(Baothanhhoa.vn) - Trên địa bàn Thanh Hóa hạ tầng công nghệ thông tin nói chung và hạ tầng phục vụ phát triển thương mại điện tử (TMĐT) nói riêng đã có sự phát triển đáng kể. Các hình thức giới thiệu sản phẩm, mua bán, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến. Do đó, TMĐT được nhiều doanh nghiệp (DN), người dân lựa chọn nhờ ưu thế tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, chi phí sản xuất, tiếp thị, tìm kiếm đối tác...

Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử

Trên địa bàn Thanh Hóa hạ tầng công nghệ thông tin nói chung và hạ tầng phục vụ phát triển thương mại điện tử (TMĐT) nói riêng đã có sự phát triển đáng kể. Các hình thức giới thiệu sản phẩm, mua bán, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến. Do đó, TMĐT được nhiều doanh nghiệp (DN), người dân lựa chọn nhờ ưu thế tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, chi phí sản xuất, tiếp thị, tìm kiếm đối tác...

Thúc đẩy phát triển thương mại điện tửNhân viên cửa hàng điện máy Dũng Hiền đóng gói hàng chuẩn bị giao cho khách mua qua hình thức online.

Theo thống kê của Sở Công Thương, đến nay, toàn tỉnh có 100% DN đã đầu tư thiết bị máy tính có kết nối internet, 45% DN, tổ chức, cá nhân xây dựng trang web; khoảng 80% DN lập fanpage để bán hàng. Hầu hết các DN có cán bộ chuyên trách về TMĐT, bước đầu tiếp cận và sử dụng tốt các công cụ về xúc tiến thương mại, đặt hàng, thanh toán và tham gia các sàn giao dịch TMĐT lớn. Một số DN đã quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, sử dụng 2 ngôn ngữ (tiếng Anh và tiếng Việt) cho trang web của đơn vị mình; cung cấp các tiện ích dịch tự động, xác nhận đơn hàng qua thư điện tử, tin nhắn; hỗ trợ trực tuyến...

Sàn TMĐT Thanh Hóa có địa chỉ

website là thuongmaidientuthanhhoa.vn sau khi đi vào hoạt động đã đăng thông tin quảng bá, giới thiệu hơn 300 sản phẩm, dịch vụ của gần 40 DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh. Trong đó, nhiều sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP của tỉnh được người tiêu dùng ưa chuộng, như: chè lam Phủ Quảng, mắm tôm Ba Làng... Tham gia sàn TMĐT Thanh Hóa, các DN được hỗ trợ đăng ký thành viên miễn phí; cập nhật thông tin về sản phẩm; hướng dẫn, tư vấn về kỹ thuật xử lý hình ảnh, đăng tải thông tin sản phẩm; hỗ trợ xây dựng website TMĐT mới...

Giám đốc Công ty TNHH Chế biến hải sản Ba Làng (phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn) Nguyễn Văn Tuyến cho biết: “Là đơn vị chuyên sản xuất các loại nước mắm, mắm tôm, mắm tép chưng thịt, chúng tôi luôn cố gắng để sản phẩm được khách hàng biết đến rộng rãi. Cùng với phương thức bán hàng truyền thống thông qua các siêu thị, cửa hàng tiện ích... cơ sở còn đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá, bán hàng trên các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội. Khách mua hàng qua phương thức này tăng lên rõ rệt, riêng năm 2022 chiếm hơn 20% tổng lượng hàng bán ra”.

Năm 2022, Chỉ số TMĐT của tỉnh xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, cho thấy cách thức mua sắm của người dân trên địa bàn đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Dễ nhận thấy nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 lượng khách đặt hàng trực tuyến tại kênh mua sắm ở các siêu thị, trung tâm thương mại của tỉnh tăng đến 30% so với trước khi xảy ra dịch. Nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cũng tạo cơ hội mới cho các DN tham gia thị trường và giải quyết vấn đề tiêu thụ, bán hàng.

Bà Nguyễn Thạch Thảo, quản lý cửa hàng điện máy Dũng Hiền, đường Cao Thắng (TP Thanh Hóa) cho biết: Đối với nhóm hàng máy móc thì việc mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm khá phức tạp và tốn kém cả về chi phí vận chuyển hàng hóa, chưa kể việc trao đổi giữa người sản xuất và khách hàng trong quá trình mua bán và bảo hành sản phẩm. Trước đây khách hàng và chủ cơ sở phải trực tiếp gặp nhau, ngồi tư vấn cả buổi mới xong việc; rồi việc vận chuyển máy móc đến tận xưởng để bảo dưỡng. Đến nay, cửa hàng đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá, bán hàng qua mạng nhờ các sàn giao dịch TMĐT (Shopee, Lazada) và các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok...) nên khách hàng và nhà cung cấp dễ dàng trao đổi trực tiếp bằng hình ảnh, hiệu quả công việc cao hơn. Cơ sở dễ dàng tư vấn cho khách sử dụng máy phù hợp với yêu cầu công việc; tư vấn cặn kẽ cách lắp đặt máy, hướng dẫn người dùng xử lý sự cố chính xác... TMĐT đang là phương thức kinh doanh rất hiệu quả đối với cửa hàng trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, hiện nay DN trên địa bàn Thanh Hóa đa số là DN vừa và nhỏ, việc ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng TMĐT vào kinh doanh chưa cao; vẫn còn thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt; hoạt động thanh toán trực tuyến chưa phát triển. Nhiều DN đã xây dựng website nhưng chỉ dừng ở mức giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh, giá mua, bán; chưa tích hợp được các dịch vụ tiện ích khác như tạo hợp đồng, thanh toán trực tuyến... cho một quy trình giao dịch TMĐT khép kín. Vì vậy, để đưa TMĐT trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến, các cấp, ngành của tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng website phù hợp với mô hình sản phẩm của từng đơn vị. Đồng thời, hỗ trợ DN đưa các mặt hàng có chất lượng trên địa bàn tỉnh vào hệ thống các siêu thị, sàn TMĐT, tham gia triển lãm trực tuyến, kết nối cung cầu sản phẩm hàng hóa dịch vụ; hỗ trợ để các DN của tỉnh tham gia các diễn đàn hợp tác quốc tế và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu xuyên biên giới trong lĩnh vực TMĐT.

Bài và ảnh: Chi Phạm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]