(Baothanhhoa.vn) - Rốt ráo chuyển đổi hằng trăm ha đất để thực hiện đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh với kỳ vọng đây sẽ là “cây thoát nghèo” cho người dân. Niềm tin ấy được vững vàng hơn ở những năm đầu triển khai có hiệu quả. Ít ai nghĩ rằng, ở thời điểm hiện tại, cây gai xanh lại đang trở thành “gánh nặng” với bà con nông dân một số huyện, khi bỏ không đặng, giữ không xong?!

Trăn trở phát triển cây gai xanh

Rốt ráo chuyển đổi hằng trăm ha đất để thực hiện đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh với kỳ vọng đây sẽ là “cây thoát nghèo” cho người dân. Niềm tin ấy được vững vàng hơn ở những năm đầu triển khai có hiệu quả. Ít ai nghĩ rằng, ở thời điểm hiện tại, cây gai xanh lại đang trở thành “gánh nặng” với bà con nông dân một số huyện, khi bỏ không đặng, giữ không xong?!

Trăn trở phát triển cây gai xanhDiện tích gai xanh ít ỏi còn lại tại xã Trí Nang (Lang Chánh). Ảnh: Đình Giang

Vận động chuyển đổi rồi phá bỏ

Lang Chánh là một trong những huyện miền núi tiên phong trong việc phối hợp với Công ty CP Nông nghiệp An Phước - VIRAMIE (gọi tắt là Công ty An Phước) triển khai mở rộng vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ chế biến. Thậm chí ở thời điểm năm 2018, huyện Lang Chánh đã định hướng mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu lên tới 500 ha. Năm 2019, sau nhiều nỗ lực tuyên truyền, xây dựng cơ chế hỗ trợ, thậm chí gắn trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương thông qua việc giao chỉ tiêu phát triển cây gai xanh hằng năm, huyện đã chuyển đổi, mở rộng được hơn 100 ha cây gai xanh. Ở những năm tiếp theo, diện tích cây gai xanh không những không được mở rộng, mà tình trạng phá bỏ, chuyển đổi sang cây trồng khác trở nên phổ biến. Từ 100 ha năm 2019, đến nay toàn huyện chỉ còn một vài ha nhỏ lẻ.

Là Bí thư Chi bộ bản Hắc, xã Trí Nang, ông Hà Đức Liên luôn là một trong những người tiên phong đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, khi nhắc đến cây gai xanh, ông Liên buồn bã: "Ban đầu nhận thức cây gai xanh có nhiều ưu điểm, như: thời gian cho thu hoạch ngắn, giá trị kinh tế cao, được hỗ trợ theo cơ chế của tỉnh, huyện nên bà con nông dân đặt nhiều kỳ vọng, đây sẽ là “cây thoát nghèo”. Để chuyển đổi sang cây gai xanh, gia đình tôi đã khai thác 1,3 ha keo non mới 3 năm tuổi để có đất trồng và nguồn kinh phí đầu tư. Chúng tôi đã được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trồng cây gai xanh theo quy trình, từ khâu đánh giá thổ nhưỡng, khí hậu, chăm bón, tuy nhiên sau hơn 4 tháng xuống giống, cây gai xanh phát triển chậm, chỉ đạt 50cm, cây ra hoa, cỗi dần và không cho thu hoạch. Bà con chặt bỏ, gia đình tôi cũng như những hộ dân khác bị thất thu".

Trái ngược với những hộ trồng cây gai xanh ở xã Trí Nang, cây gai xanh tại xã Đồng Lương lại phát triển hơn kỳ vọng. Hợp thổ nhưỡng, bà con nơi đây còn phát triển thành vùng cung ứng giống cho công ty đưa đi các vùng nguyên liệu khác. Ông Phạm Văn Dũng, Trưởng thôn Thung, một trong những hộ trồng gai xanh cho biết: "Thôn có 6 ha cây gai xanh, với 16 hộ tham gia trồng từ năm 2017. Thời gian đầu, cây gai xanh cho bà con thu nhập ổn định, cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Tuy nhiên, diện tích cây gai xanh chỉ duy trì đến năm 2021 thì bà con phá bỏ". Nguyên nhân chính theo ông Dũng là do công ty thay đổi cơ chế thu mua, từ cây tươi sang thu mua vỏ gai khô với nhiều điều kiện thu mua khắt khe.

