(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 2/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị huyện Triệu Sơn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc triển khai công tác dân vận của Đảng, nhất là xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” ở cơ sở, góp phần kịp thời giải quyết nhiều việc khó, phức tạp tại địa phương, không để hình thành điểm nóng.

Triệu Sơn thực hiện “Dân vận khéo” để không phát sinh “điểm nóng”

Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 2/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị huyện Triệu Sơn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc triển khai công tác dân vận của Đảng, nhất là xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” ở cơ sở, góp phần kịp thời giải quyết nhiều việc khó, phức tạp tại địa phương, không để hình thành điểm nóng.

Triệu Sơn thực hiện “Dân vận khéo” để không phát sinh “điểm nóng”Cán bộ huyện Triệu Sơn tuyên truyền, vận động Nhân dân mở rộng đường giao thông nông thôn.

Năm 2023, trên địa bàn huyện Triệu Sơn có 44 dự án đang triển khai thực hiện. Trong đó có một số dự án trọng điểm của tỉnh và địa phương với khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB) lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân trên địa bàn. Huyện Triệu Sơn xác định, thực hiện hiệu quả công tác GPMB là điều kiện căn bản để đẩy nhanh tiến độ các dự án, góp phần từng bước hoàn thiện, phát triển kết cấu hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Từ quan điểm ấy, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện đã vận dụng sáng tạo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân vận kém thì việc gì cũng khó, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” để tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong GPMB các dự án.

Dự án đường từ trung tâm TP Thanh Hóa nối với đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn có chiều dài 11,2km, trong đó đoạn đi qua địa phận huyện Triệu Sơn dài khoảng 10km. Dự án có diện tích đất phải thu hồi tương đối lớn, hơn 43 ha với 626 hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, công tác GPMB dự án đoạn đi qua địa phận huyện có thời gian bị chững lại vì 13 hộ dân ở các xã Đồng Thắng, Đồng Lợi còn băn khoăn, kiến nghị về đơn giá bồi thường đất bị thu hồi. Để gỡ “nút thắt”, Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn đã có cuộc đối thoại trực tiếp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, giải thích cho người dân hiểu rõ các chính sách hỗ trợ, bồi thường GPMB của Nhà nước và ý nghĩa, tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, huyện Triệu Sơn nói riêng. Cùng với đó, hệ thống dân vận từ huyện đến cơ sở đã cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động các hộ dân đồng thuận với chủ trương lớn của tỉnh. Cùng với “Dân vận khéo”, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Triệu Sơn còn công khai chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan đến áp giá đền bù đất đai, kiến trúc, hoa màu, nhằm bảo đảm lợi ích cho người dân bị thu hồi đất. Nhân dân thấy được lợi ích khi tuyến đường được hoàn thành, đưa vào sử dụng, 13 hộ dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công vào cuối tháng 6/2023 vừa qua.

Cùng với “Dân vận khéo” trong GPMB, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Triệu Sơn tăng cường hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các đoàn thể và Nhân dân. Nhận thức rõ hoạt động đối thoại là kênh để thực hành “Dân vận khéo” giải quyết những vấn đề “nóng” ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, Ban Thường vụ Huyện ủy Triệu Sơn đã quán triệt, triển khai nghiêm túc Quyết định số 2543-QĐ/TU ngày 17/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân”. Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở đưa nội dung đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các đoàn thể và Nhân dân vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm.

Với phương châm “Gần dân, sát dân và có trách nhiệm với Nhân dân, tất cả vì lợi ích của Nhân dân”, các cấp ủy, chính quyền trong huyện đã duy trì nghiêm túc hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các đoàn thể và Nhân dân. Trong 5 năm qua, huyện Triệu Sơn đã tổ chức 5 hội nghị đối thoại giữa các đồng chí Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện với MTTQ, các đoàn thể và Nhân dân, bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, với 5.350 người tham dự. Đồng thời, các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện đã tham mưu, tổ chức các hội nghị đối thoại theo chuyên đề giữa đồng chí Chủ tịch UBND huyện với Nhân dân. Ví như 3 hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với bà con tiểu thương các chợ xã Thọ Ngọc, Khuyến Nông, thị trấn Triệu Sơn về chuyển đổi mô hình, quản lý chợ. Đó còn là hội nghị đối thoại giữa đồng chí Chủ tịch UBND huyện với các hộ gia đình thuộc diện phải GPMB để thực hiện một số dự án xây dựng hạ tầng giao thông tại các xã Đồng Tiến, Đồng Thắng, Đồng Lợi, Khuyến Nông, Thái Hòa, Hợp Tiến, Hợp Thành, Thọ Tiến, Thọ Sơn. Đối với cấp xã, từ năm 2018 đến năm 2023 đã tổ chức được 151 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Nội dung các cuộc đối thoại tập trung chủ yếu vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, như: Phát triển sản xuất nông nghiệp, XDNTM, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, khoáng sản, GPMB, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, an ninh trật tự, chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Nhờ làm tốt công tác đối thoại đã giúp cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nắm chắc tình hình từ cơ sở, trực tiếp giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của người dân trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm những vấn đề mà Nhân dân kiến nghị, phản ánh đúng. Từ đó củng cố niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền, hạn chế phát sinh vụ việc phức tạp, kéo dài, không để hình thành “điểm nóng”, cũng như giảm đáng kể đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua.

Hiệu quả của các mô hình “Dân vận khéo”, nhất là việc thực hành “Dân vận khéo” của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong huyện để không phát sinh “điểm nóng” ở cơ sở đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Minh chứng là trong nửa nhiệm kỳ qua, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm của huyện Triệu Sơn đạt 8,7%; cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Cùng với đó, diện mạo của huyện ngày càng khởi sắc, đời sống Nhân dân được nâng lên, với thu nhập bình quân đầu người tính đến năm 2023 đạt 61,1 triệu đồng, gấp 1,42 lần so với năm 2020.

Bài và ảnh: Trần Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]