NTM kiểu mẫu. Ngắm nhìn quang cảnh làng quê, điện, đường, trường, trạm khá khang trang ai cũng thấy vui như chính xóm làng mình đang đổi mới. Qua Vạn Ninh, xe tiếp tục đưa đoàn về xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy giao lưu với địa phương. Do có sự vận động quyên góp từ trước, chúng tôi đã có khá nhiều sách vở, quần áo tặng cho bà con Nhân dân các điểm đoàn đến giao lưu. Ở Vạn Ninh và Hoa Thủy, chúng tôi đã tặng cho Hội Cựu TNXP truyền thống Đường Trường Sơn Hồ Chí Minh mỗi xã 60 bộ quần áo TNXP.

Ngày thứ hai, đoàn tiếp tục hành quân theo đường 16, dừng lại ở ngã tư Thạch Bàn thăm lại suối Bang, suối nước nóng ngày xưa chúng tôi thường ra tắm nay đã thành khu du lịch. Trên đường đi, đoàn đã đến giao lưu với xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), tặng 3 thùng sách vở cho trường THCS của xã. Ở đâu đoàn cũng được địa phương đón tiếp nghĩa tình như người thân sau bao ngày gặp lại nên trong mỗi chúng tôi ai cũng bồi hồi xúc động. Nhiều kỷ niệm khó quên lại trào dâng. Tuyến đường 16 đơn vị quản lý dài 84km. Điểm đầu là ngã tư Thạch Bàn. Ở đây có bia đá tưởng niệm ghi tên những người đã hy sinh. Đoàn dừng lại chụp ảnh lưu niệm, hồi tưởng lại những trận bom của giặc Mỹ đã trút xuống đây, những trận hợp đồng binh chủng tác chiến khiến máy bay Mỹ bốc cháy dữ dội...

Đoàn tiếp tục có cuộc hành quân qua dốc Khỉ vượt đèo 1.001 đến ngã ba Dân Chủ. Ở đây có 34 chiến sĩ N237 đã ngã xuống. Để tri ân đồng đội, đơn vị đã góp công, góp của, đấu mối với chính quyền địa phương để được dựng nhà bia tưởng niệm. Người có công lớn nhất ở đây là Trưởng Ban liên lạc Hoàng Mạnh Hùng. Anh đã lo khảo sát, thiết kế, ở lại vài tháng trong rừng lo vật liệu, thuê thợ xây. Nguyên chuyện lấy nước đánh hồ cũng phải gùi hàng trăm mét vượt dốc đưa lên. Bây giờ đã có nhà bia tưởng niệm, lại được các cán bộ đồn biên phòng đảm nhận trông nom ai cũng thấy yên lòng.

Lần này trở lại, chúng tôi rất vui khi thấy những cây hoa đem từ Thanh Hóa vào trồng đã to, cao, nở hoa trắng xóa cả vùng đồi. Rời ngã ba Dân Chủ, đoàn vào thăm, giao lưu với Đồn Biên phòng Hướng Lập, Đồn Biên phòng Cù Bai, cùng Nhân dân bản Cợt, bản Sê Pu, Bản Cù Bai ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Ở các bản đến thăm, tuy đường rừng núi đi lại khó khăn phải mượn xe của đồn biên phòng mới đến được, nhưng đoàn đều có quà. Đó là những thùng quần áo quyên góp trước lúc đi để trao tặng cho bà con, gửi gắm tình cảm, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa dân làng đã cưu mang, ăn rau rừng, nhường cơm cháo cho TNXP. Đặc biệt, với Đồn Biên phòng Cù Bai đã luôn lo chu toàn, chu tất nơi ăn, nơi ngủ nghỉ mỗi khi đơn vị vào thăm. Lần này có dịp trở lại, có chị em đã nhổ su hào, cà rốt từ vườn nhà và đem nem chua Thanh Hóa vào trao tặng để cùng chung vui bữa cơm đầm ấm, thân thương.

Ngày thứ ba, đoàn tiếp tục vượt đèo Sa Mu, thăm di tích sân bay Tà Cơn, Làng Vây, Nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị). Ở đây có nhiều kỷ niệm khó quên. Anh em trong đoàn đã kể cho nhau nghe, kỷ niệm nhớ nhất là những chuyến được điều động đi gùi hàng. Hàng hóa thì đủ cả súng ống, đạn dược, kể cả xe tăng được tháo rời để khuân vác vào chiến trường. Nhẹ nhất là 30 - 40kg, có khối hàng đến nửa tạ. Hàng được vác theo tuyến sông Sê Băng Hiêng đi đến cả vài chục km phục vụ cho cứ điểm làng Vây, Đường 9 Nam Lào. Thật bất ngờ người lo hậu cần cho chuyến đi này là Trương Thị Nga lại chính là dũng sĩ gùi hàng năm xưa. Các anh, các chị đã góp phần công sức để lần đầu tiên xe tăng ta xuất kích tại làng Vây khiến giặc Mỹ bạt vía, kinh hồn. Còn ở Nhà tù Lao Bảo, đoàn đã được nghe kể về chiến tích của các vị tiền bối lão thành cách mạng làm ai nấy đều bồi hồi xúc động.

Trường Sơn - Cảm xúc ngày trở lạiDâng hương Nghĩa trang Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh tác giả cung cấp)

Buổi chiều cùng ngày toàn đoàn đã vượt qua Cửa khẩu Lao Bảo đến thăm Bản Đông và Nhà bảo tàng của nước bạn Lào; thăm lại di tích đường Tây Trường Sơn. Buổi tối đoàn giao lưu với Hội Trường Sơn huyện Hướng Hóa.

Ngày thứ tư đoàn viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Đặc biệt là dâng hương tri ân liệt sĩ khu nghĩa trang dành cho tỉnh Thanh Hóa. Ngoài dâng hương tưởng niệm, đọc lời tri ân tại tượng đài, đoàn chia nhau đi thắp hương cho từng phần mộ. Có đồng chí đã bật khóc khi nhận ra mộ của người thân trong xã, trong huyện.

Trên đường về Thanh Hóa, đoàn đã trở lại thắp hương cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tuy phải vượt dốc để lên mộ, nhiều người thở không ra hơi nhưng ai cũng thấy phải cố gắng. Lúc này câu nói của Đại tướng “Tôi luôn coi TNXP như bộ đội vì trong TNXP có phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ” đã tiếp cho chúng tôi thêm sức mạnh để vươn tới. Chúng tôi đã khóc nhớ Đại tướng với cả tấm lòng tôn kính và biết ơn vô hạn.

Trở về Thanh Hóa sau một chuyến đi dài, tuy mệt nhưng ai cũng thấy vui vì đã làm được những việc tốt vì nghĩa tình đồng đội, những việc khó quên về tình quân dân cá nước. Tận mắt chứng kiến những đổi thay bất ngờ về vùng quê nơi hố bom xây ngôi nhà mới, đường mở rộng khang trang đẹp đẽ, càng thêm yêu quê hương đất nước. Kính phục tấm lòng kiên trung của đồng bào các dân tộc, chúng tôi cảm thấy mình phải cố gắng sống xứng đáng hơn vì nghĩa tình đồng đội, vì sự đổi mới vươn lên của người xứ Thanh, người dân đất Việt anh hùng thời đại Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thị Tấn

(Cựu TNXP tỉnh Thanh Hóa)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]