“Việc thay đổi này dẫn đến quy trình sơ chế cây gai xanh tại nông hộ trở nên phức tạp. Từ việc đầu tư máy móc, đòi hỏi nhiều nhân công đến quy trình tách sợi, phơi khô, đảm bảo độ ẩm đều rất ngặt nghèo. Bên cạnh đó, hoạt động thu mua của công ty cũng không ổn định, có thời điểm công ty ngừng thu mua, chậm thanh toán, nợ tiền của bà con kéo dài như năm 2022” - ông Dũng phân tích.

Trao đổi về tình trạng người dân không còn mặn mà với việc trồng cây gai xanh, ông Lê Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Lương, cho biết: "Ban đầu để vận động bà con chuyển sang trồng gai xanh là rất khó. Có thôn, cán bộ các đoàn thể phải đi tuyên truyền, vận động bà con mới trồng. Nhưng trồng chưa được bao lâu thì bà con phải phá bỏ, bởi công ty nợ tiền thanh toán, khiến bà con gần như mất niềm tin, còn chính quyền cũng rơi vào tình thế khó xử".

Ông Lê Quang Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh, cho biết thêm: Đến thời điểm hiện tại, đa phần diện tích cây gai xanh trên địa bàn huyện đã được chuyển đổi sang những cây trồng khác. Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng không giao chỉ tiêu về cây gai xanh đối với huyện Lang Chánh.

Sẽ đi về đâu?

Xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) được xem là “thủ phủ gai xanh” với diện tích cả xã là hơn 90 ha. Tuy nhiên, mới đây UBND xã đã có văn bản gửi UBND huyện Cẩm Thủy đề nghị huyện làm việc với Công ty CP Nông nghiệp An Phước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chậm trả tiền nhập vỏ cây gai xanh cho bà con Nhân dân.

Trăn trở phát triển cây gai xanhBà Phạm Thị Thanh, ở thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) lo lắng vì lượng gai xanh tồn kho chưa được công ty thu mua.

Là một trong những hộ trồng cây gai xanh có diện tích lớn của xã, bà Phạm Thị Thanh, thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú cho biết: "Gia đình tôi chuyển đổi 19 ha từ trồng mía sang trồng gai xanh. Tuy nhiên, hơn 2 tháng nay công ty chậm thanh toán tiền nhập vỏ cây gai xanh cho gia đình; chúng tôi cũng đang rất lo lắng vì sản phẩm sau thu hoạch đang chất chồng trong kho lên đến hàng chục tấn, chưa được công ty thu mua, trong khi đó bà con rất khó khăn trong việc bảo quản. Vì vậy, đề nghị công ty cần thực hiện nghiêm túc việc thanh toán theo hợp đồng cho bà con nông dân và sớm thu mua lượng vỏ gai tồn đọng trong dân.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tình trạng Công ty An Phước chậm chi trả tiền cho bà con trồng gai xanh đây không phải là lần đầu. Trước đó, trong khoảng từ tháng 6/2022 đến tháng 2/2023, sau khi nhập vỏ gai khô về nhà máy thì công ty cũng chậm thanh toán tiền cho bà con theo hợp đồng từ 1 - 4 tháng, gây tâm lý lo lắng, không yên tâm sản xuất cho các hộ gia đình.

Trước tình hình trên, UBND huyện Cẩm Thủy đã có Văn bản số 2591/UBND-NN, ngày 16/10/2023 gửi Công ty An Phước đề nghị giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc chậm trả tiền nhập vỏ gai cho các hộ gia đình, cá nhân và việc tạm dừng thu mua vỏ gai xanh của công ty. Đồng thời, đề nghị Ban Giám đốc Công ty An Phước sắp xếp làm việc sớm nhất với UBND huyện Cẩm Thủy để có các biện pháp, giải pháp toàn diện tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên. Tuy nhiên, đến ngày 27/10/2023 công ty vẫn chưa sắp xếp được lịch làm việc với huyện.

Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định 1484/QĐ-UBND, ngày 24/4/2018. Đề án được triển khai trên phạm vi địa bàn của 12 huyện, gồm: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Như Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Triệu Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Hà Trung và Hoằng Hóa. Mục tiêu đến năm 2020, phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh với diện tích 3.000 ha, đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 ổn định diện tích là 6.457 ha.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]