(Baothanhhoa.vn) - Du lịch vốn là một trong những ngành nhận được rất nhiều sự quan tâm và kỳ vọng về khả năng phục hồi trở lại. Song, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, cùng với bài toán tăng trưởng là không ít vấn đề đang đặt ra và cần câu trả lời. Một trong số đó là tạo chỗ dựa cho doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn của dịch bệnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tạo chỗ dựa cho doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn của dịch bệnh

Du lịch vốn là một trong những ngành nhận được rất nhiều sự quan tâm và kỳ vọng về khả năng phục hồi trở lại. Song, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, cùng với bài toán tăng trưởng là không ít vấn đề đang đặt ra và cần câu trả lời. Một trong số đó là tạo chỗ dựa cho doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn của dịch bệnh.

Tạo chỗ dựa cho doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn của dịch bệnh

Hướng dẫn viên giới thiệu cho du khách tham quan Khu di tích Lam Kinh.

Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh là một trong những điểm đến được du khách đánh giá cao. Bởi, Lam Kinh không chỉ thu hút bằng các giá trị lịch sử - văn hóa và vẻ đẹp di sản; mà còn bằng văn hóa du lịch, thể hiện ở cung cách giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự đã được nâng lên một bậc so với nhiều khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Có được điều này là bởi ngành văn hóa, thể thao và du lịch nói chung, Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh nói riêng, luôn chú trọng đến yếu tố chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, đội ngũ hướng dẫn viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng thuộc top đầu của du lịch Thanh Hóa. Tuy nhiên, đây cũng là đội ngũ đã và đang chịu nhiều áp lực, khó khăn kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, chia sẻ: “Vào những đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh, mọi hoạt động đón tiếp, phục vụ khách du lịch của đơn vị phải tạm hoãn. Điều này cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của cán bộ, viên chức, người lao động. Hiện đơn vị có 4 hướng dẫn viên, trong đó 3 người thuộc diện lao động hợp đồng. Trước đây, ngoài tiền lương, hướng dẫn viên còn có thêm thu nhập từ nguồn thu của đơn vị (đón khách tham quan). Nhưng hiện nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, lượng khách suy giảm và hoạt động của đơn vị cũng thu hẹp vào một số nhiệm vụ chuyên môn, vệ sinh môi trường, do đó, nguồn thu thêm rất hạn chế. Mặc dù khó khăn, song đơn vị cũng rất nỗ lực để chi trả lương và đóng bảo hiểm, giúp người lao động yên tâm công tác, gắn bó lâu dài”.

Không chỉ đội ngũ lao động tại các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú gặp khó; mà nhiều lao động tại các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên thuộc quân số của các đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên tự do cũng đang lao đao vì dịch bệnh. Các chương trình kích cầu không thể triển khai; các gói sản phẩm mới, các tour, tuyến, các điểm đến du lịch... phần đa đang trong tình trạng “ế ẩm”. Do vậy, hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là lữ hành thời điểm này gần như “đóng băng”, buộc hướng dẫn viên phải nghỉ việc để tìm kế khác mưu sinh; hoặc vừa duy trì việc vừa xoay đủ nghề để trang trải cuộc sống. Theo số liệu thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 40.600 lao động du lịch trực tiếp; 925 cơ sở lưu trú du lịch; 29 doanh nghiệp lữ hành (trong đó có 8 doanh nghiệp lữ hành quốc tế). Suốt gần 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát, lây lan nhanh và ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, khiến ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề. Trong đó, các đơn vị lưu trú, lữ hành và đội ngũ lao động du lịch trực tiếp là những đối tượng đã và đang gặp nhiều khó khăn.

Trước “khủng hoảng” đại dịch, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Hồng Đức đã tiến hành một khảo sát đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến hoạt động của doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa. Đối tượng khảo sát đa phần là doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Kết quả cho thấy, có đến 85,5% doanh nghiệp bị tác động xấu bởi dịch COVID-19, khiến doanh thu, thị phần và lợi nhuận đều sụt giảm. Trong đó, doanh nghiệp chịu “tác động kép” do lượng khách hàng sụt giảm, gánh nặng trả lương và lãi vay ngân hàng chiếm tới 67% tổng số doanh nghiệp được khảo sát. Các doanh nghiệp du lịch của tỉnh ta đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong số này, có không ít doanh nghiệp đã phải trải qua năm 2020 đầy “sóng gió”, khi lượng khách và doanh thu du lịch đều giảm đáng kể. Còn từ đầu năm 2021 đến nay, dù tỉnh ta cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng nhiều tỉnh/thành trong cả nước lại đang phải đối mặt với sự hoành hành của dịch bệnh COVID-19. Do đó, lượng khách đến Thanh Hóa từ đầu năm đến nay đều sụt giảm so với chỉ tiêu đề ra. Kéo theo đó là nhiều khó khăn tiếp tục đè lên vai các doanh nghiệp và người lao động du lịch.

Trước những tác động bất lợi của dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và nhờ các gói kích thích kinh tế được triển khai mà nhiều doanh nghiệp du lịch đã được hưởng lợi. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để tạo thêm “xung lực” giúp các doanh nghiệp đứng vững và vượt qua giai đoạn khó khăn, cần có thêm chính sách hỗ trợ hiệu quả và kịp thời, đặc biệt là chính sách về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, vốn vay, lãi suất ngân hàng, đóng góp các loại quỹ... Mới đây nhất, ngày 1-7-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong đó, có 2 chính sách liên quan trực tiếp đến lĩnh vực du lịch. Cụ thể, đối với chính sách cho vay trả lương phục hồi sản xuất: người sử dụng lao động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết 31-3-2022 được vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch, bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian từ 1-5-2021 đến hết 31-12-2021, thì được hỗ trợ một lần với mức 3.710.000 đồng/người.

Đó là giải pháp có tính cấp bách trước mắt, còn về lâu dài, cần tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phát triển du lịch; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh. Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động và sẵn sàng tâm thế đối diện với khủng hoảng do dịch bệnh. Đó là chủ động nguồn lực và nhân sự cho công tác quản trị rủi ro; lồng ghép các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị vào chương trình sản xuất, kinh doanh... Bởi, có nhận định cho rằng, những doanh nghiệp xây dựng được mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững, thì khả năng chống chịu trước các rủi ro sẽ cao hơn và kiên cường hơn.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên


Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]