(Baothanhhoa.vn) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Bắt đầu từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ thay đổi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thời điểm này, các trường THPT đang tập trung rèn kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi quan trọng sắp tới.

Trước kỳ thi cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Bắt đầu từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ thay đổi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thời điểm này, các trường THPT đang tập trung rèn kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi quan trọng sắp tới.

Trước kỳ thi cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006Cô và trò Trường THPT Cầm Bá Thước (Thường Xuân) trong giờ ôn tập.

Xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị toàn trường về giải pháp nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Trường THPT Thạch Thành II (Thạch Thành) đã thực hiện tổng thể các giải pháp để nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Thầy Lê Xuân Tuấn, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chú trọng công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức thực thiện, rút kinh nghiệm sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp. Do đó, ban giám hiệu nhà trường đã tập trung xây dựng kế hoạch ôn thi tổng thể bám sát các văn bản hướng dẫn chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); phù hợp với điều kiện, đặc thù riêng của nhà trường, đảm bảo các quy định về thực hiện chương trình, mốc thời gian cho các giai đoạn ôn tập; các yêu cầu về nội dung ôn tập; chú trọng công tác hướng dẫn, tư vấn việc chọn môn thi sao cho phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi học sinh; tiến hành khảo sát nguyện vọng của học sinh và tổ chức chia lớp ôn theo nguyện vọng của học sinh ngoài giờ học chính khóa; đưa chỉ tiêu chất lượng thi tốt nghiệp THPT của học sinh thành tiêu chí để đánh giá thi đua, đánh giá năng lực của cán bộ, giáo viên; duy trì việc tổ chức thi thử cho học sinh vào cuối các đợt ôn thi, chấm thi và thông báo kết quả để học sinh biết, so sánh, tự đánh giá; giáo viên tìm ra những hạn chế của học sinh trong từng phần kiến thức lấy đó làm căn cứ để điều chỉnh việc ôn tập...

Bên cạnh đó, để đảm bảo kiến thức tổng thể và khung chương trình, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên tổ chức tốt việc giảng dạy, ôn tập, kiểm tra đối với các môn không trong danh mục thi tốt nghiệp THPT như Thể dục, Giáo dục quốc phòng, Công nghệ, Tin học. Vì những môn này cũng góp phần quan trọng vào tổng điểm trung bình của lớp 12 để tham gia xét tốt nghiệp. Ngoài ra, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên xây dựng kế hoạch chi tiết hỗ trợ học sinh khi tham gia thi tốt nghiệp để các em dồn tâm sức ôn tập, vững tâm bước vào trường thi.

Cũng theo thầy Lê Xuân Tuấn, giáo viên bộ môn có vai trò hết sức quan trọng, quyết định lớn đến chất lượng các môn thi. Tại Trường THPT Thạch Thành II, căn cứ vào kế hoạch giảng dạy, kế hoạch ôn thi của nhà trường, cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT, giáo viên xây dựng riêng cho mình một kế hoạch giảng dạy và ôn tập cụ thể, chi tiết đến từng chủ đề, chuyên đề và sát đối tượng. Mỗi chuyên đề phải có phần lý thuyết và bài tập, phần lý thuyết sẽ hệ thống lại những kiến thức cơ bản, trọng tâm, phần bài tập có phần bài tập mẫu và bài tập tự làm. Bài tập được phân dạng và theo mức độ từ dễ đến khó phù hợp với từng đối tượng học sinh. Tăng dần các bài tập mở, gần gũi với thực tế đời sống. Chú trọng đến việc dạy kiến thức cơ bản cho học sinh, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm việc giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng, chú ý đến cách trình bày bài đối với môn Ngữ văn, rèn luyện năng lực nhận xét, đánh giá các sự kiện, năng lực diễn đạt cho học sinh; đối với môn ngoại ngữ, học sinh phải biết diễn đạt vấn đề bằng ngôn ngữ riêng của mình. Trong quá trình dạy, giáo viên cũng phải hướng tới cách dạy học hiểu và vận dụng kiến thức để giúp học sinh nắm được bản chất vấn đề.

Mong muốn tạo mọi điều kiện tốt nhất để học sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT với tâm lý tự tin và đạt kết quả cao nhất, thầy Lê Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cầm Bá Thước (Thường Xuân) chia sẻ: Nhà trường hiện có 400 học sinh lớp 12, trong đó có 296 em có nguyện vọng xét tuyển đại học. Kỳ thi năm nay là kỳ thi cuối cùng của chương trình giáo dục phổ thông 2006, do đó, nhà trường rất trăn trở làm thế nào để học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và đỗ đại học với số lượng nhiều nhất. Do đó, bên cạnh việc tổ chức ôn tập tối đa 5 buổi/tuần vào buổi chiều đối với khối 12, nhà trường cũng theo sát, phối hợp với phụ huynh học sinh động viên các em chuyên cần đến lớp, nỗ lực ôn tập để đạt kết quả cao nhất.

Tuy nhiên, theo thầy Lê Thanh Chương, cái khó hiện nay của nhà trường là tình trạng thiếu giáo viên. Trường hiện thiếu giáo viên môn tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Trong khi đó, trong tổng số 400 học sinh khối 12, chỉ có 59 em đăng ký dự thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, số còn lại đăng ký dự thi Khoa học xã hội. Do đó, giáo viên dạy các môn Khoa học xã hội hiện bị “quá tải”. Nhà trường đã cố gắng sắp xếp giáo viên có kinh nghiệm, năng lực tốt nhất để ôn thi cho học sinh.

Hiện nay, các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh đang tăng cường ôn tập cho học sinh ở phần vận dụng và vận dụng cao hướng đến thực tiễn để tạo cơ hội cho các thí sinh có năng lực khá, giỏi “lấy điểm”. Ngoài ra, tổ chức các lần thi thử cho học sinh rèn luyện kỹ năng, tâm lý làm bài, giáo viên đánh giá năng lực và rút kinh nghiệm để kịp thời bổ sung kiến thức trong quá trình giảng dạy cũng đang được các trường học đẩy mạnh thực hiện.

Ngay sau khi UBND tỉnh phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có văn bản triển khai, hướng dẫn công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cụ thể, chi tiết, bám sát Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Bà Phạm Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết: Sở đã chỉ đạo các trường THPT trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục năm học 2023-2024 hiệu quả, khẩn trương, đồng đều. Trong đó, chú ý đến việc đảm bảo tiến độ và phạm vi kiến thức theo quy định; không để xảy ra tình trạng mất giờ dạy, mất tiết học. Cùng với đó, Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các nhà trường thường xuyên ôn luyện kiến thức và kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12. Sở GD&ĐT tổ chức 2 kỳ khảo sát chất lượng cho học sinh khối 12 trên địa bàn toàn tỉnh để vừa cho các em làm quen với kỳ thi tốt nghiệp vừa để các nhà trường có căn cứ đánh giá, điều chỉnh quá trình dạy học với phương châm tiếp cận có hiệu quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Cùng với đó, chỉ đạo các nhà trường bám sát đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, trong đó, chú trọng những nội dung liên quan đến vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề thực tiễn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]